28/12/2024

Giáng Sinh là lễ của Con Thiên Chúa đến đem an bình, sự sống và niềm vui cho con người

Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta lắng nghe, tiếp nhận Lời Chúa và sống nòng cốt thế nào để lễ Giáng Sinh không chỉ như là một lễ bề ngoài, mà là lễ của Con Thiên Chúa đến để đem an bình, sự sống và niềm vui đích thực cho con người.

Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta lắng nghe, tiếp nhận Lời Chúa và sống nòng cốt thế nào để lễ Giáng Sinh không chỉ như là một lễ bề ngoài, mà là lễ của Con Thiên Chúa đến để đem an bình, sự sống và niềm vui đích thực cho con người.

 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9-12-2012. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

 

Anh chị em thân mến, trong Mùa Vọng phung vụ đặc biệt nêu bật hai gương mặt chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến: đó là Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả. Hôm nay, Thánh Luca giới thiệu với chúng ta Gioan Tẩy Giả, và giới thiệu người với các sắc thái khác với các Thánh sử khác. “Tất cả bốn Phúc Âm đặt để gương mặt của Gioan Tẩy Giả vào đầu sinh hoạt của Đức Giêsu và giới thiệu ông như là vị tiền hô. Thánh Luca đã để vào đàng sau việc nối liền hai gương mặt ấy và sứ mệnh của các vị… Trong việc thụ thai và sinh ra, Đức Giêsu và Gioan đã được đặt trong tương quan với nhau” (Thời thơ ấu của Chúa Giêsu, 23). Việc sắp xếp này giúp hiểu rằng Gioan, như là con của ông Dakharia và bà Êlidabét, cả hai đều thuộc gia đình tư tế, không chỉ là vị ngôn sứ cuối cùng, mà cũng diễn tả toàn chức tư tế của Cựu Ước, và vì thế chuẩn bị con người cho việc phụng tự tinh thần của Tân Ước, được Chúa Giêsu khai mào (x. ibid, 27-28). Ngoài ra, Thánh Luca đánh đổ mọi kiểu đọc huyền thoại, mà người ta thường làm đối với các Phúc Âm, và đặt để cuộc sống của vị Tẩy Giả vào trong lịch sử khi viết: “Vào năm thứ mười lăm thời hoàng đế Tibêrio, trong khi Ponzio Pilatô làm tổng trấn… dười thời các thượng tế Anna và Caipha” (Lc 3,1-2). Bên trong khung cảnh lịch sử này được đặt để biến cố vĩ đại đích thực, là việc sinh ra của Chúa Kitô, mà các người thời đó đã không nhận ra. Đối với Thiên Chúa, các kẻ lớn lao của lịch sử làm khung cho các người bé nhỏ.

 

Đức Thánh Cha nói về Thánh Gioan Tẩy Giả như sau: 

 

Thánh Gioan Tẩy Giả tự định nghĩa mình như là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy uốn thẳng các lối đi của Người” (Lc 3,4). Tiếng loan báo lời, nhưng trong trường hợp này, Lời của Thiên Chúa đi trước, trong nghĩa chính nó xuống trên Gioan, con của Dakharia, trong sa mạc (x. Lc 3,2). Như thế, ông có một vai trò lớn, nhưng luôn luôn để phục vụ Chúa Kitô. Thánh Augustinô chú giải: “Gioan là tiếng. Nhưng về Chúa trái lại người ta nói: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Gioan là tiếng nói qua đi, Chúa Kitô là Lời vĩnh cửu đã có từ ban đầu. Nếu lấy đi lời khỏi tiếng, thì còn lại cái gì? Một tiếng mơ hồ. Tiếng không lời đánh động thính giác, nhưng không xây dựng con tim” (Diễn văn 293,3; PL 38,1328). Chúng ta có bổn phận lắng nghe tiếng nói ấy để dành chỗ trong con tim cho Chúa Giêsu và đón tiếp Người là Lời cứu rỗi chúng ta. Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy chuẩn bị để nhìn thấy, với con mắt đức tin, ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Hang Đá nghèo hèn Bếtlêhem (x. Lc 3,6). Trong xã hội tiêu thụ, trong đó người ta thử tìm niềm vui trong các sự vật, vị Tẩy Giả dạy cho chúng ta biết sống một cách nòng cốt, để Giáng Sinh không chỉ là một lễ bề ngoài, nhưng như lễ của Con Thiên Chúa đến để đem tới cho nhân loại an bình, sự sống và niềm vui đích thực.

 

Chúng ta hãy phó thác con đường đến gặp Chúa của chúng ta cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Đức Nữ Trinh của Mùa Vọng, để sẵn sàng đón tiếp trong tim và trong toàn cuộc sống Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

 

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Pháp, ngài mời gọi mọi người quảng đại tiếp đón các anh chị em di dân phải bỏ quê hương vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có chiến tranh và nghèo đói, và phải sống trong cảnh tạm bợ, ít được hiểu biết. Ước chi họ được tiếp đón với tình liên đới huynh đệ, được trợ giúp trong các nhu cầu của họ và có cuộc sống xứng đáng.

 

Bằng tiếng Anh, ngài nói trong Phúc Âm hôm nay Thánh Gioan Tẩy Giả nhắc cho chúng ta biết sự cần thiết của việc sám hối và thanh tẩy để dọn đường cho Chúa và chờ đợi Người đến trong vinh quang.

 

Bằng tiếng Đức, ngài nói qua lời Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi hoán cải và hòa giải với Chúa, chúng ta cũng được kêu mời đón nhận ơn tha thứ trong Bí tích Hoà Giải, qua đó Thiên Chúa tha tội cho chúng ta, chữa lành các thương tích và làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp.

 

Chào các tín hữu Ba Lan, ngài ghi nhận rằng ngày nay, tuy được mời gọi, nhưng có nhiều người không tin. Trong Năm Đức Tin này, cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta được kêu mời là các sứ giả Tin Mừng và là chứng nhân trung thành của Chúa Kitô.

 

Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình.