28/12/2024

Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 2-12-2012, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và sống tình yêu thương của Ngài giữa một thế giới đầy xáo trộn và bị bao phủ bởi thái độ dửng dưng và chủ nghĩa vật chất.

Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới

 

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 2-12-2012, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và sống tình yêu thương của Ngài giữa một thế giới đầy xáo trộn và bị bao phủ bởi thái độ dửng dưng và chủ nghĩa vật chất.

 

Trong bầu khí thiêng liêng của Chúa Nhật I Mùa Vọng, hàng ngàn tín hữu hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài giải thích về ý nghĩa của Mùa Vọng, đó là một thái độ sẵn sàng chờ Chúa đến. Ngoài ra, ngài cũng diễn giải về ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa vọng hôm qua. ĐTC nói:

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay Giáo Hội chính thức bước vào một Năm Phụng vụ mới, một hành trình mới được làm giầu liên tục với Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Chung Vatican II. Mùa đầu tiên của Năm Phụng vụ chính là Mùa Vọng. Theo Nghi lễ Rôma, Mùa Vọng kéo dài suốt 4 tuần trước Lễ Chúa Giáng Sinh, là Mầu nhiệm Nhập Thể Con Thiên Chúa làm người. Từ ngữ “vọng” (Advent) có nghĩa là “đang đến” hoặc “hiện diện”. Trong thế giới thời cổ, tiếng “Advent” dùng để chỉ về cuộc kinh lý của vị vua hoặc vị hoàng đế đến một tỉnh, hoặc vùng nào đó trong vương quốc của mình. 

 

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ “Advent” đề cập đến việc Chúa đến, và sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới. Đó là một mầu nhiệm bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử, mà cũng là một mầu nhiệm với hai khoảnh khắc nổi bật được biết đến, đó là cuộc giáng trần lần thứ nhất và cuộc quang lâm, nghĩa là cuộc ngự đến lần thứ hai của Chúa Giêsu. Cuộc ngự đến lần thứ nhất đích thực nói đến Mầu nhiệm Nhập thể, cuộc ngự đến lần thứ hai chính là cuộc trở lại trong vinh quang vào thời thế mạc. Hai khoảnh khắc này cách biệt nhau theo trật tự thời gian mà giữa chúng cách nhau bao lâu thì chúng ta không được biết. Tự nơi thẳm sâu hai khoảnh khắc ấy chạm vào nhau, bởi lẽ với cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực thi cuộc biến đổi ấy cho con người, và cho vũ trụ này. Cuộc biến đổi ấy chính là cùng đích tối hậu của thụ tạo. Nhưng trước khi đạt đến điểm chung cuộc ấy, thì cần hoàn tất việc Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Đức Kitô (x. 1 Cr 15, 25; Tv 110,1). Kế hoạch cứu độ này của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn hành động, đòi hỏi sự dấn thân vô vị lợi và sự cộng tác của con người cách liên tục. Ví như vị hôn thê của Chiên Thiên Chúa, Đấng đã bị đóng đinh và đã sống lại (x. Kh 21,9), Giáo Hội đang sống trong nỗi nhớ Chúa và trong niềm mong chờ cuộc trở lại của Ngài, một cuộc mong chờ với niềm hy vọng tỉnh thức và hoạt động.

 

Tiếp theo, khi diễn giải về Lời Chúa được đọc trong Chúa Nhật I Mùa Vọng, ngài nhắc nhở các tín hữu thái độ cần phải có trong Mùa Vọng. Ngài nói: Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng ta thái độ cần phải có để sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời,… Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,34.36). Do đó, hãy sống tiết độ và hãy cầu nguyện luôn! Thánh Phaolô Tông đồ cũng ước mong cho “tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” để “anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách” (x. 1 Tx 3,12-13). Dẫu sống trong một thế giới với nhiều biến động, hay giữa những sa mạc của sự dửng dưng và chủ nghĩa vật chất, các Kitô hữu được mời gọi để lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và làm chứng cho Ngài ngang qua đời sống của mình, như một thành phố xinh đẹp sừng sững trên một ngọn núi cao. Như ngôn sứ Giêrêmia công bố: “Trong những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Ðây là tên người ta sẽ đặt cho thành: “Ðức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta!” (Gr 33,16). Cộng đoàn các Kitô hữu là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, của sự công bình vốn đã hiện diện trong dòng lịch sử dù chưa được nhận ra một cách trọn vẹn, và vì thế luôn mong chờ, cầu khẩn, tìm kiếm với lòng kiên nhẫn và can đảm.

 

Đức Trinh Nữ Maria chính là mẫu gương trọn hảo về việc sống tinh thần Mùa Vọng. Mẹ đã lắng nghe lời Thiên Chúa, với một khao khát sâu thẳm thực thi thánh ý Ngài và Mẹ cũng phục vụ tha nhân trong vui tươi. 

 

Sau bài Angelus, Đức Thánh Cha cũng gửi lời thăm hỏi đến các thành phần tham dự, ngài nói:

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay, tại Kotta ở Ấn Độ, chúng ta vui mừng vì có thêm một vị Chân phước mới, anh Devasahayam Pillai, một tín hữu đã sống vào thế kỷ 18 và đã chịu tử đạo. Chúng ta cùng chia vui với Giáo hội Ấn Độ và cầu nguyện cùng vị tân chân phước này, xin ngài gìn giữ các Kitô hữu tại đất nước rộng lớn này.

 

Gửi lời đến Ngày Quốc tế Người Khuyết tật diễn ra vào ngày hôm nay, ngài nói: Mỗi người, bất chấp những giới hạn về thể lý và tâm lý vẫn mang nơi mình một giá trị không thể thay thế. Tôi khích lệ các cộng đoàn Giáo hội hãy đón nhận những anh chị em này. Đồng thời tôi ước mong những nhà làm luật và các chính phủ hãy bảo vệ những anh chị em này và giúp họ tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống cộng đồng.

 

Cuối cùng, bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện. “Tôi đặc biệt gửi lời chúc mừng đến những người dân ở vùng Kottar đang mừng lễ phong chân phước cho anh Devasahayam Pillai hôm nay. Đời sống chứng tá của anh về Đức Kitô là một mẫu gương sống động nhắc nhớ chúng ta về thái độ tỉnh thức chờ Chúa, một thái độ được nhắc đến trong Thánh lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay. Ước mong thời gian thánh này sẽ giúp chúng ta gắn bó với Đức Kitô nhiều hơn. 

 

Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.