31/10/2024

Đức Kitô là tâm điểm của Năm Phụng vụ và là Hy vọng của nhân loại

Từ Chúa Nhật hôm nay trở đi, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới, và dĩ nhiên, năm phụng vụ mới này được mở ra bằng Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Công đồng chung Vatican trong Hiến chế về Phụng vụ, khẳng định rằng Giáo Hội “phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến”.

 Đức Kitô là tâm điểm của Năm Phụng vụ và là Hy vọng của nhân loại

Kinh Truyền Tin – Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật I Mùa Vọng, 29/11/2009

Anh chị em thân mến!

 

Từ Chúa Nhật hôm nay trở đi, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới, và dĩ nhiên, năm phụng vụ mới này được mở ra bằng Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Công đồng chung Vatican trong Hiến chế về Phụng vụ, khẳng định rằng Giáo Hội “phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến”. Như thế, “trong khi cử hành những Mầu Nhiệm Cứu Chuộc, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu nguồn phong phú về nhân đức và công trạng của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc” (Sacrosanctum Concilium, 102). Công đồng nhấn mạnh đến sự kiện Đức Kitô là tâm điểm của phụng vụ, như thể mặt trời, mà qua đó, Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc – là người gần gũi nhất -, tựa như các hành tinh, quay chung quanh, trong khi đó thì các Thánh Tử đạo và các vị Thánh khác “đang ca khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta” (sđd, 104).

Đó là thực tại của Năm phụng vụ, có thể nói là được nhìn “từ phía Thiên Chúa”. Còn từ phía con người, từ phía lịch sử và xã hội thì sao? Đâu là tầm quan trọng mà Năm phụng vụ có thể có được? Con đường Mùa Vọng mà ngày hôm nay chúng ta đang dấn bước sẽ gợi lên cho chúng ta câu trả lời. Thế giới hiện đại cần niềm hy vọng hơn cả: những dân tộc đang phát triển cần có niềm hy vọng, nhưng những dân tộc phát triển về mặt kinh tế cũng cần có niềm hy vọng. Chúng ta ngày càng ý thức rằng mình đang ở trên một con tàu, và chúng ta phải cùng nhau cứu thoát mình. Nhất là khi nhìn thấy có biết bao an toàn giả hiệu đã sụp đổ, chúng ta mới ý thức rằng mình cần có một niềm hy vọng khả tín, và niềm hy vọng này chỉ có thể tìm thấy được trong Đức Kitô, là Đấng, như Thư gửi tín hữu Do Thái đã nói “vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (13,8). Chúa Giêsu đã đến trong quá khứ, Người đang đến trong hiện tại, và sẽ đến trong tương lai. Người ôm trọn mọi chiều kích của thời gian, bởi vì Người đã chết và phục sinh, Người là “Đấng Hằng Sống”, và trong khi Người chia sẻ kiếp mỏng giòn của con người chúng ta, thì Người vẫn luôn bền vững và Người ban tặng cho chúng ta tính vững bền của chính Thiên Chúa. Người là người có “thịt có xương” như chúng ta, nhưng Người cũng là “đá tảng” như Thiên Chúa. Ai khát vọng tự do, công lý, hoà bình, thì người ấy có thể chỗi dậy và ngẩng cao đầu, bởi vì trong Đức Kitô, sự giải phóng đã gần kề (x. Lc 21,28) – như chúng ta đã đọc thấy điều này trong bài Phúc Âm ngày hôm nay. Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô không chỉ quan tâm đến các Kitô hữu, hay những người có tín ngưỡng mà thôi, nhưng Người còn để tâm đến tất cả mọi người, bởi vì Đức Kitô là tâm điểm của đức tin, và bởi vì Người cũng là nền tảng của niềm hy vọng. Và bất cứ hữu thể nhân văn nào cũng luôn cần đến niềm hy vọng.

Anh chị em thân mến, Đức Trinh Nữ Maria là hiện thân của nhân loại một cách trọn vẹn, một nhân loại sống trong niềm hy vọng được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống. Người là Trinh Nữ của Mùa Vọng: Người đã cắm chặt neo thuyền của mình vào trong hiện tại, vào trong cái “hôm nay” của ơn cứu độ; Người cất giữ trong tâm hồn mình tất cả những lời hứa trong quá khứ; và Người hướng đến các lời hứa được thể hiện trong tương lai. Chúng ta hãy học nơi Người, để thực sự bước vào thời gian của ân sủng này, và để đón nhận, với niềm vui và trách nhiệm, Thiên Chúa giáng lâm trong lịch sử của cá nhân và xã hội chúng ta.