22/01/2025

Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu: Cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á

Trong cuộc họp với Ban Tổ chức của Liên Hội đồng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, các ngài tha thiết xin anh chị em tín hữu Việt Nam cầu nguyện cho Hội nghị.

Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu:

Cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của WHĐ

 


WHĐ (25.11.2012) –  Hội nghị toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã gần kề. Để thông tin cho độc giả về việc chuẩn bị Hội nghị, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, người chịu trách nhiệm liên lạc giữa Ban Tổ chức của Liên Hội đồng Giám mục Á châu và Ban Tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

– Trong Thư Mục vụ Năm Đức Tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Liên Hội đồng Giám mục Á Châu sẽ họp Đại hội tại Việt Nam, từ ngày 19 đến 25-11-2012. Xin Đức cha cho biết thêm chi tiết.

 

– Đúng là Liên Hội đồng Giám mục Á châu sẽ họp Hội nghị lần đầu tiên tại Việt Nam, tuy nhiên có sự điều chỉnh về ngày giờ vì những lý do bất ngờ. Ngày 24-10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố triệu tập Công nghị Hồng y vào ngày 24-11 năm nay, đồng thời trao mũ hồng y cho 6 vị, trong đó có 2 vị người Á châu. Như thế, các hồng y người Á châu và nhiều giám mục khác sẽ không thể có mặt tại Hội nghị sắp tới của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, dự kiến tiến hành tại Việt Nam từ 19 đến 25-11-2012. Vì thế, Ban Tổ chức Hội nghị đã quyết định thay đổi ngày giờ. Hội nghị lần thứ X của các Giám mục Á châu sẽ tiến hành từ ngày 10 đến 16-12-2012, tại Toà Giám mục Xuân Lộc và tại TP. Hồ Chí Minh.

 

– Sự thay đổi đó có gây khó khăn gì cho Hội nghị không?

 

– Chắc là cũng có một số khó khăn, ví dụ một số giám mục sẽ không thể đến tham dự được vì đã lên chương trình làm việc trong giáo phận của các ngài. Hơn nữa, ngày họp (10 – 16/12) gần sát với Lễ Giáng Sinh nên một số vị cũng khó tham dự.

 

– Còn về phía Giáo Hội Việt Nam thì sao?

 

– Chúng tôi đặt lợi ích của Đức Thánh Cha và Giáo Hội phổ quát lên trên, vì thế chúng tôi cố gắng thích nghi với sự thay đổi này cách tốt nhất có thể. Cách riêng, Giáo phận Xuân Lộc và Sài Gòn phải cố gắng nhiều hơn để phục vụ Hội nghị.

 

– Sự thay đổi này có gây khó khăn gì đối với Chính quyền Việt Nam không?

 

– Chúng tôi đã thông báo cho Chính quyền biết về sự thay đổi này. Chính quyền đã có văn thư trả lời và đề nghị xúc tiến việc thực hiện thủ tục nhập cảnh cho các giám mục và chuyên viên thần học đến dự hội nghị. Ngày 23-11 vừa qua, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã thông báo cho chúng tôi biết: (1) Đồng ý cho 118 khách được nhập xuất cảnh Việt Nam, theo danh sách đính kèm; (2) Những khách này được nhận thị thực tại sân bay quốc tế. Như thế, coi như mọi sự đang tiến hành tốt đẹp.

 

– Đức cha nói đây là lần đầu tiên Liên Hội đồng Giám mục Á châu họp Hội nghị tại Việt Nam?

 

– Vâng, cứ 4 năm, Liên Hội đồng lại tổ chức Hội nghị Toàn thể (Plenary Assembly) một lần, và họ đã tổ chức tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ… Trong quá khứ, Liên Hội đồng đã từng đề nghị tổ chức Hội nghị tại Việt Nam nhưng khi đó chúng ta chưa đủ điều kiện để đón tiếp. Nhờ ơn Chúa, nay chúng ta có điều kiện tương đối tốt hơn, về cơ sở vật chất cũng như về nhân sự làm việc, nên Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định nhận lời đề nghị của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, tiến hành Hội nghị tại Việt Nam.

 

– Như vậy, có thể coi đây là sự kiện đặc biệt đối với Giáo hội Việt Nam. Vậy những Hội nghị như thế này có ý nghĩa gì đối với các Giáo hội địa phương tại châu Á?

