28/12/2024

Hoà bình của Đấng Thiên Sai mang đến

Cùng với Chúa Nhật IV Mùa Vọng, lễ Chúa Giáng Sinh từ nay đang ở trước mặt chúng ta. Phụng vụ, cùng với những lời nói của Tiên tri Mikêa, mời gọi chúng ta hướng về Bê Lem, một thành phố nhỏ miền Giuđê, là nhân chứng của một đại biến cố

 Hoà bình của Đấng Thiên Sai mang đến

Kinh Truyền Tin – Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật IV Mùa Vọng, 20/12/2009

Anh chị em thân mến!

Cùng với Chúa Nhật IV Mùa Vọng, lễ Chúa Giáng Sinh từ nay đang ở trước mặt chúng ta. Phụng vụ, cùng với những lời nói của Tiên tri Mikêa, mời gọi chúng ta hướng về Bê Lem, một thành phố nhỏ miền Giuđê, là nhân chứng của một đại biến cố: “Còn ngươi, hỡi Bê Lem Éprata, ngươi nhỏ bé nhất trong những chi tộc Giuđa, chính từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện người cai trị Israel. Nguồn gốc của Người có từ những thời xa xưa, vào buổi bình minh lịch sử” (Mk 5,1). Một ngàn năm trước Đức Kitô, Bêlem đã chứng kiến vua Đavít vĩ đại sinh ra, vị vua mà Sách Thánh trình bày như tổ tiên của Đấng Thiên Sai. Phúc Âm Thánh Luca tường thuật rằng Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, bởi vì Giuse, hôn phu của Đức Maria, xuất thân từ “dòng dõi Đavít”, phải đi đến kinh thành Đavit để kê khai dân số, và trong những ngày ấy, bà Maria đã hạ sinh Đức Giêsu (x. Lc 2,1-7). Thực thế, cũng một lời sấm của Tiên tri Mikêa nói tiếp khi ông ám chỉ cuộc sinh nở nhiệm mầu: “Sau một thời gian bị Đức Chúa bỏ rơi, cho đến ngày một phụ nữ sinh con, bấy giờ những người anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Israel” (Mk 5,2). Như thế, chúng ta thấy chương trình của Chúa nói rõ và cắt nghĩa về thời gian và địa điểm Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian. Chương trình của Thiên Chúa về hoà bình, như chính Tiên tri Mikêa đã loan báo, khi ông nói về Đấng Thiên Sai: “Người sẽ đứng lên và sẽ là mục tử chăn dắt họ, dựa vào quyền lực của Thiên Chúa, vào Danh uy nghi cao cả của Đức Chúa, Thiên Chúa của Người. Họ sẽ sống trong an bình, bởi vì từ nay, quyền lực của Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng bờ cõi trái đất, và chính Người, Người sẽ là hoà bình!” (Mk 5,3).

Chính khía cạnh cuối cùng của lời sấm này, lời sấm về hoà bình Thiên sai, dĩ nhiên sẽ giúp chúng ta nhấn mạnh rằng Bêlem cũng là thành phố – biểu tượng của hoà bình, tại Thánh địa và trên toàn thế giới. Nhưng đáng buồn thay, ngày hôm nay, thành phố này không còn biểu thị cho một nền hoà bình bền vững đã đạt được nữa, nhưng là một nền hoà bình đang trên đường tìm kiếm và mong chờ dai dẳng. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận hoàn cảnh này, chính vì thế, năm nay cũng thế, tại Bêlem, cũng như trên toàn thế giới, Giáo Hội lại cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh, là lời tiên báo hoà bình cho bất cứ con người nào, một lời tiên báo bó buộc các Kitô hữu phải hiểu biết bằng chính những tình cảm của Đức Giêsu những cảnh bưng bít, những thảm kịch, thường không được ai biết đến và bị che giấu, những cảnh xung đột nơi môi trường các Kitô hữu đang sinh sống, để họ trở trở nên những khí cụ và sứ giả hoà bình khắp nơi, để mang tình yêu vào nơi hận thù, mang tha thứ vào nơi lăng nhục, mang niềm vui đến chốn u buồn, và mang chân lý vào nơi lầm lạc, dựa theo một lời kinh tuyệt diệu của Thánh Phanxicô mà ai trong chúng ta cũng đều biết.

Ngày hôm nay, cũng như vào thời Đức Giêsu, lễ Giáng Sinh không phải là một câu chuyện dụ ngôn cho con trẻ, nhưng là câu trả lời của Thiên Chúa cho thảm kịch của một nhân loại đang trên đường tìm kiếm hoà bình chân chính. “Chính Người sẽ là hoà bình!”, vị Tiên tri đã nói như thế khi quy chiếu về Đấng Thiên Sai. Bổn phận của chúng ta là mở tung các cánh cửa để đón tiếp Người. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria và Thánh Giuse để phục vụ cho chương trình của Thiên Chúa với trọn cả niềm tin. Dầu cho chúng ta không hoàn toàn hiểu được chương trình của Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy phó dâng mình cho sự khôn ngoan và từ tâm của Người. Tiên vàn chúng ta hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và Chúa Quan Phòng sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúc mọi người một Lễ Giáng Sinh tốt đẹp!