26/12/2024

Chúa Nhật III TN – C: Chương trình hành động của người Kitô hữu

Những Chúa Nhật đầu tiên của Năm Mới và mùa Thường Niên luôn có tính cách định hướng cho cuộc đời người tín hữu.Tuần thứ ba này, các bài Kinh Thánh giới thiệu chương trình hành động của Chúa Kitô để chúng ta cùng tìm hiểu và chuẩn bị cho những hoạt động của chúng ta trong năm mới.

 Chương trình hành động của người Kitô hữu

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Chúng ta bước vào tuần thứ ba mùa Thường Niên. Những Chúa Nhật đầu tiên của Năm Mới và mùa Thường Niên luôn có tính cách định hướng cho cuộc đời người tín hữu.

Tuần thứ nhất chúng ta đã tìm hiểu việc thanh tẩy toàn diện con người qua phép Rửa của Chúa Giêsu Kitô. Tuần thứ hai, qua phép lạ ở tiệc cưới Cana, chúng ta biết mình đã kết ước mãi mãi với Thiên Chúa và tình yêu này thúc đẩy chúng ta có những hành động thiết thực nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Tuần thứ ba này, các bài Kinh Thánh giới thiệu chương trình hành động của Kitô hữu để có thể tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Vì thế, chúng ta cùng nhau tìm hiểu chương trình hành động của Chúa Giêsu để chuẩn bị cho những hoạt động của chúng ta trong năm mới.

1. Chương trình hành động của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu là “Ngôi Lời Thiên Chúa làm người” đến trần gian để cứu độ con người và vũ trụ theo ý định của Chúa Cha. Để thực hiện được mục đích này, Người đã đề ra những mục tiêu hoạt động theo như Chúa Cha đã dự liệu từ trước. Vì thế Chúa Giêsu đã trích dẫn đoạn 61, 1-2 của Tiên tri Isaia để nói đến chương trình hành động của Đấng Kitô, Người được xức dầu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Chúng ta có thể rút ra vài điểm cơ bản trong chương trình hành động này: trước hết, Chúa Giêsu luôn ý thức mình chỉ là người thừa hành lệnh truyền của Thiên Chúa: “Chúa xức dầu và sai tôi đi” chứ không tự ý hành động theo ý muốn riêng tư. Tiếp đến, mọi hoạt động đều dành cho người khác, không có điểm nào dành riêng cho mình. Hơn nữa, tất cả các mục tiêu đều nhắm đến những điều tích cực, cụ thể, thiết thực để phát triển toàn diện con người: “tin mừng cho người nghèo, giải phóng cho kẻ bị giam cầm, ánh sáng cho người mù, tự do cho người bị áp bức, ơn Chúa cho mọi người”. Cuối cùng là đặc tính “hiện sinh” của hành động qua từ “hôm nay đã ứng nghiệm” vì sự cứu độ không phải là những lời hứa hẹn xuông, có thể xảy đến vào một tương lai xa vời nào đó.

Chúa Giêsu đã thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa trước và còn thực hiện nhiều điều khác nữa. Sau khi Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người ở dòng sông Giorđan, Chúa Giêsu đi khắp nơi loan báo tin mừng cho những người nghèo về tinh thần cũng như về vật chất. Người chữa lành con người khỏi đủ loại bệnh tật khác nhau, xua trừ ma quỷ để giải phóng con người được thật sự tự do, thậm chí làm cho người chết được sống lại để mời gọi hướng về một đời sống vĩnh hằng. Người tha thứ tội lỗi, chữa lành tâm hồn đau thương của con người, vì trong tư cách là Thiên Chúa, Người thanh tẩy và phục hồi tâm hồn họ.

Trước khi về giảng tại Nazareth, Người đã thực hiện tất cả những điều đó. Vì thế, sau khi công bố lời tiên tri của Isaia, Chúa Giêsu kết luận rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qu‎ý vị vừa nghe”. Người đã hành động theo đúng những gì mà Thiên Chúa hứa với con người để thể hiện tình yêu cứu độ của Cha Trên Trời dành cho mọi người. Vậy người Kitô hữu chúng ta hiểu gì về hành động của mình và phải hành động như thế nào?

2. Những quan niệm khác nhau về hành động của người Kitô hữu

Đặt câu hỏi đó, chúng ta tìm được ngay câu trả lời: chúng ta hành động như Chúa Giêsu vì chúng ta cũng là Kitô, nghĩa là được xức dầu như Người và cho Người. Trong ngày chịu bí tích Rửa Tội, linh mục xức dầu trên đầu ta để nhắc nhở ta về sứ mạng làm vương đế, làm tư tế và làm tiên tri cùng với Chúa Giêsu. Tuy nhiên trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, người ta đã hiểu  hành động của người tín hữu theo nhiều ý nghĩa khác nhau.

