05/01/2025

Bài 2 – Lớp Kitô học trong Năm Đức tin -Tại sao người ta ít hiểu biết Đức Giêsu Kitô?

Muốn tin Đức Giêsu, ít ra người ta phải biết Người là ai. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta tuần này: Tại sao người tín hữu ít hiểu biết Đức Giêsu? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng ta có thể nêu những điểm chính thuộc về lịch sử và về thời điểm hiện nay.

 

Bài 2
Lớp Kitô học trong Năm Đức tin
Tại sao người ta ít hiểu biết Đức Giêsu Kitô?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
 
Lời mở
Chiều nay tại Rôma, 400 đại biểu từ nhiều nơi trên thế giới cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) lần thứ 13 với chủ đề “Tái loan báo Tin Mừng để truyền bá đức tin”. Trong tuần này, ngày thứ Năm, 11-10, Giáo Hội (GH) long trọng khai mạc Năm Đức tin  để mọi người tín hữu nhìn lại đức tin của mình, sống gắn bó với Đức Giêsu hơn và thông truyền đức tin cho người khác. Cũng trong tuần này, các giám mục của Giáo hội Việt Nam (GHVN) sẽ khai mạc phiên họp thường niên của Hội đồng tại Toà Giám mục Thanh Hoá.
Vì thế, chúng ta muốn nhân dịp này cầu nguyện để xin Mẹ Mân Côi khẩn cầu cùng Chúa cho từng tín hữu trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
1. Tại sao Giáo Hội lại chọn chủ đề “Tái loan báo Tin Mừng” và mở Năm Đức Tin?
Chúng ta đã nhiều lần nói đến việc loan báo Tin Mừng trong Giáo Hội hiện nay hình như đang chậm lại và thiếu hiệu quả, cũng như nhắc đến các con số chứng minh việc tăng trưởng yếu kém của người Công giáo trên toàn thế giới và ngay trong Giáo hội Việt Nam.
Chúng tôi cũng muốn nhắc đến 1 sự kiện: ngày 31-8-2012, Đức Hồng y Carlo Maria Martini, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Milan, qua đời. Đây là giáo phận lớn nhất châu Âu với 4.900.000 tín hữu. Trước khi ngài mất, nhật báo Corriere della Serra của Ý đã phỏng vấn ngài, và bài phỏng vấn cuối cùng này được nhiều nước trên thế giới đăng lại (x. La Croix của Pháp, Công giáo và Dân tộc của Việt Nam, số 1874, tr.23…).
Với đầu óc sáng suốt minh mẫn của 1 người đã từng làm Viện trưởng Giáo hoàng Học viện Thánh Kinh, Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, ngài nhận định rằng: “Giáo hội Công giáo đang mệt mỏi và chậm trễ. Nền văn hoá Công giáo đang già đi, các ngôi nhà thờ thì rộng lớn, các dòng tu thì trống vắng, và bộ máy quan liêu của Giáo Hội lại đang phát triển. Các nghi lễ và áo mặc mang tính khoa trương… Giáo Hội đang bỏ quên những người nghèo khổ và giới trẻ năng động… Đức Hồng y kêu gọi tất cả Giáo Hội cùng hoán cải để trở về tinh thần can đảm hăng say ban đầu, lắng nghe Lời Chúa và dùng bí tích như một phương tiện chữa lành, thay vì trừng phạt, những con người gặp hoàn cảnh yếu đuối trong cuộc sống như phải ly dị, ngăn trở trong hôn nhân…”
Những lời phát biểu trong cuộc phỏng vấn cuối cùng này có thể làm phật lòng một số vị lãnh đạo trong Giáo Hội, nhưng đó là những lời tâm huyết của vị chủ chăn sáng suốt và nhiều kinh nghiệm. Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của người hiểu được giá trị thật sự cuộc đời, gửi lại cho những người anh em rất thân yêu trước khi về cõi vĩnh hằng nên rất đáng chúng ta trân trọng, suy tư.
2. Tin Mừng sống động
Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam, giống như các tông đồ và các môn đệ đã cùng cầu nguyện với Đức Maria và các anh em Chúa Giêsu tại nhà Tiệc Ly để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 1,12-14). Nhờ sự soi sáng của Ngài, mỗi tín hữu, từ vị lãnh đạo đến người giáo dân, đều được ơn hoán cải để trở về với tinh thần của Chúa Giêsu, để khám phá ra Chúa Giêsu mới chính là Tin Mừng sống động. Rất nhiều người, khi nói đến việc loan báo Tin Mừng, là nghĩ ngay đến những lời, những chữ viết trong cuốn Tân Ước hay Thánh Kinh rồi lặp đi lặp lại một cách máy móc.
