31/10/2024

Chúa mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, bằng cách suy nghĩ và sống theo Phúc Âm

Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay trình bày chủ đề cơ bản của “giai đoạn quyết định” trong năm phụng vụ: phụng vụ mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống và làm những việc lành phúc đức xứng với lòng thống hối.

 Chúa mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống
bằng cách suy nghĩ và sống theo Phúc Âm

Viếng thăm mục vụ tại giáo xứ “SAN GIOVANNI DELLA CROCE”, Rôma – Chúa Nhật III Mùa Chay, 7/3/2010

Anh chị em thân mến!

“Anh em hãy sám hối, – Chúa nói -, vì Nước Trời đã đến gần”, chúng ta đã cùng nhau tung hô như thế trước bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay. Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay trình bày chủ đề cơ bản của “giai đoạn quyết định” trong năm phụng vụ: phụng vụ mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống và làm những việc lành phúc đức xứng với lòng thống hối. Đức Giêsu nhắc lại hai giai thoại xảy ra trong cuộc sống như chúng ta vừa lắng nghe qua bài Phúc Âm: một cuộc thanh trừng tàn bạo của cảnh sát Rôma xảy ra trong Đền thờ (x. Lc 13,1) và thảm cảnh 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết (c. 4). Người ta xem những biến cố này như hình phạt Chúa giáng xuống trên những kẻ phạm tội, và họ cho rằng mình công chính, tin rằng mình tránh được những tai nạn nói trên, và nghĩ rằng mình chẳng cần gì phải thay đổi trong cuộc sống. Nhưng Đức Giêsu đã tố cáo thái độ trên và cho rằng đó là ảo tưởng: “Anh em tưởng rằng những người Galilê này phải gánh chịu một số phận đó, vì họ phạm nhiều tội hơn những người Galilê khác sao? Không phải thế đâu, tôi nói cho anh em biết: nếu anh em không chịu hối cải, thì tất cả anh em cũng sẽ phải chết như họ” (c. 2-3). Và Người mời gọi họ suy nghĩ về những sự kiện trên, để có được một cam kết dứt khoát hơn trên con đường hối cải, bởi vì chính việc khép lòng lại với Chúa, không bước đi trên con đường thống hối ăn năn, sẽ dẫn ta đến cái chết, cái chết của linh hồn. Trong suốt Mùa Chay này, Chúa mời gọi mỗi người trong chúng ta thay đổi cuộc sống, bằng cách suy nghĩ và sống theo Phúc Âm, bằng cách sửa đổi một cái gì đó trong cách chúng ta cầu nguyện, hành động, làm việc và trong những mối tương giao với người khác. Đức Giêsu đưa ra lời kêu gọi này, không phải vì Người quá nghiêm khắc, nhưng vì Người lo lắng đến lợi ích, đến hạnh phúc, đến ơn cứu độ của chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta phải hết sức cố gắng đáp lại tiếng Chúa, cầu xin Người cho chúng ta hiểu đâu là những điều mà chúng ta phải đặc biệt thống hối.

Đoạn kết trong trích đoạn Tin Mừng lấy lại viễn tượng lòng Chúa nhân từ, chỉ cho chúng ta thấy nhu cầu cấp bách phải quay về với Thiên Chúa, phải canh tân đời sống theo ý Chúa. Dựa theo một tập tục đương thời, Đức Giêsu trình bày dụ ngôn một cây vả được trồng trong một vườn nho; thế nhưng, cây vả này lại khô cằn, không hề sinh quả (x. Lc 13,6-9). Cuộc đối thoại giữa ông chủ và người thợ làm vườn nho, một mặt, biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng luôn kiên nhẫn và để cho con người, cho tất cả chúng ta, một thời gian để thống hối; và mặt khác, biểu lộ nhu cầu phải bắt đầu thay đổi cuộc sống bên trong và bên ngoài, để không bỏ mất cơ hội Chúa nhân từ ban cho chúng ta để vượt thắng tính ươn lười về mặt thiêng liêng, và để đáp trả lại tình yêu Chúa bằng tình yêu hiếu thảo của chúng ta.

Thánh Phaolô, trong trích đoạn chúng ta vừa nghe, cũng cổ vũ chúng ta đừng ảo tưởng: được rửa tội và được nuôi dưỡng nơi cùng một bàn tiệc Thánh Thể mà thôi thì chưa đủ, nếu ta không sống như một Kitô hữu, và không chú ý đến những dấu chỉ Chúa gửi đến (x. 1Cr 10,1-4).

