07/01/2025

Giá trị vĩnh viễn của Tuyên ngôn Nostra Aetate – Diễn văn của Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ sự Hiệp nhất các Kitô hữu

Nostra Aetate không thể được xem như một thiên thể độc lập, rơi trực tiếp từ trời xuống và không có sự liên hệ nào với các bản văn khác của Công đồng. Vì thế, khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xoá tan mọi nghi vấn bằng cách đồng ý hoàn toàn với Công đồng và các tài liệu của Công đồng trong một cái nhìn thống nhất.

Giá trị vĩnh viễn của Tuyên ngôn Nostra Aetate - Diễn văn của Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ sự Hiệp nhất các Kitô hữu

 

Trong những cuộc thảo luận gần đây về khả năng đón nhận trở lại Huynh đoàn Thánh Pio X vào Giáo hội Công giáo Roma đã nảy sinh một vài vấn nạn, không chỉ liên quan đến người Do Thái, về tầm quan trọng và giá trị của Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo – Nostra Aetate (số 4). Người Do Thái lo ngại rằng, ngang qua một loạt hành động tái hiệp thông của một số linh mục và tín hữu vốn có theo khuynh hướng bài Do Thái giáo và từ chối Tuyên ngôn Nostra Aetate, Giáo hội Công giáo có thể đương đầu với một hướng đi mới trong việc đối thoại với Do Thái giáo hay ít nhất điều này cũng cho thấy rằng đối với Giáo hội Công giáo tầm quan trọng của Tuyên ngôn này chỉ là tương đối. Về phần mình, Giáo hội Công giáo đôi lúc đã nói rằng Công đồng Vatican II đã đưa ra một sự phân biệt về các bản văn của mình, một sự phân biệt giữa Hiến chế, Sắc lệnh và Tuyên ngôn, và rằng Nostra Aetate chỉ là một Tuyên ngôn và có một tầm quan trọng thứ yếu và tính cách bắt buộc của nó có thể được cân nhắc trong mối liên hệ với các bản văn khác. 

Trước vấn đề này, Đức Thánh Cha đã uỷ thác cho tôi trình bày vấn nạn này trong một cách thức cụ thể: Nostra Aetate không hề bị đặt lại bởi Huấn quyền của Giáo Hội, như chính Đức Thánh Cha đã minh chứng trong các bài nói chuyện, các bài viết và các cử chỉ của ngài khi gặp gỡ người Do Thái. Một sự xích lại gần hơn với Huynh đoàn Thánh Pio X không có nghĩa là chấp nhận và ủng hộ lập trường của họ. Chắc chắn rằng về hình thức, chúng ta có thể đưa ra một sự phân biệt giữa các bản văn khác nhau của Công đồng; tuy nhiên, xét về mặt nội dung thì chúng là một thể thống nhất không thể tách rời hay không thể đối chọi nhau.

Do đó, Nostra Aetate không thể được xem như một thiên thể độc lập, rơi trực tiếp từ trời xuống và không có sự liên hệ nào với các bản văn khác của Công đồng. Vì thế, khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xoá tan mọi nghi vấn bằng cách đồng ý hoàn toàn với Công đồng và các tài liệu của Công đồng trong một cái nhìn thống nhất. Khi trình bày về một phương pháp chú giải các bản văn của Công đồng, ngài đã diễn tả rõ quan điểm này trong bài nói chuyện nổi tiếng của mình trước Giáo triều Roma trong dịp mừng Lễ Giáng Sinh năm 2005.

Nostra Aetate được xem là “tài liệu nền tảng” và là “Magna charta” (tài liệu quan trọng) trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo Rôma và Do Thái giáo. Tuyên ngôn này bắt đầu với việc phản tỉnh về mầu nhiệm và sứ vụ của Giáo Hội trong lịch sử cứu độ và cũng nhắc nhớ về mối dây hiệp thông sâu sắc nối kết dân của Tân Ước với con cháu Abraham. Tuyên ngôn này nói rõ về thái độ cần phải tránh khi đối xử với người Do Thái, đó là thái độ khinh khi, hạ giá và xúc phạm. Hơn nữa, Tuyên ngôn này cũng minh nhiên nhấn mạnh về nguồn gốc Do Thái của Kitô giáo và đã nỗ lực để đánh đổ những kết án dành cho người Do Thái diễn ra ở nhiều nơi trong nhiều thế kỷ qua. Về phần mình, người Do Thái đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Giáo hội Công giáo ngang qua tài liệu này đã chống lại mọi hình thức bài Do Thái. Do đó, họ tiếp tục được an ủi và hy vọng về khả năng Giáo hội Công giáo sẽ là một đồng minh đáng tin cậy trong trận chiến chống lại phong trào bài Do Thái vốn chưa thể loại trừ trong thế giới hôm nay. 

