26/12/2024

Dầu – dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa và sự hoan lạc của Thánh Thần

Dầu là dấu chỉ lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng luôn tác động trong tâm hồn chúng ta: qua Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm Sức là Bí tích của Thánh Thần, Bí tích Truyền Chức Thánh với nhiều mức độ khác nhau, và cuối cùng, qua Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, chúng ta có thể nói được là Thiên Chúa ban tặng dầu cho chúng ta làm phương dược chữa trị, mà nhờ đó chúng ta xác tín về lòng tốt lành của Thiên Chúa

 Dầu – dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa
và sự hoan lạc của Thánh Thần

Thánh lễ làm phép DầuVương cung Thánh đường Vatican – Thứ Năm Tuần Thánh, 1/4/2010

 

Anh chị em thân mến,

Bí tích là trọng tâm phụng tự của Giáo Hội. Trước tiên, Bí tích có nghĩa không phải chúng ta là người làm một cái gì đó, nhưng trước tiên, chính Thiên Chúa, qua tác động thần linh, đã đến gặp chúng ta, nhìn chúng ta và dẫn chúng ta về với Ngài. Và ngoài ra, còn có cái gì khác đặc biệt hơn: Thiên Chúa đụng chạm đến chúng ta nhờ các thực tại vật chất, xuyên qua các sản vật trong công trình sáng tạo mà Người đã sắp đặt để phục vụ Ngài, khi biến chúng thành những công cụ để Ngài gặp gỡ chúng ta. Các yếu tố trong công trình sáng tạo phục vụ cho thế giới các Bí tích gồm có bốn yếu tố: nước, bánh làm từ lúa mì, rượu nho và dầu ô liu. Nước, được xem là yếu tố nền tảng và là điều kiện cơ bản cho bất cứ sự sống nào, là dấu hiệu thiết yếu của hành động mà qua đó, trong Bí tích Thánh Tẩy, ta trở nên Kitô hữu, là dấu chỉ của việc tái sinh để sống đời sống mới. Trong khi nước là yếu tố trọng yếu nói chung, và do đó, biểu thị cho cánh cửa để mọi người bước vào đời sống mới làm con Chúa, thì ba yếu tố kia lại thuộc về văn hoá của thế giới Địa Trung Hải. Nói cách khác, ba yếu tố này quy về bối cảnh lịch sử cụ thể phát sinh Kitô giáo. Thiên Chúa hành động trong một địa điểm được xác định một cách rõ ràng trên trái đất này, Người đã thực sự viết nên trang sử cùng với con người. Ba yếu tố này, một mặt là những sản phẩm của công trình sáng tạo, và mặt khác, chúng lại quy chiếu về những địa điểm lịch sử của Thiên Chúa với con người. Chúng là một tổng hợp giữa công trình sáng tạo và lịch sử: những sản vật này luôn liên kết chúng ta với những địa điểm của thế giới này, thế giới mà trong đó Thiên Chúa đã muốn hành động với chúng ta qua dòng lịch sử, thế giới mà trong đó Thiên Chúa đã muốn trở nên một người ở giữa chúng ta.

Trong ba yếu tố này, lại một lần nữa, ta thấy có cả một sự tiệm tiến. Bánh quy về cuộc sống thường nhật. Bánh là hồng ân cơ bản giúp chúng ta sống ngày này qua ngày khác. Rượu nho quy về ngày lễ hội, về sự êm dịu của công trình sáng tạo, mà qua đó, niềm vui của những người được cứu chuộc đồng thời cũng có thể được diễn tả một cách hết sức đặc biệt. Dầu ô liu có một ý nghĩa to lớn. Dầu là thực phẩm, dầu là thuốc men; dầu mang lại vẻ đẹp, tập luyện để chiến đấu và mang lại sức khoẻ. Các bậc vua chúa và các tư tế được xức dầu, và như thế, dầu là dấu hiệu của phẩm giá và trách nhiệm, cũng như của sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Trong danh xưng ‘Kitô hữu’ của chúng ta, ta thấy có đề cập đến mầu nhiệm của dầu. Thực thế, từ ‘Kitô hữu’ phái sinh từ chữ ‘Kitô’ được dùng để chỉ các môn đệ của Đức Kitô xuất thân từ ngoại giáo, khi họ được tái sinh làm con cái Giáo Hội, (Cv 11,20-21). Còn từ ‘Kitô’ được dịch từ chữ Hy Lạp ‘Messie’ có nghĩa là ‘được xức dầu’. Là Kitô hữu có nghĩa là: xuất phát từ Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô, thuộc về Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa, thuộc về Đấng mà Thiên Chúa đã ban vương quyền và chức tư tế; có nghĩa là thuộc về Đấng mà chính Thiên Chúa đã xức dầu – không phải bằng một thứ dầu vật chất, nhưng bằng Đấng mà dầu thánh biểu thị: bằng Thánh Thần của Thiên Chúa. Như thế, dầu ô liu đặc biệt biểu tượng cho con người Đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu.

