15/01/2025

Du lịch huỷ diệt cảnh quan

Nhiều thắng cảnh bị xoá sổ trên bản đồ du lịch nước nhà, trong khi không ít thắng cảnh khác đang có nguy cơ biến mất bởi sự can thiệp thô bạo của con người.

 

Du lịch huỷ diệt cảnh quan

Nhiều thắng cảnh bị xoá sổ trên bản đồ du lịch nước nhà, trong khi không ít thắng cảnh khác đang có nguy cơ biến mất bởi sự can thiệp thô bạo của con người.

Du lịch hủy diệt cảnh quan
Đem cả hoà nhạc vào tổ chức trong hang Đầu Gỗ (vịnh Hạ Long) – Ảnh: Bích Ngọc

Những dòng thác chết

Mũi Né, một doi đất ăn ra biển ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), nổi tiếng từ năm 1995 khi nhiều du khách TP.HCM đổ xô ra ngắm nhật thực. Đến nay, Mũi Né trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách cả trong và ngoài nước. Chưa có nơi nào ở VN, du lịch phát triển nhanh như Mũi Né. Một dải resort mọc lên dọc bãi cát, che luôn tầm nhìn ra biển. Doi đất hoang sơ của 20 năm trước giờ không thể nhận ra. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt, nhớ lại ngày đầu ra Mũi Né khách phải đi bằng xe 2 cầu từ Phan Thiết vào, chạy dọc bãi biển hoang sơ chứ không có đường nhựa như bây giờ. Còn nay, rừng dừa tuyệt đẹp nghiêng mình soi bóng bên bờ cát đã bị chặt bỏ để các dự án nghỉ dưỡng chen chúc mọc lên.

Cùng làn sóng đầu tư ồ ạt, việc khai thác du lịch triệt để cũng góp phần làm nhiều điểm tham quan ở Mũi Né biến mất. Trong đó, đáng tiếc nhất là Suối Hồng, một phong cảnh thiên nhiên có từ nhiều đời trước do dòng suối chạy qua trảng cát màu hồng, tạo thành những mô cát nhấp nhô như núi. Du khách ví Suối Hồng đẹp như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, nhưng rực rỡ sắc màu. Nhưng rồi du khách đến đây cứ vô tư trèo qua Suối Hồng chụp ảnh, những “ngọn núi” theo đó từng ngày đổ sụp. Cộng với dòng suối cạn kiệt, không có nước chảy qua kể cả mùa mưa, nên Suối Hồng biến mất vĩnh viễn. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Suối Hồng chết chủ yếu do quanh nó nhiều khu nhà nghỉ, resort mọc lên chặn dòng nước ngầm trong đồi cát, khiến suối không còn nguồn nước…

 

 
 

Người ta đang khai thác Sapa giống như hái trái chín trên cành nhưng phải chặt cả cây  

 

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt

 

 

Sự biến mất của thác Gougah (xã Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng) – một thắng cảnh cấp quốc gia – cũng khiến nhiều người nuối tiếc khôn nguôi. Từ độ cao gần 20 m, thác ầm ào tung bọt trắng xóa vang động cả núi rừng. Thế nhưng, những hình ảnh đó chỉ có ở khoảng 5 năm trước… Cũng ở huyện Đức Trọng, một danh thắng cấp quốc gia khác là thác Liên Khương (ngã ba Liên Khương, Đức Trọng), hay còn gọi là “thác đàn trời” bởi gắn với truyền thuyết huyền bí, cũng đang rất thê thảm khi cảnh quan, môi trường bị phá hủy. Chung cảnh ngộ, thác Pongour (xã Tân Hội, Đức Trọng), được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác”, nổi tiếng bởi vẻ đẹp mơ màng và hùng vĩ nhất Nam Tây nguyên, đang sống thoi thóp. Đơn vị chủ quản thác này phải đầu tư tiền tỉ xây đập tích nước để cứu thác trong mùa khô, nhưng cũng chỉ dám cho thác chảy ban ngày, còn ban đêm… “thác chết”.   

Theo một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, hai thắng cảnh thác Gougah và thác Liên Khương đã được địa phương đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét rút bằng công nhận thắng cảnh quốc gia, nhưng hiện Bộ chưa xem xét. Nguyên nhân khiến hàng loạt thác đẹp ở Lâm Đồng biến mất, ngoài tình trạng phá rừng bừa bãi, thủy điện ngăn đập tích nước làm cho mùa khô nước kiệt thì việc đầu tư không hợp lý cũng khiến cho những dòng thác chết đi. Thác được cải tạo liên tục và xây dựng nhiều công trình phục vụ du lịch xung quanh. Dĩ nhiên, để xây dựng công trình, cây cối sẽ bị chặt phá khiến thác mất đi cảnh quan hoang sơ ban đầu và dòng chảy bị biến đổi. Ví dụ, thác Dambri ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, người ta xây dựng thang máy khổng lồ bên cạnh để khách lên xuống, ngoài ra còn có nhà hàng ở dưới thác nước…

Đốn cây để hái quả  !

