28/12/2024

Không có các Giáo hội Kitô, Âu châu không hiện hữu

Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia về đề tài “Các xã hội Tây Âu nảy sinh từ Kitô giáo”. Giáo sư Scruton đã là một trong các thuyết trình viên của Diễn đàn về đề tài “Thiên Chúa”, do Dự án Văn hoá của Hội đồng Giám mục Italia tổ chức hồi năm 2009.

Không có các Giáo hội Kitô, Âu châu không hiện hữu

 

Phỏng vấn Triết gia Roger Scruton, người Anh

 

Kể từ năm 2008 tới nay, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã khiến cho cuộc sống của mọi dân tộc toàn thế giới phải điêu đứng. Riêng tại các nước Tây Âu có nền văn hoá Kitô, nhiều người, đặc biệt là các vị lãnh đạo tôn giáo, xác tín rằng nó cũng là cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức và tinh thần nữa. Trong số các người xác tín điều này có nhiều triết gia, chẳng hạn như triết gia Roger Scruton, người Anh.

 

Triết gia Roger Scruton sinh năm 1944, có khuynh hướng bảo thủ, nhưng là một trong các triết gia sáng giá nhất của Anh quốc hiện nay. Ông cũng là nhà văn và người sáng tác nhạc, tác giả của hơn 30 cuốn sách, trong đó có các cuốn như “Nghệ thuật và tưởng tượng” (1974), “Ước muốn tính dục” (1986), “Vẻ đẹp của Âm nhạc” (1997), “Triết lý chính trị: Các lý lẽ của khuynh hướng bảo thủ” (2006). Ông Scruton cũng viết nhiều tiểu thuyết và sáng tác 2 nhạc kịch.

 

Trong các năm 1971-1992, triết gia Roger Scruton đã là giáo sư Mỹ thuật tại Đại học Birkbeck, Luân Đôn. Từ năm 1992, giáo sư cũng dạy tại Đại học Boston, Học viện Đầu tư Mỹ tại Washington và Đại học St. Andrews. Năm 1982, giáo sư đã thành lập Nguyệt san Salisbury là nguyệt san chính trị bảo thủ, và đã điều khiển suốt 18 năm. Năm 1987, giáo sư cũng thành lập Nhà In Claridge, và thuộc Ban Giám đốc Nguyệt san Mỹ thuật Anh. Đồng thời ông cũng là thành viên Uỷ ban Cố vấn Quốc tế của Trung tâm Canh tân Âu châu. Triết gia Roger Scruton đã nhận được nhiều giải thưởng vì những nỗ lực thành lập các “đại học hầm trú và mạng lưới đại học” tại các quốc gia Trung Âu hồi đó còn nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước Cộng sản Liên Xô.

 

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia về đề tài “Các xã hội Tây Âu nảy sinh từ Kitô giáo”. Giáo sư Scruton đã là một trong các thuyết trình viên của Diễn đàn về đề tài “Thiên Chúa”, do Dự án Văn hoá của Hội đồng Giám mục Italia tổ chức hồi năm 2009.

 

Giáo sư đã không hiện diện trong đại hội lần thứ XI, triệu tập trong 2 ngày 30-11 và mồng 1-12 tại Trung tâm Villa Aurora ở Roma. Diễn đàn có đề tài là “Các tiến trình toàn cầu hoá, cơ may đối với các tín hữu Công giáo Italia”, nhằm tìm hiểu thách đố mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đưa ra trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” khi viết: “Toàn cầu hoá là hiện tượng bao gồm nhiều chiều kích và đa trị, đòi hỏi được tiếp nhận trong sư khác biệt và sự hiệp nhất của tất cả mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thần học. Điều này sẽ cho phép sống và hướng sự toàn cầu hoá của nhân loại trong các từ tương quan tính, hiệp thông và chia sẻ”. Tuy nhiên, cuốn sách giáo sư mới cho phát hành tựa đề “Giáo Hội của chúng ta” cũng là một đóng góp cho đại hội này, mặc dù từ một viễn tượng không Công giáo.

 

Hỏi: Thưa Giáo sư Scruton, trong Âu châu từ thế kỷ XVI cho tới nay, Anh quốc là quốc gia nổi bật trong các tiến trình toàn cầu hoá. Nhưng Anh giáo đã lại ra khỏi tiến trình này, và bị tái lượng định chiều kích một cách mạnh mẽ bởi các thập niên qua, và hầu như bị đè bẹp bởi các thay đổi. Theo giáo sư thì tại sao vậy? Có phải hình thái “Giáo Hội của Nhà nước” đã cạn kiệt nhiệm vụ lịch sử của mình hay không?

 

Đáp: Giáo hội Anh giáo diễn tả một sự dàn xếp lịch sử, một cố gắng giảng hoà một quan niệm nòng cốt công giáo của Kitô giáo xây nền trên Bí tích Thánh Thể, và việc vâng phục quyền bính đời. Quyền bính trần thế ấy đã nuôi dưỡng và đã được nuôi dưỡng bởi Nhà nước trong các thế kỷ xây dựng đế quốc Anh; và chung quanh Giáo hội Anh giáo đã lớn lên một nền văn hoá giao thoa với các truyền thống và các lễ nghi theo kiểu sống của người Anh. Một Giáo hội như thế là một Giáo hội rất dễ bị thương tích một cách không thể tránh được trước sự tục hoá của quyền bính trần thế và sự khẳng định một quan niệm của trật tự chính trị kiểu chủ nghĩa xã hội tự do. Nó cũng dễ bị thương tổn vì sự suy đồi của quyền tối thượng quốc gia và lập trường không chắc chắn của nền quân chủ trong một thời đại bình đẳng như thời đại ngày nay. Nhưng Giáo hội Anh giáo vẫn là một cái gì hơn là một “Giáo Hội của Nhà nước”: nó là một Giáo hội Công giáo được cột buộc bằng hai sợi dây với một nền văn hoá còn sống, nhưng cũng đang chết, và còn nói với tất cả những người chia sẻ quan điểm với nó.

 

Hỏi: Thưa Giáo sư, trong cái khó khăn của Anh giáo tất cả hay hầu như tất cả xem ra đều xoay quanh các vấn đề luân lý đạo đức tính dục, như sự rộng mở cho hôn nhân đồng phái, hay các vấn đề tương tự như việc truyền chức giám mục cho nữ giới. Tại sao Thánh Kinh cũng như Truyền Thống lại không thể đưa ra một điểm tựa chắc chăn đối với các vấn đề này?

 

Đáp: Vấn đề đó là một phần cũng do ảnh hưởng của Hoa Kỳ, các vấn đề về tính dục và các vấn đề tương tự đã đi đến chỗ thống trị nền chính trị của các nước nói tiếng Anh. Các Kitô hữu bị bó buộc phải rút lui và tìm cách lên tiếng trong mọi môi trường, nơi các người đồng tính hay các người theo phong trào nữ quyền đòi hỏi các quyền lợi của họ. Sự quan sát có tính cách nhân chủng học sơ đẳng hay là các tôn giáo gắn liền với các nghi thức chóng qua, và vì thế coi tính dục thuộc số các lợi ích chính, không thay đổi sự kiện chính các quyền bính trần thế hơn là các quyền bính tôn giáo tìm định nghĩa điều chúng ta phải tin liên quan tới các đề tài này.

 

Hỏi: Cuốn sách của Giáo sư được trình bày như là việc ca tụng gia tài Anh giáo: điều được hiểu ngầm là cần chịu trận coi nó như là một “loại lịch sử bảo tàng viện”, hay nó có thể tiếp tục là một gợi hứng đối với xã hội Anh quốc?

 

Đáp: Đây không phải là một lịch sử bảo tàng viện. Trong sách tôi nói tới một lịch sử liên quan tới quá khứ và ý nghĩa của nó. Giáo hội Anh giáo là một sự hiệp thông sống động và còn quan trọng đối với rất nhiều người nói tiếng Anh; và trong một nghĩa nào đó, nó còn quan trọng đối với những người không tin vào sứ điệp của nó hơn là đối với những người tin. Vì trong đó có sự tiếp nối kinh nghiệm lịch sử của một quốc gia, hệ thống tư pháp rất quan trọng của nó và nền văn hoá lớn lao của nó.

 

Hỏi: Thưa Giáo sư, giáo sư biết rõ nền văn hoá Âu châu và nền văn hoá của Italia. Có một bài học nào của Anh quốc hay của Anh giáo mà các Giáo hội Âu châu khác có thể học được trong tương quan với các tiến trình toàn cầu hoá và tục hoá hay không?

 

Đáp: Tôi nghĩ rằng tất cả các Giáo hội Âu châu phải chuyển đạt sứ điệp này: đó là không có các Giáo hội Kitô, thì đại lục Âu châu này không hiện hữu. Các xã hội của chúng ta đã được tạo dựng nên bởi các Giáo hội Kitô. Trên mọi bình diện, chúng đều tuỳ thuộc một mặc khải của điều đã được các Giáo hội thông truyền và nó đã có một chiều kích bí tích. Khước từ điều này có nghĩa là loại bỏ mọi hàng rào đối với sự mất năng lực đang đe doạ cả Âu châu nữa. Khẳng định nó có nghĩa là bắt đầu tái khám phá ra các điều chúng ta phải tranh đấu và phải bảo vệ cho khỏi sự thối nát.

 

Hỏi: Thưa Giáo sư, ngày còn trẻ, khi giáo sư theo Anh giáo, thì cái gì đã hấp dẫn Giáo sư nhất trong truyền thống Anh giáo, và cái gì vẫn còn hấp dẫn Giáo sư ngày nay?

 

Đáp: Tôi đã bị hấp dẫn nhất là bởi sự tổng hợp của các giá trị luân lý đạo đức và tinh thần và của sự hiện diện trước bàn thờ của một cộng đoàn an bình với chính mình và tiếp xúc với qúa khứ của chính mình. Và đó cũng chính là điều vẫn còn tiếp tục hấp dẫn tôi ngày nay.

 

(Avvenire 23-11-2012)