05/01/2025

Công bố Sứ điệp Thượng HĐGM Thế giới thứ 13

VATICAN – Trong Sứ điệp gửi Cộng đoàn Dân Chúa, Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 13 khẳng định rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng là điều cấp thiết trên thế giới và mời gọi các tín hữu Kitô can đảm loan báo Tin Mừng, vượt thắng sợ hãi bằng đức tin. Sứ điệp đã được các nghị phụ đồng thanh thông qua trong phiên họp khoáng đại thứ 20 sáng ngày 26-10-2012. Văn bản đã được 5 nghị phụ đọc bằng tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức. Toàn thể Thượng HĐGM đã nồng nhiệt vỗ tay thật lâu. Trong sứ điệp dài 12 trang được chia thành 14 đoạn, các nghị phụ dùng hình ảnh nhiều người ngày nay như chiếc vò rỗng ở bên giếng nước – với tâm trí lơ đãng và hoang mang – như người phụ nữ xứ Samaria…

Công bố Sứ điệp Thượng HĐGM Thế giới thứ 13

 

VATICAN – Trong Sứ điệp gửi Cộng đoàn Dân Chúa, Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 13 khẳng định rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng là điều cấp thiết trên thế giới và mời gọi các tín hữu Kitô can đảm loan báo Tin Mừng, vượt thắng sợ hãi bằng đức tin.

Sứ điệp đã được các nghị phụ đồng thanh thông qua trong phiên họp khoáng đại thứ 20 sáng ngày 26-10-2012. Văn bản đã được 5 nghị phụ đọc bằng tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Đức. Toàn thể Thượng HĐGM đã nồng nhiệt vỗ tay thật lâu.

Nội dung tổng quát

Trong sứ điệp dài 12 trang được chia thành 14 đoạn, các nghị phụ dùng hình ảnh nhiều người ngày nay như chiếc vò rỗng ở bên giếng nước – với tâm trí lơ đãng và hoang mang – như người phụ nữ xứ Samaria. Họ đang khao khát nước, nhưng họ cũng có thể gặp nguy cơ lâm vào tình trạng thất vọng trước nhiều thứ nước thiếu trong lành.

Và như người phụ nữ Samaria sau khi gặp Chúa đã trở thành người loan báo Tin Mừng, các tín hữu Kitô ngày nay cũng được mời gọi trở thành chứng nhân loan báo sứ điệp Tin Mừng cứu độ và hy vọng, dẫn đưa nhân loại ngày nay về cùng Chúa Giêsu. Đó là điều cấp thiết nhất.

Tuy nhiên để loan báo Tin Mừng thì trước tiên người loan báo cần đón nhận và sống Tin Mừng trước tiên, cần hoán cải vì những yếu đuối và tội lỗi cá nhân làm thương tổn uy tín của Giáo Hội. Nhưng các tín hữu Kitô hãy vượt thắng sợ hãi bằng đức tin và hãy bình thản can đảm nhìn thế giới, vì tuy có nhiều mâu thuẫn và thách đố, nhưng vẫn luôn là thế giới mà Thiên Chúa yêu thương.

Công trình tái truyền giảng Tin Mừng hệ tại tái đề nghị cho tâm trí con người ngày nay, và trước tiên cho chính chúng ta, vẻ đẹp và sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Sứ điệp của Thượng HĐGM không hề đượm sắc thái bi quan. Vì thế, những hiện tượng như sự hoàn cầu hoá, tục hoá, di cư, chủ thuyết vô thần, cuộc khủng hoảng của chính trị và của Nhà nước, với những khó khăn và đau khổ đi kèm, phải là những cơ hội để loan báo Tin Mừng. Vấn đề ở đây không phải là tìm ra những chiến lược mới để truyền bá Tin Mừng như một sản phẩm thị trường, nhưng là tái khám phá những phương thức giúp đưa con người đến gần Chúa Giêsu.

Thượng HĐGM đề cao gia đình như một nơi tự nhiên để loan báo Tin Mừng và tái khẳng định rằng Giáo Hội, chính trị và xã hội cần nâng đỡ gia đình. Giữa lòng gia đình, các giám mục nhấn mạnh vai trò đặc biệt của phụ nữ, tái khẳng định trách nhiệm của người cha, đồng thời cũng đề cập đến tình cảnh đau thương của những người sống chung không hôn phối, những người ly dị tái hôn. Tuy tái khẳng định kỷ luật hiện hành của Giáo Hội về những người này, nhưng các nghị phụ nhấn mạnh rằng họ không bị Chúa bỏ rơi và Giáo Hội là nhà tiếp đón mọi người.

Sứ điệp của Thượng HĐGM nói đến các giáo xứ như trung tâm không thể bỏ qua trong việc rao giảng Tin Mừng, tầm quan trọng của đời sống thánh hiến, việc thường huấn cho các linh mục và tu sĩ. Các giám mục cũng mời gọi giáo dân loan báo Tin Mừng trong niềm hiệp thông với Giáo Hội. Thượng HĐGM bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với giới trẻ là hiện tại và tương lai của nhân loại và Giáo Hội, trong một viễn tượng lắng nghe và đối thoại, khích lệ sự hăng hái của họ.

Công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng có những chân trời rộng lớn như thế giới, vì thế việc đối thoại là điều rất quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng: đối thoại bằng nhiều cách: với văn hoá, với ngành giáo dục, truyền thông xã hội là nơi thường ảnh hưởng trên các lương tâm và các phương tiện này cũng là một cơ hội mới để đi đến tâm hồn con người; đối thoại với khoa học: khi khoa học không khép kín con người trong chủ thuyết duy vật thì nó trở thành một đồng minh trong việc nhân bản hóa cuộc sống.

