22/01/2025

Bài 9 – Lớp Kitô học trong Năm Đức Tin: Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

Năm Thánh Đức Tin bắt đầu từ tháng 10/2012 để mời gọi Kitô hữu Công giáo chúng ta nhìn lại đức tin của mình, sống đức tin đó và truyền đức tin đó cho người khác.Nhưng đức tin là gì, nó đến từ đâu và phát triển như thế nào? Có nhiều sách viết về đức tin và định nghĩa đức tin, nhưng hôm nay chúng ta muốn dành ít phút để tìm hiểu đức tin cách đơn giản như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người như Chúa gặp Abraham (x. St 12,1-5; Rm 4,16) hay Chúa Giêsu gặp gỡ nhiều người và chữa lành họ vì họ có đức tin (x. Mt 9,22; Mc 4,40; 10,52; 11,22; Lc 7,50; 17,19; 18;42…)

 

Tĩnh Tâm Mùa Chay Năm đức Tin

Hành trình Đức Tin

 

Lời giới thiệu

Đức tin là sự đáp lại thích đáng của con người đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, cụ thể là Đức Giêsu Kitô và bước theo Người (x. GLHTCG, số 142, 151).

Nhân dịp tĩnh tâm Mùa Chay của Năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi nhìn lại đức tin của mình để tìm hiểu thêm đức tin là gì, sống đức tin và truyền đức tin đó cho người khác như thế nào.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người hành khất Bartimê qua bài Tin Mừng Mc 10,46-52 như muốn diễn tả từng chi tiết cuộc gặp gỡ đức tin này có những yếu tố cụ thể nào để gợi ý cho cuộc gặp gỡ của chúng ta.

Trong tuần tĩnh tâm này, chúng ta dành:

– Ngày đầu tiên: Tìm hiểu đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.

– Ngày thứ hai: Tìm hiểu cuộc gặp gỡ đức tin cụ thể giữa Chúa Giêsu và Bartimê.

– Ngày thứ ba: Bước theo Đức Giêsu Kitô để truyền bá đức tin

—o0o—

 

Ngày thứ nhất

Đức tin là cuộc gặp gỡ

  giữa con người với Thiên Chúa

 

Hành Khất Kitô

Lời mở

Năm Thánh Đức Tin bắt đầu từ tháng 10/2012 để mời gọi Kitô hữu Công giáo chúng ta nhìn lại đức tin của mình, sống đức tin đó và truyền đức tin đó cho người khác.

Nhưng đức tin là gì, nó đến từ đâu và phát triển như thế nào?

Có nhiều sách viết về đức tin và định nghĩa đức tin, nhưng hôm nay chúng ta muốn dành ít phút để tìm hiểu đức tin cách đơn giản như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người như Chúa gặp Abraham (x. St 12,1-5; Rm 4,16) hay Chúa Giêsu gặp gỡ nhiều người và chữa lành họ vì họ có đức tin (x. Mt 9,22; Mc 4,40; 10,52; 11,22; Lc 7,50; 17,19; 18;42…)

1.  Đức tin là gì?

Cuộc gặp gỡ nào cũng có 2 thành phần: người đến gặp và người được gặp. Thiên Chúa là người đến gặp và con người gặp được Ngài. Thiếu 1 thành phần thì không thể có đức tin.

“Thiên Chúa vô hình, do tình tình thương chan hoà của Ngài, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và liên lạc với họ để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 2). Vì thế, “đức tin là sự đáp lại thích đáng của con người đối với lời mời gọi của Thiên Chúa” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 142).

Về phía con người, đức tin là sự cố gắng vươn tới Thiên Chúa

Thiên Chúa tuyệt đối linh thiêng, cao cả vô cùng, nhưng con người vẫn có khả năng nhận biết Ngài bằng lý trí tự nhiên của mình (x. GLHTCG, số 50) vì con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 34, 108-109).

Như thế, về phía con người, đức tin là sự cố gắng liên lỉ vươn tới TC bằng trọn vẹn bản thân mình (x. GLHTCG, số 143), qua việc học hỏi, tìm hiểu, cầu nguyện, hành động bác ái, tự nguyện quy thuận các chân lý Chúa mạc khải (x. GLHTCG, số 144).

Có nhiều người không cùng tôn giáo với ta nhưng vẫn được Chúa ban ơn đức tin nhờ cố gắng tìm Chúa bằng lý trí của mình.

Có tìm hiểu và biết được TC là nguồn sự thật và sự sống, nguồn ân sủng và tình yêu, nguồn quyền năng và hạnh phúc mà mình cần đến thì con người mới muốn gặp gỡ Ngài. Nếu không, họ sẽ tìm đến những thứ khác, dù không phải là nguồn, nhưng ít ra cũng cho họ cảm nghiệm chút ít về sự sống, hạnh phúc, tình yêu….

Có tìm hiểu và biết được TC, vì yêu thương con người, đã cho Con Một Ngài trở thành người là Đức Giêsu Kitô, trở thành nguồn sống và tình yêu cụ thể, nguồn chân thiện mỹ cụ thể, thì con người mới muốn gặp gỡ Đức Giêsu Kitô và tin vào Người (GLHTCG, số 150-151).

Có bao giờ bạn muốn tìm về tận nguồn của sự sống, tình yêu, tư tưởng hay bạn đang bằng lòng với những gì mình có?

 Còn về phía Thiên Chúa, đức tin là hồng ân nhưng không Chúa tặng ban cho con người (x. GLHTCG, số 153, 162,179).

Dù con người không cố gắng vươn tới TC thì từng giây, từng phút, TC vẫn đến với con người, vẫn ban sự sống, tình yêu, ân phúc, quyền năng và tất cả những gì tốt đẹp nhất của Ngài cho con người.

