Cuộc hành trình đi lên Chúa Cha cùng với Đức Giêsu
Con đường Đức Giêsu Kitô đi như con đường phải chọn cho con người, bởi vì nó dẫn ta đến đích điểm, đến việc thể hiện nhân tính một cách trọn vẹn và đích thực. Người đi trước chúng ta, dẫn chúng ta đến tình yêu, tiến về Thiên Chúa.
Cuộc hành trình đi lên Chúa Cha cùng với Đức Giêsu
Cử hành Chúa nhật Lễ Lá và tưởng niệm sự Thương Khó của Chúa – Quảng trường Thánh Phêrô – Ngày Thế giới Giới trẻ lần 25 – Chúa Nhật Lễ Lá, 28/3/2010
Anh chị em thân mến,
Các bạn trẻ thân mến!
Bài Phúc Âm làm phép lá mà chúng ta vừa lắng nghe trong khi quây quần nơi đây, trên Quảng trường Thánh Phêrô này, được bắt đầu bằng câu sau đây: «Đức Giêsu dẫn đầu các môn đệ tiến lên Giêrusalem» (Lc 19,28). Khởi đầu phần phụng vụ ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã nói lên trước lời đáp trả của mình đối với Tin Mừng khi nói: «Chúng ta hãy hân hoan bước theo Chúa». Qua câu nói này, chủ đề của ngày Chúa Nhật lễ Lá đã được diễn tả một cách rõ ràng. Ở đây ta muốn nói đến «sequela». Là Kitô hữu có nghĩa là xem con đường Đức Giêsu Kitô đi như con đường phải chọn cho con người, bởi vì nó dẫn ta đến đích điểm, đến việc thể hiện nhân tính một cách trọn vẹn và đích thực. Tôi muốn đặc biệt nhắc lại cho tất cả các bạn trẻ, trong Ngày Thế giới Giới trẻ lần 25 hôm nay, rằng làm Kitô hữu là một con đường, hay đúng hơn: một cuộc lữ hành, lên đường cùng với Đức Giêsu Kitô. Lên đường theo hướng Người đã và đang chỉ cho chúng ta.
Nhưng đây là hướng nào? Làm sao tìm được hướng đó? Về điểm này, trích đoạn Tin Mừng cho chúng ta hai chỉ dẫn. Trước tiên, Lời Chúa nói rằng đây là một cuộc hành trình đi lên, với một ý nghĩa rất cụ thể. Giêricô nơi bắt đầu cuộc hành trình của Đức Giêsu nằm dưới mực nước biển 250 mét, trong khi đó Giêrusalem là đích điểm của cuộc hành trình lại nằm trên mực nước biển từ 740 đến 780 mét: một cuộc hành trình đi lên gần 1000 mét. Nhưng con đường bên ngoài này thực ra là một hình ảnh nói lên chuyển động nội tâm của đời người được thể hiện khi ta dõi bước theo Đức Kitô: đấy là một cuộc hành trình đi lên những đỉnh cao thực sự của kiếp người. Con người có thể chọn lựa một con đường dễ dàng và tránh xa mọi khó khăn. Con người cũng có thể lún sâu xuống phía dưới, đi xuống cái tầm thường. Con người có thể đắm chìm trong bãi lầy của dối gian và bất chính. Đức Giêsu đi trước chúng ta, và Người hướng lên cao. Người dẫn chúng ta đến những gì là cao thượng, là tinh khiết, Người dẫn chúng ta đến bầu khí trong lành của những đỉnh cao xa: hướng về sự sống hoà hợp với chân lý; hướng về sự can đảm không để cho mình bị nao núng trước những tranh luận về những lập trường phổ biến; hướng về tính kiên nhẫn biết chịu đựng và nâng đỡ người khác. Người giúp chúng ta mở rộng lòng với những người đang đau khổ, những người bị người khác hất hủi; Người giúp chúng ta trung kiên đứng về phía anh em, dầu cho tình hình có trở nên khó khăn. Người giúp chúng ta sẵn sàng giúp đỡ tha nhân; giúp chúng ta sống tốt lành, không bao giờ nao núng ngay cả trước sự vô ơn. Người dẫn chúng ta đến tình yêu, Người dẫn chúng ta tiến về Thiên Chúa.
