09/01/2025

Thiên Chúa nhập thể tự ban mình cho nhân loại với sự nhưng không và tình yêu thương

Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất với sự nhưng không và tình yêu thương. Vì đang là Mùa Giáng Sinh nên trong bài huấn dụ ngài đã tiếp tục khai triển ý nghĩa Mầu nhiệm Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Thiên Chúa nhập thể tự ban mình cho nhân loại với sự nhưng không và tình yêu thương

 

Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất với sự nhưng không và tình yêu thương.

 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên với mấy ngàn tín hữu tham dự buổi tiếp kiến thứ hai của năm 2013 trong Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9-1-2013.

 

Vì đang là Mùa Giáng Sinh nên trong bài huấn dụ ngài đã tiếp tục khai triển ý nghĩa Mầu nhiệm Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

 

Trong mùa này khi tham dự các lễ nghi phụng vụ chúng ta thường nghe vang lên nhiều lần từ “nhập thể” diễn tả thực tại chúng ta cử hành trong Lễ Giáng Sinh: đó là Con Thiên Chúa đã làm người, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính. Từ chính yếu này đối với đức tin Kitô có nghĩa là gì? Nó bắt nguồn từ tiếng Latinh “incarnatio”. 

 

Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ “nhập thể” như sau:

 

Ở đây, từ “thịt xác”, theo sử dụng của tiếng Dothái, ám chỉ con người trong sự toàn vẹn của nó, tất cả con người, nhưng chính dưới khía cạnh của sự tàn tạ, của tính chất tạm thời, của sự nghèo nàn và hữu hạn của nó. Điều này để nói với chúng ta rằng ơn cứu độ do Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu thành Nazareth đem đến, liên quan tới con người trong thực tại cụ thể và trong bất cứ tình trạng sống nào của nó.

 

Thiên Chúa đã nhận lấy điều kiện là người để chữa lành nó khỏi tất cả những gì chia rẽ nó với Người, để cho phép chúng ta gọi Người, trong Người Con Duy Nhất, với tên gọi “Abba! Cha ơi!” và thật sự chúng ta là con cái của Người. Thánh Ireneo khẳng định: “Đó là lý do, bởi đó Ngôi Lời đã làm người, và Con Thiên Chúa, con của con người: để cho con người, khi bước vào sự hiệp thông với Ngôi Lời và như thế nhận được ơn là con Thiên Chúa, trở thành con Thiên Chúa.” (Adversus haereses 3,19,1; PG 7,939; x. SGLGHCG, 460)

 

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng sự kiện “Ngôi Lời nhập thể” đã trở thành một thực tại quen thuộc, khiến cho chúng ta không còn ý thức được sự cao cả mà nó diễn tả nữa. Thật thế, trong Mùa Giáng Sinh thường khi người ta chú ý nhiều tới các khía cạnh bề ngoài, các “màu mè” của ngày lễ hơn là trọng tâm sự mới mẻ Kitô vĩ đại mà chúng ta cử hành: một cái gì không thể tưởng được, mà chỉ có Thiên Chúa có thể làm và chúng ta chỉ có thể bước vào đó với lòng tin. Ngôi Lời, Ngôi Lời là Thiên Chúa (x. Ga 1,1) mà nhờ Người mọi sự đều được tạo thành (x. 1,3), và Người đã đồng hành với loài người trong lịch sử với ánh sáng của Người (x. 1,4-5; 1,9), trở thành thịt xác và ở giữa chúng ta, trở thành một người như chúng ta (x. 1,14). Công đồng Vatican II khẳng định: “Con Thiên Chúa… đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí tuệ con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng trái tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (GS 22). Vì thế, thật là điều quan trọng tái chiếm được sự kinh ngạc trước mầu nhiệm, để cho chúng ta được bao bọc bởi sự vĩ đại của biến cố: Thiên Chúa đã rong ruổi các nẻo đường của chúng ta như là người, bước vào trong thời gian của con người để thông truyền cho chúng ta chính sự sống của Người (x. Ga 1,14). Và Người đã làm điều đó với ánh quang của một vì vua, chế ngự thế giới với quyền lực của Người, nhưng với sự khiêm tốn của một trẻ thơ.

 

Điểm thứ hai Đức Thánh Cha suy tư trong bài huấn dụ là thói quen tặng quà trong dịp Giáng Sinh. Đôi khi nó là một cử chỉ làm vì tập tục, nhưng nói chung nó diễn tả sự trìu mến và là dấu chỉ của tình yêu và sự quý mến. Trong lời nguyện lễ rạng đông Giáng Sinh, chúng ta đọc: “Lạy Cha, xin nhận lấy của lễ chúng con dâng trong đêm ánh sáng này, và nhờ sự trao đổi mầu nhiệm của các ơn này, xin biến đổi chúng con trong Chúa Kitô Con Chúa, là Đấng đã nâng con người lên bên Chúa trong vinh quang”. 

 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

 

Tư tưởng ban tặng này là trung tậm của phụng vụ và nhắc nhở lương tâm chúng ta ơn nguyên thuỷ của Lễ Giáng Sinh: trong đêm thánh này, Thiên Chúa làm người đã muốn tự ban tặng mình cho loài người, đã tự ban mình cho chúng ta; Người đã nhận lấy nhân tính của chúng ta để ban cho chúng ta thiên tính của Người. Đó là ơn vĩ đại. Cả trong việc tặng quà của chúng ta, quà đắt giá hay ít giá không quan trọng; ai không thành công trong việc cho đi một ít chính mình, thì luôn luôn cho ít. Còn hơn thế nữa, đôi khi người ta tìm thay thế trái tim và sự dấn thân cho đi chính mình bằng tiền bạc với các sự vật vật chất. Mầu nhiệm Nhập Thể đang chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa đã không làm như vậy: Người đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất. Ở đây, chúng ta tìm thấy mô thức việc cho đi của chúng ta, để cho các tương quan của chúng ta, đặc biệt là các tương quan quan trọng nhất, được hướng dẫn bởi sự nhưng không và tình yêu thương.

