27/12/2024

Thư gửi thân mẫu các linh mục và chủng sinh toàn thế giới

Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, dành cho phóng viên Roberto Piermarini của chương trình Ý ngữ Đài Vatican, ngày mồng 8-1-2013, về bức thư này.

Thư gửi thân mẫu các linh mục và chủng sinh toàn thế giới

 

Phỏng vấn ĐHY Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ

 

Ngày mồng 1-1-2013, lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, đã gửi một bức thư cho thân mẫu các linh mục và chủng sinh toàn thế giới, để cám ơn các bà đã dâng hiến con cho Thiên Chúa, Giáo Hội và xã hội.

 

Theo thống kê năm 2010 của Toà Thánh, Giáo hội Công giáo hiện có gần 1 tỷ 196 triệu tín hữu, tức gia tăng 15 triệu so với năm 2009. Số giám mục được 5.104 vị, và các linh mục là 412.236 vị, trong đó có 277.009 linh mục giáo phận và 135.227 linh mục dòng. So với năm 2009 trước đó, số linh mục gia tăng 1.643 vị. Á châu có thêm 1.695 linh mục, Phi châu thêm 761 vị, Đại Dương châu 52 vị, châu Mỹ Latinh 40 vị và Âu châu chẳng những đã không thêm mà còn giảm mất 905 vị.

 

Liên quan tới con số các chủng sinh vẫn theo Niên giám Toà Thánh năm 2010 con số các sinh viên triết và thần học của các giáo phận và dòng tu trên toàn thế giới là 118.990 thầy, tức là gia tăng 4% so với năm 2005. Số các chủng sinh tại Âu châu giảm 10,4%, tại Mỹ châu giảm 1,1%. Trong khi tại Phi châu gia tăng 14,2%, tại Á châu gia tăng 13% và tại Đại Dương châu gia tăng 12,3%.

 

Có nhiều lý do giải thích cho việc giảm sút ơn gọi linh mục trong các nước Tây Âu. Trước hết là sự kiện các gia đình Tây Âu ngày càng ít con, thường khi chỉ có một hai người con. Khi số con ít như thế, các bậc cha mẹ chắc chắn không có khuynh hưởng khuyến khích chúng đáp trả lại tiếng Chúa gọi dấn thân sống ơn gọi linh mục tu sĩ. Nhưng bên cạnh lý do ít con ấy còn có bầu khí tục hoá ngày càng lan tràn trong các xã hội Tây Âu, khiến cho các Kitô hữu không sống đạo nữa.

 

Rồi trong cuộc sống xã hội các chính quyền duy đời, hay duy đời cực đoan tìm hết mọi cách để loại trừ tôn giáo và ảnh hưởng của nó khỏi cuộc sống công cộng dân sự. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông bài bác tôn giáo, chống đối Giáo Hội và bôi nhọ giáo quyền. Tất cả đẫn đưa tới thảm cảnh Kitô hữu Tây Âu đánh mất đức tin, và không còn ý thức về căn cội Kitô của nền văn minh Tây Âu nữa.

 

Thế là trong gia đình, các bậc cha mẹ, vì không thực hành đạo, nên cũng không đủ hiểu biết nhiều về đức tin để thông truyền gia tài đức tin cho con cái. Tại trường học tôn giáo không còn là môn học bắt buộc nữa, nhưng học sinh có quyền tự do lựa chọn học hay không học. Ngoài xã hội thì có bầu khí khí tục hoá bài tôn giáo. Và hậu quả là người trẻ hầu như không nhận được gì từ đức tin Kitô trong gia đình, tại học đường và ngoài xã hội. Trừ khi ý thức tham gia sinh hoạt của các hội đoàn và phong trào trong giáo xứ nơi họ sinh sống, người trẻ Kitô có vốn liếng hành trang tinh thần phong phú hơn.

 

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, dành cho phóng viên Roberto Piermarini của chương trình Ý ngữ Đài Vatican, ngày mồng 8-1-2013, về bức thư này.

 

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, lý do nào dã khiến cho Đức Hồng Y viết bức thư nói trên cho thân mẫu của các linh mục và chủng sinh trên toàn thế giới?

 

Đáp: Tôi đã viết bức thư này với ước muốn khích lệ, và đặc biệt cám ơn tất cả các bà mẹ của các linh mục và các chủng sinh, và cùng với các bà là khích lệ và cám ơn tất cả mọi phụ nữ, nữ tu cũng như giáo dân, đã tiếp nhận lời mời gọi hướng tới họ trong Năm Linh Mục, dâng cuộc sống, lời cầu nguyện và các khổ đau, mệt mỏi, hy sinh cũng như các niềm vui, để cầu nguyện cho sự trung thành và việc thánh hoá các thừa tác viên của Thiên Chúa, và như thế chia sẻ, với tước hiệu đặc biệt, chức làm mẹ của Giáo Hội, theo gương mẫu và thành toàn trong chức làm mẹ của Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa.

 

Hỏi: Đức Hồng Y đã viết rằng: viêc tham dự cho phép sống như là mẹ của linh mục là điều “đặc biệt và duy nhất”. Tại sao lại “đặc biệt và duy nhất”, thưa Đức Hồng Y?

 

Đáp: Trong sự mới mẻ, mà Chúa Kitô làm trong cuộc sống của những người mà Chúa đã chọn và kêu gọi, thì tất cả các thân nhân và tất cả mọi người gần gũi với họ nhất đều bị liên luỵ; nhưng chắc chắn bị liên luỵ “một cách duy nhất và đặc biệt” là sự tham dự mà bà mẹ của linh mục được sống. Thật thế, “duy nhất và đặc biệt” là các an ủi thiêng liêng phát xuất từ việc bà đã cưu mang trong lòng mình người đã trở thành vị thừa tác của Chúa Kitô. Đúng thế, mỗi một bà mẹ của linh mục chỉ có thể vui mừng, khi nhìn thấy cuộc sống của con trai mình không chỉ thành tựu, mà còn được mặc một sự ưu tuyển của Thiên Chúa ôm ấp và biến đổi đời đời nữa.

 

Hỏi: Gương mặt của Thánh nữ Monica, người mẹ đã kiên trì cầu nguyện cho sự hoán cải và ơn gọi của con trai mình là Thánh Augustinô, đã ảnh hưởng cỡ nào trên việc soạn thảo bức thư gửi thân mẫu các linh mục và chủng sinh nói trên của Đức Hồng Y?

 

Đáp: Chắc chắn Thánh Augustinô là nhân vật vĩ đại của ngàn năm thứ nhất của Kitô giáo, và chính huấn quyền của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giúp toàn thể Giáo Hội hưởng nếm, một lần nữa, phần đóng góp không thể thiếu được, mà vị Giám mục thành Ippona đã cống hiến cho tư tưởng Kitô và cho chính sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Thánh nữ Monica, thân mẫu của người, mà hài cốt được giữ trong Nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma gần quảng trường Navona, chắc chắn là điểm guy chiếu không thể khước từ được đối với tất cả các bà mẹ của các linh mục, bởi vì thánh nữ ít nhiều gì cũng là một hình ảnh.

 

Xem ra Thánh nữ Monica cũng một ít là hình ảnh của Giáo Hội cầu nguyện, cầu nguyện cho sự hoán cải của các con cái mình, và rồi vui mừng một cách đáng khâm phục trong lúc trông thấy các con cái mình hướng về Thiên Chúa. Vì thế, Thánh nữ Monica chắc chắn là điểm quy chiếu không thể từ chối được của tất cả các bà mẹ các linh mục. Các lời cầu nguyện, các giọt nước mắt của Thánh nữ Monica, đã là Kitô hữu trước con mình, đã được Chúa ban ơn hoán cải cho Augustinô; và cả sự thánh thiện của người con cũng đâm rễ sâu trong sự thánh thiện của bà mẹ.

 

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, gia đình có vai trò quan trọng nào đối với sự lớn lên trong ơn gọi của con cái?

 

Đáp: Một đôi khi có thể xảy ra là cả từ một gia đình hoàn toàn xa rời việc thực hành đạo, và lắm khi không có niềm tin tôn giáo nào cả, cũng có thể nảy sinh ra một người con linh mục thừa tác của Thiên Chúa, một người con thánh thiện. Tuy nhiên, chắc chắn là gia đình có vai trò quan trọng không thể phủ nhận được. Đây là một sự kiện cho thấy Thiên Chúa có thể kéo ra, kể cả từ các hòn đá, các người con của Người, nghĩa là cả từ một gia đình bị mất bản lề cũng rất có thể phát xuất ra một đời thánh hiến tuyệt vời. Trong sự thường của các trường hợp, thì vai trò của gia đình là một vai trò tuyệt đối không thể bỏ qua được. Cho tới độ “mục vu ơn gọi” đích thực trước hết phải là một mục vụ đích thực săn sóc các gia đình Kitô. Nhất là trong một thời đại, trong đó việc giáo dục đã trở thành rất phức tạp vì biết bao nhiêu sự kiện, các gia đình, một mình, cho dù có dấn thân đến mấy, có thiện chí, cũng không luôn luôn có thể chống trả lại sự va chạm tàn bạo của chủ nghĩa tương đối đang thống trị xã hội hiện nay. Giáo Hội luôn luôn liên minh với các gia đình trong công tác giáo dục; và trong sự liên minh này vì sự thiện, Giáo Hội là cộng sự viên đầu tiên, cả trong nhiệm vụ rất tế nhị là nhiệm vụ phân định ơn gọi. Ơn gọi được tiếp nhận trong lòng tin, và các gia đình là những nơi đầu tiên của việc thông truyền, giáo dục và giữ gìn đức tin.

 

Hỏi: Thưa Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức Hồng Y có nghĩ tới việc viết một bức thư về vai trò của người cha trong ơn gọi linh mục của con cái họ không?

 

Đáp: Nó không có trong chương trình, nhưng tôi có thể nghĩ tới nó, nhất là quy chiếu về Thánh Giuse, là cha của Thánh Gia, và một ít cũng là người gìn giữ ơn gọi vĩ đại của Chúa Cứu Thế. Sự ưu tiên đã được dành cho các bà mẹ, chắc chắn không phải vì việc đánh gía thấp vai trò của người cha, nhưng bằng cách nhìn vào vai trò không thể thay thế được của Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, trong cuộc đời Chúa Giêsu. Ngoài ra, chức làm cha tinh thần là một cái gì đã được củng cố một cách rộng rãi trong mọi ơn gọi, trong khi tôi đã cảm thấy sự cấp thiết phải nhấn mạnh, một lần nữa, sau Năm Linh Mục, nhiệm vụ cần thiết của chức làm mẹ tinh thần và chức làm mẹ các linh hồn, bao gồm sự quý báu của việc tự hiến mình cho việc thánh hoá các linh mục. Dĩ nhiên, suy tư về nhiệm vụ giáo dục của các người cha đối với các con trai của họ trong việc thông truyền đức tin, và một cách bất ngờ trong việc khơi dậy ơn gọi, sẽ có thể là điều hữu ích; và tôi không loại trừ việc có thể dành sự chú ý cho điều này.

 

Sau cùng, tôi muốn nhắc lại cùng với câu hỏi này vai trò của thân phụ Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng “chủng viện đầu tiên” của người đã là cảnh trông thấy thân phụ quỳ bên cạnh giường của người lần hạt Mân Côi vào ban chiều khi đèn tắt. Như thế, sự kiện này khiến cho chúng ta nghĩ tới rất nhiều điều khác trong các vai trò của người cha đối với con cái mình.

 

(RG 8-1-2013)