Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người
Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người, tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng yêu thương nó. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trước hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương Á châu như Indonesia, Nhật Bản và Philippines. Từ Phi châu có đoàn hành hương Nigeria. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Panama, Mêhicô và Argentina.
Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người
Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người, tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng yêu thương nó.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên trước hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu có các đoàn hành hương Á châu như Indonesia, Nhật Bản và Philippines. Từ Phi châu có đoàn hành hương Nigeria. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Panama, Mêhicô và Argentina.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài ý nghĩa của đức tin kitô trong thời đại ngày nay. Trong một thế giới trong đó khoa học và kỹ thuật đã mở ra các chân trời không thể nghĩ tới cho tới cách đây ít lấu, tin có nghĩa là gì?
Đức Thánh Cha đã nhận định tình hình ngày nay:
Ngày nay cùng với nhiều dấu chỉ sự thiện, gia tăng chung quanh chúng ta một sa mạc tinh thần nào đó. Từ vài biến cố mà chúng ta biết tin tức ngày nay, đôi khi người ta có cảm tưởng rằng thế giới không đi tới việc xây dựng một cộng đoàn huynh đệ và hoà bình hơn. Các tư tưởng về tiến bộ và hạnh phúc cho thấy các bóng đen của chúng. Mặc dù sự cao cả của các khám phá khoa học và các thành công của kỹ thuật, con người ngày nay xem ra đã không trở thành thực sự tự do và nhân bản hơn. Vì vẫn còn có các hình thức khai thác, lèo lái, bạo lực áp bức và bất công… Thế rồi có một loại văn hoá đã giáo dục con người chỉ di chuyển trên chiều ngang của các sự vật, của cái có thể làm được, chỉ tin nơi những gì nó thấy, và sờ mó được với bàn tay của nó.
Tuy nhiên, đàng khác cũng gia tăng số những người cảm thấy lạc hướng, và trong việc tìm kiếm họ đi xa hơn viễn tượng hàng ngang của thực tại. Họ sẵn sàng tin vào tất cả và cái trái nghịch của nó. Chính trong bối cảnh này nổi lên vài vấn nạn nền tảng, cụ thể như: Sống có ý nghĩa gì? Có một tương lai cho con người, cho chúng ta và các thế hệ mới hay không? Phải hướng các lựa chọn tự do của chúng ta để thành công và hạnh phúc theo hướng nào? Cái gì chờ đợi chúng ta bên kia ngưỡng cửa của cái chết?
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng thế giới của việc kế hoạch hoá, của sự đo lường chính xác và của thực nghiệm. Tắt một lời, sự hiểu biết của khoa học, tuy quan trọng đối với cuộc sống con người, nhưng không đủ. Chúng ta không chỉ cần bánh vật chất, mà còn cần tình yêu thương, ý nghĩa và niềm hy vọng, một nền tảng và một vùng đất vững chắc giúp sống với một ý nghĩa đích thực, cả trong cuộc khủng hoảng, trong các đêm tối, các khó khăn và các vấn đề thường ngày nữa. Đức tin trao ban cho chúng ta điều đó: nó là sự tin tưởng tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng trao ban cho tôi một sự chắc chắn khác, không kém vững vàng hơn sự chắc chắn đến từ sự tính toán chính xác của khoa học.
Đức tin không chỉ là một sự đồng ý đơn sơ thông minh của con người đối với các sự thật về Thiên Chúa. Nó là một cử chỉ, qua đó tôi tín thác một cách tự do nơi một vì Thiên Chúa là Cha yêu thương tôi. Nó là việc gắn bó với một Đấng trao ban cho tôi niềm hy vọng và sự tin tưởng. Với sự gắn bó ấy chúng ta ý thức được rằng chính Thiên Chúa đã tự tỏ lộ ra nơi Đức Kitô, đã cho thấy gương mặt của Người và thực sự sống gần gũi với từng người trong chúng ta. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa đã mạc khải tình yêu vô biên của Người đối với từng người trong chúng ta: trên thập giá, Đức Giêsu thành Nazareth, Con Thiên Chúa làm người, cho chúng ta thấy một cách rạng ngời nhất tình yêu đó đạt tới mức độ tự hiến hoàn toàn chính mình. Với mầu nhiệm của cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa xuống tới tột cùng trong nhân tính của chúng ta để nâng cao nó lên với Người. Đức tin là tin vào tình yêu ấy của Thiên Chúa, tình yêu không thuyên giảm trước cái gian ác của con người, trước sự dữ và cái chết, nhưng có khả năng biến đổi mọi hình thức nô lệ, bằng cách trao ban khả năng cứu rỗi.
