05/01/2025

Bài 1 – Lớp Kitô học trong Năm Đức Tin: XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ

Tình trạng sống đạo hời hợt và truyền đạo kém hiệu quả đang được giới thẩm quyền cao cấp nhất của Giáo Hội đặt ra cho Thượng Hội đồng Giám mục 2012 “để mở ra những con đường mới nhằm đáp ứng những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng”.

 

Bài 1
Lớp Kitô học trong Năm Đức Tin
XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ
đỂ xây dỰng nỀn văn minh tình yêu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Để xây dựng nền văn minh tình yêu và đi vào con đường tình yêu của Đức Kitô, người tín hữu Kitô phải xuất phát lại từ Đức Kitô như rất nhiều văn kiện chính thức của Giáo hội đã nhắc nhở từ lúc chuẩn bị Năm Thánh 2000 đến nay. Tình trạng sống đạo hời hợt và truyền đạo kém hiệu quả ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đang được giới thẩm quyền cao cấp nhất của Giáo hội đặt ra trong Bản Đề Cương chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục 2012 (THĐGM 2012) sẽ họp ở Rôma từ ngày 7-28/10/2012 và mời gọi chúng ta tích cực quan tâm tìm hiểu, đóng góp những đề nghị đúng đắn “để mở ra những con đường mới nhằm đáp ứng những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Giáo Hội đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay” (Đề Cương THĐGM 2012, số 5).
Trong phạm vi bài này chúng ta tìm hiểu hiện trạng của việc loan báo Tin Mừng, các yếu tố văn hoá tác động trực tiếp đến việc loan báo Tin Mừng và cũng là yếu tố hình thành nền văn minh Kitô giáo. Từ đó chúng ta sẽ thấy rõ hơn tại sao phải xuất phát lại từ Đức Kitô để xây dựng nền văn minh tình yêu.
1. Hiện trạng việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu
Nhìn vào Giáo hội Việt Nam (GHVN) trong suốt 50 năm qua, tỷ lệ người có đạo hầu như giữ nguyên so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2010 vẫn là 7,18%. Chúng ta sống đạo như thế nào mà không làm tăng thêm được 1% dân số Công giáo trong suốt 50 năm qua, thậm chí 125 năm qua kể từ năm 1885 đến nay? Giáo Hội châu Á cũng không phát triển hơn trong suốt 50 năm khi dân số Công giáo vẫn chỉ giữ ở mức 3% dù có biết bao nỗ lực của hàng trăm ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ loại. Dân số Công giáo hiện nay ở Á Châu có khoảng 125.860.000 người trong số hơn 4.115.586.000 người dân. Theo thống kê của Toà Thánh, dân số Công giáo toàn cầu tăng từ 757 triệu vào năm 1978 lên 1.180.665.000 người vào cuối năm 2009 (x. Catholic Almanac 2012, NXB Our Sunday Visitor, tr.335). Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội trong ít năm gần đây, tuy nhiên nếu tính theo tỷ lệ dân số, vào năm 1978, người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2009 chỉ còn 17,42%.
Tính đến ngày 31-12-2010, GHVN hiện có 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ, 56.593 giáo lý viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành, 6.400.567 tín hữu giáo dân trên tổng dân số là 89.029.559 (theo thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), trong khi số dân thật sự theo Thống kê Nhà Nước là 86.930.000 người Việt (x. Cục Thống kê TP.HCM, tr.331). Số giáo dân này không chính xác do việc khai báo trùng lắp vì theo số liệu thống kê của Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009, số dân Công giáo là 5.677.086 trên tổng số dân là 85.846.997 người, chiếm tỷ lệ 6,61% (x. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở VN 2009, tr. 281). Số người lớn được rửa tội năm 2010 là 42.272 người, hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo. Vậy chúng ta tự hỏi ai là người đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền giáo có kết quả?
