24/11/2024

Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệmcủa Người cho những kẻ bé mọn

Lời Chúa trong bài Tin Mừng tạo nên cho chúng ta là những nhà thần học một thách đố, hay có lẽ đúng hơn là một lời mời gọi tự vấn lương tâm: thần học là gì? Chúng ta, những nhà thần học, là ai? Làm sao để suy tư thần học một cách tốt đẹp? Chúng ta đã nghe Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha, bởi vì Người đã giấu các mầu nhiệm vĩ đại, đã không cho những nhà hiền triết, những nhà bác học biết, nhưng Chúa Cha lại mạc khải điều này cho những người bé mọn, cho những ai không phải là những nhà bác học, những ai không có trình độ văn hoá cao

 Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm của Ngài cho những kẻ bé mọn

Thánh lễ đồng tế với các thành viên Uỷ ban Thần học quốc tế Nhà nguyện Phaolô – Thứ Ba, 1/12/2009

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe qua trích đoạn bài Tin Mừng tạo nên cho chúng ta là những nhà thần học một thách đố, hay có lẽ đúng hơn là một lời mời gọi tự vấn lương tâm: thần học là gì? Chúng ta, những nhà thần học, là ai? Làm sao để suy tư thần học một cách tốt đẹp? Chúng ta đã nghe Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha, bởi vì Người đã giấu mầu nhiệm vĩ đại về Chúa Con, mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm về Chúa Kitô, và đã không cho những nhà hiền triết, những nhà bác học biết – những con người này đã không nhận ra được điều đó -, nhưng Chúa Cha lại mạc khải điều này cho những người bé mọn, cho những nèpioi, cho những ai không phải là những nhà bác học, những ai không có trình độ văn hoá cao. Mầu nhiệm vĩ đại này đã được mạc khải cho họ.

Với những lời nói trên đây, Chúa đã mô tả thực đơn giản một sự kiện trong cuộc đời của Người; một sự kiện đã bắt đầu lúc Người chào đời, khi các nhà Đạo sĩ từ Đông phương đến hỏi những người tinh thông, những ký lục, những nhà chú giải Kinh Thánh địa điểm nơi Đấng Cứu Thế, Vua dân Do Thái sinh ra. Các ký lục biết điều này, bởi vì họ là những đại chuyên gia; họ có thể nói ngay địa điểm Đấng Thiên Sai hạ sinh: tại Bê Lem! Nhưng họ không cảm thấy mình được mời gọi để đi đến đó: đối với họ, điều đó chỉ là một kiến thức hàn lâm, điều đó không hề liên hệ đến cuộc đời của họ; họ vẫn nằm ở bên ngoài. Họ có thể cung cấp thông tin, nhưng chúng không thể đào tạo cuộc đời họ.

Và tiếp sau đó, trong suốt quãng đời công khai của Chúa, chúng ta cũng thấy được một điều như thế. Những nhà bác học không thể nào hiểu được rằng con người này, một con người tầm thường không uyên bác, một con người xứ Galilê, lại có thể thực sự là Con Thiên Chúa. Đối với họ, thực không thể nào chấp nhận được Thiên Chúa, Đấng vĩ đại, Đấng độc nhất, là Thiên Chúa trời đất, lại có thể cư ngụ trong con người này. Tất cả đều biết, đều hiểu chương 53 trong sách Tiên tri Isaia, nhưng mầu nhiệm vẫn bị giấu ẩn. Còn trái lại, Chúa lại mạc khải cho những người bé mọn, bắt đầu từ Đức Trinh Nữ Maria, cho đến các ngư phủ hồ Galilê. Cũng như viên sĩ quan Rôma dưới chân Thánh giá, họ nhận ra: người này là Con Thiên Chúa!

