24/11/2024

Sự khôn ngoan đến từ trời cao

Tại sao ta lại không dừng lại để thỉnh thoảng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự khôn ngoan này? Tại sao ta lại không kín múc nơi dòng suối tinh tuyền của tình yêu Thiên Chúa sự khôn ngoan của tâm hồn tẩy uế ta khỏi những gì là cặn bã của dối gian và ích kỷ?

 Sự khôn ngoan đến từ trời cao

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin tại Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XXV Thường Niên, 20/9/2009

Anh chị em rất thân mến!

Hôm nay, để có được một bài suy niệm như thường lệ trong mỗi Chúa Nhật, thì tôi xin dựa trên một đoạn Thư của Thánh Giacôbê được phụng vụ hôm nay nhắc lại cho chúng ta (Gc 3,16-4,3), và đặc biệt, tôi sẽ dừng lại trên một câu nói có sức đánh động chúng ta qua vẻ đẹp và tính thời sự của nó. Đây là một bài mô tả về sự khôn ngoan đích thật, sự khôn ngoan mà Thánh Tông đồ đưa ra đối chiếu với sự khôn ngoan giả dối. Trong khi sự khôn ngoan này là “phàm trần, vật chất và ma quỷ”, và ta có thể nhận được nó qua những ganh tương, tranh chấp, hỗn độn và đủ mọi hành động xấu xa (x. 3,16), thì trái lại, “sự khôn ngoan đến từ trời cao trước tiên là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái đẹp, không thiên tư tây vị, cũng chẳng giả hình giả bộ” (3,17). Một liệt kê gồm bảy đức tính, mà dựa theo cách nói của Sách Thánh, thì sự khôn ngoan hoàn hảo và đích thực và những tác động tích cực của nó đều phát xuất từ những đức tính này. Thánh Giacôbê nói đến “sự thanh khiết” là phản ảnh trong suốt của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, nếu ta có thể nói được như thế, như là phẩm tính đầu tiên và chính yếu của sự khôn ngoan, một cách nào đó được xem như nền tảng của những đức tính khác. Và cũng như Thiên Chúa là nguồn gốc của khôn ngoan, nên nó không cần đến sức mạnh để áp đặt, bởi vì nó có được sức mạnh vô địch của chân lý và tình yêu có thể khẳng định chính mình. Chính vì thế, khôn ngoan thì hiếu hoà, dịu hiền và có tính hoà giải; khôn ngoan không hề thiên vị, không hề dối gian; khôn ngoan thì khoan dung và quảng đại, ta có thể nhận ra được sự khôn ngoan qua vô số hoa thơm trái ngọt của nó.

Tại sao ta lại không dừng lại để thỉnh thoảng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự khôn ngoan này? Tại sao ta lại không kín múc nơi dòng suối tinh tuyền của tình yêu Thiên Chúa sự khôn ngoan của tâm hồn tẩy uế ta khỏi những gì là cặn bã của dối gian và ích kỷ? Ai cũng cần phải làm như thế, nhưng trước tiên là những ai được Chúa kêu gọi làm người cổ xuý và “dệt nên” hoà bình trong những cộng đoàn tôn giáo và dân sự, trong những mối tương giao xã hội và chính trị, trong những mối bang giao quốc tế. Ngày nay, có lẽ do một số động thái riêng biệt của những xã hội quần chúng, nên ta thường thấy con người thiếu tôn trọng sự thật và không giữ lời hứa, cũng như khuynh hướng gây hấn, ghen ghét và báo thù ngày càng lan rộng. “Những ai kiến tạo hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trồng trong hoà bình là cuộc đời công chính”, Thánh Giacôbê đã viết như thế (Gc 3,18). Nhưng để làm công việc hoà bình, thì ta phải những con người của hoà bình, theo học trường dạy “khôn ngoan đến từ trời cao”, để đồng hoá những đặc tính của hoà bình và sản sinh những hoa quả hoà bình. Nếu mỗi người, trong môi trường sống của mình, có thể loại bỏ được những dối gian và bạo lực trong ý hướng, lời nói và hành động, bằng cách chăm chút trau dồi những tình cảm tôn kính, cảm thông và quý trọng người khác, thì có lẽ con người đã không cần phải giải quyết hết mọi vấn nạn của cuộc sống thường nhật, mà chỉ cần đương đầu với chúng một cách bình thản hơn và hữu hiệu hơn.

Các bạn thân mến, một lần nữa, Sách Thánh lại giúp chúng ta suy nghĩ về các khía cạnh luân lý của cuộc sống con người, nhưng khởi đi từ một thực tế đi trước cả nền luân lý, nghĩa là sự khôn ngoan đích thật. Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan của tâm hồn nhờ lời chuyển cầu của Đấng đã tiếp đón trong dạ và đã sinh ra Sự Khôn Ngoan nhập thể là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Lạy Mẹ Maria là Toà Đấng Khôn Ngoan, xin cầu cho chúng con!