«Đức Giêsu dẫn đầu các môn đệ tiến lên Giêrusalem». Nếu chúng ta đọc câu Tin Mừng này trong bối cảnh toàn bộ cuộc hành trình của Đức Giêsu – một cuộc hành trình mà Người còn tiếp tục bước đi cho đến ngày tận thế – thì ta có thể khám phá ra những mức độ khác nhau trong chi tiết nói về đích điểm là «Giêrusalem». Dĩ nhiên, trước tiên ta phải hiểu địa điểm «Giêrusalem» là thành phố nơi ta có thể tìm thấy Đền thờ của Thiên Chúa, và tính đơn nhất của Đền thờ làm ta liên tưởng đến duy nhất tính của Thiên Chúa. Như thế, trước tiên, địa điểm này loan báo hai điều: một mặt, nó nói rằng chỉ có một Thiên Chúa trên toàn thể địa cầu, và Người vượt xa mọi không gian và thời gian của chúng ta, và toàn thể công trình sáng tạo đều thuộc về Người. Người là vị Thiên Chúa mà mọi con người kiếm tìm trong thâm sâu cõi lòng, và một cách nào đó, mọi người đều có một ít hiểu biết về Người. Nhưng vị Thiên Chúa đã ban cho mình một tên gọi. Người làm cho chúng ta được biết Người, Người đã khai mở một lịch sử với con người; Người đã chọn một con người là Abraham như là khởi điểm của lịch sử này. Thiên Chúa vô biên cũng đồng thời là vị Thiên Chúa gần kề. Ngươi là Đấng không ai có thể giam giữ trong bất cứ ngôi nhà nào, thế nhưng, Người lại muốn cư ngụ giữa chúng ta, hoàn toàn ở với chúng ta.
Nếu Đức Giêsu, cùng với dân Israel hành trình tiến về Giêrusalem, thì Người về đó là để cùng với dân tộc mình cử hành lễ Vượt Qua: tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Người, và đồng thời, cuộc tưởng niệm này cũng luôn diễn tả niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc giải phóng sau cùng cho chúng ta. Và Đức Giêsu tiến về ngày lễ này với ý thức rằng mình chính là Con Chiên, mà qua đó, những điều Sách Xuất Hành đề cập đến sẽ được ứng nghiệm: một con chiên đực không tì vết, sẽ được sát tế trước mặt con cái Israel trước lúc mặt trời lặn, «như nghi lễ ngàn đời phải giữ» (x. Xh 12,5-6.14). Và cuối cùng, Đức Giêsu biết rằng con đường Người cần phải đi xa hơn: Thánh giá sẽ không phải là điểm cuối. Người biết rằng cuộc hành trình của Người sẽ vén bức màn che giữa thế giới này và thế giới của Thiên Chúa; rằng Người sẽ tiến về ngai Thiên Chúa, và sẽ giao hoà Thiên Chúa và con người trong thân mình Người. Người biết rằng thân xác phục sinh của Người sẽ là hy tế mới và là Đền thờ mới; rằng xung quanh Người, xung quanh vô số các Thiên thần và các Thánh, sẽ cấu tạo nên Giêrusalem mới trên trời, thế nhưng lại đã hiện diện trên mặt đất này rồi, bởi vì qua cuộc Thương khó, Người đã mở rộng biên giới giữa trời và đất. Con đường Người đi sẽ dẫn ta vượt qua đỉnh núi của Đền thờ, đến tận điểm cao xa nơi Thiên Chúa ngự trị: đó là đại hành trình đi lên mà Người mời gọi tất cả chúng ta tiến bước. Người vẫn luôn ở lại với chúng ta trên mặt đất này, nhưng Người cũng vẫn luôn ở gần Thiên Chúa, Người hướng dẫn chúng ta trên trần gian và vượt qua bên kia trần gian.
