02/01/2025

Chúa Nhật XXVII TN – B: Xin Mẹ Mân Côi cầu khẩn cho Giáo Hội

Lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay như nhắc nhở ta hợp cùng Mẹ cầu xin Chúa cứu thoát Giáo Hội khỏi những nguy hiểm, thử thách nặng nề trong nội bộ cũng như ngoại giới bằng kinh Mân Côi như Mẹ đã làm xưa vào năm 1571.

Xin Mẹ Mân Côi  cầu khẩn cho Giáo Hội

Hành Khất Kitô
Lời mở
Chiều nay tại Rôma, 400 đại biểu từ nhiều nơi trên thế giới cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) lần thứ 13 với chủ đề “Tái loan báo Tin Mừng để truyền bá đức tin”. Trong tuần này, ngày thứ Năm, 11-9, Giáo Hội (GH) long trọng khai mạc Năm Đức tin để mọi người tín hữu nhìn lại đức tin của mình, sống gắn bó với Đức Giêsu hơn và thông truyền đức tin cho người khác. Cũng trong tuần này, các giám mục của Giáo hội Việt Nam (GHVN) sẽ khai mạc phiên họp thường niên của Hội đồng tại Toà Giám mục Thanh Hoá.
Vì thế, chúng ta muốn nhân dịp này cầu nguyện để xin Mẹ Mân Côi khẩn cầu cùng Chúa cho từng tín hữu trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
1. Tại sao Giáo Hội lại chọn chủ đề “Tái loan báo Tin Mừng” và mở Năm Đức Tin?
Chúng ta đã nhiều lần nói đến việc loan báo Tin Mừng trong Giáo Hội hiện nay hình như đang chậm lại và thiếu hiệu quả, cũng như nhắc đến các con số chứng minh việc tăng trưởng yếu kém của người Công giáo trên toàn thế giới và ngay trong Giáo hội Việt Nam.
Chúng tôi cũng muốn nhắc đến 1 sự kiện: ngày 31-8-2012, Đức Hồng y Carlo Maria Martini, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Milan qua đời. Đây là giáo phận lớn nhất châu Âu với 4.900.000 tín hữu. Trước khi qua đời, nhật báo Corriere della Serra của Ý đã phỏng vấn ngài, và bài phỏng vấn cuối cùng này được nhiều nước trên thế giới đăng lại (x. La Croix của Pháp, Công giáo và Dân tộc của Việt Nam, số 1874, tr.23…).
Với đầu óc sáng suốt minh mẫn của 1 người đã từng làm Viện trưởng Giáo hoàng Học viện Thánh Kinh, Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, ngài nhận định rằng: Giáo hội Công giáo đang mệt mỏi và chậm trễ. Nền văn hoá Công giáo đang già đi, các ngôi nhà thờ thì rộng lớn, các dòng tu thì trống vắng, và bộ máy quan liêu của Giáo Hội lại đang phát triển. Các nghi lễ và áo mặc mang tính khoa trương… Giáo Hội đang bỏ quên những người nghèo khổ và giới trẻ năng động… Đức Hồng y kêu gọi tất cả Giáo Hội cùng hoán cải để trở về tinh thần can đảm hăng say ban đầu, lắng nghe Lời Chúa và dùng bí tích như một phương tiện chữa lành, thay vì trừng phạt, những con người gặp hoàn cảnh yếu đuối trong cuộc sống như phải ly dị, ngăn trở trong hôn nhân…
Những lời phát biểu trong cuộc phỏng vấn cuối cùng này có thể làm phật lòng một số vị lãnh đạo trong Giáo Hội, nhưng đó là những lời tâm huyết của vị chủ chăn sáng suốt và nhiều kinh nghiệm. Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của người hiểu được giá trị thật sự cuộc đời, gửi lại cho những người anh em rất thân yêu trước khi về cõi vĩnh hằng nên rất đáng chúng ta trân trọng, suy tư.
2. Tin Mừng sống động
Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam, giống như các tông đồ và các môn đệ đã cùng cầu nguyện với Đức Maria và các anh em Chúa Giêsu tại nhà Tiệc Ly để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 1,12-14). Nhờ sự soi sáng của Ngài, mỗi tín hữu, từ vị lãnh đạo đến người giáo dân, đều được ơn hoán cải để trở về với tinh thần của Chúa Giêsu, để khám phá ra Chúa Giêsu mới chính là Tin Mừng sống động. Rất nhiều người, khi nói đến việc loan báo Tin Mừng, là nghĩ ngay đến những lời, những chữ viết trong cuốn Tân Ước hay Thánh Kinh rồi lặp đi lặp lại  một cách máy móc.
ĐTC Bênêđictô trong số 11 của Bản Đề cương THĐGM 2012 nhắc nhở ta rằng: “Khi nói đến Tin Mừng (TM), chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. TM là một cái gì nhiều hơn nữa: nó là một lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. TM không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị (như của một số đảng phái ở châu Âu) mà là một con người: Đó là Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người. Tin Mừng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, TM không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá TM. Do đó, mục tiêu của việc truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó đẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta”.