Những chất liệu hình thành nên bản dự thảo của Tuyên ngôn Nostra Aetate có thể được tổng kết ở 3 điểm sau: một sự phản tỉnh về lương tâm Kitô giáo sau thảm hoạ Holocaust, sự phát triển của khoa học Kinh Thánh cho đến Công đồng Vatican II và cuối cùng là sự thành lập nhà nước Israel vào năm 1948. Trong bối cảnh Kitô giáo, thì những hậu quả mà con người phải đối diện trong thảm hoạ Holocaust chính là yếu tố quyết định thúc đẩy Giáo Hội soạn thảo bản văn này. Một yếu tố khác đóng vai trò không nhỏ liên quan đến yếu tố chính trị và thực tiễn đó là sự ra đời của nhà nước Israel. Sau khi nhà nước này được thành lập, Giáo hội Công giáo đã có thể hiện diện ở Đất Thánh và đã thi hành đời sống mục vụ của mình trong một đất nước vốn được xem là quốc gia của Do Thái giáo. Khi xem xét đến những nguyên lý thần học được tìm thấy trong Nostra Aetate như là một cấu trúc nền tảng chúng ta cần lưu ý rằng, trong những nghiên cứu Kinh Thánh trước Công đồng, hình ảnh của Đức Giêsu Nazareth đã bắt đầu được xem xét nhiều hơn trong bối cảnh của Do Thái giáo trong thời đó. Do đó, Tân Ước đã được xem xét trong bối cảnh của các truyền thống của Do Thái và Đức Giêsu được xem là một người Do Thái trong thời đại của Ngài và tuân theo những truyền thống này.

Khi phản tỉnh về những ảnh hưởng của các tài liệu Công đồng Vatican II, chúng ta không e ngại để xác nhận rằng Nostra Aetate là một tài liệu quan trọng giữa các tài liệu này và nó đóng góp một phần quan trọng và đưa ra một định hướng nền tảng cho Giáo hội Công giáo sau Công đồng. Sự tôn trọng dành cho người Do Thái được diễn tả trong Tuyên ngôn này đã giúp hai bên chuyển từ thái độ nghi kỵ lẫn nhau trong nhiều thế kỷ sang thái độ sang thái độ hợp tác, hai bên đã trở thành đối tác đáng tin cậy của nhau và thậm chí là thành những người bạn thân để có thể cùng nhau đối diện với những khủng hoảng và vượt qua những xung đột trong một cách thế tích cực.

Trong cuộc đối thoại với Do Thái giáo, khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rằng, theo bước chân người tiềm nhiệm, ngài không chỉ ước mong phát triển mà còn tăng cường mối liên hệ với những người Do Thái. Điều này thì không thể nghi ngờ vì những nỗ lực của Đức Gioan Phaolô II trong việc đối thoại giữa Công giáo và Do Thái thì được đảm bảo và được xây dựng trên Bộ Giáo lý Đức tin do Đức Hồng y Ratzinger làm Bộ trưởng. Với tư cách là một nhà nghiên cứu Kinh Thánh, ngang qua việc nghiên cứu Cựu Ước và Tân Ước, Hồng y Ratzinger đã xây dựng những mối tương quan thắm thiết với người Do Thái; và ngài cũng đã tăng cường các mối tương quan cá nhân với người Do Thái trong thời gian ngài ở Roma. Quan điểm nền tảng thần học của Ratzinger dựa trên niềm xác tín cho rằng Kinh Thánh chỉ có thể được hiểu một cách đích thực khi xem nó là cuốn sách duy nhất; và do đó, “concordia testamentorum” (sự hoà hợp giữa các bản văn Kinh Thánh) là một một yếu tố thiết yếu để giải thích đúng đắn sứ điệp Kinh Thánh về cứu độ.

Trong ánh sáng của những niềm xác tín này, ta không lấy làm ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha gánh vác sứ mạng hoà giải đã được bắt đầu bởi vị tiền nhiệm của mình trong công cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do Thái. Ngài không chỉ gửi đến vị Trưởng Hội đường Do Thái giáo ở Roma trong là thư đầu tiên trong triều đại của ngài mà còn tái xác nhận điều này trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với vị uỷ viên của người Do Thái vào ngày 9-7-2005. Giáo hội Công giáo đang bước những bước đi vững chắc dựa trên những nguyên lý được thiết lập bởi Nostra Aetate; và tiếp bước vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha chắn chắn sẽ tiếp tục cuộc đối thoại này.