Như thế, những chiều kích «sequela» – đích điểm mà Người muốn dẫn chúng ta đến: đến những đỉnh cao vời nơi Thiên Chúa ngự trị, đến sự hiệp thông với Người; đến việc – ở – với – Người – đã trở nên hữu hình trong toàn bộ cuộc hành trình đi lên của Đức Giêsu. Đấy là đích điểm thực sự, và sự hiệp thông với Người là con đường dẫn đến đích. Hiệp thông với Người là một cách chúng ta lên đường, là hướng về những đỉnh cao đích thực nơi Chúa kêu gọi chúng ta. Cùng bước đi với Đức Giêsu đồng thời cũng là lên đường với những ai muốn đi theo Người. Người dẫn chúng ta vào trong cộng đoàn những người đi theo Đức Kitô. Bởi vì con đường đưa chúng ta đến sự sống thực, con đường làm cho chúng ta trở thành những con người được khuôn đúc theo hình ảnh của Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô, thì vượt quá sức lực của chúng ta, cuộc hành trình này cũng luôn bao gồm sự kiện là chúng ta được Thiên Chúa mang đi. Có thể nói được là chúng ta đang ở trong một tốp người leo núi được buộc chung một sợi dây với Đức Giêsu Kitô – buộc chung với Người trong cuộc hành trình đi lên những điểm cao vời nơi Thiên Chúa ngự trị. Người kéo chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Đi theo Đức Kitô là để cho mình buộc vào cùng một sợi dây với đoàn người leo núi, là biết rằng mình không thể đến đó một mình. Đi theo Đức Kitô là sống khiêm nhường, là hiệp thông với Giáo Hội, là bám chặt vào trong một sợi dây của đoàn người leo núi, là có trách nhiệm bảo vệ sự hiệp thông – là không giật đứt sợi dây qua thái độ khoác lác và tự mãn. Khiêm nhường tin tưởng, cùng với Giáo Hội, cũng như bám chặt vào sợi dây của đoàn người leo núi trong cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa, là một điều kiện thiết yếu của «sequela». Không coi mình là chủ nhân của Lời Chúa, không chạy theo sau một tư tưởng sai lầm về giải phóng, cũng là thành phần cấu tạo nên sự kiện ở trong cùng một sợi dây của đoàn người leo núi. Khiêm nhường để «ở – với» nhau cũng là điều thiết yếu của cuộc hành trình đi lên. Luôn để cho bàn tay Chúa nắm lấy ta khi lãnh nhận các Bí tích, luôn để cho Người thanh luyện và gia tăng sức mạnh, luôn chấp nhận kỷ luật của cuộc hành trình đi lên, dầu khi phải mỏi mệt, đó cũng là «sequela» – đi theo Đức Kitô.
Cuối cùng, ta còn phải nói rằng: Thánh giá là cấu phần tạo nên cuộc hành trình đi lên những cao điểm của Đức Giêsu Kitô, của cuộc hành trình đi lên những cao điểm của Thiên Chúa. Cũng như trong những biến cố của trần gian này, ta sẽ không thể nào đạt được những kết quả to lớn nếu không biết từ bỏ, cũng như nếu không có một sự luyện tập khắc khổ, cũng thế, niềm vui của một khám phá vĩ đại trong lĩnh vực kiến thức, hay của một khả năng hành động thực sự đều gắn liền với kỷ luật, hay đúng hơn, với sự mỏi mệt trong việc học tập; con đường hướng về sự sống, hướng về việc thể hiện nhân tính của mình đều liên kết với sự hiệp thông với Đấng đã đi lên đỉnh cao của Thiên Chúa xuyên qua Thánh giá. Xét cho cùng thì Thánh giá là cách biểu lộ ý nghĩa của tình yêu: chỉ có ai đánh mất chính mình mới tìm lại được chính mình.
