05/01/2025

Giáo Hội và mạng xã hội

Khoảng 34% dân số thế giới sử dụng Internet. Vì vậy, các trang mạng xã hội là một công cụ rất mạnh mẽ cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Chuyên gia mạng xã hội, Giáo sư José Luis Orihuela, thuộc Đại học Navarra (Tây Ban Nha), nói rằng nếu Giáo Hội chỉ hiện diện trên các trang web thì chưa đủ.

Giáo Hội và mạng xã hội

 

WHĐ (14.11.2012) – Khoảng 34% dân số thế giới sử dụng Internet. Vì vậy, các trang mạng xã hội là một công cụ rất mạnh mẽ cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Chuyên gia mạng xã hội, Giáo sư José Luis Orihuela, thuộc Đại học Navarra (Tây Ban Nha), nói rằng nếu Giáo Hội chỉ hiện diện trên các trang web thì chưa đủ.

 

Để thực sự thành công trong công tác truyền thông trong thế giới ngày nay, Giáo Hội cần tiếp cận với xã hội qua các mạng xã hội. Đó là điều mà các tổ chức lớn đã làm. Trên Facebook và Twitter, người ta có thể trao đổi ý tưởng và thông tin trên toàn thế giới, trong một vài giây.

 

Giáo sư Orihuela nói: “Đây là một sự kết hợp của sức mạnh của in ấn với sức mạnh của truyền thanh và truyền hình hướng tới đối tượng toàn cầu. Đây cũng là sức mạnh của cá nhân bởi vì chúng ta có sẵn những công cụ ở trong túi. Chúng là công cụ mạnh mẽ, chẳng phải ma thuật nhưng cho phép truyền thông đủ loại, gồm cả việc viết về Thiên Chúa”.

 

Để thực sự biến những ý tưởng này thành hành động cụ thể, Giáo sư Orihuela đã viết một vài cuốn sách như “Thế giới Twitter” và “Cuộc cách mạng Blog”, trong đó ông đưa ra một số bí quyết. Ông tin rằng Vatican và các tổ chức Công giáo cần có một cơ quan đặc trách cổ võ các mạng xã hội của mình. Thông thường, công việc đó được giao cho một người, nhưng ông nói, cần phải chia sẻ trách nhiệm.

 

Giáo sư Orihuela  nói: “Kết nối với công chúng qua các mạng xã hội là việc cần phải được thực hiện. Công việc này cần đến cả một tổ chức, chứ không phải chỉ là một người. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là nhiệm vụ của thế hệ mới. Những người trong một tổ chức phải chấp nhận ý tưởng rằng tất cả mọi người đều phải truyền thông, phải chăm sóc tên tuổi của tổ chức của mình và phải phục vụ công chúng”. 

 

Giáo Hội hiểu được điều đó và bằng chứng là Giáo Hội đã có mặt cả trên Twitter và Facebook.

 

Bây giờ không chỉ những người Công giáo bình thường mới lập các trang mạng xã hội, nhưng cả các Hội đồng Giám mục (Mexico, Việt Nam…), các Hồng y (Dolan, Sean…), các Giám mục (Orani João Tempesta, Jose Ignacio Munilla…), các dòng tu và các phong trào (Dòng Đa Minh, Focolare…) cũng đang tiến bước vào thế giới kỹ thuật số.

 

(Theo Rome Reports, 13-11-2012)