Thượng HĐGM đề cao việc đối thoại với nghệ thuật, nó diễn tả linh đạo qua thẩm mỹ, đối thoại với thế giới kinh tế và lao động, để con người không trở thành một gánh nặng không thể chịu nổi hoặc thành một viễn tượng không chắc chắn, trái lại, để thăng tiến sự phát triển con người; đối thoại với chính trị, yêu cầu chính trị chăm sóc ích chung trong tinh thần vô vị lợi và trong sự minh bạch, tôn trọng phẩm giá của con người, của gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, tôn trọng tự do giáo dục và tôn giáo, loại bỏ những nguyên nhân gây nên bất công và bất bình đẳng. Điều rất quan trọng là cuộc đối thoại liên tôn, góp phần kiến tạo hoà bình, loại bỏ trào lưu cực đoan, và tố giác bạo lực chống lại các tín hữu Kitô, vốn là một sự vi phạm trầm trọng chống lại các quyền con người.

Ngoài ra có 2 hình thức diễn tả đời sống đức tin đặc biệt ý nghĩa đối với công trình tái truyền giảng Tin Mừng, đó là sự chiêm niệm trong đó thinh lặng giúp đón nhận Lời Chúa một cách tốt đẹp hơn, tiếp đến là việc phục vụ người nghèo, nhìn thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt của họ.

Trong phần cuối, Sứ điệp của Thượng HĐGM nhìn đến Giáo Hội tại các miền khác nhau trong Giáo Hội và gởi những lời khích lệ đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng: với các Giáo hội Công giáo Đông phương, Thượng HĐGM cầu mong họ có thể thực hành đức tin trong an bình và tự do tôn giáo; với Giáo Hội tại Phi châu, Thượng HĐGM kêu gọi phát huy việc truyền giảng Tin Mừng qua sự gặp gỡ với các nền văn hóa cũ và mới, đồng thời kêu gọi các chính phủ chấm dứt các cuộc xung đột và bạo lực.

Các tín hữu Kitô Bắc Mỹ, đang sống trong một nền văn hoá với nhiều kiểu diễn tả xa lạ với Tin Mừng, họ cần nhìn đến sự hoán cải, và cởi mở đón nhận những người di dân và tị nạn. Mỹ châu Latinh được Thượng HĐGM mời gọi sống chương trình đại phúc trường kỳ để đương đầu với những thách đố hiện nay như nạn nghèo đói, bạo lực, và cả trong những hoàn cảnh mới đa nguyên về tôn giáo.

Giáo Hội tại Á châu, vốn là một thiểu số bé nhỏ, thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội và bị bách hại, các giám mục khích lệ các tín hữu hãy kiên vững trong đức tin, đồng thời các vị bày tỏ sự gần gũi với các tín hữu Kitô tại Á châu, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, chịu chết và sống lại.

Riêng với Âu châu là đại lục bị tục hoá cao độ và bị thương tổn vì những thập niên sống dưới chế độ độc tài, các ý thức hệ thù nghịch với Thiên Chúa và con người, Thượng HĐGM nhận xét rằng đại lục này đã tạo ra một nền văn hoá nhân bản, có thể mang lại một khuôn mặt cho phẩm giá con người và xây dựng công ích. Những khó khăn hiện nay không được làm cho các tín hữu Kitô Âu châu nản chí, nhưng phải được coi như một thách đố.

Với Úc châu, Thượng HĐGM kêu gọi hãy ý thức nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng.

Sứ điệp kết thúc với sự phó thác công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Mẹ Maria, là Ngôi Sao của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

Họp báo

Sứ điệp trên đây của Thượng HĐGM đã được ĐHY Giuseppe Bertori, TGM Giáo phận Firenze, trung Italia, Chủ tịch Uỷ ban, soạn Sứ điệp, giới thiệu với giới báo trí trong cuộc họp báo ban trưa ngày 26-10-2012 tại Phòng Báo chí Toà Thánh. Hiện diện tại cuộc họp báo còn có ĐHY tân cử Luis Antonio Tagle, TGM Manila, Phó Chủ tịch Uỷ ban soạn Sứ điệp, cùng với Đức TGM Pierre-Marie Carré, TGM Montpellier, Tổng Thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 13.

ĐHY Bertori nhận xét rằng lập trường trong Sứ điệp của Thượng HĐGM về những người ly dị tái hôn cũng là lập trường đã được ĐTC Bênêđictô XVI trình bày trong Đại hội các gia đình Công giáo thế giới hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm nay tại Milano: tuy các cặp ấy không được lãnh nhận bí tích, nhưng họ vẫn là thành phần của Giáo Hội và cần hết sức khuyến khích họ hội nhập vào đời sống Giáo Hội.

ĐHY tân cử Tagle nhận xét rằng lần đầu tiên một sứ điệp ngỏ lời với Giáo Hội tại mỗi đại lục trên thế giới.

Về phần Đức TGM Carré, ngài cho biết sứ điệp này dài và tổng quát vì nó đi từ kinh nghiệm và muốn đi tới mỗi người, bất luận hoàn cảnh của họ.

Thứ bảy 27-10-2012 là ngày họp cuối cùng: trong phiên khoáng đại thứ 22 vào ban sáng, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu chung kết về 57 đề nghị sẽ được đệ lên ĐTC. Ban trưa các vị sẽ dùng bữa huynh đệ với ĐTC. Vào lúc 5 giờ 30 chiều, các nghị phụ sẽ nhóm phiên thứ 23 là phiên khoáng đại cuối cùng để nghe tường trình về kết quả cuộc bỏ phiếu và kết thúc Công nghị GM Thế giới.

Thượng HĐGM sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế do ĐTC chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 28-10-2012. (SD 26-10-2012)