24/11/2024

Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An

Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An là cơ sở tham vấn tâm lý hoặc an dưỡng cho những ai bị khủng hoảng tâm sinh lý được phục hồi tinh thần cho ổn định và an bình. Vì thế, trung tâm có tên gọi là Định An. Trung tâm được thành hình do sự đóng góp công sức cũng như tiền bạc của nhiều người.

 

Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An  
1. Ý nghĩa
Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An là cơ sở tham vấn tâm lý hoặc an dưỡng cho những ai bị khủng hoảng tâm sinh lý được phục hồi tinh thần cho ổn định và an bình. Vì thế, trung tâm có tên gọi là Định An.
2. Sự hình thành
Trung tâm được thành hình do sự đóng góp công sức cũng như tiền bạc của nhiều người. Những người này lập thành Hội đồng Quản trị. Khi Trung tâm được xây dựng xong, trung tâm sẽ được điều hành bởi một Ban giám đốc.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là người khởi xướng thiết lập Trung tâm, chịu trách nhiệm quy tụ những người có tâm huyết và có lòng quảng đại đóng góp cho dự án xây dựng Trung tâm.
Khu đất xây dựng Nhà Tịnh dưỡng Định An, Lâm Đồng
3. Hiện trạng xã hội
Xã hội Việt Nam (VN) đang cần có các trung tâm phục hồi tinh thần cho hàng chục triệu người bị bất an, bất định trong cộng đồng xã hội. Trung tâm được hình thành trong bối cảnh xã hội sau đây:
3.1. Những con số đáng quan tâm
 + Theo thống kê của Tổng Điều tra Dân số cả nước năm 2009, Việt Nam có khoảng 6.700.000 người khuyết tật (NKT) thuộc 4 dạng khuyết tật quen thuộc là khiếm thị, khiếm thính, vận động và trí tuệ. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, thống kê ước tính có khoảng 47.000 người khuyết tật cần được bảo trợ và việc trợ giúp càng trở nên cấp thiết hơn trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
+ Theo điều tra xã hội của Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và theo luật Người Khuyết tật mới được Quốc hội ban hành năm 2010, số người khuyết tật ở Việt Nam lên tới con số 15,3 triệu người, thuộc 6 dạng tật. Như thế số người khuyết tật về “tâm thần, thần kinh và các dạng khuyết tật khác” chiếm khoảng 10 triệu người. Họ gồm những loại người sau đây:
* Theo ước tính của các nhà xã hội học: trong số 90 triệu dân hiện nay (2012), VN mỗi năm có khoảng 2 triệu ca phá thai, trong đó có 30% người phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm. Cộng thêm 6,62% các phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh con và nhiều phụ nữ bị khủng hoảng tinh thần do gia đình tan vỡ, ly dị, ly thân. Sau những biến cố tang thương trong đời sống, những phụ nữ này bị mất ổn định, bất an về tinh thần, rất cần được chữa trị.
 
