28/12/2024

Họp báo công bố Sứ điệp Hoà bình của Đức Thánh Cha

VATICAN – Ngày 14-12-2012, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã giới thiệu Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 46 sẽ được cử hành vào ngày 1-1-2013 tới đây với chủ đề “Phúc cho những người xây dựng hoà bình”.

Họp báo công bố Sứ điệp Hoà bình của Đức Thánh Cha

 

VATICAN – Ngày 14-12-2012, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã giới thiệu Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 46 sẽ được cử hành vào ngày 1-1-2013 tới đây với chủ đề “Phúc cho những người xây dựng hoà bình”.

 

Hiện diện trên bàn chủ toạ  cuộc họp báo giới thiệu cũng có Đức cha Mario Toso, Dòng Don Bosco, Tổng Thư ký của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, cùng một số chức sắc khác của Toà Thánh.

 

Sứ điệp của ĐTC gồm 7 đoạn, chia làm 3 phần:

 

– Trong phần I (1-4), ĐTC nêu lý do tại sao ngài chọn chủ đề “Phúc cho những người xây dựng hoà bình” và giải thích ý nghĩa sâu xa của mối phúc này, cũng như của hoà bình là hồng ân của Thiên Chúa và công trình của con người. Mặc dù tình trạng đáng báo động của thế giới hoàn cầu hoá với những lò căng thẳng xã hội và những hình thức xung đột bạo lực khác nhau, ĐTC nhận thấy vẫn có những công trình hoà bình chứng tỏ ơn gọi bẩm sinh của nhân loại hướng về hoà bình (số 1) và có một ước muốn hoà bình tương ứng với quyền lợi và nghĩa vụ của sự phát triển toàn diện, xã hội và cộng đoàn”.

 

ĐTC nhấn mạnh rằng “để trở thành người xây dựng hoà bình, một điều cơ bản là chú ý tới chiều kích siêu việt, liên lỉ đàm thoại với Thiên Chúa và nhìn nhận mình thuộc một gia đình nhân loại duy nhất, với những liên hệ giữa con người với nhau và các tổ chức được một tinh thần cộng đồng hướng dẫn, trong đó có sự nhìn nhận quyền lợi và nghĩa vụ của nhau” (số 3). Xét cho cùng, người xây dựng hoà bình theo mối phúc thật của Chúa Giêsu chính là người tìm kiếm thiện tích của tha nhân, thiện ích trọn vẹn của linh hồn và thân xác, cũng như cộng tác vào việc thực hiện công ích của các xã hội khác nhau” (số 3).

 

– Trong phần II (4-5), ĐTC khẳng định rằng việc thực hiện công ích và hoà bình gắn liền với việc tôn trọng sự sống con người toàn diện. Một người thực sự xây dựng hoà bình là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong mọi chiều kích: bản thân, cộng đoàn và siêu việt. Sự sống sung mãn chính là tột định của hoà bình (số 4).

 

Trong chiều hướng này, ĐTC viết rằng “điều quan trọng là các hệ thống pháp luật và việc thực thi công lý nhìn nhận quyền được sử dụng nguyên tắc phản kháng lương tâm trước những luật lệ và biện pháp của chính quyền chống lại phẩm giá con ngươi như phá thai và làm cho chết êm dịu” (số 4).

 

ĐTC cũng nói tới sự thăng tiến thiện ích bản thân của con người trong đó có chiều kích siêu việt. Về điểm này, ngài khẳng định rằng ai hoạt động cho cuộc sống an bình của các dân tộc, thì cũng bảo vệ tự do tôn giáo, không phải như một thứ tự do không bị ràng buộc và cưỡng bức trong việc chọn lựa tôn giáo, nhưng còn như “tự do làm chứng và loan báo, thực hiện những hoạt động giáo dục và từ thiện, hiện hữu và hành động như một tổ chức xã hội” (số 4).

 

Về việc thăng tiến chiều kích cộng đồng của thiện ích, ĐTC nhấn mạnh tới tầm quan trọng của quyền có công ăn việc làm. Điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu này là phải xét lao công về phương diện luân lý đạo đức, tinh thần, và như một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đòi phải nghiên cứu và thực hiện những chính sách can đảm và mới mẻ để mọi người có công ăn việc làm” (số 4).

 

– Trong phần III (6-7), ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục người trẻ về công lý và hoà bình. Đây cũng là đề tài được ngài đề cập đến trong Sứ điệp Hoà bình hồi năm ngoái. Ngài viết: “Đông đảo những người xây dựng hoà bình được mời gọi dấn thân thực hiện một sự giáo dục giá trị về mặt xã hội. Cần tái khám phá vai trò hàng đầu của gia đình, là tế bào cơ bản của xã hội về phương diện dân số, luân lý, sư phạm, kinh tế và chính trị. Gia đình có một ơn gọi tự nhiên là thăng tiến sự sống”(số 6). Vì thế, cần bảo vệ quyền của các bậc cha mẹ được giáo dục con cái mình và vai trò hàng đầu của trẻ mẹ trong việc giáo dục con cái về luân lý và tôn giáo.

 

Cả các cộng đồng tôn giáo cũng có một nghĩa vụ rất lớn giáo dục về hoà bình. ĐTC đề cao chức năng quan trọng của các tổ chức văn hoá, học đường và đại học trong việc đóng góp vào việc đổi mới các thành phần lãnh đạo và các tổ chức.

 

Ngài cũng khẳng định rằng nền sư phạm về hoà bình đòi phải có một đời sống nội tâm phong phú, cần có những điểm tham chiếu vững chắc về luân lý và có những thái độ cũng như lối sống thích hợp (số 7).

 

Cũng nên nói thêm rằng những nhóm đồng tính luyến ái thì cảm thấy bị “xúc phạm” vì đoạn sứ điệp của ĐTC chống lại hôn nhân đồng tính. Ngài viết: “Cơ cấu tự nhiên của hôn nhân cần phải được nhìn nhận và thăng tiến, như sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ, chống lại những toan tính đồng hoá cơ cấu tự nhiên này với những hình thức hoàn toàn khác biệt.. Những hình thức kết hiệp này trong thực tế làm thương tổn và góp phần làm xáo trộn cơ cấu tự nhiên, làm lu mờ đặc tính và vai trò không thể thay thế được của hôn nhân trong xã hội…” (SD 14-12-2012)