22/12/2024

Chúa Nhật XXXI TN – B – Yêu Chúa yêu người để cứu dân tộc

Ý thức được nguy cơ của đất nước và nguy hiểm của dân tộc, người Công giáo Việt Nam đang được thôi thúc để sống “điều răn yêu thương mới” của Chúa Giêsu cách trọn vẹn và trong sáng như Chúa Giêsu để đem lại sự sống, niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ cho mình, cho người và cho cả dân tộc.

 

Chúa Nhật XXXI TN-B
Yêu Chúa yêu người để cứu dân tộc
 
Hành Khất Kitô
 
Lời mở
Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về điều răn “mến Chúa yêu người”. Chúng ta đã suy niệm trong 2 tuần vừa qua về đức tin là cuộc gặp gỡ cụ thể giữa Thiên Chúa và con người. Trong cuộc gặp gỡ này, tình yêu là căn bản, là nền tảng để 2 bên nối kết với nhau và hoà nhập trong nhau. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: phải yêu mến như thế nào?
Câu trả lời được tìm thấy trong bài đọc I (x. Đnl 6,2-6) và trong bài Tin Mừng (x. Mc 12, 28-34): “Phải yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực vì Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất và yêu người thân cận như chính mình”. Có lẽ chúng ta nên dành ít phút để tìm hiểu lời giải đáp của Chúa Giêsu.
1. Tình trạng xã hội hiện nay: từ chối và huỷ diệt tình yêu
Trước hết chúng ta điểm qua tình trạng xã hội hiện nay và nhận thấy một đặc điểm chung là rất nhiều người đang thiếu thốn tình yêu, chối từ tình yêu và thậm chí huỷ diệt tình yêu của mình cũng như của người khác. Tình yêu đối với trời đất hay đối với con người đang bị xem thường, bị giảm sút cách trầm trọng nên dẫn đến những thảm hoạ trong cộng đồng xã hội. Thiếu tình yêu nên người ta mới lừa dối, gây khổ và giết hại lẫn nhau.
Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị của các cơ quan quyền lực cao cấp nhất trong đất nước như Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam hay Quốc Hội Việt Nam trong tuần qua đều nói lên trình trạng suy thoái nghiêm trọng của xã hội: đạo đức suy đồi, giả dối khắp nơi. Tham nhũng, bất công đã ăn sâu vào cộng đồng đến nỗi ngay cả người hốt rác cũng có thể tham nhũng: vì nếu không cho tiền thì họ không đổ rác cho mình. Tội phạm gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ và vị thành niên: trong 5 năm qua, từ 2007-2012, đã có hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 vị thành niên phạm tội (x. Báo Thanh Niên, số ra ngày 2-11-2012).
Người ta coi thường pháp luật, xem thường kỷ cương đất nước. Người ta giết nhau chỉ vì 1 con chó và sẵn sàng đánh đập người trộm chó cho đến chết vì muốn “thay Trời hành đạo” theo luật giang hồ, không để cho bác sĩ cứu người bị đánh đập cũng không cho lực lượng công an dẫn giải người có tội về xét xử theo luật pháp (x. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 31-10-2012). Lý do là người ta không còn tin vào công lý do chính quyền mang đến vì chính những người đang nắm giữ công lý ấy lại tham nhũng, xét xử bất công, nhận tiền chạy án. Nhiều người dân thường bây giờ mua sắm súng đạn, hung khí mang theo mình để tự bảo vệ và nhiều nhóm dân thường tự tổ chức chống lại bọn trộm cướp, nhân danh công lý để tự xét xử người khác theo luật rừng!
Các nhà giáo, nhà xã hội đã nhận định rằng để nâng cao ý thức đạo đức và chất lượng đời sống cho dân tộc thì cần phải cải cách giáo dục, đổi mới toàn diện việc đào tạo hiện nay, từ bậc tiểu học, đại học cho đến giáo dục quần chúng. Nhưng sự nghiệp giáo dục không phải đặt nền tảng trên việc tổ chức trường lớp, thi cử, cấp phát văn bằng, ấn định lương bổng, quy định số giờ học, môn học … mà phải đặt trên chính những con người dạy học và được dạy dỗ để họ ý thức được giá trị cao quý của con người, sống trung thực theo lương tâm ngay chính và phát triển mọi mối tương quan. Như thế cần phải xây dựng một triết lý giáo dục để xác định nhân cách và lương tâm con người.
Tuy nhiên hầu như ít ai dám nói trực tiếp rằng muốn xây dựng được 1 nền giáo dục toàn diện như thế thì điều cốt yếu phải làm là gì. Người ta chỉ dám nói bóng gió, xa gần rằng: “Cần phải trở về với tinh thần trong sáng của tổ tiên xưa, cần phải sống lại niềm tin của ông bà thời trước, khi họ sống theo lương tâm ngay chính vi tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”,… Rồi các cấp chính quyền địa phương được lệnh tổ chức nhiều lễ hội hy vọng sẽ lấy lại được niềm tin đó. Người ta không dám nói thẳng, nói thật: “ Nền tảng để giáo dục toàn diện con người chính là Thiên Chúa vì Ngài dựng nên mọi sự và là cùng đích để con người hướng về”. Trong một xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vô thần, duy vật hiện nay, chẳng ai dám công khai nói lên điều đó, dù rằng nhiều người hiểu dân tộc Việt Nam suy thoái trầm trọng đang rất cần điều đó.
2. Yêu thương để phát triển và cứu độ
Qua bài Tin Mừng Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta con đường giải thoát con người cũng như dân tộc khỏi cảnh suy đồi nhưng phát triển trọn vẹn: “tin nhận một Thiên Chúa duy nhất để yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, đồng thời yêu thương người khác như chính mình”.
Đó là con đường tổ tiên chúng ta đã đi qua khi họ xác tín rằng “Trời cao có mắt”, Thiên bất dung gian”. Chính vì tin kính một Chúa Trời linh thiêng, vô hình, vượt lên trên vật chất, thời gian, không gian, nhìn thấu tận đáy lòng con người để thưởng phạt mọi người nên tổ tiên ta mới luôn sống đúng với lương tâm ngay chính, đối xử tốt đẹp, yêu thương mọi người, mọi vật như chính mình và dạy chúng ta: “thương người như thể thương thân”. Vị Chúa này có thể được gọi bằng bất cứ một tên nào: Thiên Chúa, Trời, Ông Trời, Đấng Thiêng Liêng, Đấng Tối Cao, Đức Thượng Đế, Đức Cao Đài, Đức Thánh Allah… vì chỉ muốn diễn tả một vị Chúa duy nhất, nguồn tất cả những gì tốt đẹp hiện hữu, “ngoài Ngài ra, chẳng có Đấng nào khác” (Mc 12,32). Con người, với lý trí tự nhiên, qua việc quan sát, tìm hiểu những loài thụ tạo quanh mình và lắng nghe sứ điệp của chúng cũng như tiếng nói của lương tâm, có thể nhận biết chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên Chúa là nguyên nhân và cùng đích của mọi sự (GLHTCG, số-35, 46).
Vị Thiên Chúa ấy đã yêu thương muôn loài nên đã chia sẻ tất cả những gì mình có như sự sống, tình yêu, chân thiện mỹ và muôn vàn ân huệ khác (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 49; Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình,Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (TLHTXHCG), số 26). Con người chúng ta đang sống, đang suy nghĩ, đang yêu thương, đang phát huy những khả năng kỳ diệu của thể chất và tinh thần để hướng đến sự thật, sự thiện, cái đẹp là chúng ta đang bắt nguồn từ Ngài và quy hướng về Ngài. Nhiều người chúng ta đã bị sai lạc bởi học thuyết tiến hoá của vật chất cho rằng tất cả mọi sự đều tự nhiên mà có, ngẫu nhiên được hình thành. Giả thuyết khoa học này chỉ có giá trị giải thích theo lĩnh vực thực nghiệm của khoa học chứ có máy móc nào cân đo, đong đếm được tình yêu, được tư tưởng hay sự hiện hữu của muôn loài.
Khi hiểu được tất cả những gì chúng ta đang có hay sẽ có đều nhận được từ Thiên Chúa, thì chúng ta phải hành động theo quy luật yêu thương của Ngài vì Ngài là chính tình yêu (x.1 Ga 4,16). Ngài đã ban tặng và cho không chúng ta tất cả (x.TLHTXHCG, số 20), nhất là ban tặng người Con Một yêu quý của Ngài (x.Ga 3,16) cách trọn vẹn thì chúng ta cũng phải đáp lại trọn vẹn như thế. Đó là ý nghĩa của từ “hết” trong câu trả lời của Chúa Giêsu.Ta đang có trái tim tượng trưng cho tình yêu nên ta phải yêu Ngài “hết lòng”. Ta đang có sức lực để làm việc, nên ta phải yêu Ngài “hết sức” và làm mọi việc vì Ngài và cho Ngài. Ta đang có trí khôn để suy tư nên ta phải yêu Ngài “hết trí khôn” để chỉ nghĩ những gì chân thiện mỹ cho xứng đáng với Ngài và hữu ích cho đồng loại.
Hơn nữa, cha ông ta còn nhận ra rằng đời người không chỉ kéo dài vài chục năm sống và tinh thần con người tồn tại mãi mãi vì không thuộc vật chất: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Truyện Kiều). Giáo lý Hội Thánh Công giáo giải thích cho con người hiểu được đó là vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa nên được chia sẻ tính cách bất tử, vĩnh hằng, tuyệt đối của Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 355-361; TLHTXHCG, số 108-109). Chính vì nghĩ đến đời sống vĩnh hằng mà cha ông ta đã sống liêm chính, trong sáng, tốt đẹp theo “nhân chi sơ, tính bản thiện” vượt lên trên những ràng buộc của con người và quy định chặt chẽ của luật pháp vì hiểu rằng Trời cao có mắt, thưởng phạt công minh, không dung túng những kẻ gian ác.
Lời kết
Hôm nay, ý thức được nguy cơ của đất nước và nguy hiểm của dân tộc, người Công giáo Việt Nam đang được thôi thúc để sống “điều răn yêu thương mới” của Chúa Giêsu. Chính khi “yêu Chúa thương người” cách trọn vẹn và trong sáng như Chúa Giêsu là chúng ta đem lại sự sống, niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ cho mình, cho người và cho cả dân tộc.