26/12/2024

Lời kinh Linh mục của Đức Giêsu

Mầu nhiệm muôn đời của ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong lời kinh linh mục trở nên hữu hình: chức linh mục mới của Đức Giêsu Kitô được tiếp tục qua việc thánh hiến các Tông đồ, qua việc các môn đệ tham dự vào chức linh mục của Chúa

Lời kinh Linh mục của Đức Giêsu

Thánh lễ Tiệc lyVương cung Thánh đường Thánh – Gioan – Latran – Thứ Năm Tuần Thánh, 1/4/2010

Anh chị em thân mến,

Một cách bao quát hơn ba Thánh sử kia, Thánh Gioan, qua cách nhìn của mình, đã đưa chúng ta về diễn từ ly biệt của Đức Giêsu, được xem là chúc thư và là tổng hợp quan trọng của sứ điệp của Đức Giêsu. Trong phần đầu diễn từ là cảnh Chúa rửa chân cho các Tông đồ. Và qua hành động rửa chân, sự phục vụ mang tính cứu chuộc của Đức Giêsu dành cho nhân loại cần được thanh luyện đã được gồm tóm trong cử chỉ khiêm nhường này. Ở phần cuối, diễn từ của Đức Giêsu được biến thành lời nguyện, đó là Lời nguyện linh mục. Các nhà chú giải Thánh Kinh đã xác định được phần thâm sâu nhất của lời kinh này nằm trong nghi lễ xá tội của người Do Thái. Thanh tẩy thế giới, giao hoà với Thiên Chúa là ý nghĩa của ngày lễ và nghi lễ xá tội được thực hiện trong tác động của lời kinh linh mục, một lời kinh thể hiện trước cuộc Thương Khó, đồng thời lại biến cuộc Thương Khó thành lời kinh. Như thế, một cách hết sức đặc biệt, mầu nhiệm muôn đời của ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong lời kinh linh mục cũng trở nên hữu hình: chức linh mục mới của Đức Giêsu Kitô được tiếp tục qua việc thánh hiến các Tông đồ, qua việc các môn đệ tham dự vào chức linh mục của Chúa. Chúng ta không thể nào đào sâu hết được bản văn này, tôi chỉ muốn chọn ba câu nói của Đức Giêsu có thể dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm của ngày Thứ Năm Tuần Thánh một cách sâu xa hơn.

Trước tiên là câu nói sau đây: “Sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, là Thiên Chúa duy nhất và chân thực, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Mỗi hữu thể nhân văn đều muốn được sống. Họ ao ước một cuộc sống đích thực, tràn đầy, đáng sống, một cuộc sống tràn đầy niềm vui. Khát vọng sống đồng thời cũng gắn liền với sự kháng cự lại cái chết, thế nhưng, cái chết này, ta không thể nào lẩn tránh được. Khi Đức Giêsu nói về sự sống đời đời, Người muốn nói đến sự sống đích thực, sự sống thực, một sự sống đáng để cho chúng ta sống. Người không chỉ muốn nói đến sự sống đến sau cái chết. Người còn nói đến sự sống đích thực, một cuộc sống tràn đầy sự sống, và như thế, không lệ thuộc vào cái chết, nhưng trong thực tế, cuộc sống đó đã bắt đầu trên trần gian này rồi, hay đúng hơn, phải bắt đầu trong Người: chỉ khi nào chúng ta bắt đầu học sống một cách thực sự ngay từ bây giờ, chỉ khi nào chúng ta học sống cuộc sống này, một cuộc sống mà cái chết không thể nào cất đi được, thì lúc đó, lời hứa sự sống vĩnh cửu mới có ý nghĩa. Nhưng lời hứa này sẽ được ứng nghiệm như thế nào? Cuộc sống vĩnh cửu thực sự này là gì, một cuộc sống mà cái chết không thể nào tác hại được? Về vấn đề này, chúng ta đã nghe Đức Giêsu trả lời: sự sống thực, chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa, và Đấng Cha sai đến, là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hết sức ngạc nhiên khi nghe nói sự sống là nhận biết. Trước tiên, điều này có nghĩa sự sống là mối tương giao. Không ai nhận được sự sống từ chính mình, và chỉ sống cho chính mình. Chúng ta nhận được sự sống từ người khác, trong tương giao với người khác. Nếu đó là mối tương giao trong chân lý và tình yêu, là cho đi và lãnh nhận, thì mối tương giao này sẽ làm cho sự sống được viên mãn, sẽ làm cho sự sống được tươi đẹp. Nhưng cũng chính vì thế, phá huỷ mối tương giao, một việc làm chết chóc, sẽ làm cho chúng ta vô cùng đau đớn, sẽ làm cho sự sống bị đặt lại vấn đề. Chỉ có mối tương giao với Đấng là Sự Sống, mới có thể nâng đỡ đời sống tôi để vượt qua giòng nước tử thần, mới có thể dẫn tôi đi qua những giòng nước tử thần mà vẫn bình an vô sự. Trong nền triết học Hy Lạp, người ta đã tin rằng con người có thể tìm thấy sự sống đời đời, nếu họ liên kết với điều bất hoại – liên kết với chân lý, một chân lý vĩnh hằng. Như thế, có thể nói rằng ta phải tràn đầy chân lý để mang trong lòng mình bản chất của sự vĩnh hằng. Nhưng chỉ khi nào Chân lý là Ngôi vị, thì lúc đó Chân lý mới có thể giúp tôi vượt qua đêm đen chết chóc. Chúng ta gắn chặt vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Phục Sinh. Và như thế, chúng ta mới được Đấng chính là Sự Sống cưu mang. Trong mối tương giao này, chúng ta cũng sống khi băng qua cái chết, bởi vì Đấng là chính Sự Sống không bỏ rơi chúng ta.

