23/01/2025

Họp báo của Cha Lombardi về Mật nghị Hồng y: ngày 13-3-2013

VATICAN – Lúc 1 giờ trưa ngày 13-3-2013, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã mở cuộc họp báo tại Trung tâm Báo chí ở Đại Thính đường Phaolô VI thuộc nội thành Vatican.

Họp báo của Cha Lombardi về Mật nghị Hồng y: ngày 13-3-2013

 

VATICAN – Lúc 1 giờ trưa ngày 13-3-2013, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã mở cuộc họp báo tại Trung tâm Báo chí ở Đại Thính đường Phaolô VI thuộc nội thành Vatican.

Trên bàn chủ toạ cũng có 2 linh mục phụ tá là Cha Thomas Rosica, Dòng Thánh Basilio, Giám đốc Đài Truyền hình Salt and Light Television ở Canada, và Đức ông José Maria Chili Mayo, nguyên Giám đốc Truyền thông thuộc HĐGM Tây Ban Nha.

– Cha Lombardi cho biết đã ngạc nhiên vì sự hiện diện đông đảo của các tín hữu và du khách tại Quảng trường Thánh Phêrô chờ đợi khói báo hiệu kết quả cuộc bầu Giáo hoàng tối thứ ba và cả sáng thứ tư 13-3, tuy là dưới trời mưa. Đó là một dấu chỉ nói lên sự mong đợi nồng nhiệt, một bầu không khí thanh thản và vui tươi, chứng tỏ một kinh nghiệm rất đẹp về cuộc bầu cử Giáo hoàng.

– Cha Lombardi cho biết sự kiện khói đen sau 3 lần bỏ phiếu đầu tiên của các hồng y là điều bình thường, cho thấy chưa có ứng viên nào được đủ 2/3 số phiếu. Trong những thập niên qua, chỉ có Đức Piô XII vào đầu Thế chiến II đắc cử trong lần bỏ phiếu thứ 3. Khói đen không có nghĩa là có sự chia rẽ trong Hồng y đoàn nhưng là tiến trình phân định bình thường.

Trả lời câu hỏi của một ký giả, Cha Lombardi nhận định rằng nói về sự chia rẽ và phe nhóm trong các hồng y đối nghịch nhau, đó chỉ là những giả thuyết do báo chí đưa ra mà không có bằng chứng gì. Sự kiện các lần bỏ phiếu nối tiếp nhau mà chưa đạt được 2/3 số phiếu là tiến trình bình thường của một mật nghị, trong đó các hồng y cố gắng đạt tới một sự đồng thuận để bầu vị Giáo hoàng mới.

– Một số ký giả đặt câu hỏi tạo ra khói như thế từ Nhà nguyện Sistina có hại cho sức khoẻ của các hồng y hay không? Hoặc có làm đen các bức bích hoạ của Michelangelo hay không?

Cha Lombardi cho biết khác với những lần trước đây, lần này trong Nhà nguyện Sistina ngoài cái lò cổ điển để đốt các phiếu bầu, còn có thêm một cái lò, hay đúng hơn là một cái máy để tạo ra khói. Trong máy này có một bộ phận điện tử, như một bình mực máy in (25 x 15 x 7 cm) chứa các chất hoá học để tạo ra khói đen hoặc khói trắng, trong vòng 7 phút. Chính nhờ máy chế khói này mà ống khói trên mái Nhà nguyện Sistina phun khói rõ rệt, chứ không nửa trắng nửa đen, hoặc khói xám như lần trước đây.

– Cha Lombardi cho biết trong Nhà nguyện Sistina chiều ngày 12-3 ngài đã gặp Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo hoàng và bí thư riêng của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, và hỏi thăm. Đức TGM nói rằng Đức nguyên Giáo hoàng vẫn bình an và quan tâm theo dõi qua truyền hình Mật nghị Hồng y trong những ngày này, và sáng thứ ba 12-3 vừa qua, ngài cũng đã hiệp ý trong Thánh lễ truyền hình cầu cho việc bầu Giáo hoàng. Đức nguyên Giáo hoàng dành nhiều thời giờ trong ngày để cầu nguyện.

Trả lời một câu hỏi khác, Linh mục Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết, theo tin tức ngài nhận được, Đức Bênêđictô XVI sẽ không hiện diện trong lễ khai mạc sứ vụ của Đức tân Giáo hoàng.

– Về tên hiệu mà vị tân Giáo hoàng chọn, Cha Lombardi cho biết chỉ có Đức Giáo hoàng tự chọn cho mình và thường chính ngài giải thích lý do tại sao. Các vị Giáo hoàng trước đây, như ĐGH Bênêđictô XVI, ngài cho biết đã chọn tên này vì lòng kính mến Thánh Biển Đức và nhớ đến ĐGH Bênêđictô XV, vị Giáo hoàng vào đầu Thế chiến I, đã nỗ lực hoạt động cho hoà bình. Vì thế, chúng ta nên đợi chính Đức tân Giáo hoàng khi ngài chọn tên và giải thích lý do.

– Một ký giả nhắc đến vụ hôm nay (ngày 13-3) báo chí nói đến vụ Tổng Giáo phận Los Angeles của Hoa Kỳ đã đồng ý bồi thường 10 triệu Mỹ kim cho 3 vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trong thời ĐHY Mahony làm TGM Los Angeles. Vậy phải trả lời thế nào cho nhóm thuộc những người sống sót trong những vụ linh mục lạm dụng tính dục (gọi tắt là SNAP) đang có mặt ở Roma trong những ngày này? Họ cho rằng một hồng y đã không làm điều cần thiết – hoặc theo một vài người – hồng y ấy đã không làm gì cả, và bây giờ đang ở trong Mật nghị bầu Giáo hoàng mới?

Cha Lombardi trả lời: “Chúng tôi biết tổ chức SNAP hành động thế nào từ nhiều năm nay, cách thức họ đưa ra những lời cáo buộc và tìm cách làm cho những lời cáo buộc ấy có tiếng vang. Theo nghĩa đó, không có người nào trong chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhóm đó tìm cách lợi dụng những ngày này để lặp lại những lời cáo buộc đó và làm cho chúng càng có tiếng vang hơn nữa. Đồng thời, tất cả những vấn đề ấy đều đã được biết rõ, được suy nghĩ lâu dài và đã được trả lời, được giải thích, trong đó có vấn đề ĐHY Mahony trong vụ này, và cả những hồng y khác bị tổ chức SNAP nói đến. Chúng tôi xác tín rằng có những lý do rất vững chắc để quý trọng các hồng y ấy và là những người vào Mật nghị Hồng y, các vị có tất cả các quyền được hiện diện trong Mật nghị. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không cảm thấy khó chịu hoặc bị sức ép do những nhận định do tổ chức SNAP đưa ra, theo ý tôi, những nhận định đó mang đậm những thành kiến tiêu cực”. (SD 13-3-2013)