Các loại dầu thánh là trọng tâm của hành động phụng vụ trong Thánh lễ làm phép Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Các loại dầu thánh này được Đức Giám mục thánh hiến trong nhà thờ chánh toà để dùng cho suốt năm phụng vụ. Như thế, các loại dầu thánh cũng biểu lộ mối dây hợp nhất của Giáo Hội được bảo đảm nhờ Giám mục đoàn, và các loại dầu thánh này quy về Đức Kitô, là “mục tử” đích thực “và là người coi sóc các linh hồn”, theo như kiểu nói của Thánh Phêrô (x. 1P 2,25). Và đồng thời, các loại dầu thánh này cũng tạo nên mối dây hợp nhất cho cả năm phụng vụ được gắn liền vào trong mầu nhiệm của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Sau cùng, các loại dầu thánh này cũng quy về Vườn Cây Dầu, mà chính tại nơi đây Đức Giêsu đã chấp nhận trong lòng cuộc Khổ Nạn của Người. Tuy nhiên, Vườn Cây Dầu cũng là nơi Người về trời cùng Chúa Cha, và do đó, Vườn Cây Dầu là nơi Chúa cứu chuộc nhân loại: Thiên Chúa đã không bỏ rơi Đức Giêsu trong cõi âm ti. Đức Giêsu luôn sống bên cạnh Chúa Cha, và chính vì thế, Người hiện diện khắp nơi, Người luôn ở gần chúng ta. Mầu nhiệm Núi Cây Dầu cũng luôn chủ động trong Dầu Bí tích của Giáo Hội. Trong bốn Bí tích, dầu là dấu chỉ lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng luôn tác động trong tâm hồn chúng ta: qua Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm Sức là Bí tích của Thánh Thần, Bí tích Truyền Chức Thánh với nhiều mức độ khác nhau, và cuối cùng, qua Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, chúng ta có thể nói được là Thiên Chúa ban tặng dầu cho chúng ta làm phương dược chữa trị, phương dược mà nhờ đó, ngay từ bây giờ, chúng ta xác tín về lòng tốt lành của Thiên Chúa, phải làm cho chúng ta được mạnh sức và an ủi chúng ta, nhưng đồng thời, cũng đưa chúng ta vượt qua bên kia giây phút của bệnh tật, để hưởng được ơn chữa lành sau cùng, để được phục sinh (x. Gc 5,14). Như thế, dầu thánh, dưới nhiều hình thức khác nhau, cùng đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời: bắt đầu bằng thời gian dự tòng và Bí tích Thánh tẩy, cho đến giây phút chúng ta chuẩn bị để gặp Thiên Chúa là Quan Án và là Đấng Cứu Chuộc. Cuối cùng, trong Thánh lễ làm Phép Dầu, dấu chỉ Bí tích của dầu thánh được trình bày như ngôn ngữ của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh lễ Làm phép Dầu đặc biệt nói với chúng ta là những linh mục về Đức Kitô được Thiên Chúa xức dầu làm Vua và Tư tế – nói về Đức Kitô là Đấng, trong ngày chúng ta được thụ phong, đã làm cho chúng ta được tham dự vào chức tư tế của Người, tham dự vào việc Người được “xức dầu”.

Do đó, tôi muốn cắt nghĩa một cách ngắn gọn về mầu nhiệm của dấu hiệu thánh thiện này trong tương giao thiết yếu với ơn gọi linh mục. Trong những từ nguyên bình dân, ngay từ thời thượng cổ, từ Hy Lạp ‘elaion’ – dầu – được gắn liền với từ ‘eleos’ – lòng thương xót  - . Thực ra, trong các Bí tích, dầu thánh luôn là dấu chỉ lòng Chúa thương xót. Chính vì thế, xức dầu thánh để làm linh mục cũng có nghĩa là lãnh trách nhiệm mang lòng nhân từ của Thiên Chúa cho con người. Dầu của lòng thương xót không bao giờ được thiếu trong đèn cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy luôn cung cấp kịp thời cho mình loại dầu đó từ nơi Chúa – qua việc gặp gỡ Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích, và cầu nguyện.

