Bài 8 – Lớp Kitô học Năm Đức tin: Cuộc biến đổi thiêng liêng
Ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra những yếu đuối, khuyết điểm, thói quen xấu và cả tội lỗi của mình và muốn sửa đổi để cho mình tốt đẹp hơn, khoẻ mạnh hơn, khôn ngoan hơn, thánh thiện hơn. Vì thế, vào tuần II Mùa Chay, sau cuộc chiến đấu thiêng liêng với ma quỷ, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc biến đổi thiêng liêng qua việc biến hình của Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu biến đổi là gì và dựa trên những điều kiện nào để có thể biến đổi chính mình cũng như dân tộc Việt Nam.
Cuộc biến đổi thiêng liêng
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra những yếu đuối, khuyết điểm, thói quen xấu và cả tội lỗi của mình và muốn sửa đổi để cho mình tốt đẹp hơn, khoẻ mạnh hơn, khôn ngoan hơn, thánh thiện hơn. Vì thế, vào tuần II Mùa Chay, sau cuộc chiến đấu thiêng liêng với ma quỷ, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc biến đổi thiêng liêng qua việc biến hình của Đức Giêsu. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay cũng nhắc nhở ta rằng: “Đức Giêsu Kitô, Người có quyền năng khắc phục muôn loài, sẽ dùng quyền năng tấy mà biến đổi thân xác yếu hèn cùa chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (x. Pl 3,17-4,1). Bài Sách Sáng Thế (x. St 15,5-12) còn mở rộng hơn để thấy cuộc biến đổi không phải chỉ liên quan đến từng cá nhân, nhưng liên quan đến cả một dân tộc khi Chúa cho Abraham thấy con cháu của ông trở thành Dân Thiên Chúa đông đúc như sao trên trời.
Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu biến đổi là gì và dựa trên những điều kiện nào để có thể biến đổi chính mình cũng như dân tộc Việt Nam.
1. Biến đổi là gì?
1.1. Ý nghĩa của từ ngữ
Biến đổi không phải chỉ là thay đổi. Thay đổi là thay cái này bằng cái khác. Thí dụ: thay cái áo màu trắng bằng áo màu xanh hay thay ý tưởng này bằng ý tưởng khác, hoặc trở nên khác trước. Thí dụ: cảnh vật đổi thay: trước là ruộng nay là nhà.
Biến đổi – hoặc biến hoá – hay tiến hoá: có nghĩa là thay đổi thành khác trước, đổi sang trạng thái hay hình thức khác nhưng bản chất vẫn là chính vật ấy hay người ấy. Thí dụ: con sâu biến đổi, tiến hoá thành con bướm.
Biến đổi là một tiến trình đi từ thấp lên cao, từ tình trạng tầm thường, yếu đuối, khốn khổ, tạm thời sang tình trạng phi thường, mạnh mẽ, tốt đẹp, hạnh phúc, vĩnh hằng. Biến đổi phải đi theo chiều hướng tốt hơn hoặc tốt đẹp mãi mãi.
Con người cũng như muôn vật đều muốn biến đổi theo chiều hướng đó vì Thiên Chúa mong muốn như thế cho muôn loài thọ tạo khi dựng nên chúng và ban muôn ân phúc để giúp chúng hoàn thành tiến trình biến đổi nên giống như Ngài, nhất là khi cho Con Một Ngài là Đức Giêsu nêu gương biến đổi cho muôn loài.
Đọc truyện hay xem phim Tây Du Ký, chúng ta thấy không phải chỉ có con người mà cả thú vật, cây cỏ đều mong muốn được sống mãi, trẻ đẹp mãi mãi, quyền năng vô tận như thần tiên. Chúng tưởng rằng chỉ cần ăn thịt, hút máu được trăm người là được cộng năm tháng sống của họ và trở thành bất tử, nhất là khi ăn được thịt, uống được máu của Thầy Huyền Trang thì càng dễ trở thành bất tử hơn nữa. Đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng nhưng diễn tả nỗi khát khao cháy bỏng được biến đổi của muôn loài. Còn người tín hữu chúng ta được tham dự vào một sự kiện có thật là nhận lấy chính thịt máu Con Chúa Trời để biến đổi và trở thành bất tử! Đây quả là điều lạ lùng ngoài sức tưởng tượng!