 

 
 

Ánh đèn làm xuống cấp thạch nhũ

Báo Thanh Niên, trong một bài viết hồi năm 2012 nêu khuyến cáo của các chuyên gia về việc cho Phong Nha – Kẻ Bàng một “kỳ nghỉ phép”. Bởi việc khai thác du lịch đang khiến di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng xuống cấp thấy rõ. Quá trình “nghỉ phép” sẽ giúp hang động tái tạo thạch nhũ hình thành cả ngàn năm. Thực tế cho thấy, việc sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng đã và đang làm cho nhiều khối nhũ không còn tươi mới, xuất hiện hiện tượng khô trên các khối thạch nhũ trong động. Vì thế, theo các nhà khoa học, không nên sử dụng đèn chiếu sáng vì sẽ làm kích thích sự phát triển của rêu…

 

 

Lịch sử du lịch VN chứng kiến nhiều sự kiện thắng cảnh sụp đổ hoặc mất tích gây chấn động. Vào tháng 8.2006, hòn Phụ Tử, biểu tượng của vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang), đổ sập. UBND tỉnh Kiên Giang lúc bấy giờ có đề xuất việc khôi phục lại hình ảnh đầy ắp tính nhân văn đã gắn liền với đời sống này, nhưng mọi chuyện dần rơi vào quên lãng. Ở miền Tây, chợ nổi Ngã Bảy không còn. Vậy nên mới có chuyện nhiều du khách nghe tiếng chợ nổi Ngã Bảy, đòi công ty du lịch đưa đến nhưng các công ty đều phải từ chối. Chợ nổi Cái Răng cũng đang nằm trong vòng xoáy thương mại và mất dần nét đẹp văn hóa sông nước thuở nào. Trước đó, tượng đá nàng Tô Thị ở tỉnh Lạng Sơn cũng đột nhiên biến mất, sau đó được xây dựng lại nhưng cũng chỉ đủ để khiến du khách tiếc nuối. Du khách ngày nay ngang qua Lạng Sơn chỉ có thể hình dung về tượng đá qua trí tưởng tượng của hướng dẫn viên.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, vừa có chuyến khảo sát cùng đoàn khách nước ngoài ở các tỉnh phía bắc về, cảnh báo nếu không có những động thái tích cực, thiên đường du lịch Sapa sẽ nhanh chóng đi vào vết xe đổ của Đà Lạt. Cảnh quan thiên nhiên ở đây đang nhanh chóng mất vẻ nguyên sơ. Một  số đập thủy điện đang xây dựng gần Sapa biến những cung đường đẹp như tranh trở nên bụi bặm và bị cày nát bởi xe tải chở đất đá. Những dòng suối không bao lâu nữa chắc chắn sẽ biến mất. “Người ta đang khai thác Sapa giống như hái trái chín trên cành nhưng phải chặt cả cây”, ông Huê than thở.

Ở vịnh Hạ Long, động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ là hai điểm đến nổi tiếng đang được trang trí đèn màu ở bên trong. Ông Suzuki, 62 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, cùng vợ sau khi trầm trồ trước vẻ đẹp mà các vách đá, thạch nhũ tạo thành trong động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ, đã thoáng vẻ trầm ngâm: “Việc trang trí đèn màu nên được bố trí và sắp xếp lại hợp lý hơn để có thể tôn thêm điểm nhấn đặc sắc của hang động. Có những hình khối mà một cách ngẫu nhiên quần thể nhũ đá trong hang tạo ra, nhưng đèn lại không tập trung vào vị trí đó. Du khách sẽ chỉ được nhìn và hình dung ra hình khối khi hướng dẫn viên giới thiệu. Như vậy sẽ tạo cảm giác thụ động cho du khách trong việc khám phá. Ở Nhật Bản có rất nhiều hang động đẹp và hầu hết là chúng tôi cũng không trang trí đèn. Vì chúng tôi muốn tôn trọng tuyệt đối vẻ đẹp thiên tạo”.

Cũng theo ông Suzuki, việc trang trí đèn chiếu sáng, xây đường vào hang ít nhiều sẽ tác động đến cảnh quan thiên tạo của hang động. “Chưa cần nói đến việc có đẹp hay không, mà hãy nói đến vấn đề bảo tồn hang động. Nếu có nhiều ánh đèn và hoạt động xây dựng vào hang động, dù nhỏ thôi, cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của môi trường bên trong hang”.

(Còn tiếp)