Trong Bí tích Thánh tẩy Thiên Chúa ban cho chúng ta thần dược bất tử
Lạy Chúa, xin thương nhận lời cầu và của lễ chúng con dâng tiến Chúa để lễ tế này, khơi nguồn từ Mầu nhiệm Vượt qua, trở nên thần dược đem lại cho chúng con sức sống muôn đời.
Trong Bí tích Thánh tẩy Thiên Chúa ban cho chúng ta thần dược bất tử
Lễ Vọng Phục Sinh – Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô – Thứ Bảy Tuần Thánh, 3/4/2010
Anh chị em thân mến,
Một câu chuyện thần thoại cổ xưa của người Do Thái, được trích từ Sách ngụy thư: “Cuộc sống của Ađam và Eva”, kể lại rằng, trong cơn bệnh cuối cùng của mình, Ađam đã sai con trai của mình là Set cùng với vợ là Eva vào vườn Địa đàng xin dầu thương xót đem về xức để được khỏi bệnh. Sau những lời van xin khóc lóc của hai người đi tìm cây sự sống, Tổng lãnh Thiên thần Micae trả lời là họ sẽ không lấy được dầu của cây thương xót và Ađam sẽ phải chết. Sau này, các độc giả Kitô giáo đã thêm vào trong câu trả lời của Tổng lãnh Thiên thần một câu nói an ủi. Tổng lãnh Thiên thần tuyên bố 5,500 năm sau, Đức Kitô vị Vua đáng mến, là Con Thiên Chúa, sẽ đến và Người sẽ xức dầu thương xót cho tất cả những ai tin vào Người. “Dầu của lòng thương xót, từ đời này qua đời khác, sẽ được ban cho tất cả những ai được tái sinh bằng nước và Thánh Thần. Lúc đó Con của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, là Đức Kitô, sẽ xuống âm phủ và dẫn đưa thân phụ của ngươi về Thiên đàng, bên cạnh cây thương xót”. Qua câu chuyện thần thoại này, mọi u sầu của con người, khi đối diện với định mệnh về bệnh tật, đau khổ và chết chóc, đã trở nên hữu hình. Sự kháng cự của con người khi đối diện với cái chết đã trở nên hiển nhiên: đã nhiều lần con người nghĩ rằng ở một nơi nào đó chắc chắn phải có một loại thảo dược chống lại cái chết. Chóng hay chầy, người ta phải tìm ra loại thuốc, không những chữa trị được cơn bệnh này hay cơn bệnh kia, mà còn chống lại được định mệnh thực sự của con người, đó là cái chết. Tóm lại, phương dược bất tử phải có. Ngày hôm nay cũng thế, con người đang đi tìm chất chữa trị này. Y học hiện nay đang cố gắng, không những loại trừ cái chết theo nghĩa đen, mà còn loại bỏ nhiều nhất có thể những nguyên nhân gây nên cái chết; cố gắng mang lại cho con người một cuộc sống luôn tốt đẹp hơn và trường thọ hơn. Nhưng chúng ta sẽ suy nghĩ thêm một chút: nếu thực sự được như thế thì sẽ ra sao, khi con người, có lẽ không hoàn toàn loại bỏ được cái chết, nhưng có thể đẩy lui được cái chết, có thể sống hàng mấy trăm năm thì đó có phải là một điều tốt đẹp không? Nhân loại sẽ già đi theo một tỉ lệ hết sức lạ thường, và sẽ không còn chỗ cho giới trẻ nữa. Khả năng canh tân sẽ bị dập tắt, và một cuộc sống không hề chấm tận sẽ không phải là một thiên đàng mà là một án phạt. Dược thảo đích thực chống lại cái chết phải khác đi. Loại dược thảo này sẽ không đơn thuần kéo dài vô tận cuộc sống hiện nay. Dược thảo ấy phải biến đổi cuộc đời chúng ta ngay từ bên trong. Dược thảo ấy phải tạo nên trong chúng ta một cuộc sống mới, thực sự có khả năng hướng đến vĩnh cửu: dược thảo ấy phải biến đổi chúng ta đến độ chúng ta không còn phải chấm dứt với cái chết, nhưng chỉ bắt đầu một cách viên mãn cùng với cái chết. Nét mới mẻ và điều lạ thường của sứ đệp Kitô giáo, của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, đã và bây giờ vẫn còn là điều chúng ta đã được nghe nói tới: vâng, loại dược phẩm chống lại cái chết này, phương dược thực sự mang lại bất tử vẫn có đó. Người ta đã tìm thấy nó. Người ta có thể tiếp cận được nó. Trong Bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phương dược này. Một cuộc sống mới đang bắt đầu trong chúng ta, một cuộc sống mới đang chín muồi trong đức tin và không hề bị cái chết của cuộc sống cũ xoá nhoà, nhưng cuộc sống này, chỉ vào lúc đó, mới được hoàn toàn biểu lộ.