Nhưng chúng ta hãy quay lại lời nói của Đức Giêsu: sự sống vĩnh cửu, đó là chúng nhận biết Cha, và Đấng Cha sai đến. Nhận biết Thiên Chúa trở nên sự sống vĩnh cửu. Dĩ nhiên ở đây, khi nói về ‘nhận biết’, ta hiểu đó là một cái gì lớn lao hơn một kiến thức bên ngoài, ví dụ, chẳng hạn chúng ta biết một nhân vật có tên tuổi qua đời lúc nào, và một phát minh được thực hiện vào năm nào. Biết theo nghĩa Sách Thánh, là trở nên một với người khác. Biết Thiên Chúa, biết Đức Kitô, có nghĩa là yêu mến Người, và một cách nào đó là trở nên một với Người, nhờ hiểu biết và yêu thương. Như thế, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên một cuộc sống đích thực, một cuộc sống thực, và như thế, cũng trở nên một cuộc sống vĩnh cửu, nếu chúng ta biết Đấng là nguồn suối phát sinh mọi hữu thể và mọi sự sống. Như thế, lời của Đức Giêsu trở nên lời mời gọi chúng ta: hãy trở nên bạn hữu của Đức Giêsu, hãy tìm biết Người càng ngày càng hơn! Hãy đối thoại với Người! Hãy học biết nơi Người cuộc sống chính trực, hãy trở nên nhân chứng của Người! Lúc đó chúng ta mới trở nên những con người biết yêu, và lúc đó chúng ta mới hành động một cách đúng đắn. Lúc đó chúng ta mới thực sự sống.

Trong Lời kinh Linh mục, Đức Giêsu đã hai lần nói đến việc mạc khải Danh Thiên Chúa “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con, thì Con đã cho họ biết Danh Cha” (c. 6). “Con đã cho họ biết Danh Cha, và sẽ còn làm cho họ biết hơn nữa, để tình Cha đã yêu thương Con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c. 26). Ở đây, Chúa liên tưởng tới cảnh tượng Bụi gai cháy sáng, và qua cảnh tượng này, đáp lại lời cầu xin của Môisen, Đức Chúa đã mạc khải Danh Người. Như thế, Đức Giêsu muốn nói rằng điều đã được bắt đầu trong Bụi gai cháy sáng, thì Người đã làm cho nó được ứng nghiệm; rằng trong Đức Giêsu, Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình cho Môisen, giờ đây tự mạc khải một cách trọn vẹn. Và như thế, Đức Giêsu muốn nói rằng Người đã hoàn thành công việc giao hoà; rằng tình yêu mà Thiên Chúa đã dùng để yêu Con của Người trong mầu nhiệm Ba Ngôi, giờ đây đang lôi kéo mọi người trong chuyển động tình yêu của Người. Nhưng điều đó có nghĩa là gì, khi ta nói rằng sự Mạc khải về Bụi gai bốc cháy đã được kiện toàn, đã hoàn toàn được ứng nghiệm? Biến cố Núi Hôrép không hệ tại những lời nói huyền nhiệm, ‘Danh’ mà Thiên Chúa mạc khải cho Môisen như dấu hiệu để nhận biết, nếu ta có thể nói được như thế. Cho biết tên của mình có nghĩa là có mối tương giao với người khác. Như vậy, Thiên Chúa mạc khải tên của mình có nghĩa Người là Đấng vô biên và tự mình hiện hữu đã có những mối tương giao với con người; có nghĩa là Thiên Chúa, nếu ta có thể nói được như thế, đi ra khỏi chính mình và trở nên một con người ở giữa chúng ta, một con người hiện diện giữa chúng ta và vì chúng ta. Như thế, đối với dân Israel, dưới danh xưng của Thiên Chúa, ta không chỉ thấy được một từ ngữ mang màu sắc huyền nhiệm, mà còn là sự kiện Thiên Chúa ở – cùng – chúng – ta. Theo Thánh Kinh, Đền thờ là nơi Danh Chúa ngự trị. Thiên Chúa không hề bị giam chặt trong một khoảng không gian vật chất nào đó; Thiên Chúa nghìn trùng vượt lên trên thế giới. Nhưng trong Đền thờ, Người hiện diện vì chúng ta như một con người mà ta có thể gọi tên – như Đấng muốn ở với chúng ta. Việc Thiên Chúa ở với con người đã được ứng nghiệm qua Con Thiên Chúa nhập thể. Điều đã bắt đầu trong Bụi gai cháy sáng đang được ứng nghiệm qua biến cố Nhập thể: Thiên Chúa xét như Con Người có thể được chúng ta gọi tên và ở gần chúng ta.

Thiên Chúa là một người trong chúng ta, nhưng tiên vàn, Người là Thiên Chúa vĩnh hằng và vô biên. Chúng ta có thể nói được rằng tình yêu của Người thoát ra khỏi con người của Thiên Chúa và bước vào trong chúng ta. Mầu nhiệm Thánh Thể, Thiên Chúa hiện diện dưới hình bánh hình rượu, là kết tinh cao cả nhất và mãnh liệt nhất của việc Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta. “Thực sự, Ngài là một vị Thiên Chúa ẩn giấu, Thiên Chúa của Israel”, Tiên tri Isaia đã thốt lên như thế khi ông cầu nguyện (45,15). Điều đó vẫn là một chân lý. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể nói: Ngài thực sự là một vị Thiên Chúa gần gũi, Ngài là một vị Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng ta. Ngài đã mạc khải cho chúng con mầu nhiệm của Ngài, và Ngài đã chỉ cho chúng con thấy khuôn mặt của Ngài. Ngài đã mạc khải chính mình và Ngài đã trao ban chính bản thân Ngài trong bàn tay của chúng con… Vào giờ phút này, tâm hồn chúng ta phải tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn, bởi vì Người đã mạc khải chính mình; bởi vì Người, Đấng Vô biên và Đấng mà trí khôn chúng ta không thể nào hiểu được, là vị Thiên Chúa gần gũi yêu mến chúng ta, vị Thiên Chúa mà chúng ta có thể biết và yêu mến.