 

– Theo quy chế của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, Hội nghị toàn thể là cơ chế cao nhất của Liên Hội đồng. Mỗi Hội đồng Giám mục cử đại biểu đến tham dự và chỉ những đại biểu này mới có quyền biểu quyết về những vấn đề quan trọng của Liên Hội đồng. Những quyết định này có tác động trên đường hướng mục vụ của các Giáo Hội địa phương tại châu Á. Ví dụ, ngày nay khi nói đến Giáo Hội tại châu Á, ai cũng nói đến đường hướng đối thoại với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo. Đây chính là đường hướng đã được Liên Hội đồng Giám mục Á châu đưa ra từ 40 năm nay. Dĩ nhiên những quyết định này không mang tính bó buộc về pháp lý nhưng là những chỉ dẫn cho đời sống mục vụ.

 

– Vậy Hội nghị lần này có chủ đề và mục đích gì?

 

– Chủ đề chính của Hội nghị lần này là 40 năm Liên Hội đồng Giám mục Á châu : Đáp ứng những thách đố của châu Á. Như thế, Hội nghị này ghi dấu kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hội đồng, đồng thời là cơ hội để các giám mục Á châu nhìn lại đời sống và sứ vụ của Giáo hội tại châu Á, cũng như định hướng cho tương lai sắp tới.

 

Cụ thể, chúng ta có thể thấy rõ hơn qua những chủ đề nhỏ của từng ngày trong Đại hội:

 

Ngày thứ nhất: Nhìn về quá khứ, dâng lời tạ ơn.

Ngày thứ hai: Phân định các dấu chỉ thời đại, xin ơn khôn ngoan.

Ngày thứ ba: Suy tư đức tin về hoàn cảnh mục vụ, xin ơn hướng đạo.

Ngày thứ tư: Đáp ứng những thách đố mục vụ, xin ơn can đảm và quảng đại.

Ngày thứ năm: Tái cam kết dấn thân cho sứ vụ của Giáo Hội tại châu Á.

Ngày thứ sáu: Cử hành kỷ niệm 40 năm (1972-2012).

 

– Chủ đề và mục đích trên có ý nghĩa gì đối với Giáo hội Việt Nam?

 

– Ý nghĩa lớn nhất, theo tôi, là sự hiệp thông. Đừng quên rằng cách đây 40 năm, khi Liên Hội đồng Giám mục Á châu được thành lập dưới thời Đức Phaolô VI, đã có 2 giám mục Việt Nam có mặt trong sự kiện lịch sử ấy rồi. Nghĩa là Giáo hội Việt Nam đã tham gia từ đầu. Nhưng do hoàn cảnh thời cuộc, mối liên lạc của chúng ta với Liên Hội đồng đã bị gián đoạn một thời gian. Nay chúng ta có thể đón tiếp Liên Hội đồng tổ chức Hội nghị toàn thể tại đất nước mình, thì đó là dấu chỉ cụ thể cho sự hiệp thông trong Hội Thánh.

 

Trong sự hiệp thông ấy, chúng ta có thể học hỏi từ các Giáo hội chị em những kinh nghiệm, suy tư và sáng kiến mục vụ quý giá. Hầu hết các Giáo hội tại châu Á đều có chung những đặc điểm: (1) người Công giáo chỉ là thiểu số trong đất nước mình (trừ Philippines và Timor Leste), (2) sống trong những đất nước giàu truyền thống văn hoá, (3) sống chung với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, (4) ngày nay đang phải đối diện với trào lưu thế tục và toàn cầu hoá. Vì thế, học hỏi những suy tư, kinh nghiệm và sáng kiến mục vụ từ các nước khác trong châu Á là điều cần thiết và hữu ích.

 

– Cuối cùng, Đức cha còn muốn nói thêm điều gì?

 

– Trong cuộc họp với Ban Tổ chức của Liên Hội đồng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, các ngài tha thiết xin anh chị em tín hữu Việt Nam cầu nguyện cho Hội nghị. Cũng vì thế, trong Thư Mục vụ Năm Đức Tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam xin chúng ta cầu nguyện cho Hội nghị thành cơ hội thúc đẩy sự hiệp thông và sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á. Tôi cũng xin được hiệp ý trong lời cầu xin ấy.