Một thí dụ minh hoạ: năm 2010, giáo phận Huế có 2 giám mục, 140 linh mục, 74 chủng sinh, 108 tu sĩ nam, 588 tu sĩ nữ, 755 giáo lý viên và 68.910 tín hữu, nhưng cả năm 2010 chỉ có 66 người lớn được Rửa tội, năm 2009 có 94 người, năm 2008 có 106 người (x. Thống kê Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN). Chúng tôi đưa thí dụ này không có ý chê trách hay xem thường hoạt động truyền giáo của người tín hữu Huế vì mỗi hoạt động truyền giáo của ta đều được Chúa ghi nhận và ban thưởng dù nó có vẻ không mang lại hiệu quả bên ngoài. Từ sự kiện này chúng tôi muốn lưu ý rằng những đại hội hành hương lớn lao ở LaVang hay ở bất cứ đâu không luôn luôn đi đôi với kết quả truyền giáo. Hằng trăm ngàn người đổ về La Vang hằng năm vẫn không thu hút được người ở Huế theo đạo.
Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Đức Kitô có thể đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở châu Á và ở Việt Nam không mấy thành công.
2. Mối liên hệ giữa văn hoá và truyền giáo
Phân tích công tác truyền giáo, chúng ta sẽ thấy việc loan báo Tin Mừng gắn bó mật thiết với văn hoá và cũng là với nền văn minh vì văn minh là trình độ cao của văn hoá.
Để thực hiện việc loan bo Tin Mừng, cần có 3 yếu tố: chủ thể, đối tượng và nội dung. Chủ thể là người loan báo Tin Mừng, đối tượng là người nghe loan báo hay người đón nhận Tin Mừng và nội dung là chính Tin Mừng. Cả ba yếu tố này đều nối kết với văn hoá và đòi hỏi ta phải hiểu biết về văn hoá để nhận ra giá trị đích thực của Tin Mừng.
2.1. Trước hết, đối với chủ thể là người loan báo Tin Mừng, người này đang có sẵn một nền văn hoá nào đó, thí dụ các vị thừa sai trước đây đến truyền giáo ở nước ta: họ có sẵn một nền văn hoá Tây Phương với cách ăn uống, suy nghĩ, nói năng, hành động của người Tây Phương. Nhưng khi ở Việt Nam, các linh mục thừa sai học tiếng Việt, mặc áo dài đen, đội khăn xếp, dùng bát đũa ăn cơm như mọi người: đó là họ đã hội nhập với văn hoá Việt Nam.
Nhiều chủ thể loan báo Tin Mừng hiện nay là những người đang chịu ảnh hưởng của nền văn minh tin học, của ý thức hệ duy nghiệm, duy lý, duy thực, của chủ trương giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng mà nhà thần học Tin Lành Bultmann đã khởi xướng nên chối bỏ sự phục sinh của Đức Kitô như một sự kiện có thật trong lịch sử, chối bỏ các phép lạ của Chúa Giêsu Kitô, chưa có những cảm nghiệm sống động về Thiên Chúa và chỉ giải thích Tin Mừng theo những phương pháp chú giải lịch sử của con người thì làm sao có thể giới thiệu đúng đắn Chúa Giêsu Kitô cho người khác? Do đó, chúng ta không lạ lùng trước những kết quả yếu kém của việc loan báo Tin Mừng hiện nay.
2.2. Thứ đến, đối tượng là người nghe Tin Mừng, họ có thể là những người cùng văn hoá với người loan báo Tin Mừng, nhưng cũng có thể khác, nên không cùng nhận thức, hành động, thói quen. Vì thế, cần phải tìm hiểu nền văn hoá của người nghe để thấy giá trị nào phù hợp với Tin Mừng thì giữ lại, giá trị nào đi ngược với Tin Mừng thì giải thích cho người nghe hiểu để loại bỏ. Thí dụ: khi đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam cách đây ba, bốn thế kỷ, dân tộc Việt Nam đang theo chế độ quân chủ chuyên chế độc tài, coi vua là Thiên Tử, là Con Trời, có toàn quyền sinh sát trong tay. Điều này không hợp với Tin Mừng, nên các nhà truyền giáo giới thiệu một Thiên Chúa là Cha Chung của mọi người và là chủ sự sống, còn tất cả đều là anh em nên khơng ai có quyền giết ai. Hơn nữa, Đức Giêsu là Con Chúa Trời còn chết thay cho người khác. Tin Mừng như thế giới thiệu một nền dân chủ và dạy con người nhận ra vua là đại diện Thiên Chúa cầm quyền trị nước, nên người ta vẫn trung thành với vua và vẫn giữ tình huynh đệ với mọi người. Đó là giá trị của Tin Mừng.
