Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới
Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới. Mùa Vọng đặt để chúng ta trước mầu nhiệm sáng láng biến cố Con Thiên Chúa đến, trước dự định tốt lành, thương xót và tình yêu, qua đó Người muốn lôi kéo chúng ta đến với Người để sống trong sự hiệp thông trọn vẹn của niềm vui và sự an bình với Người.
Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới
Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem chương trình tình yêu cứu độ của Người vào lòng thế giới. Mùa Vọng đặt để chúng ta trước mầu nhiệm sáng láng biến cố Con Thiên Chúa đến, trước dự định tốt lành, thương xót và tình yêu, qua đó Người muốn lôi kéo chúng ta đến với Người để sống trong sự hiệp thông trọn vẹn của niềm vui và sự an bình với Người.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với gần 7.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 5-12-2012.
Trong bài huấn dụ, ngài đã giải thích ý nghĩa bài Thánh ca mở đầu thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, chúc tụng chương trình tình yêu xót thương của Thiên Chúa đối với con người. Thánh Phaolô dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng này từ tận đáy con tim, bởi vì thánh nhân nhìn vào hành động của Thiên Chúa trong lịch sử đạt tột đỉnh với sự nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu; và thánh nhân chiêm ngưỡng việc Thiên Chúa Cha đã chọn lựa chúng ta từ thuở tạo dựng thế giới, cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Người, trong Người Con duy nhất của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Rm 8,14tt; Gl 4,4tt). Ngay từ đời đời, chúng ta đã hiện hữu trong trí của Thiên Chúa, trong một chương trình, mà Thiên Chúa Cha đã giữ gìn trong chính Người và đã quyết định thực hiện và mạc khải khi đến thời viên mãn (x. Ep 1,10). Như thế, Thánh Phaolô làm cho chúng ta hiểu rằng toàn thụ tạo, và đặc biệt người nam và người nữ, không phải là hoa trái ngẫu nhiên, nhưng trả lời cho một dự án tốt lành trong lý lẽ vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng tạo thành thế giới với quyền năng tạo dựng và cứu độ của Lời Người.
Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này: Khẳng định đầu tiên này nhắc cho chúng ta biết rằng ơn gọi của chúng ta không chỉ đơn thuần là sống trong thế giới, được tháp nhập vào một lịch sử, cũng không phải chỉ là các thụ tạo của Thiên Chúa; nó là cái gì cao cả hơn: đó là được Thiên Chúa tuyển chọn, trước cả khi tạo thành vũ trụ, trong Đức Giêsu Kitô Con của Người. Trong Người, chúng ta hiện hữu từ luôn mãi. Thiên Chúa chiêm ngưỡng chúng ta trong Đức Kitô, như nghĩa tử. Chương trình tốt lành của Thiên Chúa, mà Thánh Tông đồ cũng định tính như là “chương trình tình yêu” (Ep 1,5), được định nghĩa là“mầu nhiệm” ý muốn cửa Thiên Chúa (c. 9), đã bị giấu ẩn, nhưng giờ đây được biểu lộ nơi Con Người và công trính của Đức Kitô. Sáng kiến của Thiên Chúa đi trước mọi đáp trả của con người: đó là một ơn nhưng không của tình yêu của Thiên Chúa bao bọc và biến đổi chúng ta.
Mục đích cuối cùng, trọng tâm của chương trình mầu nhiệm này là “dẫn đưa mọi sự tới với Đức Kitô là thủ lãnh duy nhất” (c. 10). Trong các kiểu nói này, chúng ta tìm thấy một trong các công thức chính yếu của Tân Ước, giúp hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa, giúp hiểu dự án tình yêu của Người đối với nhân loại, một công thức mà Thánh Ireneo thành Lyon chọn như trung tâm nền Kitô học của người: “thâu tóm” toàn thực tại trong Đức Kitô. Đây là công thức Đức Giáo hoàng Pio X đã dùng để thánh hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Tái lập mọi sự trong Chúa Kitô” là kiểu nói của Thánh Phaolô và cũng là khẩu hiệu của Đức Pio X.
Đức Thánh Cha xác minh thêm: Tuy nhiên, một cách chính xác hơn, Thánh Tông đồ nói tới việc thâu tóm vũ trụ nơi Đức Kitô, và điều này có nghĩa là trong chương trình của việc tạo dựng cao cả và của lịch sử, Chúa Kitô đứng lên như trung tâm toàn lộ trình của thế giới, như trục đỡ nâng tất cả, lôi kéo toàn thực tại tới với Người, để thắng vượt sự phân tán và hạn chế và dẫn đưa tất cả tới sự viên mãn như Thiên Chúa đã muốn (x. Ep 1,33).
Chương trình tốt lành này đã không ở trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, ở trên trời cao, mà Người đã làm cho nó được biết tới, khi bước vào trong tương quan với con người, mà Thiên Chúa tự mạc khải cho. Người đã không chỉ thông truyền đơn thuần một mớ sự thật, mà tự thông truyền chính Người cho chúng ta, cho tới chỗ nhập thể làm người. Công đồng Vatican II đã khẳng định trong Hiến chế về Mạc khải như sau: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết bí tích Thánh Ý Ngài. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (số 2). Thiên Chúa vém mở chương trình tình yêu cao cả của Người bằng cách bước vào trong tương quan với con người, tới gần nó cho tới chỗ trở thành một người.