Qua câu chuyện chim bồ câu với nhành ô liu loan báo cơn lụt hồng thuỷ đã kết thúc, và như thế, nói lên nền hoà bình mới của Thiên Chúa với thế giới của con người, không những chim bồ câu, nhưng còn chính nhành ô liu, và ngay cả dầu ô liu cũng đã trở nên biểu tượng của hoà bình. Các Kitô hữu sống vào những thế kỷ đầu tiên thường thích trang trí ngôi mộ của những người thân quá cố bằng vòng triều thiên chiến thắng và nhành cây ô liu, là biểu tượng của hoà bình. Họ biết rằng Đức Kitô đã chiến thắng cái chết, và rằng những người thân qua đời của họ đang an nghỉ trong hoà bình của Đức Kitô. Ngay chính họ, họ cũng biết rằng Đức Kitô đang chờ đợi họ, Người là Đấng đã hứa cho họ bình an mà thế gian không thể nào ban tặng được. Họ nhớ lại lời đầu tiên mà Đấng Phục Sinh nói với những môn đệ của mình là: “Bình an cho các con” (Ga 20,19)! Ta cũng có thể nói được rằng chính Người mang nhành ô liu, Người đem bình an của Người vào trong trần gian. Người loan báo lòng tốt lành có sức cứu độ của Thiên Chúa. Người là bình an của chúng ta. Do đó, các Kitô hữu phải là những người mang lại bình an, những người nhận biết và sống mầu nhiệm Thập giá là mầu nhiệm giao hoà. Đức Kitô không chiến thắng bằng gươm giáo, nhưng bằng Thập giá. Người chiến thắng khi vượt qua hận thù. Người chiến thắng bằng sức mạnh tình yêu cao cả của Người. Thánh giá của Đức Kitô diễn tả tiếng ‘không’ đối với bạo lực. Và chính vì thế mà Thánh giá của Đức Kitô là dấu hiệu chiến thắng của Thiên Chúa, một dấu hiệu loan báo con đường mới mẻ của Đức Giêsu. Đấng chịu đau khổ thì mạnh mẽ hơn những người nắm giữ quyền bính. Qua hiến tế trên Thánh giá, Đức Kitô đã chiến thắng vũ lực. Là linh mục, chúng ta cũng được Chúa gọi làm sứ giả hoà bình, trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, Chúa mời chúng ta đối lại bạo lực, và đặt niềm tin tưởng vào quyền hành lớn lao hơn của tình yêu.

Trong hệ thống biểu tượng của dầu, ta cũng thấy được sự kiện dầu làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ để chiến đấu. Điều này không mâu thuẫn với chủ đề hoà bình, nhưng là phần cấu thành của nó. Cuộc chiến của những Kitô hữu đã không và hiện vẫn không hệ tại việc sử dụng bạo lực, nhưng hệ tại sự kiện họ đã và vẫn còn sẵn sàng chịu đau khổ vì điều thiện, vì Thiên Chúa. Cuộc chiến ấy hệ tại sự kiện các Kitô hữu, với tư cách là những công dân tốt, đều tôn trọng luật lệ và làm những gì đúng đắn và tốt đẹp. Cuộc chiến ấy hệ tại sự kiện họ từ chối làm bất cứ điều gì, theo quy định pháp lý đang có hiệu lực đòi buộc, đi ngược với chính nghĩa và gây ra bất công. Cuộc chiến của các vị Tử đạo nằm trong tiếng ‘không’ cụ thể của mình đối với bất công: từ chối không làm bất cứ hình thức tôn sùng ngẫu tượng nào, không tôn thờ hoàng đế, không khuất phục trước gian dối, không tôn thờ con người và quyền bính của họ. Khi nói tiếng ‘không’ với gian dối và mọi hậu quả của nó, các Kitô hữu đã nâng cao ngọn cờ của chính nghĩa và chân lý. Như thế, họ đã phục vụ hoà bình đích thực. Ngày nay cũng thế, điều quan trọng là Kitô hữu phải tuân theo chính nghĩa là nền tảng của hoà bình. Ngày nay cũng thế, điều quan trọng là Kitô hữu không được chấp nhận bất công được xem là quyền lợi – ví dụ, việc giết chết các trẻ em vô tội chưa được sinh ra. Chính vì thế, chúng ta đang phục vụ hoà bình, và chính vì thế, chúng ta bước theo Đức Giêsu Kitô, người mà Thánh Phêrô đã nói như sau: “Bị lăng nhục, Người không lăng nhục lại; bị đau khổ tư bề, Người chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác vụ việc mình cho Đấng là quan toà xét xử công minh. Tội lỗi của chúng ta Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây khổ giá, để một khi chết cho tội, chúng ta sống đời công chính” (1P 2,23 tt).