Những người nghe Tin Mừng ngày nay thường là những người có cùng một nền văn hoá và  nền văn minh với người loan báo tin Mừng vì hầu như các tín hữu Kitô địa phương có nhiệm vụ phải loan báo Tin Mừng cho đồng bào mình, trừ phi họ sống ở các nước chậm phát triển, với một nền văn hoá xa lạ đối với các nhà truyền giáo đến từ các nước văn minh. Người nghe Tin Mừng khao khát được hiểu biết, được cảm nghiệm Đức Kitô một cách sống động, được thấy tận mắt cả những phép lạ để làm chứng cho Tin Mừng (x. Mc 16, 15-20) qua đời sống nhân chứng của chủ thể nhưng vì họ không hiểu, không thấy, không cảm nhận được từ đời sống của người loan báo nên không tin Đức Giêsu Kitô.
Hơn nữa, người nghe Tin Mừng có thể khác tôn giáo với người loan báo. Tôn giáo cũng là yếu tố cao nhất của văn hoá. Tôn giáo bao gồm một hệ thống giá trị mà người theo tôn giáo hình thành trong đời sống của mình. Vì thế, người loan báo Tin Mừng cũng phải khám phá ra những giá trị nào phù hợp với Tin Mừng trong tôn giáo của người nghe để tôn trọng và gìn giữ cũng như thấy giá trị nào không hợp để giải thích và thay thế. Thí dụ, việc cầu cho vong hồn người chết, cúng giỗ tổ tiên ông bà, cõi Niết Bàn-địa ngục của đạo Phật có những điểm tương đồng hay khác biệt nào với đạo Công giáo, theo đạo Công giáo có phải là bỏ ông bà, tổ tiên? Nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn chưa tìm được câu giải đáp rõ ràng cho những đề tài này dù đạo đã được truyền bá gần 500 năm qua!
2.3. Cuối cùng, nội dung là Tin Mừng phải rao giảng. Nhưng rất nhiều người tín hữu chúng ta lại hiểu lầm Tin Mừng là những lời trong cuốn Tân Ước, những giáo thuyết phải học, những bài giáo lý phải dạy chứ không phải là chính Đức Giêsu.
Bản Đề cương của THĐGM 2012 nhắc nhở chúng ta rõ ràng: “Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người. Tin Mừng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Tin Mừng. Do đó, mục tiêu của việc truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta” (Đề Cương THĐGM 2012, số 11).
Vì thế, chúng ta cũng cần phải khám phá ra những giá trị nào thuộc về Tin Mừng vĩnh cửu và giá trị nào thuộc về văn hoá đương thời của dân Do Thái hay của một cộng đồng, một tập thể nào đó. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Khi làm người là Người bị giới hạn trong một không gian, thời gian nhất định nên Chúa Giêsu đã mang những nét văn hoá của thời đại. Như thế, muốn giới thiệu Đức Giêsu như một Tin Mừng vĩ đại chúng ta phải biết đâu là yếu tố văn hoá của Người, đâu là giá trị thực của Tin Mừng Người muốn loan báo, đâu là yếu tố nhất thời của dân tộc Do Thái cần bỏ qua. Nếu không hiểu rõ nền văn hoá ấy, chúng ta sẽ không loan báo Đức Kitô một cách đúng đắn và hiệu quả.
Nhìn lại lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy cha ông ta đã rất thành công trong việc giới thiệu nền văn hoá Công Giáo để chuẩn bị cho việc xây dựng nền văn minh tình yêu.
3. Bài học về việc xây dựng nền văn hoá Kitô Giáo của cha ông ta  
Tin Mừng được cha ông chúng ta loan báo trong bối cảnh xã hội có nhiều giá trị khác với chúng ta ngày nay. Lúc đó, cách đây một vài trăm năm (1615-1885), người dân sống trong chế độ quân chủ chuyên chế (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung), xã hội theo chế độ đa thê (Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng), nam nữ bất bình đẳng (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô: Một người con trai kể là có, mười người con gái kể là không). Hơn nữa, dân chúng thời đó rất lạc hậu, thiếu hiểu biết khoa học. Mỗi làng chỉ có hai, ba cái ao tù, nước đọng để dân làng dùng chung với nhau. Nước không được lọc, không được nấu chín nên trẻ em bị bệnh, chết yểu rất nhiều, hầu hết dân làng bị toét mắt, ghẻ lở, bệnh tật. Học vấn là một điều quý giá và hoạ hiếm vì mỗi làng chỉ có một vài người biết chữ Nho là chữ chính thức của xã hội thời đó.