Vào 3 thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội sơ khai, các tín hữu luôn hiểu mình có sứ mạng và hành động như Chúa Giêsu nên họ đi khắp nơi loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, giúp cho con người cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua những quyền năng, ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho họ như thánh Phaolô trong bài đọc II (1Cr 12,12-30) đã nói với chúng ta hôm nay: “Tất cả chúng ta cùng thuộc về thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, mỗi người là một chi thể…” . Mỗi người có thể là mắt, là miệng, là tay chân… nhưng tất cả cùng chung một hành động của Chúa Giêsu để mang lại bình an và ơn cứu độ cho con người: người là miệng thì rao giảng Lời Chúa, người là mắt thì phải nhìn xa trông rộng để thấy tỏ tường sự thật, người là tai thì phải lắng nghe Lời Chúa để chuyển thông cho anh chị em mình, người là tay thì phải hành động để phục vụ anh em, người là chân thì phải bước đi đến với người khác…

Sau đó, người ta đã hiểu hành động này theo những ý nghĩa khác nhau. Cho đến Công đồng Vaticanô II, năm 1962-1965, suốt 15,16 thế kỷ, người ta hiểu rằng Giáo Hội chia ra hai thành phần: lãnh đạo (gồm hàng giáo phẩm, giáo sĩ), và đón nhận sự lãnh đạo (gồm giáo dân). Hoạt động của cấp lãnh đạo là rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích, điều hành sinh hoạt tôn giáo trong khi hoạt động của giáo dân là tham dự bí tích, đọc kinh cầu nguyện, nhiều người không biết làm gì hơn. Từ thế kỷ 12 xuất hiện thành phần thứ ba khá đông đảo, đó là tu sĩ, ngoài giáo sĩ và giáo dân. Người ta chia cho các dòng tu nhiều hành động phục vụ khác nhau tuỳ theo sứ mạng của mỗi hội dòng: như giáo dục, phục vụ bệnh nhân, bác ái xã hội, rao giảng Tin Mừng… Như thế giáo dân chỉ giữ một vài hành động rất nhỏ bé trong đời sống Giáo Hội.

Từ sau cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, do ý thức dân chủ và sự phân quyền rõ rệt giữa đạo và đời, người ta chủ trương các người thuộc hàng giáo phẩm, giáo sĩ chỉ nên lo việc “đạo” trong nhà thờ, còn người tín hữu giáo dân trong tư cách là công dân mới nên lo việc “đời” ở ngoài nhà thờ. Hơn nữa, do tâm thức duy lý, duy khoa học thực nghiệm, người ta cũng phân biệt chuyện chữa lành bệnh tật thuộc lĩnh vực y khoa, chuyện chữa trị tâm hồn thuộc lĩnh vực tâm lý, tâm thần, chuyện tranh đấu đòi tự do cho người bị áp bức thuộc lĩnh vực chính trị đảng phái dân sự, chuyện trừ ma diệt quỷ là chuyện mê tín, dị đoan, chỉ còn chuyện tha thứ tội lỗi thuộc về lĩnh vực tôn giáo dành cho những ai tin Chúa và Giáo Hội Công giáo mà thôi! Thế là chương trình hành động cứu độ của người tín hữu Kitô bị thu hẹp đến độ không còn gì để làm ngoài bí tích và phụng vụ. Rất nhiều linh mục ngày nay vẫn cho rằng mình chỉ có bổn phận dâng lễ, cử hành bí tích, dạy giáo lý chứ không phải lo chuyện ăn uống cho người đói khát, chuyện bất công ngoài xã hội… vì đạo và đời là hai thứ tách biệt. Trong khi Chúa Giêsu lại mời gọi các môn đệ: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mc 6,37), Người ban biết bao quyền năng cho các môn đệ để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ (x. Mt 10,11; Mc 6,7-12; 16, 16-20…).

Cách đây 50 năm, Công đồng Vaticanô II, nhất là qua Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, đã mời gọi mọi người tín hữu quan tâm đến những hoạt động trong nhiều lĩnh vực của Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, từ năm 2004, Giáo Hội mới chính thức, qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, nhắc nhở mọi tín hữu phải quan tâm đến tất cả các hoạt động trần thế như Chúa Giêsu đã công bố qua chương trình hành động của Người vì Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ toàn diện cho con người. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải quan tâm và hành động để bảo vệ giá trị con người, nhân quyền, gia đình, lao động, kinh tế, chính trị, môi trường sống, cổ vũ hoà bình…. Khi chúng ta quyết tâm hành động thì Chúa Thánh Thần sẽ ban những ân sủng, sức mạnh và quyền năng của Chúa Giêsu cho ta để ta tiếp nối chương trình cứu độ của Người. Tuỳ theo nhiệm vụ của mỗi người trong Giáo Hội là giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta biết cộng tác để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho cộng đồng nhân loại.

Lời kết

Hôm nay chúng ta chỉ có thể bàn đến một vài điểm như vậy để thấy rằng Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta nhìn lại hành động của mình và dự thảo một chương trình hành động cho năm mới thật cụ thể và tốt đẹp để mang lại ơn cứu độ toàn diện cho tất cả mọi người.