Về điểm này, một số người, hay có lẽ là nhiều người, sẽ trả lời: chắc chắn là tôi có thể nhận thức được sứ điệp này, nhưng tôi lại thiếu đức tin. Cũng thế, những ai muốn tin cũng đều đặt câu hỏi: nhưng thực sự có phải như thế không? Chúng ta phải tưởng tượng điều này như thế nào? Cuộc sống cũ này phải được biến đổi như thế nào, để cho cuộc sống mới không hề biết đến cái chết sẽ được hình thành trong nó. Lại một lần nữa, một bản văn Do Thái cổ có thể giúp chúng ta có được một ý tưởng về tiến trình huyền nhiệm đang bắt đầu trong con người chúng ta qua Bí tích Thánh tẩy. Câu chuyện kể lại rằng tổ phụ Énoch được cất về trời lên đến tận ngai Thiên Chúa. Nhưng người cảm thấy run sợ trước quyền năng vinh quang của các sứ thần, và trong nỗi yếu hèn của con người, tổ phụ không thể nào chiêm ngưỡng được Gương mặt của Thiên Chúa. “Lúc đó Đức Chúa nói cùng Micae – Sách Énoch kể tiếp –: “Hãy túm lấy Énoch và hãy cởi bỏ y phục trần gian của ông. Hãy xức cho ông dầu êm dịu và hãy mặc cho ông y phục vinh quang!” Và Micae cởi bỏ y phục của tôi, người xức cho tôi dầu êm dịu, một loại dầu sáng hơn cả một luồng sáng rực rỡ… Ánh quang của dầu tựa tia thái dương. Khi tôi nhìn thấy mình, tôi thấy mình như thể một trong những hữu thể vinh quang” (Ph. Rech, Inbild des Kosmos, II 524).
Chính điều này – sự kiện mặc lấy y phục mới của Thiên Chúa – đã xảy ra trong Bí tích Thánh tẩy; đó là điều mà đức tin Kitô giáo đã nói cho chúng ta. Thực thế, việc thay đổi y phục là một tiến trình kéo dài trong suốt cuộc đời. Điều đã xảy ra trong Bí tích Thánh tẩy là khởi đầu của một tiến trình bao gồm cả cuộc đời chúng ta – làm cho chúng ta có khả năng sống vĩnh cửu, để trong chiếc áo đầy ánh sáng của Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa và sống với Người mãi mãi. Trong nghi thức của Bí tích Thánh tẩy, biến cố này được diễn tả qua hai yếu tố hữu hình và được xem như một đòi hỏi cho cuộc đời sau này của chúng ta. Trước tiên là nghi thức từ bỏ và lời hứa. Trong thời Giáo Hội sơ khai, người chịu phép Thánh tẩy sẽ quay mặt về phía Tây, là biểu tượng của tối tăm, của cảnh mặt trời lặn, của cái chết, và do đó, biểu tượng cho ách thống trị của tội lỗi. Người chịu Phép Rửa tội sẽ quay mặt về hướng này và nói lên ba lần tiếng “không”: với ma quỷ, với những phù hoa của ma quỷ và tội lỗi. Qua từ “vẻ phù hoa” thực lạ lùng này nói lên vẻ tráng lệ của ma quỷ, ta muốn ám chỉ vẻ lộng lẫy của việc thờ cúng các thần linh ngày xưa, cũng như của hí trường ngày xưa, nơi khán giả cảm thấy vui sướng khi nhìn thấy những nạn nhân còn sống bị các thú dữ phanh thây. Như thế, ba tiếng từ bỏ này nói lên việc chúng ta từ chối một loại nền văn hoá lôi kéo con người tôn thờ quyền bính, tham lam của cải, hành động dối gian, sống độc ác. Hành động này giải phóng chúng ta khỏi một hình thức áp đặt đời sống được xem là một lạc thú, thế nhưng lại giết chết những phẩm chất tốt đẹp nhất trong con người. Sự từ bỏ này – với một diễn tiến ít kịch tính hơn – ngày hôm nay vẫn còn là một phần thiết yếu của Bí tích Thánh tẩy. Qua Bí tích này, chúng ta cởi bỏ “y phục cũ” mà chúng ta không thể mặc khi đứng trước tôn nhan Thiên Chúa. Hay đúng hơn, chúng ta bắt đầu từ bỏ chúng. Thực thế, khi chúng ta nói lên tiếng từ bỏ cũng là lúc chúng ta hứa nắm lấy bàn tay của Đức Kitô để Người hướng dẫn và mặc lại y phục cho chúng ta. Dầu là những “y phục” nào mà chúng ta cởi bỏ, dầu là lời hứa nào mà chúng ta nói lên, thì chúng ta vẫn làm sáng tỏ điều mà Phaolô gọi là “công việc của xác thịt”, khi chúng ta đọc trong chương năm Thư gửi tín hữu Galát – từ ám chỉ những y phục cũ mà chúng ta phải cởi bỏ. Phaolô đã nói như sau: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, cãi cọ, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác tương tự như thế” (Gl 5,19 tt). Đó là những y phục chúng ta cởi bỏ; đó là những y phục của cái chết.