ĐTC Bênêđictô trong số 11 của Bản Đề cương THĐGM 2012 nhắc nhở ta rằng: “Khi nói đến Tin Mừng (TM), chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. TM là một cái gì nhiều hơn nữa: nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. TM không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị (như của một số đảng phái ở châu Âu) mà là một con người: Đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người. Tin Mừng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, TM không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá TM. Do đó, mục tiêu của việc truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó đẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta”.
Đức Giêsu là con người sống động nên chúng ta cần phải tìm hiểu, học hỏi, gặp gỡ thì mới có thể yêu mến và kết hợp với Người vì “vô tri bất mộ”. Người đang sống giữa chúng ta, sống trong chúng ta và chúng ta cần cảm nghiệm được sự hiện diện của Người thì mới phát huy được quyền năng, tình yêu, ân sủng Người ban để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, loan báo TM bằng con người nhỏ bé, yếu đuối, tội lỗi của mình. Ta cần mở rộng tâm hồn như Mẹ Thánh Mân Côi hôm nay để đón nhận Thánh Thần (Lc 1,26-38), và cảm nghiệm được Ngôi Lời là TM sống động trong lòng mình, ta mới thấy đời mình đầy bình an và hoan lạc như Mẹ.
Hơn nữa, giống như Người Mẹ Thánh, ta lại lên đường để chia sẻ TM sống động ấy cho người chị họ Elizabeth, cho mọi người ta gặp gỡ để cùng hiện diện sống động trong Nhà Tiệc Ly với Giáo Hội vào bất cứ hoàn cảnh hay thời đại nào. Như ĐHY Martini và nhiều người nhận thấy rằng: “Giáo Hội đang bỏ quên con người nên không chuyển được TM cho con người, nhất là những người nghèo khổ, thiếu thốn, tàn tật”.
Thế giới hiện nay có hơn 1 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói. Việt Nam đang có khoảng 20 triệu người trên tổng số 90 triệu dân không kiếm được 20.000 đồng một ngày. Tuy nhiên, nhiều nơi trong Giáo Hội vẫn đang tiếp tục xây dựng những thánh đường nguy nga, tổ chức những lễ nghi hoành tráng, những cuộc hành hương tốn kém không cần thiết. Việt Nam đang có khoảng 16 triệu người khuyết tật, hơn 50 triệu người trẻ dưới 35 tuổi, nhưng thử hỏi người tín hữu chúng ta đã dành những hoạt động nào, những vật chất nào để lo cho những con người ấy?
Mẹ Mân Côi như muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay rằng: Con người là con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của Thiên Chúa vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người để chúng ta quan tâm đến con người hơn những thứ vật chất phụ thuộc kia và phục vụ con người với tình yêu của Thánh Thần Thiên Chúa như Mẹ. Chính Đức Giêsu, TM sống động, mới là đền thánh ta cần xây dựng nơi những con người khốn khổ hiện nay. Còn nếu Giáo Hội bỏ quên con người, không muốn phục vụ họ, thì Giáo Hội không còn lý do tồn tại, và con người từ khước Giáo Hội, quay lưng với TM là lẽ đương nhiên.
Nhưng muốn tin Đức Giêsu, ít ra người ta phải biết Người là ai. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta tuần này: Tại sao người tín hữu ít hiểu biết Đức Giêsu? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng ta có thể nêu những điểm chính thuộc về lịch sử và về thời điểm hiện nay.
3. Tại sao người tín hữu ít hiểu biết Đức Giêsu?
3.1. Những nguyên nhân thuộc về lịch sử
3.1.1. Những cố gắng ban đầu
Ngay từ khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng, nhiều người đã thắc mắc và tìm hiểu xem Người thật sự là ai mà nói được những lời quyền năng, làm được phép lạ lớn lao, cho kẻ chết sống lại như thế? Chính Đức Giêsu cũng hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” và “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,13-15).
Sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại, cộng đồng tín hữu càng muốn tìm hiểu Người nhiều hơn. Họ thu thập các lời rao giảng, câu chuyện chữa lành, hành động kỳ diệu của Người để viết thành sách Tin Mừng và bộ sách Tân Ước như tài liệu căn bản cho ai muốn biết Chúa Giêsu. Nhờ sự thúc đẩy và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội bắt đầu rao giảng và viết về Chúa Giêsu cách hệ thống hơn để giải đáp những thắc mắc cho tín hữu và chứng minh đức tin chân thật của Kitô giáo.
