Sách “Hướng dẫn về đời sống và thừa tác vụ linh mục”, ấn bản mới
Bộ Giáo sĩ vừa phát hành ấn bản mới của “Sách Hướng dẫn về đời sống và thừa tác vụ linh mục”. Lý do của ấn bản mới này được Bộ giải thích ngay trong Lời nói đầu: Khuynh hướng thế tục hoá phát triển rất mạnh trong những thập kỷ gần đây đã buộc Huấn Quyền phải đưa ra quan điểm rõ ràng.
Sách “Hướng dẫn về đời sống và thừa tác vụ linh mục”, ấn bản mới
WHĐ (29.03.2013) – Bộ Giáo sĩ vừa phát hành ấn bản mới của “Sách Hướng dẫn về đời sống và thừa tác vụ linh mục”. Lý do của ấn bản mới này được Bộ giải thích ngay trong Lời nói đầu: Khuynh hướng thế tục hoá phát triển rất mạnh trong những thập kỷ gần đây đã buộc Huấn Quyền phải đưa ra quan điểm rõ ràng.
Sách Hướng dẫn đề cập đến việc đào tạo và đời sống thiêng liêng của các linh mục, nhắc lại “ý định kiên quyết của Giáo Hội là duy trì luật buộc sống độc thân vĩnh viễn do tự do lựa chọn đối với các ứng viên linh mục thuộc Nghi lễ Latinh”, nhưng cũng nói đến những khía cạnh rất thực tế, chẳng hạn như đức vâng lời hoặc tầm quan trọng của tu phục.
Cần lưu ý rằng Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, trước khi được bầu làm Giám mục Roma, đã là thành viên của Bộ Giáo sĩ, và ngài đã được tham khảo trong việc soạn thảo và ấn hành tài liệu này. Ấn bản mới được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chuẩn nhận vào ngày 14-1 và xuất bản ngày 11-2-2013.
Ấn bản cũ đã được Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II chuẩn nhận và cho phép ấn hành vào ngày 31-1-1994. Bộ trưởng Bộ giáo sĩ lúc ấy là Đức Hồng y José T. Sanchez.
Sau đây là Lời nói đầu của ấn bản mới (trích):
Hiện tượng “thế tục hoá”, hay nói cách khác, khuynh hướng sống theo chiều ngang, mà bỏ qua chiều kích siêu việt của hiện hữu tuy vẫn chấp nhận vấn đề tôn giáo, liên quan đến mọi người đã được rửa tội. Hiện tượng này lan rộng trong những thập kỷ gần đây đã buộc những ai được Thiên Chúa uỷ quyền hướng dẫn Giáo Hội phải có quan điểm rõ ràng.
Một trong những ảnh hưởng tai hại nhất của khuynh hướng này là người ta không còn sống đạo, đồng thời khước từ cả kho tàng đức tin theo như Huấn quyền Công giáo giảng dạy, lẫn quyền hạn và vai trò của các thừa tác viên thánh được Chúa Kitô kêu gọi (x. Mc 3,13-19) cộng tác vào kế hoạch cứu độ và hướng dẫn con người đến chỗ vâng phục đức tin (x. Hc 48,10; Dt 4,1-11; Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 144 tt). Điều ấy có khi là chủ ý, có khi do thói quen được hình thành một cách ngấm ngầm từ một nền văn hóa muốn loại bỏ Kitô giáo ra khỏi xã hội dân sự.
Do đó, ngay từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đặc biệt quan tâm và tái xác định giá trị của Giáo lý Công giáo như một hệ thống chặt chẽ của sự khôn ngoan được Thiên Chúa chính thức mạc khải và hoàn tất nơi Chúa Kitô. Chân giá trị của giáo lý ấy không vượt tầm trí khôn của con người (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 27 tt). Nếu đúng là Giáo Hội tồn tại, sống và bền vững với thời gian nhờ sứ vụ truyền giáo (x. Ad Gentes), thì rõ ràng ảnh hưởng tai hại nhất của hiện tượng thế tục hóa đang lan tràn là sự khủng hoảng thừa tác vụ linh mục – một đàng, biểu hiện qua sự giảm sút con số ơn gọi thấy rõ, và đàng khác, qua việc người ta ngày càng đánh mất cảm thức siêu nhiên đích thực của sứ vụ linh mục – những hình thức giả trá bộc lộ tình trạng này là những suy thoái nghiêm trọng nhất, thường gây ra nhiều đau khổ.
Chính vì thế, suy nghĩ về tương lai của chức linh mục cũng là tương lai của việc loan báo Tin Mừng và do đó, cũng là tương lai của chính Giáo Hội.