Cuối giờ Kinh Truyền Tin

Vì tình hình xung đột trên thế giới ngày càng gia tăng, nên hầu như mỗi ngày chúng tôi đều nghe được những tin tức bi thảm về các nạn nhân trong quân đội cũng như về phía dân thường. Trong những xã hội luôn quan tâm đến hoà bình và quý trọng cuộc sống chung, thì những sự kiện trên không những bị mọi người bất bình mà còn lên án một cách nặng nề, thì ta không được xem thường và coi như cơm bữa. Trong những ngày vừa qua, tâm hồn tôi cảm thấy nặng trĩu khi nghe tin quân đội Ý bị mưu sát nặng nề tại Afghanistan. Bằng lời cầu nguyện, tôi xin được kết hiệp với đau khổ của các gia đình nạn nhân và của các cộng đồng dân sự cũng như quân sự, và đồng thời, cùng với những tình cảm hiệp thông tương tự, tôi cũng nghĩ đến những đội quân quốc tế khác cũng có nhiều nạn nhân trong hàng ngũ của họ, trong khi họ đang làm việc để cổ vũ cho hoà bình và phát triển những cơ cấu rất cần thiết cho việc chung sống của con người; tôi hứa là sẽ nhớ đến mọi người trước mặt Chúa, đặc biệt nhớ đến những thường dân thân yêu, và tôi mời gọi mọi người dâng lời kinh lên trước tôn nhan Chúa để cầu nguyện cho tất cả mọi người. Nhân đây, một lần nữa, tôi cũng muốn khuyến khích mọi người cổ vũ cho tình liên đới giữa các Quốc gia để chống lại luận lý của bạo lực và chết chóc, hỗ trợ công lý, hoà giải, hoà bình và sự phát triển của các dân tộc, khởi đi từ tình yêu và sự thông cảm lẫn nhau, như đã được trình bày mới đây trong Thông điệp Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý – của tôi (s.72).

Từ thứ bảy tới đây, 26/9 đến Thứ Hai,, 28/9, nếu Chúa muốn, tôi sẽ thực hiện một chuyến Tông du tại Cộng hoà Tiệp Khắc. Tôi sẽ lưu lại thủ đô Prague, nhưng tôi cũng sẽ đến Brno, tại Moravie, và tại Stará Boleslav, là nơi Thánh Venceslaô, Quan thầy của quốc gia Tiệp Khắc, đã đổ máu đào vì Chúa. Cộng hoà Tiệp Khắc nằm ở trung tâm châu Âu xét về mặt địa lý và lịch sử, và sau khi đã trải qua những thảm cảnh của thế kỷ vừa qua, quốc gia này cần tìm lại những lý do của đức tin và đức trông cậy như toàn bộ lục địa châu Âu này. Theo bước chân của vị Tiền nhiệm đáng mến của tôi là Đức Gioan Phaolô II, người đã đến quốc gia này ba lần, tôi cũng thế, tôi cũng sẽ tỏ lòng tôn kính những chứng nhân anh hùng của Tin Mừng, những chứng nhân ngày xưa và mới đây, và tôi khuyến khích mỗi người hãy tiến bước trong tình bác ái và sự thật. Tôi xin cám ơn những ai sẽ đồng hành với tôi trong kinh nguyện nhân chuyến Tông du này, để Chúa chúc lành và làm cho nó sinh nhiều hoa thơm trái đẹp.

Trong Chúa Nhật hôm nay, giờ Kinh Truyền tin mang lại cho tôi niềm vui được chào anh chị em, thưa anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Kitô mời gọi chúng ta sống trọn vẹn đức tin phục sinh, bằng cách quy hướng về điều chính yếu và loan báo giá trị hữu hiệu của sự từ bỏ, bởi vì dựa theo lời Chúa, thì điều quan trọng không phải là ngồi chỗ nhất, nhưng là làm đầy tớ mọi người. Để sống trong hạnh phúc mà Người đã ban tặng cho chúng ta, Người mời gọi chúng ta, một khi dõi theo gương Người, bước đi trên con đường tình yêu trong sự tự hiến và quên mình, trong khiêm nhường và từ bỏ. Hãy cầu nguyện cho các bạn trẻ biết khám phá ra tầm quan trọng của việc tận hiến đời mình cho Đức Kitô, khi sống phục vụ anh chị em của mình. Xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho anh chị em đầy tràn ân sủng của Người!

Chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.