24/11/2024

Loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người

Các bạn thân mến, Giáo Hội luôn chuyển trao sứ điệp cứu độ cùng một lúc với việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Điều này có nghĩa là loan báo niềm hy vọng dựa theo một “hình thái linh mục”, nghĩa là sống Tin Mừng theo ngôi thứ nhất, và tìm cách diễn đạt Tin Mừng thành những dự định và việc làm ăn khớp với nguyên tắc năng động nền tảng là tình yêu.

 Loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người

Bài giảng kết thúc Đại hội đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục châu Phi

Tại Vương cung Thánh đường Vatican
Chúa Nhật XXX Thường Niên, 25/10/ 2009

Chư huynh đáng kính!
Anh chị em thân mến!

Đây là sứ điệp hy vọng cho châu Phi: chúng ta vừa nghe sứ điệp đó từ Lời Chúa. Đó là sứ điệp mà Chúa tể lịch sử đã không hề cảm thấy mỏi mệt khi phải nhắc lại cho nhân loại bị áp bức và đè bẹp, thuộc mọi thời đại và thuộc mọi vùng lãnh thổ, từ ngày Người mạc khải cho Môisen ý định của Người liên quan đến con cái Israel đang bị nô lệ bên đất nước Ai Cập: ”Ta đã thấy, phải, Ta đã thấy nỗi khổ cực của dân Ta (…) và Ta đã nghe tiếng kêu của chúng (…) Ta đã biết những đau khổ của chúng, Ta xuống để giải thoát chúng (…) và đưa chúng ra khỏi vùng đất ấy đến một vùng đất màu mỡ và rộng lớn, đến một vùng đất chảy sữa và mật ong” (Xh 3,7-8). Vùng đất ấy là gì? Chớ thì không phải là Vương quốc của sự giao hoà, của công lý và hoà bình, mà Chúa đang kêu gọi toàn thể nhân loại đến vui hưởng sao? Chương trình của Thiên Chúa không hề thay đổi. Chương trình ấy cũng chính là chương trình được Tiên tri Giêrêmia công bố trong những lời sấm tuyệt diệu được gọi là “Sách An ủi”, mà Bài đọc một hôm nay được trích ra từ đó. Đây là một lời loan báo hy vọng cho dân tộc Israel đang bị đè bẹp bởi cuộc xâm lăng của đạo quân Nabuchodonosor, cảnh tàn phá kinh thành Giêrusalem và Đền thờ, và cuộc lưu đày sang đất nước Babylone. Một sứ điệp vui mừng cho con cái nhà Giacop “còn sót lại”, một sứ điệp loan báo cho họ một tương lai xán lạn, bởi vì Chúa sẽ dẫn họ quay về quê cha đất tổ, đi trên một con đường thẳng băng và dễ đi. Những người cần được giúp đỡ, như người mù và kẻ què, phụ nữ mang thai và trẻ con còn măng sữa, sẽ trải nghiệm được sức mạnh và tình âu yếm của Đức Chúa: Người là một người Cha của dân tộc Israel, một người Cha sẵn sàng lo cho Israel như cho người con trai đầu lòng của mình (x. Gr 31,7-9).

