ĐTC Bênêđictô XVI là người đã tái trao ban hy vọng cho Âu châu
Xin gửi đến quý vị và các bạn một số nhận định của bà về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và việc từ nhiệm của ngài. Bài phỏng vấn do phóng viên Daniele Zappalà thực hiện từ Paris và đăng trên nhật báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Italia, số ra ngày 13-2-2013.
ĐTC Bênêđictô XVI là người đã tái trao ban hy vọng cho Âu châu
Phỏng vấn nữ Giáo sư Triết và Phân tâm học Julia Kristeva
Tin Đức Thánh Cha ĐTC Bênêđictô XVI từ nhiệm ngày 11-2-2013 không ngừng gây ra các phản ứng của nhiều giới khác nhau, trong đó có các giáo sư đại học. Điển hình như trường hợp của Triết gia Zygmund Baumann, người Ba Lan, và nữ Giáo sư Julia Kristeva, người Bulgari.
Hồi thượng tuần tháng 2, triết gia và nhà xã hội học Zygmund Bauman đã có mặt tại Roma để thuyết trình về đề tài “Hướng tới một nền nhân bản mới”. Đại hội do tổ chức phi chính phủ Greenaccord cùng tổ chức với Đại học Lumsa, Liên đoàn Ấn loát Italia và Hiệp hội Ấn loát Roma. Khi nghe tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm, ông nói: “Dĩ nhiên là tôi không thể đi vào trong con tim của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, và tôi chỉ có thể suy tư về tác động của sự từ nhiệm này trên thực tại di động của các cơ cấu tôn giáo trong nhiệm vụ trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Tôi tin rằng điều ngài đã làm là một cố gắng đưa chức giáo hoàng trở về với chiều kích của nhân loại. Với việc công khai tự thú của ngài, Đức Ratzinger đã muốn nhìn nhận rằng cả Đức Giáo hoàng, dù là một loại tông đồ và sứ giả, cũng chỉ là một người. Tuy là người Thiên Chúa ban cho có toàn quyền, nhưng ngài đã nhắc cho chúng ta biết rằng cũng có các hạn hẹp trong những gì ngài làm.
Vì thế, lòng can đảm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là ở chỗ ngài đã muốn nhắc nhớ rằng gương mặt của vị Đại diện Chúa Kitô trên trần gian và con người mà ngài diễn tả không thể luôn luôn chồng lên nhau. Sự phân biệt này đã được làm lần đầu tiên cách đây nhiều thế kỷ, từ chính người là vị kế thừa Thánh Phêrô và là thủ lãnh của một cộng đoàn tín hữu khổng lồ. Và tôi tin rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã rất liêm chính và rất can đảm, khi nói rằng ngài đã được chọn để đại diện chức vụ thánh thiêng như thế, nhưng đồng thời ngài vẫn còn là một người, ngài đang tìm cách chu toàn tốt chừng nào có thể vai trò đó, nhưng rất tiếc các khả năng của ngài là các khả năng của con người, và vì thế có giới hạn.
Theo Giáo sư Bauman, chắc chắn là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã suy nghĩ lâu dài và đã đi đến kết luận rằng một lời tuyên bố loại này thay đổi vĩnh viễn tình trạng các sự vật, đã có thể được làm. Đương nhiên là trước mắt của một tín hữu hay một người thường, có sự so sánh với gương mặt triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Nhưng như là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Ratzinger đã làm việc lâu năm với Đức Gioan Phaolô II, và vì thế ngài hiểu biết xung khắc giữa vai trò mà Đức Gioan Phaolô II đã có và sự bất lực của người, trong giai đoạn cuối cùng của một người đau khổ và bệnh tật, có thể tới một mức nào đó thôi và không thể chịu đựng hơn. Tôi tin rằng khi chia sẻ các giờ phút thê thảm này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã rút tỉa ra các kết luận. Và vì thế ngài đã quyết định không lặp lại tình trạng này.
Giáo sư Julia Kristeva sinh năm 1941, từ năm 1964 sống tại Pháp và thành hôn với Triết gia Philippe Sollers và cộng tác với Nguyệt san “Tel Quel” do ông thành lập, cùng với nhiều triết gia Pháp khác.