3.1.2. Thành công và thất bại
Trong 5 thế kỷ đầu, nhiều người hăng hái nghiên cứu, tranh luận, thậm chí xung đột với nhau để khám phá ra sự thật về Đức Giêsu. Những cố gắng này rất đáng trân trọng, dù rằng khi tìm hiểu như thế, không ít người lầm lạc vì quá nhấn mạnh đến tính cách Thiên Chúa và xem thường tính cách nhân loại của Người. Hơn nữa, do khả năng suy luận của con người có hạn trước mầu nhiệm Giêsu, do sự giới hạn của ngôn ngữ và chữ viết không thể diễn tả hết tư tưởng, do dự hiểu lầm về từ ngữ khác nhau giữa các dân tộc nên việc tìm hiểu Đức Giêsu có cả thất bại lẫn thành công. Nhất là khi vua chúa ủng hộ lập trường của người này và chống đối quan điểm của người khác nên việc trình bày về Đức Giêsu có khi bị hiểu lầm, bị kết án là lạc giáo, bị tù tội và lưu đày, thậm chí bị giết chết.
Hàng chục công đồng chung cũng như riêng từng địa phương đã được mở ra để làm sáng tỏ sự thật về Đức Giêsu, nổi tiếng là Công đồng Nicêa năm 325 xác định Đức Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), số 464-466) và Công đồng Chalcêđônia năm 451 xác định thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu phối hợp với nhau cách lạ lùng “không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt” (x. GLHTCG số 467-469). Cuối cùng, để tránh xung đột, Giáo Hội yêu cầu các vị lãnh đạo, các nhà thần học đừng đưa ra những điều mới mẻ có thể gây tranh cãi về Chúa Giêsu.
Kể từ đó cho tới giữa thế kỷ 20, không ai dám khám phá thêm sự thật về Chúa Giêsu vì sợ sai lầm, rối đạo, ngoại trừ một vài thánh tiến sĩ nổi tiếng như thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô (1225-1274). Sự im lặng thần học này khiến cho cộng đồng tín hữu giáo sĩ và giáo dân càng ngày càng không biết gì về Đức Giêsu ngoài mấy tín điều trong kinh Tin Kính. Đời sống đạo tập trung vào việc tham dự thánh lễ, chịu các bí tích và làm các việc đạo đức bình dân như chầu Thánh Thể, đi Đàng Thánh Giá, lần hạt,… thay vì xây dựng trên sự hiểu biết về Đức Giêsu.
3.1.3. Những quan điểm thần học khác biệt
Việc thiếu hiểu biết về Chúa Giêsu còn bắt nguồn từ những quan điểm thần học khác biệt của các dòng tu, trường phái trong nội bộ Giáo hội Công giáo. Thí dụ phái Kinh viện cho rằng Đức Giêsu nhận bản tính loài người trước khi Adam phạm tội nên Người phát huy khả năng kỳ diệu của con người, gắn bó với Thiên Chúa. Đức Giêsu có thể biết mọi sự, cả những gì một triệu năm sau con người có thể biết thì Đức Giêsu đã biết trước. Nếu có ai hỏi Đức Giêsu có biết đi xe đạp, biết sử dụng máy vi tính không? Thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời: Đức Giêsu biết mọi sự!
Tuy nhiên, câu trả lời kinh điển này trái ngược với thực tế đời sống Đức Giêsu: Người vẫn đói khát, mệt mỏi, thậm chí không biết nhiều thứ như Giáo lý Hội Thánh Công giáo xác nhận: “Tri thức này của Đức Giêsu, theo đúng nghĩa, tự nó không thể có tính chất vô hạn. Nó được hình thành trong các điều kiện lịch sử của cuộc sống trong không gian và thời gian. Do đó Thiên Chúa khi làm người, đã có thể chấp nhận ‘ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và ơn nghĩa…’ (Lc 2,52)” (GLHTCG, số 472). Vì thế Người không biết đi xe đạp, không biết vi tính vì thời đại Người chưa có những thứ đó.