Đức Giêsu là con người sống động nên chúng ta cần phải tìm hiểu, học hỏi, gặp gỡ thì mới có thể yêu mến và kết hợp với Người vì “vô tri thì bất mộ”. Người đang sống giữa chúng ta, sống trong chúng ta và chúng ta cần cảm nghiệm được sự hiện diện của Người thì mới phát huy được quyền năng, tình yêu, ân sủng Người ban để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, loan báo TM bằng con người nhỏ bé, yếu đuối, tội lỗi của mình. Ta cần mở rộng tâm hồn như Mẹ Thánh Mân Côi hôm nay để đón nhận Thánh Thần (Lc 1,26-38), và cảm nghiệm được Ngôi Lời là TM sống động trong lòng mình, ta mới thấy đời mình đầy bình an và hoan lạc như Mẹ.
Hơn nữa, giống như Người Mẹ Thánh, ta lại lên đường để chia sẻ TM sống động ấy cho người chị họ Elizabeth, cho mọi người ta gặp gỡ để cùng hiện diện sống động trong Nhà Tiệc Ly với Giáo Hội vào bất cứ hoàn cảnh hay thời đại nào. Như ĐHY Martini và nhiều người nhận thấy rằng: Giáo Hội đang bỏ quên con người nên không chuyển được TM cho con người, nhất là những người nghèo khổ, thiếu thốn, tàn tật.
Thế giới hiện nay có hơn 1 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói. Việt Nam đang có khoảng 20 triệu người trên tổng số 90 triệu dân không kiếm được 20.000 đồng một ngày. Thế nhưng Giáo Hội vẫn đang tiếp tục xây dựng những thánh đường nguy nga, tổ chức những lễ nghi hoành tráng, những cuộc hành hương tốn kém. Việt Nam đang có khoảng 16 triệu người khuyết tật, hơn 50 triệu người trẻ dưới 35 tuổi nhưng thử hỏi người tín hữu chúng ta đã dành những hoạt động nào, những vật chất nào để lo cho những con người ấy?
Mẹ Mân Côi như muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay rằng: Con người là con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của Thiên Chúa vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người để chúng ta quan tâm đến con người hơn những thứ vật chất phụ thuộc kia và phục vụ con người với tình yêu của Thánh Thần Thiên Chúa như Mẹ. Chính Đức Giêsu, TM sống động, mới là đền thánh ta cần xây dựng nơi những con người khốn khổ hiện nay. Còn nếu Giáo Hội bỏ quên con người, không muốn phục vụ họ, thì Giáo Hội không còn lý do tồn tại, và con người từ khước Giáo Hội, quay lưng với TM là lẽ đương nhiên.
3. Lần chuỗi Mân Côi với Thần Khí Chúa
Điểm thứ ba chúng ta suy tư: hãy dùng kinh Mân Côi làm phương tiện để giúp ta hoán cải và loan báo TM sống động cho mọi người. Lời kinh này rất dễ đọc, nhưng ta nên đọc như thế nào?
Điểm đáng chú ý năm nay là ta hãy đọc bằng Thần Khí Chúa như Mẹ Maria. Mẹ đã mở lòng cho Chúa Ngôi Lời khi để “Thánh Thần ngự xuống trên mình”, Mẹ đã hít thở Thần Khí Chúa vào trong mình để nói lên được tiếng “Xin Vâng” (x. Lc 1,38), thì ta cũng phải đọc kinh Mân Côi trong Thần Khí. Lời kinh ta đọc, khi thoát ra khỏi miệng ta, khỏi lòng ta, chỉ vươn tới Thiên Chúa nếu ta hít thở được Thần Khí mạnh mẽ vô song, kéo dài vô tận. Đó là Thần Khí của Đấng Phục Sinh ban cho ta khi thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22)
Vì thế, khi đọc kinh Mân Côi, ta hãy dành 1 giây hít một hơi dài để nói với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa, xin hãy ngự vào lòng con và mở miệng con” hay nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Chúa cho con”. Rồi ta đọc các lời kinh. Thỉnh thoảng, ta có thể lặp lại hơi thở Thần Khí ấy. Như thế lời kinh Mân Côi sẽ mang những tâm tình của Mẹ Thánh và thật sự vang tới Thiên Chúa.
Lời kết
Lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay như nhắc nhở ta hợp cùng Mẹ cầu xin Chúa cứu thoát Giáo Hội khỏi những nguy hiểm, thử thách nặng nề trong nội bộ cũng như ngoại giới bằng kinh Mân Côi như Mẹ đã làm xưa vào năm 1571. Xin Mẹ cho chúng ta được ơn hoán cải, biết tìm hiểu nhiều hơn về Chúa Giêsu và gắn bó với Người để trở nên Tin Mừng sống động của Người cho thế giới hôm nay.