Là Giáo sư Triết và Phân tâm học nổi tiếng, bà đã nhận được nhiều giải thưởng của các đại học tên tuổi như Đại học Harvard, Hoa Kỳ, và dạy tại Đại học Paris và New York. Bà đã khai triển một suy tư rất độc đáo về ranh giới giữa ngôn ngữ, tâm lý, văn chương và chủ thuyết nữ quyền. Giáo sư Kristeva là tác giả của hơn 30 cuốn sách và các khảo luận. Trong số các sách và khảo luận nổi tiếng của bà đã được dịch ra tiếng Ý có các cuốn như: “Xa lạ với chính mình” (1990); “Các bệnh tật mới của linh hồn” (1993); “Nhu cầu tin. Một quan điểm đời” (2006). Ngoài ra còn có cuốn tiểu thuyết khảo luận tựa đề “Têrêxa, tình yêu của tôi” (2009).
Giáo sư Kristeva đặc biệt hướng cái nhìn của bà về tinh thần tu đức và Kitô giáo. Sự kiện có đứa con trai tàn tật cũng làm nảy sinh ra tác phẩm tựa đề “Cái nhìn của chúng chọc thủng các bóng đen của chúng ta” (2011). Cuốn sách này là một cuộc đối thoại với ông Jean Vanier, sáng lập viên cộng đoàn “Con Tàu” chuyên săn sóc các người tàn tật. Ngày 27-10-2011, bà đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời tham dự Ngày Liên tôn cầu nguyện cho Hoà bình tại Assisi. Bà đã phát biểu về sự cần thiết của một chủ thuyết nhân bản mới cho thế kỷ XXI và tuyên bố: “Chúng ta phải có can đảm đánh cá về việc liên lỉ canh tân các khả năng của con người tin và cùng nhau hiểu biết.”
Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn một số nhận định của bà về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và việc từ nhiệm của ngài. Bài phỏng vấn do phóng viên Daniele Zappalà thực hiện từ Paris và đăng trên nhật báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Italia, số ra ngày 13-2-2013.
Hỏi: Thưa Giáo sư Kristeva, trong cương vị là người không tin, Giáo sư có nhận xét gì về các năm trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI?
Đáp: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mở ra một giai đoạn mới tốt đẹp cho tương lai của Âu châu và nền hoà bình trên thế giới. Khi làm cho thuyết nhân bản Kitô đối thoại với thuyết nhân bản bị tục hoá và hướng tới sự tái thống nhất triết lý. Đức Thánh Cha đã cho đại lục Âu châu một tương lai và hướng thế giới tới hoà bình. Và trong các ngày giờ bị phương tiện truyền thông quy tụ này, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều nhạy cảm đối với sự kiện triết gia và nhà nhân bản này cũng là một nhà chính trị lớn. Hôm nay thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một người bảo vệ hoà bình có khả năng tiếp nhận tính khác biệt hoàn vũ. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một thần học gia và một triết gia. Vì thế, ngài cũng là một nhân vật Âu châu vĩ đại. Với công trình của mình, ngài đã trao ban niềm hy vọng cho một Âu châu bị khủng hoảng. Bởi vì Âu châu có vai trò nòng cốt đối với thế giới, nhất là qua sự thống nhất triết học của nó, Đức Thánh Cha đã trợ giúp thế giới hướng tới hoà bình. Tôi đã có ấn tượng này một cách rất rõ ràng tại Assisi, trong cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình năm 2011, trong đó Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lần đầu tiên đã chính thức mời một nhóm nhỏ các người không có niềm tin tôn giáo phát biểu. Chúng tôi đã hiểu rằng đã chấm dứt thời gian nghi ngờ và bất ổn giữa các người tin và không tin.
Đối với riêng cá nhân tôi, tôi thấy được nhắc lại câu nói của Đức Gioan Phaolô II: “Đừng sợ hãi!” Lời kêu gọi này đã có một ý nghĩa đặc biệt đối với các người Đông Âu bị chế độ độc tài bách hại. Nhưng trong bối cảnh mới, lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã có nghĩa là: các người tin và không tin đừng sợ hãi nhau, và hãy tìm cách hiểu nhau bằng cách truyền thông với nhau. Điều này xem ra không thể thiếu được cho sự hiện hữu của Âu châu, và để cùng nhau suy tư về các vết thương của Âu châu. Đây là một sứ điệp lớn, không phải chỉ đối với vị Giáo hoàng kế tiếp, mà còn đối với tất cả các thế hệ mới của Âu châu nữa.
Hỏi: Có điều gì đã đánh động Giáo sư nhất trong cung cách hành xử của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI?
Đáp: Đó là sự kín đáo rất lớn và sự chính xác của ngài. Trong bài phát biểu trong Ngày Liên tôn Cầu nguyện cho Hoà bình tại Assisi, ngài đã nói một câu sẽ luôn luôn in sâu trong ký ức của tôi: đó là không có ai chiếm hữu chân lý cả. Đó đã là điều bất ngờ đối với một vị đại diện tôn giáo, có khuynh hướng nghĩ rằng chân lý riêng của mình là duy nhất. Nhưng Đức Giáo hoàng này là một nhà nhân bản và một triết gia. Ngài đã hướng tới chúng tôi và hiểu rằng chân lý Kitô đối với chúng tôi không phải là chân lý, cả khi điều này khiến cho chúng tôi đau khổ vì vậy. Thế rồi như thể để đính chính, ngài quan sát rằng chân lý của chúng tôi là một hình thức tìm kiếm mở ra cho các vấn nạn. Nó là một cuộc chiến đấu nội tâm. Và khi hướng tới các tín hữu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xin họ lắng nghe chúng tôi để có thể thanh tẩy đức tin của họ, lấy hứng từ cả chúng tôi là những người không tin nữa. Đây thật là một điều chưa từng có, và đồng thời nó cho thấy một sự sâu xa triết học lớn, một sự khiêm nhường vĩ đại và một đánh cá lớn đối với tương lai của thuyết nhân bản Kitô và thuyết nhân bản đời. Triều đại Giáo hoàng này đã giải thích nhu cầu về thuyết nhân bản của Âu châu, và hiểu rằng nó có hai lá phổi. Trái ngược với những gì mà người ta có thể nói, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã không phải là một vị Giáo hoàng tín điều, trong nghĩa khép kín của từ này. Trong các nền tảng của Công giáo, ngài đã tìm những gì cởi mở, những gì đại diện cho một câu hỏi bằng cách nối liền Thánh Augustinô với các triết gia Heidegger và Freud. Như thế, cuộc sống và tư tưởng là vấn nạn và là đường đi.
Hỏi: Thưa Giáo sư Kristeva, Giáo sư đã tiếp nhận tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm như thế nào?
Đáp: Tôi ngạc nhiên, và hầu như choáng váng. Tôi không cảm thấy mình có khả năng giải thích một cử chỉ như vậy, trong đó sự khiêm tốn của Đức Giáo hoàng và sự phức tạp của tình hình hiện nay của Giáo Hội chắc chắn được trộn lẫn với các yếu tố khác. Tương lai sẽ nói cho chúng ta biết đó là cái gì. Nhưng trên bình diện hoàn toàn nhân loại mà nói, tôi thấy đó là một hành động đầy can đảm và khôn ngoan.
Hỏi: Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ kết thúc với Năm Đức Tin. Là ngươi đã viết nhiều về đức tin, Giáo sư nhận thấy sự trùng hợp này ra sao?
Đáp: Việc giải thích về hành động tin của tôi không nhất thiết trùng hợp với đức tin Công giáo trong nghĩa rõ ràng, nhưng trước hết chú ý tới nền tảng nhân chủng học của kinh nghiệm này. Theo tôi thấy, nền tảng này liên quan tới khả năng đụng chạm tới người khác và thừa nhận họ và làm cho họ biết tôi, ngay từ thời thơ ấu. Trong chìa khoá này, đức tin trong nghĩa rộng hơn đã đánh động tôi nhiếu nhất nơi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đó là niềm tin đối với Âu châu bị tục hoá.
Hỏi: “Thiên Chúa là Tình Yêu” là Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI liên quan tới tình yêu Kitô. Một hành động từ nhiệm có thể được coi như một sự kéo dài và đội triều thiên của tình yêu này hay không, thưa Giáo sư?
Đáp: Thông điệp đối với tôi là một diễn văn rất triết lý và đầy đủ về tình yêu Kitô, và nó không hạn hẹp nơi lòng bác ái, mà cũng xuyên qua sự sâu xa của thân xác nữa, bằng cách thừa nhận cả khoái cảm nhục dục, được nhắc tới trong Thông điệp. Tôi xin lặp lại là tôi không dám đưa ra các giải thích liên quan tới việc từ nhiệm của Đức Thánh Cha. Nhưng tôi có thể nói rằng trong sự tin tưởng mà Đức Thánh Cha đã diễn tả ra đối với thuyết nhân bản bị tục hoá, chắc chắn cũng có một việc thừa nhận các xác thể sống động, xác thể của những người không có đức tin, thừa nhận tính cách riêng tư của mọi kinh nghiệm. Cả điều này nữa cũng nằm trong truyền thống Kitô mà tất cả mọi người đều muốn tôn trọng.
(Avvenire 13-2-2013)