1.2. Thuyết tiến hoá và niềm tin quá đáng vào thuyết này
Nhắc đến biến đổi và tiến hoá, có lẽ ta nên nói đôi điều về thuyết tiến hoá của Darwin vì thuyết này đã được đưa vào chương trình học của các học sinh, sinh viên ở nước ta từ năm 1954 đến nay và nhiều người vẫn dùng thuyết này như một luận chứng để chứng minh vạn vật hoàn toàn do ngẫu nhiên mà có, không cần đến Thiên Chúa tạo thành và bảo đảm cho sự tồn tại của chúng. Nhiều người lớn cũng như bạn trẻ Việt Nam hiện nay vẫn chưa phân biệt giữa giả thuyết tiến hoá của khoa học và những khẳng định quá đáng về niềm tin liên quan đến giả thuyết này.
Ta có thể tóm tắt giả thuyết tiến hoá như sau: “Sự sống trên Trái Đất khởi nguồn và sau đó tiến hoá từ một tổ tiên chung từ khoảng 3,8 tỷ năm trước. Sự tiến hoá thành loài mới và sự phân nhánh sự sống lặp lại có thể suy luận ra từ tập hợp những đặc tính sinh hoá và hình thái học chung, hay những chuỗi ADN chung. Những nét tương đồng này giống nhau hơn giữa những loài có tổ tiên chung gần gũi nhau hơn, và có thể dùng để tái dựng lịch sử tiến hoá từ những loài hiện tồn và những dấu vết hoá thạch. Hình ảnh về sự đa dạng sinh học trên hành tinh ngày nay hình thành từ cả sự hình thành loài và sự tuyệt chủng.
Charles Darwin và Alfred Wallace là những người đầu tiên hệ thống hoá những luận cứ khoa học cho lý thuyết tiến hoá theo con đường chọn lọc tự nhiên. Tiến hoá do chọn lọc tự nhiên là một quá trình có thể suy ra từ ba thực kiện về các quần thể sinh học: 1. nhiều cá thể con được sinh ra hơn số lượng có thể sống sót, 2. các tính trạng khác nhau giữa các cá thể, dẫn tới tỉ lệ sinh tồn và sinh sản khác nhau, và 3. những sự khác biệt về đặc điểm trên là có tính di truyền. Do đó, khi những cá thể của một quần thể chết đi, chúng được thay thế bằng những hậu duệ của thế hệ cha mẹ nhưng có có thể thích nghi tốt hơn để tồn tại và sinh sôi trong môi trường mà sự chọn lọc tự nhiên diễn ra. Quá trình này tạo ra và bảo tồn những đặc điểm được cho là phù hợp hơn cho chức năng mà chúng đảm nhiệm. Cho đến nay, sự chọn lọc tự nhiên là nguyên nhân duy nhất cho sự thích nghi, tuy nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự tiến hoá. Những nguyên nhân khác của tiến hoá bao gồm sự đột biến và dịch chuyển di truyền” (x.Tài liệu về thuyết tiến hoá trên Internet).
Xét về phương diện khoa học, thuyết tiến hoá là một giả thuyết hợp lý để giải thích về sự khác biệt giữa các loài và chúng ta có thể đón nhận mà chẳng có gì đi ngược với niềm tin tôn giáo về một Thiên Chúa tạo dựng nên muôn loài. Tuy nhiên khi giả thuyết này được dùng như một luận chứng của ý thức hệ duy vật vô thần, gạt bỏ mọi ý niệm về Thiên Chúa trong việc tạo dựng vạn vật thì người sử dụng thuyết này đã vượt quá giới hạn của một giả thuyết khoa học để xác quyết về những sự thật mà khoa học không thể kiểm chứng. Thí dụ, khoa học chỉ xét nghiệm được các tế bào thần kinh của bộ não hoạt động ra sao nhưng không thể thấy được hay nói gì về tư tưởng con người đang hình thành trong bộ não đó vì tư tưởng không là đối tượng của khoa học. Thí dụ khác là khoa học chỉ nghiên cứu cấu trúc và các bộ phận của đối tượng vật chất như nghiên cứu chiếc đồng hồ nhưng không thể quả quyết cái đồng hồ với vài chục bộ phận ngẫu nhiên tự ráp nối với nhau và chạy tốt được như hiện nay mà không cần người thợ nào làm ra.