Những sự kiện thiết yếu trong cuộc đời của Đức Giêsu không chỉ thuộc về quá khứ, nhưng còn mang tính hiện tại, qua nhiều cách thế khác nhau, đối với mọi thế hệ. Và như thế, ở vào thời đại chúng ta cũng vậy, trong suốt hai trăm năm vừa qua, chúng ta cũng nhận thấy một điều như thế. Có những đại hiền triết, những đại chuyên gia, những nhà thần học có tên tuổi, những bậc thầy trong lĩnh vực đức tin, những người đã giảng dạy cho chúng ta nhiều điều hay lẽ phải. Họ đã thâm nhập vào trong những chi tiết của Kinh Thánh, của lịch sử ơn cứu độ, nhưng họ vẫn không thấy được chính mầu nhiệm, thấy được cái cốt lõi thực sự: đó là Đức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa Ba Ngôi đã đi vào trong lịch sử của chúng ta, đi vào trong một thời gian đã được xác định trong lịch sử, trong một con người như chúng ta. Điều thiết yếu vẫn còn bị giấu ẩn! Người ta có thể trích dẫn dễ dàng những tên tuổi nổi danh của lịch sử thần học trong vòng hai trăm năm qua, mà qua đó, chúng ta đã học được rất nhiều điều hay, nhưng mầu nhiệm vẫn bị giấu ẩn không được mở ra cho cặp mắt tâm hồn họ.

Còn trái lại, ở vào thời đại chúng ta, cũng có những người bé mọn đã biết được mầu nhiệm này. Chúng ta nghĩ đến Thánh nữ Bernađétta Soubirous; đến Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux, với cách đọc Sách Thánh mới mẻ của người, “không khoa học”, nhưng lại đi vào trọng tâm của Kinh Thánh; cho đến các vị Thánh và Chân phước của thời đại chúng ta: Thánh nữ Joséphine Bakhita, Chân phước Têrêsa thành Calcutta, Thánh Damien de Veuster. Chúng ta có thể kể ra biết bao là vị Thánh!

Nhưng từ những điều trên lại nảy sinh câu hỏi: tại sao lại như thế? Kitô giáo có phải là tôn giáo của những người dốt nát, của những người không có trình độ văn hoá, của những người không được đào tạo sao? Đức tin có tắt ngúm đi ở những nơi mà lý trí đang bừng lên? Ta phải cắt nghĩa điều này như thế nào? Lại một lần nữa, có lẽ chúng ta phải nhìn lại lịch sử. Điều mà Đức Giêsu đã nói, điều mà chúng ta có thể quan sát được dọc suốt thời gian, chúng ta thấy điều đó vẫn đúng. Tuy nhiên, cũng có một “loại” người bé mọn, họ cũng là những nhà bác học. Đứng dưới chân Thánh giá, ta thấy có Đức Trinh Nữ, là tì nữ khiêm nhường của Thiên Chúa, và là người nữ vĩ đại được Thiên Chúa soi sáng. Và cũng có Gioan, ngư phủ sinh sống tại biển hồ Galilê, nhưng chính Gioan là người được Giáo Hội gọi là “nhà thần học”, bởi vì người đã thực sự biết nhìn mầu nhiệm của Thiên Chúa, và loan báo mầu nhiệm ấy: với con mắt đại bàng, người đã đi vào trong vùng ánh sáng của mầu nhiệm thần linh mà chúng ta không thể nào bước vào được. Cũng giống như thế, sau khi Chúa sống lại, trên đường đi Đamát, Chúa đã tác động tâm hồn Saolô, là một trong những nhà bác học có mắt mà không thấy. Chính người, trong Thư thứ nhất gửi cho Timôtê, đã mô tả mình vào thời đó là “dốt nát”, mặc dầu người rất uyên bác. Nhưng Đấng Phục Sinh đã tác động đến người: người đã bị đui và không thấy đường đi, nhưng đồng thời, người lại thực sự thấy rõ, người đã bắt đầu thấy. Nhà đại hiền triết lại trở nên một con người bé nhỏ, nhưng chính vì thế mà người đã thấy được sự điên rồ của Thiên Chúa là sự khôn ngoan, một sự khôn ngoan vĩ đại hơn tất cả những khôn ngoan của con người.