Tắt một lời: «sequela» – đi theo Đức Kitô -, được xem là bước đầu tiên, đòi hỏi chúng ta phải đánh thức ước muốn làm những con người đích thực, và như thế, đánh thức mình để sống cho Thiên Chúa. Đi theo Đức Kitô cũng đòi hỏi chúng ta bám chặt vào một sợi dây của đoàn người leo núi, hiệp thông với Giáo Hội. Trong Giáo Hội, chúng ta hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, và như thế, chúng ta lên đường về với Chúa. Ngoài ra, chúng ta phải lắng nghe và sống Lời của Đức Giêsu Kitô: trong đức tin, đức cậy và đức mến. Như thế, chúng ta đang trên đường hướng về Giêrusalem thiên quốc, và ngay từ bây giờ, một cách nào đó, chúng ta đã ở đó rồi, và hiệp thông với tất cả các Thánh của Chúa.
Như thế, cuộc lữ hành đi theo Đức Kitô của chúng ta không tiến về một thành phố trần gian nào, nhưng hướng về Thành đô mới của Thiên Chúa, một thành đô đang lớn lên giữa trần gian này. Tuy nhiên, đối với chúng ta là những Kitô hữu, cuộc lữ hành hướng về Giêrusalem trần gian cũng có thể là một yếu tố hữu ích cho chuyến du hành vĩ đại hơn của chúng ta. Chính tôi cũng gán ghép ba ý nghĩa sau đây cho chuyến hành hương Thánh địa của tôi năm vừa qua. Trước tiên, tôi nghĩ rằng, nhân dịp đó, điều mà Thánh Gioan nói trong phần mở đầu Thư thứ nhất của người cũng đã có thể xảy ra cho chúng ta: điều chúng tôi đã nghe, thì một cách nào đó, chúng tôi cũng đã chứng kiến tận mắt, và đụng chạm bằng đôi tay của chúng tôi (x. 1Ga 1,1). Đức tin vào Đức Giêsu Kitô không phải là một phát minh huyền thoại. Đức tin ấy dựa vào một câu chuyện đã thực sự xảy ra. Câu chuyện này, một cách nào đó, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và đụng chạm đến. Thực là cảm động khi ta có mặt tại
Khía cạnh thứ hai là khi chúng ta đi đến Thánh địa như khách hành hương, chúng ta cũng đi đến đó như những sứ giả của hoà bình, cùng với lời kinh cầu nguyện cho hoà bình; cùng với lời mời gọi tất cả mọi người, tại nơi này, một nơi mang tên gọi «hoà bình, salem» làm tất cả những gì có thể, để cho Thánh địa thực sự trở nên một địa điểm hoà bình. Như thế, cuộc hành hương này đồng thời – và đây là khía cạnh thứ ba – cũng là một lời khuyến khích các Kitô hữu ở lại quê hương nơi mình sinh trưởng, và nỗ lực làm việc phục vụ hoà bình một cách sâu xa hơn.