Chối bỏ người sáng tạo ra các nguyên lý làm nên cấu trúc của chiếc đồng hồ là khoa học chối bỏ chính sự thật và không còn theo đúng nguyên tắc cơ bản của khoa học: “mọi sự đều có nguyên nhân của nó” và “không ai có thể cho cái mình không có”. Vật chất vô hồn, bất động tự nó không thể cho mình những nguyên lý vận động, sinh trưởng mà con người khám phá ra để tạo nên mỗi ngành khoa học, huống chi là tinh thần con người với sự sống, tình yêu, tư tưởng và biết bao tài năng của tinh thần. Chúng ta còn nhớ thí dụ đơn giản: tháo rời 4 thành phần của chiếc bút bi: vỏ, nắp, ruột, lò xo rồi bỏ vào 1 chiếc ly lắc thế nào cho 4 thành phần ấy ngẫu nhiên gắn kết thành cái bút viết được. Chúng ta thấy lắc cả đời cũng không thành, huống hồ là sinh vật hay con người với hàng tỷ gen ADN để tạo nên biến đổi và đột biến. Muốn nhận ra sự thật của biến đổi và tiến hoá ta cần nhận ra Đấng Biến Đổi thiêng liêng ẩn mình trong mỗi cuộc biến đổi và tiến hoá của muôn loài. Không biết bạn có nghĩ như tôi không?
2. Việc biến đổi và khó biến đổi trong đời sống con người
2.1. Việc biến đổi trong đời sống
Mỗi người chúng ta cảm nhận được sự thay đổi trong đời sống, nhưng có thể chưa thấy được sự biến đổi.
Chúng ta thấy mình mỗi ngày một già đi, yếu đi, xấu đi và đến một lúc nào đó tiến đến cái chết. Đó là một sự thay đổi có thể nói là bi quan.Nhìn vào một cây hoa ta thấy nó lớn lên, trổ bông tươi đẹp, ta tưởng đó là biến đổi, nhưng rồi lại thấy nó tàn tạ, khô héo, chết đi. Đó chỉ là thay đổi làm cho ta thất vọng.
Đôi khi ta nói cuộc sống này với cái chết chỉ thay đổi chứ không mất đi. Nói như thế là đúng, nhưng chưa diễn tả được chiều hướng biến đổi làm cho con người và vạn vật được chia sẻ sự sống tốt đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa.
2.2. Cuộc sống của con người
Trong đời sống hoạt động, nhiều khi ta không biến đổi, nhưng lại tạo nên một nếp sống, do làm đi làm lại nhiều lần một hành động, lâu dần thành thói quen, rồi hình thành nên cá tính của một con người hay của nhiều con người để trở thành bản sắc của một cộng đồng dân tộc, khiến cho người ta khó biến đổi để trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn.
Thí dụ: ta có thói quen thức dậy lúc 4 giờ sáng, dù không có ai đánh thức hay đồng hồ báo thức. Có người quen hút thuốc, uống cà phê, uống trà lâu dần thành nghiện, không bỏ được. Có người có thói quen chơi game, xem phim đồi truỵ, cứ bật máy vi tính lên là đưa những hình ảnh hỗn loạn, dâm đãng, bạo lực, ma quái vào trong tâm trí, khiến tinh thần mê muội, chìm đắm trong đam mê mà không thể thay đổi dù biết chúng rất tai hại.
Về phương diện khoa học, chúng ta đã biết thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của nhà khoa học người Nga Pavlov với con chó – đĩa thịt – tiếng chuông. Cứ mỗi lần đánh tiếng chuông thấy đĩa thịt thì con chó tiết ra dịch vị trong dạ dày. Dần dần người ta bớt các lần đưa đĩa thịt nhưng vẫn đánh đều tiếng chuông, con chó vẫn tiết ra dịch vị. Đến lúc không cần thấy đĩa thịt, chỉ nghe tiếng chuông, con chó vẫn tiết dịch vị thì người ta đã tạo nên một phản xạ có điều kiện cho con chó. Định luật này áp dụng cho con người: nếu cứ lặp đi lặp lại mãi một hành động sẽ tạo thành một thói quen, thành cá tính hay bản sắc rất khó thay đổi.
Trong mùa Chay năm nay, bạn nên dành ít thời giờ tự kiểm xem mình đang có một thói quen không tốt, tật xấu nguy hại hay tội lỗi nào thường hay mắc phải để tìm cách sửa chữa cho cuộc biến đổi của mình. Có người hay chửi mắng con cái, nói lời thô tục lâu dần thành quen và hỏi tôi làm cách nào để sửa đổi. Hôm nay chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho các vấn đề này qua cuộc biến hình của Chúa Giêsu.
Cuộc biến đổi từng cá nhân có thể ảnh hưởng tốt cho cả dân tộc vì tạo nên bản sắc mới cho cộng đồng. Sau hơn 10 thế kỷ bị người Tàu đô hộ dân tộc Việt Nam đã hình thành nên bản sắc dân tộc gồm một số tính tốt như kiên nhẫn, biết chịu đựng, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau nhưng cũng có những khuyết điểm tại hại như nghi ngờ, làm việc cầm chừng, lười biếng, tham lam, lấy cắp của công, phá hoại tài sản công cộng bắt nguồn từ thái độ chống đối kẻ thù. Viện Khoa học Xã hội Hoa Kỳ đã nghiên cứu và đưa ra 10 điểm đáng lưu ý trong bản sắc của người Việt mà chúng tôi đã trình bày trong bài “Cấu trúc Tâm lý Xã hội của người Việt Nam” (x. Web: hanhkhatkito.org, mục Hoạt động của Hành khất Kitô, Khoá Tập huấn Xây dựng nền văn minh tình yêu).
Bản sắc này không phải ai cũng mắc phải vì nhờ việc giáo dục của gia đình hay của chính bản thân, nhờ sống trong môi trường xã hội lành mạnh, con người có thể sửa chữa được những yếu kém trong di sản mà ông bà tổ tiên để lại cho mình. Tuy nhiên trong đời sống xã hội hiện nay, chúng ta thấy những yếu tố xấu trong bản sắc của người Việt đang có chiều hướng lan rộng, gây nguy hại cho dân tộc.Chúng ta rất khó sửa đổi bản sắc ấy trong đời sống cá nhân cũng như đời sống cộng đồng nếu không có nhận thức mới, sự tập luyện để tạo thành thói quen mới và cần cả niềm tin vào Chúa Trời để đổi mới con người. Trong mùa Chay này, chúng ta cũng nên tự hỏi xem những yếu tố xấu nào trong bản sắc người Việt cần sửa đổi. Cá nhân tôi có thể có yếu tố đó không?
3. Những điều kiện để biến đổi
Muốn biến đổi để trở thành hình ảnh sáng láng tươi đẹp của Chúa Giêsu, chúng ta cần những điều kiện gì? Bài Tin Mừng đưa ra 3 điểm cơ bản: Cùng lên núi với Chúa Giêsu, cầu nguyện để trở về nguồn và gắn bó với Chúa Giesu trong mầu nhiệm Vượt Qua.
3.1. Cùng đi lên núi với Đức Giêsu
Bài Tin Mừng kể cho ta nghe chính Đức Giêsu đưa 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan, Giacôbê lên núi biến hình. Trong cuộc thay đổi đời ta, Đức Giêsu luôn chủ động vì Người “yêu ta cho đến cùng” và muốn cho ta được chia sẻ ân phúc và vinh quang của Người. Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự thật và sự sống nên mỗi người chúng ta trước hết cần ý thức về sự thật, giá trị sự sống thì mới có thể biến đổi.
Rất nhiều khi người ta không nhận ra được sự thật của vạn vật cũng như của đời mình nên họ tiếp tục dồn tất cả sức lực và tâm huyết để kiếm tìm tiền của, danh lợi ở trần thế như ta thấy thánh Phaolô nhắc ở bài đọc II: “Có nhiều người sống đối nghịch với Đức Giêsu. Chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng…Họ chỉ nghĩ đến chuyện thế gian” (Pl 3,18-19). Thí dụ: có những bạn trẻ không nhận ra sự thật chết chóc của heroin mà chỉ thấy nó mang lại sảng khoái; hoặc biết nó tai hại, nhưng tai hại này chẳng đáng so với cảm giác sung sướng nó mang đến. Vì thế, họ chìm sâu vào thói quen nghiện ngập. Họ cần phải gặp được sự thật là Đức Giêsu để Người dẫn họ lên núi.
Lên núi với Đức Giêsu không phải là chúng ta leo trèo ở một địa điểm vật chất bên ngoài. Núi tượng trưng cho những gì thanh cao, tốt đẹp vì chúng ta leo lên núi cao để thở hít không khí trong lành, nhìn được trời cao, biển rộng, phong cảnh ngút ngàn, không còn bị trói buộc trong căn phòng đóng kín, tầm mắt không bị giới hạn trong môi trường nhỏ hẹp. Tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều diễn ra ở trên núi: núi rao giảng Tám mối phúc, núi cầu nguyện, núi chịu đau khổ, núi chịu chết, núi biến hình, núi thăng thiên. Vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hướng về những gì cao thượng hơn, vượt lên chính mình để gắn bó mật thiết với Người. Người sẽ đưa ta vào trong đám mây sáng láng để kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, cảm nghiệm được những mầu nhiệm thần bí của Thiên Chúa. Nếu chỉ chiều theo những gì tầm thường, thấp hèn, nhỏ bé, hẹp hòi, ta khó có thể thoát khỏi những gì đang trói buộc ta, làm ta mê muội khiến không thay đổi được chính mình.
3.2. Cầu nguyện để trở về nguồn
Chính khi Chúa Giêsu cầu nguyện, khuôn mặt của Người đổi khác và y phục của Người trở nên trắng tinh chói loà. Đây là điểm ghi chú đặc biệt của thánh Luca: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi” (Lc 9,28). Chúa Giêsu cầu nguyện để dẫn các môn đệ và chúng ta đi vào trong sự thân mật với Thiên Chúa Cha, đưa con người trở về nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của quyền năng vô tận. Chỉ khi trở về được với Nguồn đó, chúng ta mới biến đổi con người tạm thời, hèn yếu, sai lầm, tội lỗi, vô thường, giới hạn, bất lực này dần dần giống với Thiên Chúa.
Lúc đó con người hay dung mạo ta cũng như những vật chất gắn bó với ta mới toả sáng như Chúa Giêsu. Sự toả sáng không phải đến từ bên ngoài rồi biểu lộ trên khuôn mặt như Moisê tiếp xúc với Thiên Chúa trên núi (x. Xh 34,29-35) nhưng từ bên trong vì chúng ta trở thành thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Người chính là ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Sự biến đổi đó mới thật sự trọn vẹn và bền vững lâu dài. Đây cũng là dịp để chúng ta hỏi xem mình đã cầu nguyện như thế nào và đã toả sáng khi cầu nguyện chưa.
Tiến sĩ Barbara Ann Brennan, trong cuốn sách Hands of light (Bàn tay ánh sáng) đã mô tả cho chúng ta những vầng hào quang có những màu sắc khác nhau của người bình thường, người đang giận dữ, buồn phiền, nghiện ngập, sáng tạo, yêu thương…Con người càng sống trong sáng, tốt đẹp, nhất là nối kết được với nguồn năng lượng vô biên, sự sống vô tận, tình yêu vô cùng là chính Thiên Chúa thì dung mạo và cả con người họ toả sáng kỳ diệu, đôi bàn tay họ phát sáng để có thể chữa lành tật bệnh cho con người và vạn vật. Là tiến sĩ chuyên về năng lượng hạt nhân ở Trung tâm Goddard của cơ quan NASA, bà trải qua nhiều chục năm kinh nghiệm, giúp cho trên 5.000 bệnh nhân và giới thiệu cho chúng ta kinh nghiệm biến đổi và chữa trị qua trường năng lượng của con người (x. B.a. Brennan, Hands of light, NXB Bantam Book, New York, 1988; Bản dịch Việt ngữ, Bàn tay Ánh sáng, NXB Văn Hoá Thông Tin, 1996). Kinh nghiệm của bà là một gợi ý cho chính mỗi người chúng ta tìm về với Chúa qua kinh nguyện cá nhân.
3.3. Gắn bó với Chúa Giêsu trong cuộc xuất hành của đời mình
Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, của sự thật, tình yêu, ân phúc. Gắn bó với Chúa Giêsu thì chúng ta mới có thể thay đổi và biến đổi được chính mình, vượt lên trên những gì tầm thường yếu đuối hằng ngày của mình để cảm nghiệm được nguồn hạnh phúc và ở mãi trong hạnh phúc đó giống như Phêrô: “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều…” (Lc 9,33). Phêrô không biết mình đang nói gì. Ông mê mẩn trong hạnh phúc. Ông không để ý rằng Chúa Giêsu đang nói với ông Môsê và Êlia về cuộc xuất hành mà Người hoàn thành tại Giêrusalem, về cuộc vượt qua với cái chết nhục nhã trên thập giá và cả sự phục sinh vinh quang ở đó như kết quả của việc biến đổi thiêng liêng. Ông cần phải xuống núi cùng với Chúa Giêsu để thực hiện cuộc xuất hành này.
Chúa Giêsu chính là Lều Thánh, Lều Hội Ngộ mà Dân Do Thái đã từng cảm nghiệm về sự hiện diện sống động đầy yêu thương che chở của Thiên Chúa trong hành trình ở sa mạc (x. Lv 23,43). Đám mây sáng đã bao phủ lều Hội Ngộ, bây giờ trong cuộc biến hình, cũng bao phủ Chúa Giêsu và các người hiện diện, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người được ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Gắn bó với Chúa Giêsu không phải chỉ trong vinh quang mà theo Người trong suốt cuộc đời, dám chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình. Chính khi chúng ta dám chấp nhận hy sinh trọn vẹn như vậy, chúng ta mới biến đổi trọn vẹn để mang lấy thân xác sáng láng vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.
Các nhà khoa học tâm lý xã hội Ts. Stephen C. Lundin, John Christensen, Harry Paul và Philip Strand đã viết nên tác phẩm Fish, Fish Tales, Fish Sticks, Fish for Life ( Triết lý Chợ Cá cho Cuộc sống) (x. NXB Hyperion, Hoa Kỳ – Cty First News-Trí Việt, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2005) muốn gợi ý cho chúng ta những bước cơ bản để có thể biến đổi, chúng tôi xin giới thiệu một số những công việc cần thiết trong tiến trình biến đổi sau đây:
– Thay đổi nhận thức và thái độ sống
– Khơi nguồn cảm hứng và năng lực sáng tạo
– Tìm kiếm mọi ý tưởng và dám thay đổi
– Biến ước mơ thành sự thật
Lời kết
Ba bước cơ bản trong cuộc biến hình của Chúa Giêsu cũng là những lời mời gọi của Giáo Hội giúp chúng ta biết phải làm gì để biến đổi đời mình cho tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, tràn đầy sự sống hơn. Từ việc chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu lên núi cao, đến việc cầu nguyện trở về nguồn sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt qua, chúng ta mới thấy con đường biến đổi không phải kéo dài một giây lát nhưng là cả cuộc đời. Mỗi khi cố gắng như thế, chúng ta đều cảm nghiệm được sự biến đổi, hạnh phúc mà Chúa Giêsu chia sẻ cho các môn đệ trên núi hôm nay để trở thành hình ảnh sống động của Người trong Giáo Hội cũng như cho dân tộc Việt Nam mà chúng ta đang mong ước mỗi ngày một hùng mạnh hơn, tốt đẹp hơn, cao quý hơn./.