Tổ tiên Công giáo chúng ta giới thiệu nền văn hoá Công giáo với những giá trị mới của Tin Mừng: trước hết là giá trị của dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, tiếp theo là giá trị khoa học ứng dụng trong đời sống. Các vị thừa sai dạy tín hữu biết dùng than-cát-sỏi để lọc nước rồi mới dùng và đun sôi, nấu chín, để nguội rồi mới uống. Vì thế người theo đạo khoẻ mạnh, xinh đẹp. Nhiều lương dân trao con cái họ cho người Công giáo nuôi dạy lại được cứu sống.
Với 2 chữ “tả đạo” xăm trên trán, trên má, người Công giáo không được phép đi học, đi thi, hành nghề, buôn bán. Nhưng người Công giáo biết liên kết yêu thương nhau, nên biết nghề gì thì truyền hết cho nhau, làm hàng gì cũng phải thật tốt, bán hàng gì cũng phải thật rẻ. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn, bách hại, họ vẫn sống sung túc, an vui và ai cũng muốn mua hàng, giao hảo với người Công giáo. Người Công giáo truyền cho nhau một kiểu chữ mới sau này trở thành chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm và càng ngày càng truyền bá lan rộng cho mọi người. Vào năm 1865, tờ Gia Định Báo bằng tiếng Việt đã được phát hành tại Sài Gòn.
Kết quả việc hội nhập và truyền bá những giá trị văn hoá Công giáo này đã dẫn tới sự đổi thay của cả dân tộc Việt Nam và đó cũng là kinh nghiệm cha ông ta muốn gửi đến chúng ta để chuẩn bị cho việc xây dựng nền văn minh tình yêu bằng cách giới thiệu những giá trị sống mới của Tin Mừng cho con người thời đại hôm nay. Tuy nhiên kết quả tốt đẹp của việc loan báo Tin Mừng này đã bị chựng lại từ năm 1885 đến nay. Vì thế chúng ta phải tìm hiểu tại sao lại cần trở về với Đức Kitô và xuất phát lại từ Người.
4. Xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô để xây dựng nền văn minh tình yêu
4.1. Cần phải xuất phát lại từ Đức Kitô
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong các lời giáo huấn của mình qua những thông điệp, tông huấn, tông thư, diễn văn, bài nói chuyện… luôn mời gọi tín hữu tập trung vào Đức Kitô để xuất phát lại từ Người, nhất là dùng những giá trị của Tin Mừng để thâm nhập đời sống văn hoá xã hội qua thông điệp “Giáo Hội tại châu Á” được công bố ngày 6-11-1999.
Quả thật trong 2.000 năm qua, trong vài thế kỷ đầu tiên Giáo Hội sơ khai biết tập trung vào Đức Kitô và lời dạy của Người, gắn bó với Chúa Thánh Thần nên việc truyền giáo cũng như việc phổ biến văn hoá Công giáo đạt được kết quả lớn lao. Từ năm 313 trở đi, sau khi được tự do giữ đạo, Giáo Hội mất dần sự quan tâm vào Chúa Giêsu để chú ý vào những điểm khác như tổ chức cộng đồng với giáo phận, giáo xứ, xây cất các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, đền thánh, rồi từ thế kỷ 11,12 vào việc thiết lập các dòng tu và noi gương các thánh lập dòng hơn noi gương Chúa Giêsu, thế kỷ 15,16 vào việc lo cho các công tác mục vụ, truyền giáo, thế kỷ 19 và 20 lo đối phó với những học thuyết sai lạc…
Chỉ từ giữa thế kỷ 20, người ta mới bắt đầu quan tâm đến môn Kitô học nhưng cho tới ngày nay, môn học này vẫn kém phát triển, chưa đạt tới tầm vóc xứng hợp như là môn học nền tảng của Kitô giáo. Công đồng Vaticanô II với các văn kiện của mình như muốn nhắc nhở tín hữu Công giáo tập trung vào Đức Kitô như nền tảng và gương mẫu cho mọi hoạt động Kitô hữu. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ ban hành ngày 19-5-2002 nhắc nhở tu sĩ nam nữ tìm về nguồn sống là Chúa Kitô thay vì tập trung vào vị Sáng lập dòng.