Anh chị em trong giáo xứ “San Giovanni della Croce” rất thân mến! Tôi vui sướng được ở giữa anh chị em ngày hôm nay, để cùng với anh chị em cử hành Ngày của Chúa. Tôi thân ái chào Đức Hồng y Giám quản, Đức Giám mục phụ tá vùng và Cha sở của anh chị em là Cha Enrico Gemma, tôi xin cám ơn những lời nói tốt đẹp mà người đã thay mặt mọi người để nói với tôi. Tôi xin cám ơn các linh mục khác đang cộng tác với người. Tôi cũng muốn gửi lời chào đến tất cả các dân cư trong khu phố, đặc biệt những ngươi cao tuổi, những bệnh nhân, những người neo đơn và những người đang gặp khó khăn. Tôi nhớ đến tất cả và nhớ đến từng người trong Chúa qua Thánh lễ này.

Tôi biết rằng giáo xứ của anh chị em là một cộng đoàn non trẻ. Thực thế, cộng đoàn của anh chị em đã bắt đầu hoạt động mục vụ từ năm 1989, ròng rã suốt mười hai năm trong những cơ sở tạm bợ, và rồi trong khu liên hợp mới của giáo xứ. Giờ đây anh chị em đã có một ngôi nhà thờ mới, qua chuyến viếng thăm của tôi, tôi muốn khuyến khích anh chị em ngày càng trở nên những viên đá sống động. Tôi biết rằng mười hai năm đầu đã ghi đậm nét trên lối sống mà ngày hôm nay đây vẫn còn tồn tại. Thực thế, sự thiếu thốn về mặt cơ sở thích hợp và những truyền thống vững chắc đã thúc đẩy anh chị em phó thác vào sức mạnh của Lời Chúa, là một ngọn đèn soi trên bước đường anh chị em đi, và đã mang lại những hoa trái cụ thể là sự hối cải, việc năng chịu các Bí tích, và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể ngày Chúa Nhật, và công việc phục vụ. Giờ đây, tôi khuyến khích anh chị em làm cho ngôi nhà thờ này trở thành nơi mà mọi người ngày càng học biết lắng nghe Lời Chúa nói với chúng ta nhiều hơn qua Sách Thánh. Lời Chúa vẫn luôn là trung tâm sống động cho cộng đoàn của anh chị em, để cho cộng đoàn này trở thành ngôi trường thường xuyên cho cuộc đời Kitô hữu của anh chị em, mà từ đó phát sinh mọi sinh hoạt mục vụ.

Việc xây dựng ngôi nhà thờ mới cho giáo xứ đã thúc đẩy anh chị em cam kết cùng nhau chung vai sát cánh để làm việc tông đồ, và đặc biệt quan tâm đến huấn giáo và phụng vụ. Tôi vui mừng vì những nỗ lực mục vụ hiện nay của anh chị em. Tôi biết có nhiều nhóm giáo dân tụ họp với nhau để cầu nguyện, để đào tạo mình theo trường Phúc Âm, để lãnh nhận các Bí tích – đặc biệt Bí tích Hoà giải và Bí tích Thánh Thể – và sống tình bác ái là chiều kích thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Với lòng biết ơn, tôi nghĩ đến những ai đang cộng tác để làm cho các buổi cử hành phụng vụ được trở nên sống động hơn và được mọi người tham dự một cách tích cực hơn, cũng như tất cả những ai, xuyên qua Caritas giáo xứ và nhóm Sant’Egidio, cố gắng đáp ứng cho nhiều đòi hỏi của vùng đất nơi anh chị em sinh sống, đặc biệt những mong đợi của những ai nghèo khổ nhất và bần cùng nhất. Cuối cùng, tôi đánh giá cao những việc anh chị em đang làm để giúp đỡ các gia đình, giáo dục Kitô giáo cho các em và những ai thường xuyên đến văn phòng tuyên u‎ý.

Kể từ ngày thành lập cho đến nay, giáo xứ của anh chị em đã có những sinh hoạt phong trào và các cộng đoàn mới của Giáo Hội, do đó giáo dân đã ý thức hơn hơn về Giáo Hội và cảm nghiệm được những hình thái mới trong việc tái rao giảng Tin Mừng. Tôi khuyến khích tất cả anh chị em can đảm tiếp tục theo đường hướng này, nhưng anh chị em phải biết chắc là mình đã liên kết tất cả các thực tại hiện nay vào trong một dự án mục vụ duy nhất. Liên quan đến các ơn gọi và vai trò của những người sống đời tận hiến cũng như giáo dân, tôi vui sướng biết rằng cộng đoàn của anh chị em đang đề nghị cổ vũ tính đồng trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa. Như tôi đã có dịp nhắc với anh chị em, điều này đòi hỏi ta phải có một sự thay đổi về tâm tính, đặc biệt đối với hàng giáo dân, “ta không còn được xem họ như những “người cộng tác” của hàng giáo sĩ, nhưng thực sự nhìn nhận họ là những “người đồng trách nhiệm” của hữu thể và hoạt động của Giáo Hội, do đó thúc đẩy việc củng cố một hàng giáo dân trưởng thành và biết dấn thân” (x. Diễn văn khai mạc đại hội dân Chúa tại giáo phận Rôma, 26/3/2009; x. ORLF s. 22, ngày 2/6/2009).

