02/01/2025

Chúa Nhật XXVIII TN-B: Sống tinh thần nghèo khó để loan báo Tin Mừng

Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu thôi thúc mỗi người chúng ta trở lại tinh thần nghèo khó thật sự của người môn đệ, dám bỏ đi tất cả như một người hành khất Kitô của thời đại hôm nay. Khi ấy chúng ta sẽ thấy mình bước đi thanh thản và tràn đầy niềm vui giữa dòng đời chìm nổi, bon chen để loan báo Tin Mừng của Người

 

Sống tinh thần nghèo khó để loan báo Tin Mừng

Hành Khất Kitô

Lời mở

Giáo hội Công giáo vừa khai mạc năm Đức Tin và đang mở Thượng Hội đồng Giám mục để cùng bàn luận đề tài “tái loan báo Tin Mừng để truyền bá đức tin”. Giáo Hội hy vọng rằng: người tín hữu, khi nhìn lại đức tin của mình để sống hiệu quả hơn, có thể loan báo Tin Mừng cho người khác. Tuy nhiên, đức tin của họ phải trực tiếp nhắm vào Đức Giêsu là Tin Mừng sống động để theo Người và gắn bó với Người, thì việc loan báo Tin Mừng mới hiệu quả.

Trong tuần đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục, các nghị phụ được mời gọi để nhìn lại những thái độ nên tránh hay cần phải có của người tín hữu khi loan báo Tin Mừng và tìm hiểu tại sao việc loan báo Tin Mừng lại chưa hiệu quả như lòng mong ước.

1. Những nhận định xác đáng

1.1. Ngày 9-10-2012, Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas thuộc giáo phận Lingagen-Dagupan, Philippines, đã được các nghị phụ vỗ taytán thưởng khi nói đến thái độ nghèo khó và khiêm tốn mà người tín hữu cần phải có khi rao giảng Tin Mừng. Ngài nói rằng: “Chỉ có thể loan báo Tin Mừng cho những người nghèo nếu người truyền giảng Tin Mừng chia sẻ sự nghèo khó của họ. Tin Mừng có thể được rao giảng cho những bao tử trống rỗng nhưng chỉ khi nào bao tử của người rao giảng Tin Mừng cũng trống rỗng như bao tử của giáo dân của họ… Đối với việc rao giảng Tin Mừng cần phải có sự khiêm tốn mới mẻ. Tin Mừng không thể thu hút trong niềm kiêu hãnh… Theo Chúa Kitô tức là noi gương Chúa Kitô với một cảm thức sâu xa về lòng kính trọng đối với nhân loại. Việc rao giảng Tin Mừng bị thương tổn và tiếp tục bị cản trở vì sự kiêu hãnh của những sứ giả Tin Mừng…” (x. www. hdgmvn, ngày 10-10-201).

1.2. Những lời phát biểu ấy gợi cho chúng ta nhớ lại bài phỏng vấn cuối cùng của ĐHY Martini, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Milan. Ngài nhận xét rằng: “Giáo hội Công giáo chúng ta đang ở trong hoàn cảnh của chàng thanh niên giàu có: buồn bã và đang lánh xa khi Chúa Giêsu kêu gọi anh ta trở thành môn đệ của Người”. Vị Hồng y như muốn mời gọi chúng ta suy nghĩ về hình ảnh của chàng thanh niên giàu có qua bài Phúc Âm hôm nay (x. Mc 10,17-30) để thấy rằng chúng ta cần phải can đảm quay trở lại tinh thần nghèo khó mà Đức Giêsu mong muốn thì mới có thể rao giảng Tin Mừng cách hiệu quả.

Có thể nói rằng Giáo Hội chúng ta đang giàu có vì có rất nhiều của cải vật chất lẫn tinh thần. Về vật chất ta có nhiều thánh đường nguy nga, nhiều nhà giáo l‎ý lớn lao, nhiều trung tâm hành hương vĩ đại. Tuy nhiên, tại sao những nhà thờ lại trống vắng, những tu viện không có ai đi tu? Về tinh thần: ta có nhiều nghi lễ trang trọng, nhiều lời kinh đầy ý nghĩa thâm sâu, và có cả một nền thần học hai ngàn năm với bao luận đề sâu sắc, nhưng tại sao nhân loại lại quay lưng với chúng ta?

2. Từ bỏ để sống tinh thần nghèo khó

2.1.Những lời của của ĐHY có thể làm cho chúng ta đau buồn, nhưng đó là sự thật. Ngài nói rằng: “Tôi biết rằng từ bỏ mọi sự là điều khó khăn, nhưng ít ra nhờ đó chúng ta có thể tìm kiếm được những con người tự do và biết quan tâm đến những người khác, nhất là những người nghèo khổ, tật bệnh, những người đang bị gạt ra khỏi xã hội”. ĐHY cũng như Thượng Hội đồng Giám mục mời gọi mỗi tín hữu nhìn lại cách sống của mình. Chúng ta có dám theo lời đề nghị của Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên giàu có: “Anh chỉ còn thiếu một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc,10,21)?