Đoạn người sắp chịu Phép Rửa tội trong thời Giáo Hội sơ khai quay mặt về hướng đông – là biểu tượng của ánh sáng, biểu tượng của mặt trời mới của lịch sử, mặt trời mới mọc lên, biểu tượng của Đức Kitô. Người sắp được rửa tội xác định lại hướng đi mới của đời mình: tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và phó thác cho Người. Như thế, chính Thiên Chúa mặc cho chúng ta áo ánh sáng, áo của sự sống. Phaolô gọi những “y phục” mới này là “hoa quả của Thần Khí”, và Thánh nhân mô tả những y phục đó bằng những từ ngữ sau đây: “tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, tin tưởng, khiêm nhường và tự chủ” (Gl 5,22).
Sau đó, người sắp chịu Phép Rửa tội trong thời Giáo Hội sơ khai được thực sự cởi bỏ y phục. Người ấy bước xuống giếng rửa tội và được dìm xuống nước ba lần – biểu tượng của cái chết diễn tả tính triệt để của việc cởi bỏ và thay đổi y phục. Dầu sao chăng nữa thì cuộc sống này cũng dẫn đến cái chết, nên người sắp chịu Phép Rửa tội gửi gắm cuộc sống mình cho cái chết cùng với Đức Kitô, và nhờ Đức Kitô, họ để cho Chúa lôi kéo và đưa lên đến cuộc sống mới, một cuộc sống sẽ biến đổi họ để được sống đời đời. Rồi sau khi bước ra khỏi giếng rửa tội, người tân tòng được mặc y phục trắng, y phục ánh sáng của Thiên Chúa, và họ nhận nến cháy biểu tượng cho cuộc sống mới trong ánh sáng mà chính Thiên Chúa đã đốt lên trong lòng họ. Họ biết rõ điều này là mình đã nhận được phương dược bất tử, mà giờ đây, khi rước lễ, đã thành hiện thực. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận Thân xác Chúa Phục Sinh, được lôi kéo vào trong Thân xác của Người, được bảo vệ bởi Đấng đã chiến thắng cái chết và mang chúng ta đi qua cái chết. Qua dòng thời gian, các biểu tượng đã dần dà trở nên ít đi, nhưng biến cố chính yếu của Bí tích Thánh tẩy vẫn còn đó. Biến cố này không chỉ là một sự tắm rửa, lại càng không phải là một sự đón tiếp với phần nghi thức phức tạp vào trong một đoàn thể mới. Đó là chết và phục sinh, là tái sinh để sống đời sống mới.
Vâng, thảo dược chống lại cái chết vẫn có đó. Đức Kitô là cây sự sống mà giờ đây mọi người lại có thể tiến gần. Nếu chúng ta đồng hình đồng dạng với Người, thì lúc đó, chúng ta ở trong sự sống. Chính vì thế, trong đêm Vọng Phục Sinh này, với hết cả tâm hồn, chúng ta hát bài ca Alléluia, bài ca của niềm vui, bài ca không cần ngôn từ. Chính vì thế, Thánh Phaolô có thể nói với tín hữu thành Philípphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa; tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên” (Pl 4,4). Niềm vui không thể đặt mua. Người ta chỉ có thể trao ban niềm vui. Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta niềm vui: đó là sự sống thực. Từ nay, chúng ta luôn được gìn giữ trong tình yêu của Đấng mà mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban tặng (x. Mt 28,18). Vì tin chắc mình được nhận lời, do đó, qua lời nguyện tiến lễ mà Giáo Hội dâng lên Chúa trong đêm cực thánh này, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương nhận lời cầu và của lễ chúng con dâng tiến Chúa để lễ tế này, khơi nguồn từ Mầu nhiệm Vượt qua, trở nên thần dược đem lại cho chúng con sức sống muôn đời. Amen.