Chương trình của Thiên Chúa không hề thay đổi. Qua dòng thời gian và những đảo lộn của lịch sử, Người vẫn luôn có cùng một mục tiêu: Vương quốc tự do và hoà bình cho tất cả mọi người. Và mục tiêu này bao hàm tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho những ai bị tước đoạt tự do và hoà bình, những ai bị người ta xâm phạm đến nhân phẩm. Đặc biệt, chúng ta nghĩ đến những anh chị em của chúng ta tại châu Phi đang đau khổ vì cảnh đói nghèo, bệnh tật, bất công, chiến tranh và bạo lực, bị bó buộc phải di cư tìm cuộc sống. Những người con được Cha Trên Trời ưu ái, như anh mù Bartimê trong Phúc Âm “đang ngồi bên vệ đường” (Mc 10,46), nơi cửa thành Giêricô. Cũng chính trên con đường này mà Đức Giêsu thành Nazareth đi qua. Đây chính là con đường dẫn đến Giêrusalem, nơi lễ Vượt Qua, lễ Vượt Qua hiến tế của Đấng Thiên Sai đang tiến về để cứu chuộc chúng ta, được ứng nghiệm. Đó là con đường xuất hành của Đức Giêsu và cũng là con đường của chúng ta: con đườg duy nhất dẫn đến vùng đất giao hoà, công lý và hoà bình. Trên con đường này, Đức Giêsu gặp Bartimê, một con người phải sống trong cảnh mù loà. Cả hai con đường của Đức Giêsu và của anh mù Bartimê đã gặp nhau, và trở nên một con đường duy nhất. Anh mù Bartimê đã tin tưởng kêu lên: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót con!”. Và Đức Giêsu đã nói: ”Anh em hãy gọi anh ta tới đây”, và Người nói thêm: ”Anh muốn Ta làm gì cho anh?”. Thiên Chúa là ánh sáng và là Đấng sáng tạo nên ánh sáng. Con người là con cái của ánh sáng, được dựng nên để thấy ánh sáng, nhưng con người đã đánh mất thị giác, và bị bó buộc phải đi ăn xin. Chúa đi qua bên cạnh anh, và vì chúng ta, Người đã trở nên một người khất thực: Người khát khao đức tin và tình yêu của chúng ta. “Anh muốn Ta làm gì cho anh?”. Thiên Chúa biết chúng ta cần điều gì, nhưng Người vẫn hỏi; Người muốn cho con người nói lên nhu cầu của mình. Người muốn cho con người đứng dậy, muốn cho con người lấy lại can đảm để xin điều mình cần vì phẩm giá của mình. Chúa Cha muốn nghe chính miệng người con trai của mình mạnh dạn nói lên ý muốn tự do của mình là thấy lại ánh sáng, ánh sáng mà anh ta đã được tạo dựng để vui hưởng. “Lạy Thầy, xin cho con được thấy”. Và Đức Giêsu nói với anh: ”Con hãy đi, đức tin của con đã cứu con. Ngay lập tức, anh bắt đầu thấy, và anh bước theo Đức Giêsu” (Mc 10,51-52).

Anh em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì “cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa sự khó nghèo của chúng ta với sự cao cả” của Thiên Chúa cũng đã được thực hiện trong kỳ Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục châu Phi sẽ được kết thúc trong ngày hôm nay. Thiên Chúa lại cất tiếng kêu gọi: ”Hãy tin tưởng đứng lên…” (Mc 10,49). Và Giáo hội châu Phi, qua những vị mục tử của mình, được quy tụ từ khắp các quốc gia của lục địa, từ Madagascar cũng như từ những hòn đảo khác, cũng đã đón nhận sứ điệp hy vọng và ánh sáng để bước đi trên con đường dẫn về Nước Chúa. “Con hãy đi, đức tin của con đã cứu con” (Mc 10,52). Vâng, đức tin vào Đức Giêsu Kitô – khi đức tin ấy trở nên mãnh liệt và được chia sẻ cho người khác – thì sẽ hướng dẫn mọi người và mọi dân tộc tiến về tự do trong chân lý, tiến về hoà giải, công lý và hoà bình, như ba từ của chủ để Thượng Hội đồng Giám mục đã nói lên. Anh mù Bartimê, một khi đã được Chúa chữa lành, liền bước lên đường đi theo Đức Giêsu, là một hình ảnh của nhân loại, được đức tin soi dẫn, đang tiến về miền đất hứa. Anh Bartimê, khi được Chúa chữa lành, đã trở nên chứng nhân của ánh sáng, bằng cách kể lại và minh chứng qua cuộc đời của anh rằng Chúa đã chữa lành, đã đổi mới và tái sinh anh. Giáo Hội trên trần gian này cũng thế: một cộng đoàn gồm những người đã được hoà giải, gồm những người thợ kiến tạo công lý và hoà bình; là “muối và ánh sáng” giữa xã hội con người và các quốc gia. Chính vì thế, Thượng hội đồng đã mạnh mẽ tái khẳng định – và bày tỏ – rằng Giáo Hội là Gia đình của Thiên Chúa, và chúng ta không thể nào chấp nhận những chia rẽ về sắc tộc, ngôn ngữ hay văn hoá trong gia đình này. Chúng ta hết sức cảm động khi thấy vào những giờ phút tối tăm nhất của lịch sử con người, vẫn có những bằng chứng cho thấy Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động và biến đổi tâm hồn của những nạn nhân cũng như của những người bách hại, để cho họ nhìn nhận ra mình là anh em với nhau. Giáo Hội được giao hoà là men giao hoà cho các quốc gia và trên toàn thể lục địa châu Phi.

