07/01/2025

Xuất bản cuốn sách “Thời thơ ấu của Đức Giêsu” do Đức Thánh Cha biên soạn

VATICAN – Hôm 20-11-2012, cuốn thứ 3 trong bộ sách 3 cuốn của ĐTC Bênêđictô XVI về Đức Giêsu thành Nazareth đã được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh.

Xuất bản cuốn sách “Thời thơ ấu của Đức Giêsu” do Đức Thánh Cha biên soạn

 

VATICAN – Hôm 20-11-2012, cuốn thứ 3 trong bộ sách 3 cuốn của ĐTC Bênêđictô XVI về Đức Giêsu thành Nazareth đã được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh.


Ấn bản tiếng Ý dày 172 trang với tựa đề “Thời thơ ấu của Đức Giêsu” được hai nhà xuất bản Vatican và Rizzoli đồng xuất bản tại Italia. Sách này được phổ biến tại các tiệm sách từ ngày 21-11-2012 bằng 9 thứ tiếng tại 50 quốc gia: Ý, Brazil, Croatia, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ba Lan và Đức. Tổng cộng ấn bản đầu tiên được ơn hơn 1 triệu cuốn.

Trong vòng vài tháng tới đây, sách sẽ được dịch ra 20 thứ tiếng và ấn hành tại 72 quốc gia.

ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá và vốn là một học giả Kinh Thánh nổi tiếng, đã giới thiệu sách mới của ĐTC với giới báo chí. Hiện diện trên bàn chủ toạ cuộc họp báo, còn có nữ Giáo sư Maria Clara Bingemer, giảng dạy thần học tại Đại học Giáo hoàng Công giáo Rio de Janeiro, Brazil, Cha Giám đốc Nhà Xuất bản Vatican và vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhà Xuất bản Rizzoli.

Cuốn “Thời thơ ấu của Đức Giêsu”, ngoài phần nhập đề và lời kết, được chia làm 4 chương:

Chương I nói về gia phả Chúa Cứu Thế trong các sách Tin Mừng Matthêu và Luca: tuy rất khác nhau, nhưng cả hai gia phả đều có cùng một ý nghĩa thần học biểu tượng: đó là vị trí của Đức Giêsu trong lịch sử, và nguồn gốc đích thực của Ngài như sự khởi đầu mới trong lịch sử thế giới.

– Chủ đề của chương II là việc loan báo sự sinh ra của Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Đọc lại cuộc đối thoại giữa Mẹ Maria và Tổng lãnh Thiên thần Gabriel theo Tin Mừng Thánh Luca, ĐTC giải thích rằng qua một người nữ, Thiên Chúa tìm kiếm “một lối vào mới trong thế giới”. Thánh Bênađô Viện phụ Clairvaux đã viết: “Để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, Thiên Chúa cần sự vâng phục tự nguyện, Ngài trở nên lệ thuộc con người. Quyền năng của Ngài gắn liền với lời “xin vâng” tự nguyện của một người”. Và như thế, chỉ nhờ sự ưng thuận của Mẹ Maria, lịch sử cứu độ mới có thể bắt đầu.

– Nơi trọng tâm Chương III, chúng ta thấy biến cố Bethlehem và bối cảnh lịch sử cuộc Giáng sinh của Đức Giêsu, Đế quốc La Mã – dưới thời Hoàng đế Augusto, trải dài từ Đông sang Tây, và với chiều kích hoàn cầu ấy – để cho Đấng mang ơn cứu độ phổ quát đi vào thế giới; “khi thời gian sung mãn”. Mỗi yếu tố trong trình thuật Giáng sinh đều cô đọng nhiều ý nghĩa: Tình trạng nghèo hèn trong đó, Vị Trưởng Tử đích thực của vũ trụ đã chọn để tỏ mình ra, và do đó, “sự huy hoàng của vũ trụ” bao phủ máng cỏ; tình thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho người nghèo, được biểu lộ qua việc loan báo tin vui cho những người chăn đoàn vật; và câu Gloria, Vinh Danh, đối tượng của các bản dịch trái ngược nhau.

Chương IV nói về các đạo sĩ đã thấy ngôi sao của vua người Dothái xuất hiện và đã đến thờ lạy Ngài, tiếp đến là cuộc tị nạn sang Ai Cập. Trong chương này, hình ảnh các đạo sĩ được tái tạo qua một loạt các thông tin lịch sử, ngôn ngữ và khoa học, được mô tả như biểu tượng sự thao thức tìm kiếm và mong đợi nội tâm trong tinh thần con người.

Sau cùng, trong Lời kết của cuốn sách, ĐTC bàn về giai thoại cuộc hành hương của Thánh Gia Thất lên Jerusalem vào dịp Lễ Vượt Qua, và lúc trở về Đức Giêsu 12 tuổi đã lại Đền thờ và thảo luận với các nhà thông thái. Sau khi về nhà, Ngài tăng trưởng trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân phúc, qua đó, Ngài được biểu lộ trong mầu nhiệm bản tính Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài đã suy tư và học hỏi như một người”.

Nhận định của ĐHY Ravasi

Trong cuộc họp báo, ĐHY Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, đề cao sự sáng sủa và khiêm tốn của ĐTC: qua các trang sách, người ta cảm kích trước tư tưởng sáng sủa và sự khiêm tốn của tác giả. Cuốn thứ 3 trong bộ sách “Đức Giêsu thành Nazareth” không chứa đựng điều mà người ta thấy trong nhiều sách khác, nghĩa là một sự tự tham chiếu huyền bí, những trang khó hiểu đối với những người không có kiến thức về Kinh Thánh… Sự khiêm tốn này là cần thiết vì chính một hài nhi ở trung tâm cuốn sách này”.

Tuy nhiên, ĐHY Ravasi kêu gọi các độc giả đừng nghĩ cuốn sách này là một tác phẩm dành cho các trẻ em. Ngài cũng muốn nêu bật một trong những khía cạnh chính của cuốn sách, đó là 2 khía cạnh lịch sử và đức tin, mà ĐGH tìm cách làm cho chúng tác động lẫn nhau. Toàn thể cuốn sách mang sắc thái của một nghiên cứu lịch sử. Vì thế, sự giáng sinh của Chúa Giêsu không được trình bày như một huyền thoại, đó là một biến cố có thể xác định rõ ngày và địa điểm.

Cũng trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cũng như Cha Giuseppe Costa, SDB, Giám đốc Nhà Xuất bản Vatican, đã gợi lại lai lịch bộ sách “Đức Giêsu thành Nazareth”. (SD 20-11-2012)