Có một lời trong Thánh vịnh 44 (45) rất được các Giáo phụ quan tâm. Dựa theo truyền thống Thánh vịnh về hôn lễ của Vua Salomon, các Kitô hữu đọc lại Thánh vịnh này dưới nhãn quan hôn lễ của Vua Salomon mới là Đức Giêsu Kitô với Giáo Hội của Người. Trong Thánh vịnh này, người ta nói về vị Vua là Đức Kitô như sau: “Ngài yêu công lý, ghét điều gian tà. Chính vì thế, Đức Chúa là Thiên Chúa của Ngài đã xức cho Ngài dầu thơm hoan lạc, mà chưa một đối thủ nào của Ngài được xức” (c. 8). Đâu là loại dầu hoan lạc mà vị Vua đích thực là Đức Kitô đã được xức? Các Giáo phụ không hề nghi ngờ gì về ý tưởng sau đây: dầu hoan lạc, chính là Thánh Thần, Đấng đã được đổ tràn trên Đức Giêsu Kitô. Thánh Thần là dầu hoan lạc đến từ Thiên Chúa. Và từ Đức Giêsu, dầu hoan lạc này lại được rót cho chúng ta trong Phúc Âm của Người, trong tin vui loan báo rằng Thiên Chúa biết chúng ta, rằng Người tốt lành, và rằng lòng tốt lành của Thiên Chúa là một quyền bính vượt lên trên mọi quyền bính, rằng chúng ta được Thiên Chúa muốn và yêu thương. Niềm vui là hoa quả của tình yêu. Dầu hoan lạc đã được đổ tràn trên Đức Kitô, và từ Người, lại đổ tràn trên chúng ta, đó chính là Thánh Thần, hồng ân của Tình Yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc trong cuộc sống. Bởi vì chúng ta nhận biết Đức Kitô, và trong Đức Kitô, nhận biết Thiên Chúa thực, nên chúng ta biết rằng được làm người là một điều tốt đẹp. Được sống là một điều tốt đẹp, bởi vì chúng ta được yêu thương. Bởi vì chính chân lý là tốt đẹp.

Trong Giáo Hội ngày xưa, dầu thánh đặc biệt được xem là dấu chỉ sự hiện diện của Thánh Thần, là Đấng, qua Đức Kitô, đã được ban cho chúng ta. Người là dầu hoan lạc. Niềm hoan lạc này khác với sự giải trí hay thú tiêu khiển của xã hội hiện đại ước muốn. Sự giải trí, nếu được đặt đúng chỗ, chắc chắn sẽ tốt đẹp và làm cho chúng ta vui sướng. Có thể vui cười, đó là điều tốt đẹp. Nhưng giải trí không phải là tất cả. Nó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời chúng ta, và nơi đâu nó muốn là tất cả, thì nó sẽ trở nên một cái mặt nạ mà đàng sau ẩn giấu sự thất vọng, hay ít ra, nỗi nghi ngờ muốn biết liệu cuộc đời có thực sự tốt đẹp hay không, hay liệu không hiện hữu có lẽ sẽ tốt đẹp hơn là hiện hữu. Nhưng niềm vui đến với chúng ta từ Đức Kitô thì không giống thế. Niềm vui ấy mang lại cho chúng ta niềm hoan lạc, vâng đúng thế, nhưng chắc chắn nó cũng có thể đồng hiện hữu với đau khổ. Nó mang lại cho chúng ta khả năng chịu đau khổ, thế nhưng, trong đau khổ, ta vẫn có được niềm vui hết sức sâu xa. Niềm vui ấy mang lại cho chúng ta khả năng biết chia sẻ đau khổ của người khác, và như thế, khi chúng ta sẵn sàng giúp đỡ nhau, chúng ta sẽ có thể diễn tả một cách thực cụ thể ánh sáng và lòng nhân của Thiên Chúa. Trích đoạn Sách Công vụ Tông đồ tường thuật việc các Tông đồ, sau khi bị đánh đòn theo lệnh của Công nghị, các ngài “vui mừng vì đã được xem là xứng đáng chịu lăng nhục vì Danh Đức Giêsu” (Cv 5,41), vẫn luôn làm cho tôi phải suy nghĩ. Ai yêu thì luôn sẵn sàng chịu đau khổ vì người mình yêu và vì tình yêu đối với người đó, và như thế, người ấy trải nghiệm được một niềm vui sâu xa hơn. Niềm vui của các vị Tử đạo thì mạnh mẽ hơn những cực hình các ngài gánh chịu. Cuối cùng, niềm vui này đã chiến thắng, và đã mở ra cho Đức Kitô những cánh cửa lịch sử. Là linh mục, như Thánh Phaolô đã nói, chúng ta “góp phần tạo nên niềm vui cho anh em” (2Cr 1,24). Trong trái ô liu, trong dầu được thánh hiến, lòng tốt lành của Đấng Tạo Hoá và tình yêu của Đấng Cứu Chuộc đã tác động đến chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho niềm vui của Người ngày càng tác động đến chúng ta một cách sâu xa hơn, và hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có khả năng tiếp tục mang đến cho một thế giới đang hết sức cần đến niềm vui phát sinh từ chân lý. Amen.