Một khi con người mở lòng đón nhận ân sủng Chúa ban, họ sẽ nhận được “sự thôi thúc từ bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng TC, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (x. Công đồng Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, chương 3, DS 3008).

Bạn có cảm nhận được từng giây phút bạn sống, từng ý tưởng trong đời, từng rung động trong tim đều bắt nguồn từ Thiên Chúa không?

Như vậy, trong cuộc gặp gỡ hình thành nên đức tin nơi con người, 2 yếu tố TC và CN gắn kết chặt chẽ với nhau: con người càng tìm hiểu sâu xa, gắn bó mật thiết với TC và Đức Giêsu Kitô, thì ân sủng đức tin và các ân sủng khác càng tuôn đổ dồi dào.

Họ được thúc đẩy hành động như Đức Giêsu Kitô thuở trước, trở nên Lời sống động của Người, từ đó họ có thể truyền bá đức tin mình cho người khác như các tông đồ và tín hữu thời xưa một cách hiệu quả.

 2. Ơn đức tin đến từ đâu?

Cuộc gặp gỡ giữa con người và TC không phải ngẫu nhiên, tình cờ vì TC luôn có mặt, ở sát bên con người, ngay trong lòng con người, nhưng con người lại không nhận ra Ngài. Vì thế cuộc gặp gỡ cần một sự khởi đầu từ phía con người.

Thánh Phaolô trong bài đọc Rm 10, 8-18 giải thích cho chúng ta hiểu rằng: tin là nhờ nghe, nghe là nhờ có người rao giảng, rao giảng được là vì được Chúa sai đi. Vậy chúng ta đã tin, đã nghe, đã rao giảng và được sai đi như thế nào?

Bạn hãy nhớ lại xem ai đã chuyển thông đức tin cho bạn: cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người yêu?

Bạn đã chuyển thông đức tin cho ai chưa? Có bao nhiêu người nhận được ơn đức tin từ bạn?

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Mc 16,15-20) đã sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ”.

Ơn đức tin đã được ban cho ta, kèm theo ơn đó là tình yêu, quyền năng và muôn vàn ân sủng khác của Thiên Chúa Ba Ngôi nên Đức Giêsu nói rõ hơn: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,17-18).

Bạn đã làm được dấu lạ nào để truyền thông đức tin cho người khác? Bạn có tin mình làm được dấu lạ không? Nếu không, tại sao?

Tất cả ân huệ ấy được ban cho ta để ta trở thành Tin Mừng sống động, thành hiện thân của Chúa Giêsu giúp người khác cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa cũng đang mời gọi họ đến gặp gỡ Ngài và đón nhận ơn cứu độ cụ thể từ phía chúng ta.

Họ đói rách ư! Chúng ta chia sẻ cho họ bát cơm, chiếc áo mà Chúa ban từ sự lao động chân chính của mình. Họ bệnh tật ư! Chúng ta chia sẻ viên thuốc, sự săn sóc hay cả ơn chữa bệnh lạ lùng Chúa Giêsu ban cho ta để làm chứng về Người. Họ bị ma quỷ kiềm chế ư! Chúng ta giải cứu họ bằng lời cầu nguyện, chay tịnh, xin lễ cho các linh hồn được siêu thoát và cả việc xua trừ ma quỷ nhân danh Chúa Giêsu.

Vì thế đức tin luôn kèm theo hành động cứu độ, không có những hành động này, đức tin sẽ chết (x. Gc 2,17).

Bạn đang có hành động cụ thể nào chứng minh đức tin của bạn?

Hay bạn chỉ bằng lòng với việc cầu nguyện, dự lễ, thỉnh thoảng làm vài việc bác ái? Bạn nghĩ mình sẽ làm thêm điều gì theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô?

3. Đức tin phát triển như thế nào?

Hình như nhiều người chúng ta không tin hay chưa tin vào những ân sủng kèm theo ơn đức tin để hành động như Chúa Giêsu truyền dạy nên việc loan báo Tin Mừng chưa có kết quả tốt đẹp. Hơn nữa, vì không được củng cố bằng những dấu lạ, đức tin của chính họ không phát triển và họ cũng không truyền bá được đức tin  cho người khác.

Điều này khác hẳn thái độ của các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu trước đây: “Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

Nhiều người lầm tưởng rằng, ơn đức tin chỉ cần lãnh nhận 1 lần qua bí tích Rửa Tội là đủ, rồi đức tin tự nó lớn lên như cây non mà chẳng cần phải chăm sóc tưới bón gì hết.

Họ quá nhấn mạnh đến ơn ban về phía TC: Chúa không ban thì đức tin làm sao phát triển! Họ quên đi sự cố gắng liên lỉ về phía con người: con người vươn tới TC từng bước trong suốt đời mình bằng sự cố gắng tìm hiểu, học hỏi, suy tư, cầu nguyện, hoạt động bác ái.

Cứ mỗi bước gần hơn, thì khuôn mặt Chúa lại hiện rõ hơn, to hơn, đẹp hơn và họ cảm thấy hạnh phúc hơn, quyền năng hơn, yêu thương hơn. Như thế, đức tin phát triển liên tục theo từng cố gắng dù nhỏ mọn nhất của con người.

Bạn dự tính làm gì để phát triển đức tin của mình? Bạn làm gì để truyền bá đức tin cho người khác? Cụ thể người đó là ai?

Lời kết

Những lời gợi ý hôm nay nhân ngày đầu tiên của tuần tĩnh tâm Mùa Chay như thúc đẩy chúng ta dành thêm cho Chúa những giây phút để gặp gỡ Ngài, học hỏi về Chúa Giêsu và hành động theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Chắc chắn ta sẽ làm cho đức tin của mình phát triển mạnh mẽ và đức tin người khác được khai mở trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam.