Sống mầu nhiệm hiệp thông ngay trên trần gian này
Các bạn thân mến, sự hiệp thông với các Thánh thì đẹp đẽ và có sức an ủi biết bao! Đây là một thực tại mang lại cho toàn bộ cuộc đời của chúng ta một chiều kích khác. Chúng ta không bao giờ cô đơn cả! Chúng ta thuộc về một “đoàn người” thiêng liêng mà trong đó hiện diện một tình liên đới sâu xa: điều thiện của mỗi người đều phục vụ cho tất cả mọi người, và ngược lại hạnh phúc chung lại toả chiếu trên mỗi cá nhân.
Sống mầu nhiệm hiệp thông ngay trên trần gian này
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật lễ Các Thánh Nam Nữ, 1/11/2009
Anh chị em thân mến!
Chúa Nhật hôm nay trùng khớp với lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ, một ngày lễ mời gọi Giáo Hội lữ hành trên trần gian thưởng nếm trước một ngày lễ không bao giờ chấm dứt của Cộng đoàn thiên quốc, và khơi dậy niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Mười bốn thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày điện Panthéon là một trong những đền đài cổ kính nhất và nổi tiếng nhất của kinh thành Rôma được dành cho việc tế tự Kitô giáo và được cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria và tất cả các Thánh tử đạo: “Sancta Maria ad Martyres“. Đền thờ đa thần giáo được đổi thành Đền thờ Công giáo để tưởng nhớ những ai, như Sách Khải Huyền đã nói, “đến từ thử thách lớn lao: họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên“ (Kh 7,14). Sau đó, từ việc cử hành lễ các Thánh Tử đạo, người ta đã bắt đầu cử hành lễ các Thánh Nam Nữ, “một đoàn người thật vô cùng đông đảo mà không một ai có thể đếm được, họ thuộc mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ“ (Kh 7,9) cũng như chính Thánh Gioan Tông đồ đã nói. Trong Năm Linh Mục này, với một niềm tôn kính đặc biệt, tôi vui sướng nhắc đến các Thánh Linh mục, là những vị đã được Giáo Hội phong Thánh, và luôn xem các ngài như những mẫu gương dạy chúng ta về đường nhân đức và mục vụ, cũng như những vị khác – chắc chắn là đông đảo hơn nhiều – mà chỉ một mình Chúa biết. Mỗi người trong chúng ta đều giữ mãi một kỷ niệm biết ơn đối với một trong những vị đã giúp chúng ta lớn lên trong đức tin, và làm cho chúng ta cảm nhận được lòng tốt lành và sự gần gũi của Thiên Chúa.
Ngày mai, chúng ta sẽ tưởng nhớ tất cả những tín hữu đã qua đời. Tôi mời gọi anh chị em sống ngày lễ các đẳng linh hồn theo tinh thần thực sự của Kitô giáo, nghĩa là trong ánh sáng Mầu nhiệm Phục Sinh. Đức Kitô đã chết và sống lại, và đã mở ra cho chúng ta con đường đi về nhà Cha, là Vương quốc sự sống và bình an. Ai đi theo Đức Giêsu trong cuộc đời này, thì sẽ được Người đón tiếp ở đời sau nơi Người đến trước chúng ta. Do đó, khi đi viếng nghĩa trang, chúng ta hãy nhớ rằng trong mồ, chỉ có di hài những người thân yêu của chúng ta đang nằm yên nghỉ chờ ngày sống lại sau cùng. Linh hồn của họ – như Sách Thánh nói – đã ở “trong bàn tay Thiên Chúa“ (Kn 3,1). Như thế, cách thế thích hợp và hữu hiệu nhất để tưởng nhớ họ là cầu nguyện cho họ và dâng lên Chúa những việc làm đức tin, đức cậy và đức mến. Khi kết hiệp với Hy tế Thánh Thể, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ được ơn cứu độ muôn đời, và trải nghiệm được sự hiệp thông sâu xa nhất, trong niềm mong đợi được cùng nhau tái ngộ để vui hưởng ngàn đời Tình Yêu đã sáng tạo và cứu chuộc chúng ta.
Các bạn thân mến, sự hiệp thông với các Thánh thì đẹp đẽ và có sức an ủi biết bao! Đây là một thực tại mang lại cho toàn bộ cuộc đời của chúng ta một chiều kích khác. Chúng ta không bao giờ cô đơn cả! Chúng ta thuộc về một “đoàn người“ thiêng liêng mà trong đó hiện diện một tình liên đới sâu xa: điều thiện của mỗi người đều phục vụ cho tất cả mọi người, và ngược lại hạnh phúc chung lại toả chiếu trên mỗi cá nhân. Trong một mức độ nào đó, đây là một mầu nhiệm mà chúng ta đã có thể cảm nghiệm được ngay trên trần gian này, trong gia đình, qua tình bạn, và đặc biệt là trong cộng đoàn thiêng lêng của Giáo Hội. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh giúp chúng ta nhanh chóng bước đi trên con đường thánh thiện và trở nên người Mẹ đầy lòng lân tuất đối với linh hồn các tín hữu đã qua đời.
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
10 năm đã trôi qua kể từ ngày những vị đại diện cấp cao của Liên bang Luther thế giới và của Giáo hội Công giáo ký Bản tuyên ngôn chung về giáo lý công chính hoá, vào ngày 31-10-1999, tại Augsbourg. Vào năm 2006, Hội đồng Tin Lành méthodiste sau đó đã thừa nhận giáo lý này. Tài liệu này đánh dấu một thoả thuận chung giữa người Tin Lành Luther và người Công giáo về những chân lý căn bản của giáo lý về sự công chính hoá, về những chân lý dẫn chúng ta đến trọng tâm của Tin Mừng và những câu hỏi hiện sinh của cuộc đời chúng ta. Chúng ta đã được Thiên Chúa đón nhận và cứu chuộc; cuộc hiện sinh của chúng ta được đặt trong chân trời ân sủng, cuộc hiện sinh của chúng ta được Thiên Chúa giàu lòng thương xót hướng dẫn, Người là Đấng tha tội cho chúng ta, và kêu gọi chúng ta sống một cuộc sống mới dõi theo Con của Người; chúng ta sống trong ân sủng của Chúa, và chúng ta được kêu gọi đáp lại hồng ân Chúa tặng ban; tất cả những điều đó làm cho chúng ta không còn sợ hãi, và mang lại cho chúng ta hy vọng và can đảm để sống trong một thế giới đầy bất trắc, lo âu và đau khổ. Người Tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa ngày ký kết Bản tuyên ngôn chung như một “viên đá mốc trên con đường đầy khó khăn để tái tạo sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu“ (Angelus, 31-10-1999). Như thế, ngày kỷ niệm hôm nay là dịp nhắc chúng ta nhớ lại chân lý về sự công chính hoá con người, được chúng ta cùng nhau làm chứng, để kết hợp mọi người qua những buổi cử hành đại kết, và sau đó để đào sâu chủ đề này cũng như những chủ đề khác là đối tượng cho công cuộc đối thoại đại kết. Tôi hết sức hy vọng ngày sinh nhật quan trọng này có thể góp phần làm cho con đường hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của mọi môn đệ của Đức Kitô được phát triển.
Tôi vui mừng chào đón các khách hành hương nói tiếng Pháp, và đặc biệt là nhóm thiếu nhi thuộc ca đoàn
Tôi chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp trong niềm vui được làm thành viên của đại gia đình các Thánh.