27/12/2024

Sống ngày “hôm nay” trong Chúa

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 27-1-2013, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đón nhận ơn cứu độ và sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngày sống của mình bằng cách lắng nghe lời của Ngài.

Sống ngày “hôm nay” trong Chúa

 

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 27-1-2013, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đón nhận ơn cứu độ và sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngày sống của mình bằng cách lắng nghe lời của Ngài.

 

Trong một ngày nắng đẹp, hàng chục ngàn tín hữu hành hương quần tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô để nghe lời giáo huấn của Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài đã giải thích ý nghĩa của đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 1,1-4; 4,14-21) và nhắn nhủ các tín hữu hãy sống ngày hôm nay như là ngày hồng ân cứu độ. Giải thích về ý nghĩa của đoạn Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói:

 

Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta hai đoạn trích khác nhau trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Đoạn thứ nhất là lời tựa, là một lời nhắn nhủ tới một con người cụ thể có tên là “Thêôphilô”, vì tên này trong tiếng Hylạp có nghĩa là “yêu mến Thiên Chúa”, nên chúng ta có thể nhận ra nơi ông hình ảnh của những người tín hữu biết mở ra với Thiên Chúa và khao khao hiểu biết về Tin Mừng. Trong khi đó, đoạn thứ hai trình bày cho chúng ta sự kiện Đức Giêsu, “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy”, đi vào hội đường Nazareth. Nhìn kỹ ta thấy rằng Thiên Chúa đã không xem thường những nghi lễ phụng vụ hằng tuần và Ngài vẫn thường quây quần bên những người đồng hương để cầu nguyện và lắng nghe Kinh Thánh. Nghi thức này bao gồm việc đọc một đoạn văn trong Kinh Torah hay ngôn sứ và sau đó là một vài diễn giải. Vào ngày này, Đức Giêsu đã đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép: “Thần khí của Ðức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61,1-2). Origen diễn giải: “Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Ngài mở sách và tìm thấy đoạn Ngôn sứ Isaia nói về Ngài, nhưng đây chính là hành động quan phòng của Thiên Chúa”. Sau khi đọc xong đoạn Sách Thánh, Đức Giêsu đã thinh lặng, rồi Ngài nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Thánh Cirillo Alessandria xác nhận rằng, “hôm nay” được đặt giữa lần đến đầu tiên và cuối cùng của Đức Giêsu, được nối kết với khả năng của người tín hữu trong việc lắng nghe và hoán cải. Nhưng trong ý nghĩa cụ thể hơn, Đức Giêsu chính là “hôm nay” trong lịch sử cứu độ, bởi vì Ngài đã đến và hoàn tất công trình cứu độ. Thuật ngữ “hôm nay” có ý nghĩa rất phong phú trong Tin Mừng Thánh Luca, nó gợi nhắc cho chúng ta chủ đề Kitô học rất được ưa thích bởi Thánh sử Luca. Trong tường thuật về việc sinh hạ, chủ đề này đã được trình bày trong lời của các Thiên Thần: “Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa.” (Lc 2,11)

 

Sau khi diễn giải bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu phải sống cụ thể ngày “hôm nay” trong đời sống thường ngày. Ngài nói:

 

Anh chị em thân mến,

 

Đoạn Tin Mừng này đòi chúng ta phải chất vấn về chính ngày “hôm nay” của chúng ta. Trên hết, chúng ta phải nghĩ về cách chúng ta sống ngày Chúa Nhật: ngày để nghỉ ngơi, ngày của gia đình, và trên hết là ngày dành cho Chúa, bằng cách tham dự Thánh Lễ, nơi đó chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa Kitô và Lời sự sống của Ngài. Thứ đến, trong thời đại đầy xáo trộn và đổi thay này, bài Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi chúng ta chất vấn chính mình về khả năng lắng nghe của chúng ta. Trước khi có thể nói về Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa, chúng ta cần lắng nghe Ngài, và phụng vụ của Giáo Hội chính là “trường học” lắng nghe Thiên Chúa, Đấng luôn nói với chúng ta. Cuối cùng, bài Tin Mừng cũng nói cho chúng ta rằng mọi khoảnh khắc đều có thể trở thành hôm nay để chúng ta có thể hoán cải. Mỗi ngày có thể trở thành ngày cứu độ, bởi vì ơn cứu độ là một lịch sử được tiếp nối bởi Giáo Hội và bởi mỗi một người môn đệ của Đức Giê-su. Đây chính là ý nghĩa Kitô giáo của thuật ngữ “Hãy sống với ngày hôm nay” (carpe diem), hãy nắm bắt khoảnh khắc Thiên Chúa kêu gọi bạn để trao ban ơn cứu độ.

 

Đức Trinh Nữ Maria chính là mẫu gương cho chúng ta và là Đấng hướng dẫn chúng ta trong việc mở ra để đón nhận mỗi ngày trong đời sống chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng cứu độ của chúng ta và của tất cả nhân loại.

 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắn nhủ một cách đặc biệt vì hôm nay cũng là ngày tưởng niệm các nạn nhân của thảm hoạ diệt chủng Phátxít. Ngài nói:

 

Hôm nay cũng là “Ngày tưởng niệm” những nạn nhân của Holocaust của Phátxít. Việc kỷ niệm thảm hoạ kinh hoàng này phải là một lời nhắc nhở dành cho mọi người rằng, chúng ta không nên lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ. Và chúng ta phải nỗ lực để vượt qua mọi thái độ ghen ghét và các hình thức phân biệt chủng tộc, đồng thời phải thăng tiến và tôn trọng phẩm giá con người.

 

Sau Angelus, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng hôm nay cũng là Ngày Thế giới Bệnh nhân. Ngài nhắn nhủ tới mọi người:

 

Tôi muốn diễn tả sự gần gữi của tôi tới những người phải chịu đau khổ vì bệnh tật, những nhà nghiên cứu đầy can đảm, các nhà thiện nguyện, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế và cụ thể là biết bao nhiêu người đang tham gia vào các tổ chức Công giáo và Tổ chức những người bạn của Raoul Follereau. Tôi cũng nguyện xin Thánh Damien de Veuster và Thánh Marianna Cope, những người đã hiến trao đời mình cho những người phải chịu đau khổ vì bệnh phong, xin các ngài cầu bầu cho tất cả các bạn.

 

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng, Chúa Nhật hôm nay là ngày đặc biệt cầu nguyện cho hoà bình trên Đất Thánh. Và Ngài cảm ơn tất cả những ai đang nỗ lực để thăng tiếng hoà bình trên mọi miền của thế giới và ngài đặc biệt chúc mừng những người hiên diện nơi đây. Sau đó, Ngài cũng chào mừng khách hành hương bằng các thứ tiếng khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Phần Lan và Tây Ban Nha. Và cuối cùng, Đức Thánh Cha ban phép lành Toà Thánh cho toàn thể mọi người hiện diện.