Lời cầu xin nổi tiếng nhất trong Lời kinh Linh mục là cầu cho các môn đệ vào lúc đó cũng như những người trong tương lai được hợp nhất. Chúa nói: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này – nghĩa là cộng đoàn các môn đệ đang quy tụ trong Phòng Tiệc ly – nhưng cũng còn cầu cho những ai sẽ đón nhận lời họ mà tin vào Con: ước gì tất cả nên một, như Cha, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Ước gì chúng cũng trở nên một trong chúng ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (c. 20 tt; x. c. 11.13). Ở đây Chúa xin Chúa Cha điều gì? Tiên vàn, Chúa cầu nguyện cho các môn đệ lúc đó và cho các môn đệ của mọi thời đại sẽ đến sau này. Người nhìn về phía trước, hướng về khoảng rộng lớn của lịch sử mai hậu. Người thấy những nguy hiểm của mọi thời và Người phó dâng cộng đoàn này cho lòng Chúa Cha lân tuất. Và Người cầu xin Cha cho Giáo Hội và sự hợp nhất của Giáo Hội. Có người cho rằng từ Giáo Hội không thấy xuất hiện trong Phúc Âm theo Thánh Gioan – đúng là từ ekklesia không được nêu lên trong Phúc Âm này. Nhưng ở đây, ta lại thấy Giáo Hội xuất hiện qua những đặc tính thiết yếu của mình như cộng đoàn môn đệ gồm những người, nhờ lời các Tông đồ rao giảng, sẽ tin vào Đức Giêsu Kitô và như thế trở nên một với Người. Đức Giêsu cầu nguyện cho Giáo Hội là duy nhất và tông truyền. Như thế, lời kinh này chính xác là một hành động sáng lập Giáo Hội. Đức Giêsu xin Cha ban Giáo Hội. Giáo Hội được khai sinh từ lời kinh của Đức Giêsu và nhờ lời loan báo của các Tông đồ, là những người làm cho Danh Thiên Chúa được mọi người biết đến, và dẫn đưa con người đến hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu. Như vậy, Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ tiếp tục loan báo Tin Mừng dọc suốt thời gian; Người cầu nguyện cho lời loan báo này quy tụ mọi người, và nhờ đó, mọi người nhận biết Thiên Chúa và Đấng Người sai đến là Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Và Người cầu xin cho mọi người nhận biết đức tin, và nhờ đức tin, đi đến với tình yêu. Người cầu xin Cha cho những tín hữu này “nên một trong chúng ta” (c. 21); cầu cho họ sống, nếu ta có thể nói được như thế, trong mối hiệp thông với Thiên Chúa và với Đức Giêsu Kitô, và nhờ mối hiệp thông này, cho sự hợp nhất hữu hình của Hội Thánh được xây dựng. Hai lần Chúa nói sự hợp nhất này sẽ làm cho thế gian tin vào sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô. Thực thế, đó phải là một sự hợp nhất hữu hình – một sự hợp nhất vượt ra ngoài khả năng của con người đến độ nó trở nên một dấu chỉ cho thế giới và xác nhận sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô.

Lời kinh của Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng lời các Tông đồ loan báo sẽ luôn được tiếp tục trong dòng lịch sử; rằng lời loan báo này sẽ luôn làm phát sinh đức tin và làm cho mọi người được hợp nhất – một sự hợp nhất làm chứng cho sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô. Nhưng lời kinh này cũng luôn làm cho chúng ta tự vấn lương tâm. Vào giờ phút này, Chúa cũng hỏi chúng ta: nhờ đức tin, con có sống hiệp thông với Ta cũng như hiệp thông với Thiên Chúa không? Hay đúng hơn, con chỉ sống cho con, và như thế là con đã lạc xa đức tin? Và như thế, con đã không phải là thủ phạm gây chia rẽ và làm lu mờ sứ mệnh của Ta trong thế gian, ngăn cản mọi người đi đến với tình yêu Thiên Chúa sao? Tất cả những gì đe doạ và phá huỷ sự hợp nhất mà Người đã và còn đang thấy đã một phần tạo nên cuộc Thương khó lịch sử của Đức Giêsu, và vẫn còn tạo nên cuộc Thương khó của Người còn kéo dài trong lịch sử. Khi suy niệm về cuộc Thương khó của Chúa, chúng ta cũng thấy được nỗi đau của Đức Giêsu do sự kiện chúng ta sống mâu thuẫn với lời kinh của Người; do sự kiện chúng ta chống lại tình yêu của Người, chống lại sự hợp nhất, một sự hợp nhất phải làm cho thế gian nhận ra sứ mệnh của Người.

Trong giờ phút này, giờ phút mà Chúa Giêsu, qua Bí tích Thánh Thể Cực Thánh, đang trao ban chính mình – trao ban Mình và Máu của Người –, trao ban trong đôi tay và trong tâm hồn chúng ta, chúng ta muốn để cho lời kinh của Người tác động đến chúng ta. Chúng ta cũng muốn đi vào trong lời kinh của Người, và chúng ta cầu xin Người như sau: Vâng, lạy Chúa, xin cho chúng con biết tin vào Chúa, Đấng là một với Cha trong Thánh Thần. Xin cho chúng con được sống trong tình yêu Chúa, và như thế, được trở nên một với Chúa, như Chúa là một với Cha, để cho thế gian tin. Amen.