24/11/2024

Vai trò của người giáo dân cần được đề cao

Khoảng 500 linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự toạ đàm “Vai trò và sứ vụ của giáo dân theo Công đồng VaticanII”… Toạ đàm nổi bậc với các tham luận như “Vị trí và sứ vụ của giáo dân” của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giáo huấn của Công đồng về Ơn gọi và Sứ vụ của Giáo dân trong Giáo hội và thế giới” của Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, “Người giáo dân trưởng thành” của ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội và “Ơn gọi dấn thân và nên thánh của giáo dân giữa trần thế” của Bác sĩ Giuse Nguyễn Đăng Phấn.

Vai trò của người giáo dân cần được đề cao

 

Giáo huấn của CĐ.Vatican II gợi hứng cho nhiều giáo dân tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội

Khoảng 500 linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự toạ đàm “Vai trò và sứ vụ của giáo dân theo Công đồng VaticanII” do Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM và CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức hôm 29-9 nhằm kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II.

Toạ đàm nổi bậc với các tham luận như “Vị trí và sứ vụ của giáo dân” của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giáo huấn của Công đồng về Ơn gọi và Sứ vụ của Giáo dân trong Giáo hội và thế giới” của Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, “Người giáo dân trưởng thành” của ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội và “Ơn gọi dấn thân và nên thánh của giáo dân giữa trần thế” của Bác sĩ Giuse Nguyễn Đăng Phấn.

Bác sĩ Phấn nói rằng nhiều giáo dân sau khi đọc Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, Hiến chế Ánh sáng Muôn dân và Giáo Hội trong Thế giới ngày nay đã hứng khởi lên đường dấn thân vào các lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục.

Bác sĩ cho biết một số giáo dân chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho người có HIV/AIDS, khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu vùng xa, mở lớp học tình thương, cấp học bổng cho học sinh nghèo, chăm sóc tâm lý, tâm linh và huấn nghiệp cho người hậu cai nghiện ma tuý, lập nhà tình thương chị em lỡ lầm, chôn cất thai nhi bị phá bỏ để bảo vệ sự sống.

Ông ao ước người giáo dân dấn thân vào lĩnh vực chính trị để “đem đời sống thanh liêm và các giá trị tôn giáo chống lại bất công áp bức, độc tài của những cá nhân hay đảng phái chính trị”.

Một giáo dân 60 tuổi chia sẻ rằng toạ đàm là cơ hội cho giáo dân lên tiếng với hàng giáo phẩm.

“Nhiều giáo dân rất muốn đóng góp công sức vào các sinh hoạt của Giáo Hội nhưng họ gặp rào cản từ chính các vị chủ chăn” – ông khẳng định.

Ông giải thích những rào cản đó xuất phát từ mô hình kim tự tháp trong Giáo Hội với 2 giai cấp: chủ chăn (giáo sĩ) là người lãnh đạo và con chiên (giáo dân) là người phục tùng, thi hành lệnh chủ chăn. Ở đó, vai trò của người giáo dân hoàn toàn không được nhắc đến.

Ông liệt kê hàng loạt cách ứng xử của chủ chăn như linh mục không tôn trọng giáo dân, linh mục như ông quan, giáo dân chỉ là người phục vụ, linh mục không mời gọi giáo dân cộng tác vì nghĩ giáo dân không có khả năng, linh mục không đón nhận sáng kiến của giáo dân.

Chị Têrêsa Bùi Thị Nhàn, giáo dân Giáo xứ Tân Việt, bức xúc nói rằng một số linh mục không chú trọng đào tạo nhân bản, mục vụ, Kinh Thánh, hôn nhân gia đình cho giáo dân vì “sợ giáo dân trưởng thành thì không còn vâng lời các ngài”.

Chị Nhàn nói rằng người giáo dân cần được đào tạo để sống chứng tá trong môi trường của mình theo tinh thần của Công đồng Vatican II.

“Linh mục cần thay đổi quan điểm và cách nhìn về người giáo dân” – chị giáo lý viên lưu ý.

Đức cha Hợp, người sáng lập CLB, nhận xét Công đồng Vatican II xuất hiện như một mùa xuân trong Giáo Hội và đưa ra những định hướng mới, khai mở một cái nhìn khác về vai trò của giáo dân trong lòng Giáo Hội.

Vị giám mục 67 tuổi nhận định rằng ở Việt Nam, “óc giáo sĩ trị vẫn tồn tại nhiều nơi, những người lãnh đạo trong Giáo Hội vẫn chưa biết lắng nghe những ý kiến khác biệt của những giáo dân có lòng yêu mến và thiết tha với Giáo Hội”.

Ngài nói trong khi đó người giáo dân vẫn còn chú trọng việc giữ đạo và thiên về các nghi thức.

Ngài cho biết sắp tới CLB sẽ tổ chức các buổi toạ đàm cho từng giới và cung cấp các tài liệu học hỏi về Vatican II cho giáo dân để họ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin và làm men muối Tin Mừng giữa đời.