Nhiều đại học Công giáo hiện nay không có giảng khoá hoàn chỉnh về môn Kitô học do những tranh cãi về quan điểm thần học liên quan tới Đức Kitô nhất là giữa các dòng tu với nhau. Nhiều đại chủng viện vẫn giảng dạy giáo trình Kitô học lỗi thời, thậm chí sai lạc, mà không cập nhật những điểm giáo lý mới mẻ và đúng đắn được trình bày trong các sách như Giáo lý Hội Thánh Công giáo (Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 11-10-1992, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2009, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (Hội Đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình công bố năm 2004, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2007, NXB Tôn Giáo, Hà Nội), Đức Giêsu Nazareth 3 tập của ĐGH Bênêđictô XVI (Tập I công bố ngày 30-9-2006, bản dịch Việt hoàn chỉnh và in năm 2008, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tập II công bố ngày 25-4-2010 và mới có bản dịchViệt ngữ cuối năm 2011, tập III hy vọng sẽ có bản dịch tiếng Anh vào tha1ng 12-2012, bản dịch Việt ngữ sau đó).
Người ta thường nói:”Vô tri bất mộ” (không biết nên không tôn kính). Chính vì chưa hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về Đức Kitô nên đời sống đạo của người tín hữu không toả ánh sáng Tin Mừng để có sức thu hút người khác tìm về với Đức Kitô. Hơn nữa, từ việc hiểu biết này người ta đạt đến việc yêu mến Đức Kitô và gắn bó mật thiết với Người để cảm nhận được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa mà Người chia sẻ cho mình. Từ đó họ mới trở thành một Tin Mừng sống động, thành hiện thân của Đức Kitô và mới làm chứng cho Người bắng cách kể lại câu chuyện của đời Chúa cũng là câu chuyện của đời mình.
Từ kinh nghiệm trên đây, Uỷ ban truyền giáo các nước châu Á mới chọn chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2005 ở Chiang Mai, Thái Lan, là “Kể lại câu chuyện Giêsu” như các tông đồ xưa sau khi họ hiểu biết và cùng sống với Người. Chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á 2010 ở Seoul, Hàn Quốc cũng lấy lại chủ đề ấy “Công bố câu chuyện Giêsu”, nhưng nâng cao hơn một mức vì “công bố” đòi hỏi ta nói về Đức Giêsu một cách trang trọng, có nghiên cứu, có bài bản mà vẫn dựa trên kinh nghiệm sống động của người làm chứng.
4.2. Hiệu quả của việc trở về với Đức Kitô
* Trở lại với Đức Kitô là chúng ta sẽ tìm lại được cảm nghiệm sống động của các tông đồ về Đức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Đức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh nhưng là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để ta có mối tương quan mật thiết với Người. Để hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và hoà nhập thành một trong nhau “để tôi sống không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20) như thánh Phaolô cảm nghiệm…
ĐTC Bênêđictô đã khẳng định: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định… Sự gặp gỡ thân mật này giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần… Đây là kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa của người Kitô hữu” (x. Đề Cương THĐGM 2012, số 11).
* Sống trong một đất nước mà nền văn hoá và văn minh nơi người dân hiện nay mang nhiều tính cách đối nghịch: vừa tìm tòi khoa học và coi trọng kỹ thuật, vừa chạy theo những bùa phép với những tác động mê tín dân gian, ta cần phải trở lại với Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người để Người chuyển thông cho ta quyền năng làm chứng cho Tin Mừng. Quyền năng này được thể hiện qua việc trình bày những giá trị văn hoá Kitô giáo một cách thuyết phục với những hiểu biết khoa học chính xác chứ không phải chỉ là những xúc động tình cảm nhất thời, nhất là qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình yêu mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20).
* Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Đức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha trên trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Đức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. Tuyên ngôn của CĐ. Vat. II, Nostra aetate, số 1; Giáo hội tại châu Á, số 15,18). Học lại thái độ khoan dung của Đức Kitô, ta sẽ biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).