Một lần nữa chúng ta hãy quay lại phụng vụ Chúa nhật lễ Lá. Trong lời nguyện làm phép những cành lá ô liu, chúng ta cầu xin Chúa để, khi hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta có thể mang lại hoa trái tốt đẹp. Từ một chú giải sai lầm về Thánh Phaolô, dọc suốt lịch sử và ngày hôm nay cũng thế, người ta cho rằng những việc lành phúc đức không là thành phần cấu tạo nên căn tính của Kitô hữu, và rằng, trong mọi trường hợp, những việc lành phúc đức chẳng có giá trị gì cho phần rỗi của con người. Nhưng nếu Thánh Phaolô cho rằng việc làm không thể công chính hoá con người, thì không phải vì thế mà thánh nhân chống lại tầm quan trọng của một hành động ngay thẳng, và nếu người có nói rằng Lề luật đã chấm dứt, thì thánh nhân cũng không hề tuyên bố rằng Thập điều là đã lỗi thời và không có tầm quan trọng. Giờ đây, ta không cần suy nghĩ về tầm quan trọng của toàn bộ vấn đề làm cho vị Tông đồ quan tâm. Điều quan trọng là nhấn mạnh rằng qua hạn từ «Lề luật», Thánh nhân không muốn nói đến Mười giới răn, nhưng nói đến lối sống phức tạp của dân
Phần cuối bài Tin Mừng làm phép Lá, chúng ta nghe khách hành hương chào đón Đức Giêsu nơi cửa thành Giêrusalem bằng những tiếng tung hô vang trời dậy đất. Những lời tung hô này được trích từ Thánh vịnh 118 (117) mà các tư tế, vào thời xa xưa, từ Thành Thánh, đã dùng để công bố với khách hành hương, nhưng sau này đã trở thành lời diễn đạt niềm hy vọng Thiên sai: «Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến» (Tv 118 [117], 26; Lc 19,38). Khách hành hương nhận ra Đức Giêsu là Đấng mọi người mong đợi, Đấng ngự đến nhân danh Chúa, và theo Phúc Âm Thánh Luca, họ còn thêm vào một vế khác: «Chúc tụng Đức Vua Đấng nhân danh Chúa mà đến». Và họ lại tiếp tục bằng một lời tung hô khác làm ta nhớ đến sứ điệp của các Thiên thần trong đêm Giáng Sinh, nhưng họ thay đổi sứ điệp, và điều đó làm cho ta phải suy nghĩ. Các Thiên thần đề cập đến vinh quang Thiên Chúa trên các tầng trời cao và bình an dưới thế cho người thiện tâm. Còn các khách hành hương, khi vào Thành Thánh, thì lại nói: «Bình an trên Trời và vinh quang trên các tầng trời!». Họ đã biết quá rõ là trên trần gian này không hề có hoà bình. Và họ biết rằng chỉ có trời cao mới có hoà bình – Họ biết rằng yếu tính của trời cao phải là một nơi có hoà bình. Như thế, lời tung hô này biểu lộ một nỗi cơ cực sâu xa, nhưng cũng diển tả một lời kinh đầy hy vọng: Ước gì Đấng ngự đến nhân danh Chúa sẽ mang đến cho trần gian điều đang có trên trời cao. Ước gì vương quyền của Người trở nên vương quyền của Thiên Chúa, là sự hiện diện của trời cao trên đất thấp. Giáo Hội, trước phần kinh nguyện Thánh Thể, đã hát lời Thánh vịnh mà người ta đã dùng để chào đón Đức Giêsu trước khi Người vào Thành Thánh: Giáo Hội chào đón Đức Giêsu như vị Vua, Đấng xuất phát từ Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa, đã đi đến giữa chúng ta. Trong ngày hôm nay cũng thế, lời chào đón vui tươi này vẫn luôn là một lời kinh và là một niềm hy vọng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa mang đến cho chúng ta trời cao: vinh quang của Thiên Chúa và hoà bình của con người. Chúng ta hiểu được lời chào này theo tinh thần của lời nguyện trong Kinh Lạy Cha: «Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!». Chúng ta biết rằng trời cao là trời cao, là nơi vinh quang và hoà bình hiện diện, bởi vì đây là nơi Ý Chúa hoàn toàn thống trị. Và chúng ta biết rằng đất thấp không phải là trời cao, bao lâu Thánh ý Chúa chưa được thể hiện trên mặt đất này. Như thế, chúng ta chào đón Đức Giêsu là Đấng từ trời cao ngự đến, và chúng ta cầu xin Người giúp chúng ta nhận biết và thực thi Thánh ý Chúa. Ước gì vương quyền của Thiên Chúa đi vào trong trần gian, và như thế, trần gian sẽ được đầy tràn ánh sáng hoà bình. Amen.