Bài đọc hai đưa ra cho chúng ta một viễn cảnh khác: Giáo Hội, cộng đoàn đi theo Đức Kitô trên con đường tình yêu, mặc lấy một hình thái linh mục. Phạm trù linh mục, được xem là chìa khoá cắt nghĩa mầu nhiệm của Đức Kitô, và do đó, cắt nghĩa mầu nhiệm của Giáo Hội, đã được Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái đưa vào trong Tân Ước. Trực giác của tác giả thánh đến từ Thánh vịnh 110, được trích dẫn vào trong bài đọc hôm nay. Trong Thánh vịnh này, Thiên Chúa là Chúa tể, qua một lời thề long trọng, đã bảo đảm với Đấng Thiên Sai rằng: ”Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê” (c.4). Trích dẫn này nhắc đến một trích dẫn khác, được trích từ Thánh vịnh 2, trong đó, Đấng Thiên Sai công bố sắc lệnh của Chúa nói về Người: “Con là Con Ta; hôm nay Ta đã sinh thành ra Con” (c.7). Qua những bản văn này, ta thấy đặc tính linh mục được gán cho Đức Giêsu Kitô, không phải theo nghĩa chủng loại, nhưng “theo phẩm hàm Menkixêđê”, nghĩa là chức tư tế cao cả nhất và vĩnh cửu, có nguồn gốc, không phải từ nhân loại, mà là thần linh. Quả vậy, thượng tế nào “cũng được chọn từ những con người trần, và được giao trách nhiệm đại diện cho con người trong các mối tương quan với Thiên Chúa” (Dt 5,1), thì chỉ mình Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, mới có một chức tư tế đồng hoá với chính Ngôi vị của Người, một chức tư tế đặc biệt và siêu việt là nguồn gốc ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Đức Giêsu đã chuyển trao chức tư tế của Người cho Giáo Hội qua trung gian của Thánh Thần; chính vì thế, nhờ Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội có trong mình cũng như trong mỗi chi thể của Giáo Hội một đặc tính linh mục. Một khía cạnh có tính quyết định, đó là chức tư tế của Đức Giêsu Kitô không còn có tính cách lễ nghi nữa, mà mang một đặc tính hết sức hiện sinh. Chiều kích lễ nghi không hề bị huỷ bỏ, nhưng, như chúng ta đã thấy rõ điều này qua việc Đức Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, chiều kích lễ nghi rút ý nghĩa của mình từ Mầu nhiệm Vượt Qua. Mầu nhiệm này làm cho những hy lễ cổ xưa được kiện toàn và đồng thời lại vượt qua những hy lễ ấy. Như thế chúng ta đã thấy được một hy lễ mới, một chức tư tế mới và một đền thờ mới đã được khai sinh ra cùng một lúc như thế nào, và cả ba đều ăn khớp với Mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô. Giáo Hội, được kết hiệp với Đức Giêsu qua các bí tích, nối dài hành động cứu rỗi của Đức Giêsu, khi giúp cho con người được chữa lành bệnh nhờ đức tin, như anh mù Bartimê. Như thế, Cộng đồng Giáo Hội, theo vết chân của Thầy Chí Thánh và là Chúa của mình, được Chúa kêu mời đi suốt con đường phục vụ một cách quả quyết hơn, chia sẻ điều kiện sống của những con người thời đại chúng ta, để làm chứng cho mọi người về tình yêu của Thiên Chúa, và như thế, gieo rắc niềm hy vọng.

Các bạn thân mến, Giáo Hội luôn chuyển trao sứ điệp cứu độ này cùng một lúc với việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Ta chỉ cần lấy lại Thông điệp lịch sử “Populorum Progressio” – Phát triển các Dân tộc -: điều mà người Tôi tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã diễn tả bằng những từ ngữ suy tư, thì các nhà thừa sai đã thực hiện điều đó và còn tiếp tục thực hiện điều đó trên vùng đất truyền giáo, khi các ngài cổ vũ cho một sự phát triển biết tôn trọng những nền văn hoá địa phương và môi trường thiên nhiên, dựa theo một luận lý, mà đã hơn 40 năm nay, được xem là luận lý duy nhất có thể đưa các dân tộc châu Phi thoát cảnh nô lệ của đói nghèo và bệnh tật. Điều này có nghĩa là loan báo niềm hy vọng dựa theo một “hình thái linh mục”, nghĩa là sống Tin Mừng theo ngôi thứ nhất, và tìm cách diễn đạt Tin Mừng thành những dự định và việc làm ăn khớp với nguyên tắc năng động nền tảng là tình yêu. Trong suốt ba tuần lễ vừa qua, đại hội đặc biệt lần hai của Thượng hội đồng Giám mục châu Phi đã khẳng định điều mà vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nêu rõ, và chính tôi cũng đã muốn đào sâu trong Thông điệp Caritas in veritate – Bác ái trong Chân lý -: chúng ta phải canh tân mô hình phát triển toàn cầu, làm sao cho mô hình phát triển ấy có thể “bao gồm tất cả mọi dân tộc, chứ không phải chỉ có những dân tộc nào có khả năng hơn” (s. 39). Điều mà học thuyết xã hội của Giáo Hội vẫn luôn bảo vệ, khởi đi từ quan niệm của Giáo Hội về con người và xã hội thì hiện tượng toàn cầu hoá ngày nay cũng đòi hỏi như thế (x. sđd). Chúng ta cần nhắc lại rằng chúng ta không được hiểu toàn cầu hoá theo cách tất nhiên, như thể những lực vô danh, phi nhân và hoàn toàn độc lập với ý chí con người sản sinh ra những năng động của hiện tượng toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá là một thực tế nhân văn, và như thế, nó có thể được thay đổi dựa theo một hình thái văn hoá hay một hình thái nào khác. Giáo Hội làm việc dựa theo quan niệm nhân vị và cộng đoàn, để định hướng tiến trình toàn cầu hoá của nhân loại về những mối tương giao liên hệ, huynh đệ và chia sẻ (x. sđd, s.42).

“Hãy tin tưởng, hãy đứng lên…”. Hôm nay đây, Chúa sự sống và hy vọng cũng nói như thế với Giáo Hội và các dân tộc châu Phi, vào lúc kết thúc những tuần lễ suy tư của Thượng Hội đồng Giám mục. Hỡi Giáo Hội châu Phi là gia đình của Thiên Chúa, anh em hãy đứng lên, bởi vì Cha Trên Trời đang kêu gọi anh em. Thiên Chúa là Đấng mà tổ tiên anh em vẫn kêu cầu Người như Đấng Tạo Hoá, trước khi biết được sự gần gũi đầy lòng nhân hậu của Người, được mạc khải trong người Con độc nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Anh em hãy xây dựng con đường tái rao giảng Tin Mừng với lòng can đảm đến từ Thánh Thần. Hoạt động tái rao giảng Tin Mừng thật cấp bách mà chúng ta đã có dịp nói nhiều trong những ngày vừa qua, cũng bao hàm một lời kêu gọi khẩn thiết giao hoà, là điều kiện cần thiết để thiết lập tại châu Phi những mối tương giao công lý giữa con người với nhau, và để xây dựng một nền hoà bình đích thực và bền vững biết tôn trọng mỗi cá nhân và mọi dân tộc; một nền hoà bình cần mọi người thành tâm thiện chí đóng góp và mở ra đón nhận họ, bất kể họ thuộc về tôn giáo, sắc tộc, văn hoá hay xã hội nào. Hỡi Giáo Hội đang lữ hành tại châu Phi trong thiên niên kỷ thứ ba, này, anh em không đơn độc trong sứ mệnh hết sức quan trọng này đâu. Toàn thể Giáo Hội Công giáo đều gần gũi anh em qua kinh nguyện và tình liên đới tích cực, và từ trời cao, các thánh nam nữ của châu Phi đang đồng hành với anh em, các ngài là những con người, bằng cả cuộc đời, và đôi khi bằng cả máu đào đã đổ ra vì đạo Chúa, đã trung thành làm chứng cho Đức Kitô.

Hãy tin tưởng! Hãy đứng lên, hỡi lục địa châu Phi, là vùng đất đã đón tiếp Đấng Cứu Thế trần gian. Khi còn thơ bé, Người đã phải lánh nạn bên Ai Cập cùng với Thánh Giuse và Đức Maria, để bảo toàn tính mạng tránh cơn bách hại của vua Hêrôđê. Với một niềm phấn khởi mới, hãy đón nhận Tin Mừng đã được loan báo cho anh em, để cho dung mạo của Đức Kitô, bằng ánh quang rực rỡ của Người, có thể chiếu soi các nền văn hoá và ngôn ngữ đa dạng của các dân tộc anh em. Trong khi trao ban bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể, nhờ mọi phương tiện sẵn có, Giáo Hội cũng dấn thân hoạt động, để làm sao cho không một người châu Phi nào phải thiếu bánh ăn mỗi ngày. Chính vì lý do đó mà cùng với hành động cấp thiết nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Kitô hữu luôn chủ động trong hoạt động thăng tiến con người.

Các Nghị phụ Thượng hội đồng thân mến, đó là những suy nghĩ của tôi. Tôi muốn gửi đến anh em những lời chào hỏi thân tình nhất, và cám ơn anh em đã tham dự Đại hội một cách hết sức chủ động. Khi anh em trở về quê nhà, thưa các Mục tử của Giáo hội châu Phi, xin hãy mang lời chúc lành của tôi về cho các cộng đồng của anh em. Xin hãy chuyển đến mọi người lời kêu gọi hoà giải, công lý và hoà bình thường âm vang trong Thượng hội đồng này. Trong khi Đại hội Thượng Hội đồng này sắp được kết thúc, tôi không biết gì hơn ngoài việc bày tỏ lại một lần nữa lòng biết ơn chân thành của tôi đến vị Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục và tất cả những cộng sự viên của người. Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đến các ca đoàn của cộng đồng Nigéria tại Rôma và của Học viện Éthiopie, đã góp phần làm cho phụng vụ được thêm sinh động hoá. Và cuối cùng, tôi cũng xin cám ơn tất cả những ai đã đồng hành với những phiên họp của Thượng Hội đồng qua lời cầu nguyện của họ. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria ân thưởng cho tất cả và cho mỗi người trong anh chị em, và ước gì Giáo Hội châu Phi có thể phát triển trong mỗi phần đất của đại lục này, và loan truyền khắp nơi “muối” và “ánh sáng” của Tin Mừng.