31/10/2024

Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất: Lĩnh vực truyền thông, một chứng từ đối thoại đại kết Chính thống giáo-Công giáo tại Nga

“Chỉ có những phương tiện truyền thông hiện đại mới đáp ứng được những yêu cầu thông tin khách quan, nhằm thúc đẩy những quan hệ tốt đẹp giữa Chính thống giáo và Công giáo”.

Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất: Lĩnh vực truyền thông, một chứng từ đối thoại đại kết Chính thống giáo-Công giáo tại Nga

 

WHĐ (24.01.2013) – “Chỉ có những phương tiện truyền thông hiện đại mới đáp ứng được những yêu cầu thông tin khách quan, nhằm thúc đẩy những quan hệ tốt đẹp giữa Chính thống giáo và Công giáo”. 

 

Ông Petr Humeniuk, người đứng đầu Quỹ Trợ giúp các Giáo hội đang gặp khó khăn (ACN)* tại Nga đã phát biểu như trên. 

 

Ông còn khẳng định, việc đối thoại đại kết cũng phải thông qua con đường thông tin, vì thế Tổ chức ACN của Tòa Thánh đã đặt công tác truyền thông vào số những việc cần được ưu tiên thực hiện tại Nga.

 

Tại Nga, hoạt động thông tin giúp cho các cơ sở văn hoá và truyền thông Kitô giáo có được “những đóng góp cụ thể nhằm cổ võ những mối quan hệ giữa các tín hữu Kitô”.

 

Ông Petr Humeniuk cho biết: “Dù việc đối thoại giữa hai Giáo hội Chính thống giáo và Công giáo không nằm trong số những mục tiêu của chúng tôi, nhưng ACN luôn được coi là một “chất xúc tác” cho cuộc đối thoại này, vì thế chúng tôi luôn muốn được đóng góp hỗ trợ cho tiến trình đó”.

 

Về phần mình, ông Dimitri Vlassov, Giám đốc Blagovest Info, Cơ quan Thông tấn Kitô giáo, một trong những cơ quan thông tin được ACN tài trợ, có trụ sở đặt tại Matxcơva, đã khẳng định: “Công việc của chúng tôi đã mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho việc đối thoại đại kết”.

 

Ông cũng cho biết đã thường xuyên nhận được những nhận xét tích cực từ cả hai phía Chính thống giáo và Công giáo.

 

Cơ quan thông tấn này được thành lập vào năm 1995, do Victor Tarasievic, một nhà báo Công giáo người Biêlôrussia, với tôn chỉ: qua thông tin vô tư và đúng đắn, thúc đẩy hai Giáo hội chị em tiến đến hoà giải. Từ năm 2005, cơ quan này mở địa chỉ trên Internet bằng tiếng Nga (www.blagovest-info.ru) dưới hình thức cập nhật dữ liệu thường xuyên, với khoảng 30 bài viết mỗi ngày, ký tên ban biên tập và các thông tín viên tại các thành phố lớn của Liên bang Nga và tại các nước Cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết cũ.

 

Có cả những độc giả bên ngoài biên giới Liên Xô cũ đã vào trang web này. Ước tính có hơn ngàn khách truy cập, từ Hoa Kỳ, châu Âu, châu Phi. Hiện đang có dự kiến sẽ mở phiên bản tiếng Anh.

 

Bày tỏ lòng biết ơn đối với ACN đã dành cho giúp đỡ “rất cần thiết”, ông Dimitri Vlassov nói thêm: “Những tin tức được chúng tôi phổ biến nhằm thúc đẩy sự hiểu biết nhau ngày càng lớn hơn và sâu sắc hơn giữa các tín hữu Công giáo và Chính thống giáo”.

 

Về phía đại diện ACN tại Nga, ông Petr Humeniuk đã đưa ra nhận xét: “Qua nhiều cuộc phỏng vấn, các vị lãnh đạo của cả hai Giáo hội đều bày tỏ sự công nhận và tin tưởng đối với cơ quan thông tin này”.

 

Cũng nên biết thêm, trong số các vị được hãng tin Blagovest info phỏng vấn, có: Đức TGM Paolo Pezzi của Tổng Giáo phận Công giáo Mẹ Thiên Chúa tại Matxcơva, Đức TGM Antonio Mennini, Sứ thần Toà Thánh tại Nga từ 2002 đến 2010, Đức TGM Chính thống giáo Hilarion (giai đoạn chỉ có một TGP Chính thống giáo) và ông Jaroslav Nilov, người đứng đầu Uỷ ban Đuma phụ trách các hiệp hội công cộng và các tổ chức tôn giáo. 

 

Đồng thời hãng tin cũng đã nhận được những chứng từ giàu ý nghĩa, như của Đức cha Sigitas Tamkevicius, TGM Kaunas (Lituania), Chủ tịch HĐGM Công giáo Lituania, về những quan hệ thân hữu của ngài với các tù nhân chính trị theo Chính thống giáo khi họ bị lưu đày tại goulag-trại tập trung.

 

Tiếp đến là hãng sản xuất phim truyền hình Blagovest Media. Đây là một “dự án liên tôn” do ACN hỗ trợ. Hãng đã phát đi thông tin điệp đầu tiên của một vị giáo hoàng mà đài truyền hình Nga chưa bao giờ làm như vậy. Đó là ngày 16-4-2008, mừng sinh nhật thứ 81 của ĐTC Bênêđictô XVI, Đài Truyền hình Vesti đã chiếu phim tài liệu về cuộc đời của ngài. Bộ phim được kết thúc với những lời chào của ĐTC gửi đến “Người dân Nga rất yêu quý và những anh em Chính thống giáo của tôi”.

 

Việc thực hiện loại phim ngắn, do Blagovest Media sản xuất, đã được tiếp tục nhờ sự giúp đỡ của ACN. Ông Pietr Humeniuk thuật lại: “Trong các chuyến công tác tại Nga, tôi nhận thấy có mối quan tâm lớn dành cho Đức giáo hoàng và Giáo hội Rôma. Nhiều người xem viđêô đã xúc động trước thông điệp đầy tình cảm của Đức Bênêđictô XVI khi ngài nói mấy lời bằng tiếng Nga”.

 

Một cơ quan khác cũng đã nhận được sự giúp đỡ của ACN, đó là Thư viện Dukhovnaya, nơi phân phối cho người dân Matxcơva sách vở Kitô giáo, nhất là năm 2006 đã xuất bản tác phẩm “Dẫn vào Kitô giáo” của ĐTC Bênêđictô XVI, ấn bản tiếng Nga. Ngoài ra, tại Zavet, đã thành lập trung tâm phát hành các tài liệu nghe-nhìn và các ấn phẩm Kitô giáo, với trụ sở đặt tại Saint Petersburg.

 

(Theo Zenit, 22-01-2013)

 

–––––––––––––––––––––

* Quỹ Trợ giúp các Giáo hội đang gặp khó khăn – Tiếng Anh: Aid to the Church in Need (ACN) là Tổ chức Bác ái Công giáo quốc tế do Linh mục Werenfried van Straaten người Hà Lan (1913–2003) sáng lập năm 1947. Năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nâng Tổ chức này thành Quỹ thuộc Toà Thánh. Giám đốc ACN là Đức Hồng y Mauro Piacenza và Giám đốc điều hành là ông Johannes Freiherr Heereman von Zuydtwyck. ACN có trụ sở chính tại Vatican, với các Văn phòng tại 17 quốc gia trên thế giới và đang trợ giúp khoảng 5.000 dự án tại hơn 140 quốc gia [Chú thích của người dịch].