 

Điểm suy tư thứ ba là sự kiện nhập thể của Thiên Chúa làm người cho thấy cái thực tế chưa từng có của tình yêu Thiên Chúa. Thật vậy, hành động của Thiên Chúa không hạn chế nơi các lời nói, còn hơn thế nữa, chúng ta có thể nói rằng Người không hài lòng với việc nói, mà còn đắm mình trong lịch sử của chúng ta và lãnh nhận trên mình sự mệt nhọc và cái nặng nề của cuộc sống con người. Con Thiên Chúa đã thực sự làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, trong một thời gian và nơi chốn xác định, tại Bêtlêhem trong triều đại của hoàng đế Augusto, dưới thời tổng trấn Quirino (x. Lc 2,1-12).

 

Người đã lớn lên trong một gia đình, đã có các bạn hữu, đã thành lập một nhóm các môn đệ, đã dạy dỗ các Tông đồ để tiếp tục sứ mệnh của Người, đã kết thúc chặng đường dương thế trên thập giá. Kiểu hành động này của Thiên Chúa mạnh mẽ khích lệ chúng ta tự vấn về thực tế đức tin của chúng ta. Nó không được hạn chế ở lĩnh vực tình cảm, các xúc động, mà phải bước vào trong cái cụ thể của cuộc sống, nghĩa là phải đụng chạm tới cuộc sống thường ngày của chúng ta và hướng dẫn nó một cách cụ thể. Thiên Chúa đã không chỉ dừng lại ở lời nói, nhưng đã chỉ cho chúng ta sống thế nào, bằng cách chia sẻ chính kinh nghiệm của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

 

Trong Sách Giáo lý của Đức Giáo hoàng Pio X, có câu hỏi: “Để sống theo Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?”, và trả lời: “Để sống theo Thiên Chúa, chúng ta phải tin các chân lý được Người mạc khải, và giữ các giới răn với sự trợ giúp của ơn thánh Người, có được qua các bí tích và việc cầu nguyện”. Đức tin có một khía cạnh nền tảng không chỉ liên quan tới trí tuệ và con tim, mà liên quan tới toàn cuộc sống chúng ta.

 

Điểm thứ tư trong suy tư của Đức Thánh Cha liên quan tới khẳng định của Thánh Gioan: “Từ nguyên thuỷ Ngôi Lời đã ở gần Thiên Chúa và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1,1-3) Thánh sử rõ ràng ám chỉ trình thuật tạo dựng trong các chương đầu sách Sáng Thế và đọc lại chúng dưới ánh sáng của Chúa Kitô. Đây là một tiêu chuẩn nền tảng trong việc đọc Thánh Kinh: Cưụ Ước và Tân Ước luôn luôn được đọc chung với nhau, và từ Tân Ước mở ra ý nghĩa sâu xa hơn của cả Cựu Ước. Chính Ngôi Lời luôn luôn hiện hữu gần Thiên Chúa, và chính Người là Thiên Chúa, và nhờ Người và cho Người mà tất cả được tạo thành (x. Cl 1,16-17), đã làm người: Thiên Chúa vĩnh cửu và vô biên đã dìm mình trong cái hữu hạn của con người, trong thụ tạo của Người, để tái dẫn đưa con người và toàn thụ tạo tới với Người. Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định: “Việc tạo dựng thứ nhất tìm thấy ý nghĩa và tột đỉnh của nó trong việc tạo dựng mới nơi Chúa Kitô, mà ánh quang vượt ánh quang của việc tạo dựng đầu tiên” (s. 349).

 

Các Giáo phụ đã để Đức Giêsu và Ađam cạnh nhau đến độ định nghĩa Người là “Adam thứ hai” hay Ađam vĩnh viễn, hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, xảy ra một cuộc tạo dựng mới, trả lời hoàn toàn cho câu hỏi “Ai là con người?”. Chỉ nơi Đức Giêsu, chương trình của Thiên Chúa đối với con người mới biểu lộ tràn đầy: Người là con người vĩnh viễn theo Thiên Chúa. Công đồng Vatican II đã mạnh mẽ nêu bật điều này: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể… Bởi vì Chúa Kitô, Ađam mới, biểu lộ con người cho con người một cách tràn đầy và vén mở cho nó ơn gọi rất cao vời của nó” (GS 22; GLGHCG, 359). Nơi Hài Nhi Con Thiên Chúa được chiêm ngắm trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể nhận biết gương mặt thật của con người; và chỉ khi chúng ta rộng mở cho hoạt động của ơn thánh Chúa và tìm theo Người mỗi ngày, chúng ta mới thực hiện được chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta.

 

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu băng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, ngài nhắc cho mọi người biết rằng Chúa Nhât tới đây là lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây là dịp thuận tiện giúp suy tư trở lại việc thuộc về Chúa Kitô trong đức tin của Giáo Hội. Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ tái khám phá ra mọi ngày ơn thánh đến từ Bí tích Rửa Tội. Ngài khích lệ các bệnh nhân kín múc sức mạnh từ bí tích ấy trong những lúc khổ đau, không được an ủi. Và ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết diễn tả dấn thân của Bí tích Rửa Tội trong cuộc sống gia đình.

 

Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.