“Thiên Chúa vô hình trong chương trình tình yêu cao cả của Người nói với con người như bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và sống giữa họ (x. Br 3,38), để mời gọi họ và chấp nhận họ vào sự hiệp thông với Người” (ibidem). Chỉ với trí thông minh và các khả năng của mình con người đã không thể đạt sự mạc khải sáng láng như vậy của tình yêu Thiên Chúa; chính Thiên Chúa đã mở cửa Trời và cúi xuống hướng dẫn con người trong vực thẳm tình yêu của Người.
Thánh Phaolô còn viết cho tín hữu giáo đoàn Côrintô như sau: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9-10). Và trong một trang chú giải nối tiếng đầu thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Gioan Kim Khẩu mời gọi nếm hưởng vẻ đẹp của “chương trình lòng lành” ấy của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Chúa Kitô, với các lời sau đây: “Bạn thiếu cái gì? Bạn đã trở thành bất tử, bạn đã trở thành tự do, bạn đã trở thành con, bạn đã trở thành công chính, bạn đã trở thành em, bạn đã trở thành người đồng thừa tự, với Chúa Kitô bạn cai trị, với Chúa Kitô bạn được vinh hiển. Mọi sự đã được ban cho chúng ta, và như đã viết, làm sao Thiên Chúa lại sẽ không ban mọi sự cho chúng ta với Người?” (Rm 8,32). Của lễ đầu mùa của bạn (x. 1 Cr 15,20.23) được các thiên thần trang điểm… Vậy bạn thiếu cái gì?” (PG 62,11).
Sự hiệp thông trong Chúa Kitô bởi Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa cống hiến cho tất cả mọi người với ánh sáng của sự Mạc Khải, không phải là cái gì được chồng lên trên nhân tính của chúng ta, mà là sự thành toàn các khát vọng sâu thẳm nhất, ước muốn vô tận và tràn đầy nằm sâu trong con người, và mở nó ra cho một niềm hạnh phúc không phải tạm thời và có giới hạn, nhưng vĩnh cửu. Nói về việc Thiên Chúa tự mạc khải và nói với chúng ta qua Thánh Kinh để dẫn chúng ta tới với Người, Thánh Bonaventura thành Bagnoregio khẳng định: “Thánh Kinh là… cuốn sách trong đó chúng ta sẽ thấy, sẽ yêu và tất cả các ước muốn của chúng ta sẽ được thực hiện” (Breviloquium, Prol.; Opera Omnia V,201 s.). Ngoài ra, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn nhắc nhở: “Sự Mạc Khải đặt để vào trong lịch sử một điểm tham chiếu mà con người không thể tách rời được, nếu muốn đi tới chỗ chiêm ngưỡng mầu nhiệm cuộc sống của mình; nhưng đàng khác, sự hiểu biết này lại liên tục quy chiếu về mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà trí tuệ không thể làm cạn kiệt, mà chỉ có thể tiếp nhận trong đức tin” (Enc. Fides et ratio, 14).
Trong viễn tượng đó, Đức Thánh Cha định nghĩa đức tin: Nó là câu trả lời của con người cho sự Mạc Khải của Thiên Chúa, là Đấng tự làm cho mình được hiểu biết, là Đấng biểu lộ chương trình lòng lành của Người đối với nhân loại. Để dùng một kiểu nói của Thánh Augustinô, tin là để cho mình bị nắm bắt bởi Chân Lý là Thiên Chúa, một Chân Lý là Tình Yêu. Vì thế, Thánh Phaolô nhấn mạnh sự vâng lời của đức tin đối với Thiên Chúa, là Đấng đã vén mở mầu nhiệm của Người (x. Rm 16,26; x. 1,5; 2 Cr 10,5-6). Sự vâng lời của đức tin, như Công đồng Vatican II nói, ”là thái độ qua đó con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa bằng cách tự do dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí” (Dei Verbum, 5).
Tất cả những điều này đưa tới một sự thay đổi nền tảng và toàn diện kiểu tương quan với toàn thực tại; đây là một sự “hoán cải” đích thực, một sự “thay đổi tâm thức”, bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải nơi Đức Kitô và đã cho chúng ta biết chương trình tình yêu cứu độ của Người, nắm bắt chúng ta, lôi kéo chúng ta tới với Người, trở thành ý nghĩa nâng đỡ cuộc sống, đá tảng trên đó nó có thể tìm thấy sự ổn định. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta tìm thấy một kiểu nói súc tích về đức tin, mà Thiên Chúa đã tín thác cho Ngôn sứ Isaia để ông thông truyền cho Achaz, vua Giuđa. Thiên Chúa khẳng định: “Nếu các ngươi không tin, nghĩa là nếu các ngươi không trung thành với Thiên Chúa, các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9b).
Như thế, có một mối dây giữa “ở” và “hiểu” diễn tả đúng đức tin là một tiếp nhận trong cuộc sống quan điểm của Thiên Chúa về thực tại, để cho Thiên Chúa hướng dẫn với Lời Người và các Bí tích trong việc hiểu điều gì chúng ta phải làm, con đường nào chúng ta phải đi. Nhưng đồng thời chính là hiểu theo Thiên Chúa, theo ý muốn của Người, nhìn với đôi mắt của Người, là Đấng khiến cho cuộc sống được vững vàng, là Đấng cho phép chúng ta “đứng vững”, không ngã.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào giới trẻ, các anh chị em đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nói Mùa Vọng mới bắt đầu trong các ngày này nhận được ánh sáng từ gương sống rạng ngời của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Xin Mẹ thúc đẩy các bạn trẻ trên con đường tin nơi Chúa Kitô. Xin Mẹ nâng đỡ các anh chị em đau yếu canh tân niềm hy vọng. Và xin Mẹ hướng dẫn các đôi tân hôn trong việc xây dựng gia đình.
Sau cùng, ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.