Đức Giêsu đem lòng yêu mến chành thanh niên khi anh nói rằng mình đã giữ tất cả các giới răn Người kể tên ngay từ thuở nhỏ. Nhiều tín hữu cũng đang được Đức Giêsu yêu mến vì đã giữ cặn kẽ tất cả các giới răn Kitô giáo. Nhưng có lẽ họ cũng như chúng ta chỉ còn thiếu một điều: đó là từ bỏ mọi sự mình đang có để sống lại tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu thì mới có thể đi theo Người và làm cho người khác cùng đi theo Chúa Giêsu.

2.2.Tinh thần nghèo khó thật sự là gì?

Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng tinh thần nghèo khó này không liên can trực tiếp đến của cải vật chất hay tinh thần, không hệ tại ở việc có nhà thờ lớn hay nhỏ, kinh sách nhiều hay ít, vì tất cả đều là những ơn phúc và phương tiện Chúa ban cho chúng ta sử dụng tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của đời sống. Nghe theo lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải là ta về nhà bán hết những tài sản mình có hay yêu cầu Giáo hội đi tổ chức lễ nghi ở ngoài nhà thờ như thời Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cho dân chúng trước đây!

Tinh thần nghèo khó mà Đức Giêsu mời gọi đó là tinh thần của người nghèo: nghĩ rằng mình không có gì hết nên đặt trọn niềm tin yêu, hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng giàu sang và quyền năng vô cùng, là Cha của Chúa Giêsu Kitô và cũng là Cha chúng ta, chính Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta những gì cần thiết. Như thế, chúng ta chỉ còn 1 việc là cố gắng bước theo Đức Giêsu, là hình ảnh cụ thể của Thiên Chúa ở trên trần thế và hành động như Người.

Các môn đệ đã làm như vậy. Họ có cha mẹ, vợ con, ruộng đất, thuyền lưới, nghề nghiệp… nhưng họ đã bước theo Chúa Giêsu và chẳng ai bị đói khát, chẳng ai bị thiếu thốn vì Đức Giêsu là tất cả cho họ. Khi họ gắn bó với Chúa Giêsu, Người chuyển thông cho họ tình yêu, quyền năng và tất cả những ân phúc cần thiết của Người để họ lại tiếp tục làm những phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, hoá bánh ra nhiều, cho người chết sống lại. Lời của họ trở thành Tin Mừng sống động loan báo cho người khác và bao người trong mấy thế kỷ đầu tiên đã hứng khởi theo Chúa Giêsu.

2.3. Đó là tinh thần mà Đức Giêsu đang kêu mời mỗi người chúng ta trong năm đức tin này. Chúng ta đã được mời gọi để phó thác đời mình cho Chúa giống như Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu đáp lại: “Thầy bảo thật anh em, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà ngay bây giờ ở đời này lại không nhận được nhà cửa, anh chị em, mẹ, con hay ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Mc 10,30). Ý nghĩa “từ bỏ” ở đây, giống như lời kêu gọi “bán tất cả”, chính là không để cho những của cải vật chất hay tinh thần cũng như các mối quan hệ với gia đình, người thân, bạn bè chi phối hay ảnh hưởng đến mối quan hệ của ta với Thiên Chúa, với Đức Giêsu hay đến công việc rao giảng Tin Mừng.

Quả thật, khi dám từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu, ta tưởng mình không còn gì hết nhưng lại có tất cả và cảm nhận được rằng bao người ta tiếp xúc lại trở thành cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em của ta để ta hết lòng yêu mến và phục vụ họ. Nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, của cải vật chất cũng như tài năng tinh thần của bao người khác lại trở thành những phương tiện để ta sử dụng cho sáng danh Chúa và mưu ích cho con người.

Chắc chắn Chúa Giêsu rất thực tế: Người nhắc nhở chúng ta can đảm chấp nhận sự ngược đãi vì cuộc chiến đấu cho sự thật và sự sống, cho tình yêu, công lý và hoà bình làm cho ta phải đối mặt và đối đầu với bao thế lực thù địch của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tuy nhiên, một khi ta đã can đảm tôn thờ tên “Tội phạm Giêsu” ấy làm Chúa rồi thì ta sẵn lòng đón nhận mọi sỉ vả, nhục nhã, khổ đau trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ đến mức ấy mới trọn vẹn vì ta dám hy sinh cả danh dự và sự sống của mình cho Chúa Giêsu. Lúc đó, ta hoàn toàn trống rỗng để tình yêu, quyền năng, ân sủng Thánh Thần của Chúa Giêsu ùa vào và tràn ngập thân ta, biến ta thành Tin Mừng sống động giống như Người.

Lời kết

Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu thôi thúc mỗi người chúng ta trở lại tinh thần nghèo khó thật sự của người môn đệ, dám bỏ đi tất cả như một người hành khất Kitô của thời đại hôm nay. Khi ấy chúng ta sẽ thấy mình bước đi thanh thản và tràn đầy niềm vui giữa dòng đời chìm nổi, bon chen để loan báo Tin Mừng của Người.