07/01/2025

Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi

Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi. Trong thời đại của chúng ta không thiếu các tai ương thiên nhiên, chiến tranh và bạo lực. Nhưng Lời Chúa là nền tảng ổn định cho cuộc sống chúng ta. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích Phúc Âm Chúa Nhật 18-11.

Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi. Trong thời đại của chúng ta không thiếu các tai ương thiên nhiên, chiến tranh và bạo lực. Nhưng Lời Chúa là nền tảng ổn định cho cuộc sống chúng ta.

 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khặng định như trên trước hơn 15.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin với ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, trưa Chúa Nhật 18-11-2012.

 

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích Phúc Âm Chúa Nhật 18-11. Ngài nói: Anh chị em thân mến, trong ngày Chúa Nhật áp chót của Năm Phụng vụ, được công bố một phần diễn văn của Chúa Giêsu về thời sau hết trong trình thuật của Thánh sử Marcô, trong từ chuyên môn gọi là thời “cánh chung” (x Mr 13,24-32). Chúng ta cũng tìm thấy diễn văn này trong Phúc Âm Thánh Mátthêu và Phúc Âm Thánh Luca, và chắc hẳn nó là văn bản khó nhất trong các Phúc Âm. 

 

Đức Thánh Cha giải thích lý do: Sự khó khăn này bắt nguồn từ nội dung cũng như từ ngôn ngữ: thật thế, người ta nói tới một tương lai vượt qúa các phạm trù của chúng ta, và vì thế Đức Giêsu dùng các hình ảnh và từ vựng lấy từ Thánh Kinh Cựu Ước, và nhất là đưa vào đó một trung tâm mới, là chính Người, mầu nhiệm con người, cái chết và sự phục sinh của Người. Văn bản hôm nay cũng bắt đầu với vài hình ảnh vũ trụ loại khải huyền: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ không chiếu sáng nữa, các tinh tú sẽ từ trời rơi xuống, và các quyền lực trên trời sẽ bị đảo lộn” (cc. 24-25), nhưng yếu tố này bị tương đối hoá bởi những gì theo sau: “Khi đó Con Người sẽ đến trên mây trời với quyền lực lớn lao và vinh quang” (c. 26). “Con Người” là chính Chúa Giêsu, nối liền hiện tại với tương lai; các lời tiên tri xưa kia sau cùng đã tìm thấy một trung tâm nơi con người của Đấng Cứu Thế người Nazareth: chính Người là biến cố đích thực, là điểm chắc chắn và ổn định giữa các chao đảo của thế giới.

 

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Có một kiểu nói khác của Phúc Âm hôm nay xác nhận điều này. Chúa Giêsu khẳng định: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng các lời của Ta sẽ không qua đi” (c. 31). Thật thế, chúng ta biết rằng trong Thánh Kinh Lời Chúa là nguồn gốc của việc tạo dựng; mọi tạo vật, bắt đầu từ các yếu tố vũ trụ – mặt trời, mặt trăng, bầu trời – đều vâng phục Lời Thiên Chúa, hiện hữu trong tư cách “được gọi” bởi Lời Chúa. Quyền năng tạo dựng đó của Lời Chúa đã được tập trung nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, và cũng qua các lời nói là người của Ngài mà “bầu trời” đích thực hướng dẫn tư tưởng và lộ trình của con người trên trái đất này. Vì thế, Đức Giêsu không miêu tả ngày tận thế, và khi dùng các hình ảnh khải huyền, Người không hành xử như là một “thị nhân”. 

 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này: Trái lại, Người muốn lấy đi khỏi các môn đệ Người thuộc mọi thời đại, sự tò mò đối với các thời điểm, các dự kiến, và muốn ban cho họ một chìa khoá giúp đọc hiểu một cách sâu xa nòng cốt, và nhất là chỉ cho họ con đường đúng đắn để theo, hôm nay và ngày mai, hầu bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa nhắc cho chúng ta biết mọi sự đều qua đi, nhưng Lời Chúa không thay đổi. Và trước Lời Chúa, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm đối với cung cách hành xử của mình. Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên đó.

 

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, cả trong thời đại của chúng ta nữa cũng không thiếu các tai ương thiên nhiên, và rất tiếc cả chiến tranh và bạo lực nữa. Cả ngày nay nữa, chúng ta cần có một nền tảng ổn định cho cuộc sống và niềm hy vọng của chúng ta, nhất là vì chủ nghĩa tương đối trong đó chúng ta bị chìm ngập. Xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta tiếp nhận trung tâm này trong Con Người của Chúa Kitô và trong Lời Ngài.

 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

 

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài đã nhắc tới lễ phong Chân phước cho Nữ tu Maria Crescencia Pérez, Dòng Nữ tử Đức Maria Rất Thánh Orto, tại Pergamino, Argentina, ngày thứ bảy 17-11. Nữ Chân phước sống vào nửa đầu thế kỷ XX và là mẫu gương của sự hiền dịu được đức tin linh hoạt. Đức Thánh Cha mời mọi người chúc tụng Chúa vì chứng tá của chị.

 

Bằng tiếng Pháp, ngài kêu mời tín hữu thường xuyên tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, rất cần thiết cho một Kitô hữu. Qua đức tin chúng ta hiệp thông vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và từng người trong chúng ta.

 

Bằng tiếng Đức, Đức Thánh Cha nói các bài đọc phụng vụ cuối năm mời gọi chúng ta luôn nhớ tới các sự cuối cùng: cái chết, sự phán xét, hoả ngục và Thiên Đàng. Thời gian có một đích điểm, và chúng ta muốn tìm thấy đích điểm thật ấy.

 

Bằng tiếng Ba Lan, ngài nói khi được soi chiếu bởi ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời cho các vấn nạn liên quan tới cuộc sống; và mọi hành động và tư tưởng của chúng ta sẽ bị xét xử.

 

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào các thành viên Ngân hàng Thực phẩm. Ngài khích lệ mọi sáng kiến giáo dục sự chia sẻ như giải đáp cho các khó khăn chật vật của biết bao nhiêu gia đình nghèo.