 
3.1.4. Tâm lý tránh né vấn đề
 Một lý do quan trọng khác là từ thế kỷ 16, khi các anh em Tin Lành chủ trương lấy đức tin và Thánh Kinh (sola fides, sola Scriptura) làm cơ bản cho đời sống, ra sức học hỏi Thánh Kinh và đưa ra nhiều điểm tranh luận với Công giáo về Đức Giêsu như các anh chị em ruột của Người, sự trinh khiết của Mẹ Maria, việc tôn kính các thần thánh, hiệu quả các bí tích và xem Đức Giêsu chỉ là một cơ hội cho lòng tin của mỗi người đối với Thiên Chúa thì các nhà thần học Công giáo giữ thái độ im lặng, tránh né việc tìm hiểu về Đức Giêsu để khỏi phải trả lời các vấn đề gây tranh cãi.
Mãi đến năm 1949, khi nhà thần học Karl Rahner viết bài: “Công đồng Chalcêđônia (451) có phải là điểm kết thúc hay chỉ là điểm khởi đầu của Kitô học?”, các nhà thần học Công giáo mới nhận ra “sự im lặng đáng sợ” của việc thiếu hiểu biết về Đức Kitô và bừng tỉnh cơn mê dài 15 thế kỷ. Rồi nhờ tinh thần cởi mở của Công đồng Vaticanô II (1962-1965), một số nhà thần học Công giáo bắt đầu trình bày những quan điểm mới rất quan trọng cho Kitô học. Nhiều điểm mới này đã được tổng hợp trong bộ sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo năm 1992 và cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo năm 2004. Tuy nhiên, nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội, nhiều linh mục vẫn chưa quan tâm đến những điểm mới này để phổ biến cho cộng đồng tín hữu giáo dân.
3.2. Những nguyên nhân hiện nay
3.2.1. Kitô học là môn học kém phát triển trong khoa thần học
Những nguyên nhân lịch sử trên đây đã để lại cho Giáo hội Công giáo nhiều hậu quả nặng nề. Tai hại hơn cả là người tín hữu hiện nay hiểu biết rất ít về Đức Giêsu Kitô và môn Kitô học có thể nói là môn học kém phát triển nhất trong khoa thần học dù rằng Kitô giáo đáng lý phải xây dựng trên Kitô học. Các học viện thần học Công giáo thường yêu cầu sinh viên học khoảng 400-500 giờ môn Thánh Kinh, nhưng chỉ dành khoảng 100 giờ cho Kitô học. Để tránh căng thẳng giữa các quan điểm thần học khác nhau về Đức Kitô, nhiều đại học Công giáo không giảng dạy môn Kitô học theo hệ thống mà chỉ trình bày theo từng chủ đề về Đức Kitô. Thí dụ như: “Đức Kitô là công dân Nước Trời”, “Tri thức của Đức Kitô”, “Tự do của Đức Kitô”,…
3.2.2. Sự thiếu hiểu biết còn bắt nguồn từ thái độ của tín hữu đối với Thánh Kinh.
Do ảnh hưởng chủ trương giải huyền thoại cho Tin Mừng phát xuất từ nhà thần học Tin Lành R. Bultman, nhiều nhà thần học Công giáo không còn thiết tha với việc tìm hiểu Đức Giêsu thật sự là ai bởi họ đã chối từ mọi dấu hiệu quyền năng của Đức Kitô qua các phép lạ Người làm cũng như qua cuộc sống lại của Người. Đáng lẽ các nhà thần học Thánh Kinh Công giáo phải giải đáp được những vấn đề Thánh Kinh thì nhiều người lại giữ im lặng khiến cho sự thật về Đức Giêsu Kitô không được sáng tỏ.
3.2.3. Phương pháp dùng trong Kitô học
Sự thiếu hiểu biết còn bắt nguồn từ phương pháp dùng trong Kitô học khi nghiên cứu đời sống Đức Giêsu. Cho đến ngày nay, nhiều học viện Công giáo vẫn chủ trương Kitô học là một môn thần học và dùng phương pháp suy tư dựa trên các dữ liệu Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn quyền và Luận chứng thần học. Tuy nhiên, Đức Giêsu không phải chỉ là Thiên Chúa thật mà còn là con người thật. Vì là con người nên Đức Giêsu cũng là đối tượng của tất cả các khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn và có thể dùng phương pháp thực nghiệm của các khoa học này để giải đáp những câu hỏi liên quan đến Đức Giêsu. Thí dụ: người ta có thể dùng tâm lý học để tìm hiểu “cấu trúc tâm lý của Đức Giêsu”, dùng vật lý để hiểu cấu trúc thể lý C,H,O,N của Đức Giêsu… Nhờ phối hợp giữa thần học và khoa học, người tín hữu có thể tìm ra những giải đáp cho các vấn đề trong cuộc sống thay vì sợ hãi và tránh né như trước đây.
Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của Kitô học mới mẻ này, hơn 1.000 nghị phụ đã đồng thanh xin ĐTC Gioan Phaolô II yêu cầu các nhà thần học Công giáo chung sức biên soạn một giáo trình cơ bản Kitô học cho các học viện Công giáo vào năm 1998, nhưng không thấy nhà thần học nào đáp ứng yêu cầu này. Vì thế, ĐTC Bênêđictô XVI, nhờ sự thông thái uyên bác của ngài, đã viết nên những điểm cơ bản cho việc tìm hiểu Đức Giêsu Kitô trong 3 tập Đức Giêsu thành Nazareth mà tập thứ 3 mới ra đời cách đây 1 tháng.
Lời kết
Hôm nay, suy nghĩ về việc những nguyên nhân ngăn cản sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời giờ hơn để học biết về Người và khám phá ra Người thật sự là Tin Mừng sống động ta cần gắn bó, gặp gỡ, cảm nghiệm, yêu thương. Có như thế, cuộc đời chúng ta mới thật sự có ý nghĩa, biến đổi và thăng hoa.
4. Một vài điểm cần lưu ý
4.1. Cách ghi bài trong lớp Kitô học
Học viên chỉ cần ghi những gì quan trọng, những tư tưởng chính, những giải thích ngoài giáo trình đượ phát hoặc suy nghĩ riêng tư. Nên đọc trước giáo trình trước khi đến lớp.
Học viên có thể mua 1 cuốn sổ tay bìa cứng, thay vì tập vở bìa mềm của học sinh, để giữ tập ghi chép về Chúa Giêsu Kitô được lâu hơn, có khi cần đến suốt đời.
Không nên ghi ra cả ra ngoài lề trắng để tiết kiệm, nhưng nên chia thành 2 trang hay 2 phần trong cùng 1 trang: bên phải và bên trái. Trang hay phần bên phải ghi bài giáo sư dạy trong lớp trong ngày hôm đó. Trang hay phần bên trái ghi những cảm nghĩ riêng tư, những thí dụ, những gì ta đọc thêm được liên quan đến đề tài ở trang bên phải. Có thể ngày hôm sau, tuần sau, năm sau ta đọc thêm sách vở, có suy nghĩ thêm về đề tài, ta cũng ghi thêm vào trang hay phần bên trái. Nhờ đó, cuốn sổ ghi chép này sẽ giúp ta càng ngày càng biết Chúa Giêsu hơn.  
4.2. Một vài sách đề nghị tham khảo
Có rất nhiều sách tham khảo có thể đọc thêm nhưng chúng tôi đề nghị anh chị em có thể tìm đọc các sách cơ bản sau đây:
– Sách Đức Giêsu thành Nazareth gồm 3 tập của ĐTC Bênêđictô XVI. Đã có 2 bản dịch về tập I, tập II của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, NXB Tôn Giáo, 2009-2011, và tập I của Lm. Nguyễn Luật Khoa, OFM và Nữ tu Phạm Thị Huy, OP. Chúng tôi cũng giới thiệu bản dịch mới giúp cho anh chị em dễ hiểu hơn và được đăng từng tuần trên trang web: hanhkhatkito.org, ở mục Phút cầu nguyện. Kèm theo từng chương của sách này, chúng tôi cũng dịch tài liệu: Hướng dẫn học hành (A Study Guide) do một số nhà thần học Hoa Kỳ biên soạn. Anh chị em có thể truy cập trong đó để xem hoặc lấy bài học.
– Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo do Bộ Giáo lý Đức tin biên soạn năm 1992, bản dịch chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam được Toà Thánh Roma công nhận năm 25-6-2009, NXB Tôn Giáo 2010. Đặc biệt chương 2, đoạn 2 của Phần thứ Nhất : “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa”
– Sách Kitô học của Lm. Gerard O’Collins, SJ, do Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CssR, dịch, NXB Tôn Giáo 2012.
– Sách Kitô học của Lm. Felipe Gomez, SJ, thuộc East Asian Pastoral Institute 2002, do Antôn&Đuốc Sáng xuất bản.
4.3. Các bài học về Kitô học trong Năm Đức tin này cũng được chúng tôi đưa lên trang web: hanhkhatkito.org ở mục Tài liệu-Văn kiện để anh chị em học viên có thể truy cập và chia sẻ cho các người khác.