* Trở lại với Đức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính cách tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô cùng của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đấy, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đấy, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như một nụ cười, một lời cám ơn, xin lỗi, hoặc việc làm có vẻ tầm thường như giặt quần áo mỗi ngày, hay rửa mặt đánh răng mỗi bữa, nhưng nhờ được gắn kết với Chúa Giêsu Kitô tất cả đều có giá trị vĩnh hằng.
* Trở lại với Đức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, thì “con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội” để tập trung mọi cố gắng lo cho hàng tỷ con người trong vùng đất châu Á, nhất là những con người nghèo khổ, bệnh tật, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Đức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, cứu giúp người đói khát, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người.
Trở về với Đức Giêsu cũng có thể là lời kêu gọi các người có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất trở về với tinh thần nghèo khó thật sự của Người. Những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn với cách bày trí sang trọng, sừng sững giữa các túp lều tranh rách nát, mái tôn han rỉ, cống nước thải lộ thiên trong một số miền ở Việt Nam cũng như ở châu Á có thể trở thành những pháo đài kiên cố khiến người ta ngại ngùng không dám tìm gặp Đức Kitô ở đó để từ đây xây những những cơ sở tôn giáo phù hợp với hoàn cảnh và tính trạng kinh tế của công đồng hơn.
Những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người trong các đại hội Thánh Thể, hay Đại hội Thánh Mẫu ở La Vang, Tà Pao, thậm chí ở nước ngoài, trong đó mỗi người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng, trong khi hàng trăm ngàn học sinh vẫn còn thiếu sách vở, thiếu trường lớp, trong khi hàng triệu người khuyết tật chưa được săn sóc, nhiều bệnh nhân nghèo chưa cầm được bát cháo giúp đỡ thì có khi ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của chúng ta đối với Chúa và Đức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn và thật sự bác ái hơn chăng? Nói như thế không phải là chúng tôi có ý bài bác lòng sùng đạo bình dân nhưng chỉ mời gọi người tín hữu suy nghĩ để tình bác ái được diễn tả theo đúng sự thật của đất nước, của dân tộc và gia đình nhân loại như ĐTC Bênêđictô mời gọi trong thông điệp Caritas in veritate (ngày 29-6-2009) của ngài.
ĐTC Phaolô VI nhắc nhở chúng ta rằng: “Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân”. Vì vậy Hội Thánh sẽ phúc Âm hoá thế giới bằng chính hành vi và đời sống của mình, nói khác đi, bằng việc làm chứng lòng trung thành của Hội Thánh đối với Chúa Giêsu: chứng tá về sự nghèo khó và vô vị lợi, chứng tá về sự tự do trước những quyền lực của thế giới này, tóm lại, chứng tá về sự thánh thiện” (x. Đề Cương THĐGM 2012, số 22).
Lời kết
Có lẽ còn rất nhiều điều, nhiều việc trong nếp sống đạo của người tín hữu ở Việt Nam cũng như ở châu Á cần được nhận định và sửa đổi lại dưới ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô để biểu lộ được sự thật, sự sống và tình yêu của Người cho các dân tộc đang sống quanh mình. Đó là những giá trị nền tảng của nền văn minh tình yêu mà mỗi người tín hữu chúng ta đang thiết tha mong muốn xây dựng cho dân tộc Việt Nam. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người tìm đến với Đức Kitô không phải chỉ qua những nghi lễ trang trọng, việc bác ái từ thiện của người tín hữu nhưng họ gặp được nguồn của tình yêu hạnh phúc, của chân thiện mỹ là chính Đức Kitô khi các Kitô hữu tìm về với Người và xuất phát lại từ Người.
 
Câu hỏi gợi ý:
 
1. Bạn nghĩ kết quả truyền giáo tại Việt Nam chưa được tốt đẹp là do những yếu tố nào? Bản thân bạn đã loan báo Tin Mừng như thế nào? Kết quả cụ thể ra sao? Bạn có muốn chia sẻ một kinh nghiệm truyền giáo nào không?
2. Theo bạn, muốn xuất phát lại từ Đức Kitô, người tín hữu chúng ta cần phải làm gì?
3. Bạn nghĩ mình có thể làm gì để tăng thêm sự hiểu biết đúng đắn và có hệ thống về Đức Kitô?