Đức Thánh Cha định nghĩa đức tin:
Như thế, tin là găp gỡ Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa của một tình yêu không thể phá huỷ, tình yêu không chỉ khát khao, mà còn trao ban sự vĩnh cửu. Tin là tín thác nơi Thiên Chúa với thái độ của một trẻ em, biết rõ rằng tất cả các khó khăn, các vấn đề của nó được yên hàn trong mẹ nó. Khả thể cứu rỗi đó nhờ đức tin là một ơn Thiên Chúa cống hiến cho tất cả mọi người. Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta đầy các vấn đề và tình trạng đôi khi thê thảm, chúng ta phải năng suy niệm hơn về sự kiện tin theo tinh thần Kitô có nghĩa là tin tưởng phó thác cho ý nghĩa sâu thẳm nâng đỡ chúng ta và thế giới, ý nghĩa mà chúng ta không thể tự ban cho mình, mà chỉ có thể lãnh nhận như một ơn, và nó là nền tảng giúp sống mà không sợ hãi. Và sự chắc chắn giải thoát và trấn an đó của đức tin chúng ta phải có khả năng loan báo bằng lời nói và cho thấy bắng cuộc sống Kitô của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Tuy nhiên, mỗi ngày chúng ta cũng thấy nhiều người thờ ơ hay khước từ tiếp nhận lời loan báo này. Vào cuối Phúc Âm Thánh Marcô Chúa Giêsu khẳng định: “Ai tin và được rửa tội sẽ được cứu rỗi, nhưng ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Sự tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần phải thúc đẩy chúng ta luôn ra đi rao giảng Phúc Âm, can đảm làm chứng cho đức tin. Nhưng ngoài khả thể trả lời tích cực cho ơn đức tin, cũng còn có nguy cơ khước từ Tin Mừng, không chấp nhận cuộc gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô. Trong một chú giải dụ ngôn người gieo giống Thánh Augustinô đã đặt vấn nạn này và nói: “Chúng ta nói, chúng ta ném và gieo vãi hạt giống. Có những người khinh rẻ, có những người trách mắng, có những người chế nhạo. Nếu chúng ta sợ họ, chúng ta sẽ chẳng còn có gì để gieo vãi nữa, và ngày gặt hái chúng ta sẽ không thu lượm được gì. Vì thế, ước gì hạt giống đến từ đất tốt” (Discorsi sulla disciplina cristiana, 13,14; PL 40,677-678). Như thế, sự khước từ không thể làm cho chúng ta nản lòng. Như là Kitô hữu chúng ta làm chứng cho thửa đất phì nhiêu ấy: tuy có các giới hạn, nhưng đức tin của chúng ta cho thấy có thửa đất tốt, nơi hạt giống Lời Chúa sinh bông hạt dồi dào của sự công chính, hòa bình và tình yêu thương, của nhân loại mới, của ơn cứu độ.
Nhưng từ đâu con người kín múc được tâm trí cởi mở ấy để tin nơi Thiên Chúa, là Đấng đã trở thành hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô chết và sống lại, để tiếp nhận ơn cứu rỗi của Người, và để Người và Tin Mừng của Người hướng dẫn và là ánh sáng cho cuộc đời? Chúng ta có thể tin nơi Thiên Chúa vì Người đã tới gần chúng ta và đánh động chúng ta, bởi vì Chúa Thánh Thần, ơn của Đấng Phục Sinh, khiến cho chúng ta có khả năng tiếp nhận Thiên Chúa hằng sống. Như thế, đức tin trước hết là một ơn siêu nhiên của Thiên Chúa. Công đồng Chung Vatican II khẳng định: “Để được niềm tin này cần có ân sủng của Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và ban cho mọi người cảm thấy sự dịu ngọt khi đón nhận tin theo chân lý” (Dei Verbum, 5).
Trong nền tảng con đường đức tin của chúng ta có phép Rửa Tội, là bí tích trao ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, bằng cách làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và ghi dấu việc gia nhập cộng đoàn đức tin, trong Giáo Hội. Ta không tự mình mà tin, không có ơn của Thánh Thần. Và ta không tin một mình, mà cùng tin với các anh chị em khác. Từ khi được rửa tội trở đi mỗi tín hữu được mời gọi sống trở lại và biến việc tuyên xưng đức tin ấy thành của mình cùng với các anh chị em khác.
Đức Thánh Cha nói thêm: Đức tin là ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là cử chỉ tự do của con người một cách sâu xa nữa. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói rõ: “Không thể tin mà không có ơn thánh và các trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần. Nhưng cũng không kém thật tin là một hành động thật sự nhân bản. Nó không trái nghịch với sự tự do cũng như với trí thông minh của con người” (số 154). Trái lại, nó bao hàm và nâng cao chúng lên, trong một sự đánh cá cuộc sống giống như một cuộc xuất hành của sự tự do: ra khỏi chính mình, ra khỏi các an ninh, các lược đồ trí tuệ của minh, để tín thác nơi hoạt động của Thiên Chúa, là Đấng chỉ cho chúng ta con đường đạt được sự tự do đích thực, đạt được căn tính là người của chúng ta, đạt được niềm vui thật của con tim, đạt được hoà bình với tất cả mọi người. Tin là tín thác, trong sự tự do hoàn toàn và với niềm vui, nơi chương trình quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử, như tổ phụ Abraham, như Đức Maria thành Nazareth. Khi ấy đức tin là một sự đồng ý, qua đó tâm trí chúng ta nói lên tiếng “vâng” với Thiên Chúa, bằng cách tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa. Và tiếng “vâng” ấy biến đổi cuộc sống, mở đường cho nó tiến tới ý nghĩa tràn đầy, và như vậy khiến cho nó được mới mẻ, phong phú niềm vui và hy vọng đáng tin.
Thời đại ngày nay đòi hỏi các Kitô hữu được Chúa Kitô nắm bắt, và trưởng thành trong đức tin nhờ sự quen thuộc với Thánh Kinh và các Bí tích, như một cuốn sách mở rộng kể lại kinh nghiệm sống mới trong Chúa Thánh Thần, kể lại sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ chúng ta trên đường đời và mở ra cho chúng ta sự sống bất tận.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Ảrập, Croatia, Slovac và Ý rồi cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.