Chúng ta sẽ có thể đọc lịch sử theo cách này. Và cuối cùng còn một nhận xét khác nữa. Những nhà hiền triết uyên bác này, những sofòi sinetòi này, trong Bài đọc một, lại xuất hiện dưới một hình thức khác. Ở đây, sofia sinesis là những ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ xuống trên Đấng Thiên Sai, trên Đức Kitô. Điều này có nghĩa là gì? Hình như có hai cách sử dụng lý trí, và cũng có hai loại người là khôn ngoan hay trẻ thơ. Trong toàn bộ các môn khoa học, bắt đầu bằng các môn khoa học tự nhiên, với một phương pháp riêng mang tính phổ quát để nghiên cứu vật chất, ta thấy có một cách sử dụng lý trí một cách độc lập, đặt mình lên trên Thiên Chúa. Thiên Chúa chẳng dính dáng gì trong phương pháp này cả, và như thế, Người không có mặt trong đó. Và cuối cùng, trong thần học cũng thế: người ta đánh bắt trong những dòng nước Kinh Thánh, nhưng lại sử dụng một cái lưới chỉ cho phép đánh bắt được những con cá có một kích thước nào đó mà thôi; do đó ta sẽ không bắt được con cá nào vượt quá kích thước của lưới, vì nó quá to, và như thế là không hiện hữu. Cũng tương tự như thế, đại mầu nhiệm về Đức Giêsu, đại mầu nhiệm về Con Thiên Chúa làm người, lại giản lược vào một Đức Giêsu lịch sử: một dung mạo mang đầy kịch tính, một hồn ma không có thịt có xương, một con người vẫn đang còn nằm trong huyệt đá, một thân xác hư nát và đã thực sự chết. Phương pháp chỉ “đánh bắt” được một số loại cá, nhưng lại loại trừ đại mầu nhiệm, bởi vì con người tự cho mình là khuôn vàng thước ngọc: con người mang lấy tính tự phụ này, nhưng đồng thời đó cũng là điều cực kỳ ngu dốt, bởi vì nó tuyệt đối hoá một số phương pháp không thích nghi được với những thực tại vĩ đại; nó nằm trong đầu óc hàn lâm mà ta đã gặp thấy nơi những ký lục, họ đã trả lời cho các nhà Đạo sĩ: điều các ông tìm không liên quan đến tôi; tôi vẫn khăng khăng trong cuộc sống của tôi, cuộc sống của tôi không hề bị xáo động. Sự chuyên môn hoá này chỉ thấy được mọi chi tiết, nhưng lại không thấy được cái toàn thể.

Ngoài ra cũng có một cách sử dụng khác về lý trí, cũng có một cách khác để sống khôn ngoan, đó là cách sống của một con người biết nhận ra mình là ai, và nhận ra chiều kích riêng của mình và sự cao cả của Thiên Chúa, khi khiêm nhường mở rộng lòng mình đón nhận hành động mới mẻ của Thiên Chúa. Như thế, chính khi chấp nhận sự bé nhỏ của mình, khi trở nên bé nhỏ theo như bản tính thực sự của mình, thì con người mới đến được với chân lý. Hiểu như thế thì lý trí cũng có thể diễn đạt được tất cả những khả năng của mình, lý trí không hề bị tắt ngúm đi, nhưng lại được mở rộng, lại trở nên vĩ đại hơn. Sofia sinesis trong bối cảnh này không hề loại trừ mình ra khỏi mầu nhiệm là sự hiệp thông thực sự với Chúa. Kiến thức và khôn ngoan cũng như chân lý của cả hai đều nằm trong bàn tay của Thiên Chúa.

Giờ đây, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khiêm nhường đích thực. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống như trẻ thơ để có thể thực sự khôn ngoan; xin Người soi sáng chúng ta, xin Người giúp chúng ta thấy được mầu nhiệm của Người trong niềm vui của Thánh Thần, xin Người giúp chúng ta trở nên những nhà thần học đích thực, những nhà thần học có khả năng loan báo mầu nhiệm thần linh, bởi vì chúng ta đã được Chúa tác động trong tâm hồn, trong cuộc sống. Amen.