Các gia đình Kitô giáo, các bạn trẻ đang cư ngụ trong khu phố này và tham gia hoạt động tại giáo xứ thân mến, ước gì ước muốn loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô ngày càng tác động trên anh chị em. Đừng để những người khác mang đến cho anh chị em những sứ điệp khác, những sứ điệp không hề dẫn anh chị em đến sự sống, nhưng chính anh chị em hãy trở nên những nhà thừa sai mang Đức Kitô đến cho anh chị em của mình, ở nơi họ sinh sống, làm việc, học hành hay chỉ dùng thời giờ để tiêu khiển. Ở đây cũng thế, anh chị em hãy bắt đầu một hoạt động mục vụ về các ơn gọi thực kỹ lưỡng và có ảnh hưởng sâu rộng, qua việc giáo dục các gia đình và các bạn trẻ biết cầu nguyện và sống một cuộc đời được xem như hồng ân Chúa ban.

Anh chị em thân mến! Thời gian thực mãnh liệt của Mùa Chay mời gọi mỗi người trong chúng ta nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta, như bài đọc một chúng ta vừa nghe đề cập đến. Môisen thấy trong hoang địa một bụi gai cháy rực nhưng không hề bị thiêu rụi. Thoạt đầu, ông tò mò tiến lại gần để xem biến cố nhiệm mầu này, thì bỗng một giọng nói từ trong bụi gai cất tiếng gọi ông: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacob” (Xh 3,6). Và cũng chính vị Thiên Chúa này đã sai ông trở lại Ai Cập, với sứ mệnh dẫn đưa dân Israel về đất hứa, khi ông nhân Danh Thiên Chúa, yêu cầu vua Pharaon để cho dân Chúa ra đi. Bấy giờ Môisen xin Chúa cho ông biết tên của Người, tên mà Thiên Chúa đã dùng để chỉ cho ta thấy uy quyền đặc biệt của Người, để ông có thể đi đến với toàn dân và vua Pharaon. Câu trả lời của Thiên Chúa thật kỳ lạ; nó có vẻ vừa là môt câu trả lời, vừa không phải là một câu trả lời. Thiên Chúa chỉ nói về Người: “Ta là Đấng Ta là!” “Ta là”, và điều đó đã đủ. Như thế, Thiên Chúa đã không từ chối lời yêu cầu của Môisen, Ngài tuyên bố tên của Ngài, và như thế, cho ta khả năng để kêu cầu Chúa, để gọi tên Ngài, để giao thiệp với Ngài. Khi mạc khải tên của Ngài, Thiên Chúa đã thiết lập một tương giao giữa Người với chúng ta. Ngài cho phép chúng ta được kêu cầu Ngài, Người liên hệ với chúng ta, và cho chúng ta liên hệ với Ngài. Một cách nào đó, điều này có nghĩa là Ngài trao ban chính bản thân mình cho thế giới con người chúng ta, Ngài làm cho chúng ta có thể đến được với Ngài, và như thể, trở nên một người trong chúng ta. Ngài chấp nhận nguy cơ của mối tương giao, của hành động ở với chúng ta. Điều đã được bắt đầu nơi bụi gai cháy sáng trong hoang địa đã được ứng nghiệm nơi bụi gai cháy sáng của Thập giá, nơi Thiên Chúa, qua Con của Ngài hoá thân thành nhục thể, làm cho chúng ta có thể đến được gần Thiên Chúa, đã trở nên một con người trong chúng ta, đã được đặt vào trong bàn tay của chúng ta, và như thế, đã giải phóng được nhân loại. Trên đồi Gôngôta, Thiên Chúa là Đấng, trong đêm dân Do Thái thoát khỏi Ai Cập, đã mạc khải Ngài là Đấng giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ, đã mạc khải Ngài là Đấng ôm trọn mỗi hữu thể nhân văn nhờ sức mạnh cứu độ của Thánh giá và sự Phục sinh, và Ngài đang giải phóng con người khỏi tội lỗi và cái chết, đón nhận con người vào trong vòng tay Tình yêu của Ngài.

Chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngưỡng mầu nhiệm Danh Thiên Chúa, là cách tốt đẹp nhất để hiểu mầu nhiệm Mùa Chay, và để sống với tư cách là cá nhân và cộng đoàn luôn sám hối, và như thế, để luôn là một biến cố hiển linh cho thế giới, một chứng nhân cho Thiên Chúa hằng sống, Đấng giải phóng và cứu thoát chúng ta bằng tình yêu. Amen.