* VN hiện có hơn 24 triệu người dùng internet, trong số đó có hơn 10 triệu “games thủ” chơi trò chơi trực tuyến và hơn 5 triệu người xem các phim ảnh đồi truỵ mỗi ngày dẫn đến những rối loạn tinh thần, mất trí nhớ, bỏ học, phạm nhiều tội ác như trộm cắp, thủ dâm, hãm hiếp, xung đột, đánh nhau, giết người… Những nạn nhân xã hội này cũng rất cần được các bác sĩ, các nhà tâm lý, xã hội và đạo đức giúp đỡ để phục hồi tinh thần.
* VN hiện có 24 triệu người uống rượu, 33 triệu người hút thuốc lá, trong số đó có hàng triệu người rơi vào tình trạng nghiện ngập. Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn người khác nghiện cờ bạc, ma tuý… Tinh thần của những người nghiện này bị lệ thuộc, mất ổn định trong đời sống. Họ cần được các nhà chuyên môn tham vấn tâm lý, phục hồi tinh thần cho ổn định để sống an bình.
3.2. Các phương thức điều trị
Việt Nam là một nước đang phát triển, số người nghèo đói, bệnh tật rất đông. Theo thống kê 2011, có hơn 16 triệu người sống trong tình trạng đói khổ, không kiếm được 1 USD/ngày (tương đương 20.000 đồng Việt Nam/ngày). Vì vậy, Nhà nước tập trung cho việc chữa trị các bệnh tật thể lý và không mấy quan tâm đến việc chữa trị tinh thần.
Hơn nữa, trong tâm thức chỉ tin tưởng vào khoa học, vào thuốc men vật chất của cộng đồng xã hội hiện nay, nhiều bệnh nhân, khi có những triệu chứng mất quân bình, chỉ được các bác sĩ chữa trị bằng những loại thuốc giúp ổn định thần kinh mà chưa quan tâm đến những nguyên nhân tinh thần là lĩnh vực chuyên môn của các nhà tâm lý. Tuy nhiên, số chuyên viên tâm lý có khả năng tham vấn, điều trị trong cả nước quá ít. Hiện nay Viện Khoa học Xã hội Nhân văn ở TP.HCM chỉ mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề điều trị tâm lý cho người bất an.
Cuối cùng, một số bệnh nhân mất quân bình lại bắt nguồn từ những nguyên nhân thuộc lĩnh vực tâm linh, tôn giáo vì tinh thần con người có khả năng mở ra tới vô biên để gặp được Đấng Vô biên và những tinh thần khác (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, số 130). Đối với một số người: nói lên điều này có vẻ như cổ vũ cho mê tín dị đoan nhưng những nghiên cứu của Bộ môn Cận Tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người ở Hà Nội, do Thiếu tướng, PTS Nguyễn Chu Phác làm trưởng bộ môn, cũng giới thiệu cho chúng ta nhiều tư liệu đáng chú ý về tình trạng bất an của con nười về mặt tâm linh.
Theo quan niệm chung tiên tiến hiện nay, con người toàn diện gồm 4 lĩnh vực: thể xác và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể. Con người này có 4 mối tương quan cơ bản: với chính mình, với tha nhân, với vạn vật và với Đấng Thiêng liêng mà họ tin tưởng tuỳ theo tôn giáo mà họ chọn lựa. Sự bình an và ổn định của con người là kết quả của sự hài hoà mà họ có trong các lĩnh vực và trong các tương quan của mình. Khi con người mất bình an và ổn định, người ta phải tìm ra nguyên nhân nằm trong lĩnh vực hay trong mối tương quan nào. Trong hoàn cảnh hiện nay, ở Việt Nam, chưa có một trung tâm nào phối hợp được 4 lĩnh vực và 4 mối tương quan trên đây để giúp cho các đối tượng tìm được sự bình an ổn định và phát triển toàn diện con người.
4. Mục đích
Trung tâm Định An được mở ra để giúp cho con người tìm được sự bình an và phát triển toàn diện bằng sự phối hợp và cộng tác của các chuyên viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau như các bác sĩ, các nhà tâm lý, các nhà xã hội học, các nhà hướng dẫn tâm linh, các chuyên viên dinh dưỡng. Những xét nghiệm y khoa và trắc nghiệm tâm lý, tâm linh sẽ giúp tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất an của các đối tượng để áp dụng những phương thức điều trị phù hợp.
Vì thế, Trung tâm Định An giới thiệu và áp dụng một số những phương thức chữa trị mới với hy vọng đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc làm phát triển con người toàn diện và thăng tiến cộng đồng dân tộc Việt Nam.
5. Các bước chuẩn bị để xây dựng Trung tâm
5.1. Từ năm 1975 đến nay, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã hoạt động trong lĩnh vực xã hội và thu thập nhiều kinh nghiệm cho việc xây dựng Trung tâm. Linh mục đã làm việc tại Uỷ ban Bác ái Xã hội, Caritas Việt Nam, Uỷ ban Công lý và Hoà bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM. Linh mục đã giúp cho các cơ quan này mở nhiều khoá đào tạo tại TP.HCM cũng như tại Hà Nội về những kỹ năng giúp người khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí não, trẻ tự kỷ, nghiện ma tuý, nghiện rượu bia, thuốc lá, những bà mẹ bỏ thai, những người nghiện phim ảnh đồi truỵ, nghiện trò chơi trực tuyến. Chính tình trạng thiếu những người tham vấn về tâm lý và tinh thần cho các người bất an, bất định đã thôi thúc linh mục và những người có tâm huyết xây dựng Trung tâm Định An.
5.2. Trong 2 năm vừa qua, 2010 và 2011, chúng tôi hợp tác với các bác sĩ, các chuyên viên tâm lý, các chuyên viên xã hội và tâm linh để nghiên cứu quy trình điều trị cho những người bất an, bất định, soạn các bản trắc nghiệm tâm lý, chuẩn bị các bước xét nghiệm về sức khoẻ và thần kinh, chế độ dinh dưỡng cho từng loại đối tượng. Chúng tôi cũng nhờ các công ty xây dựng thiết kế vẽ đồ án cho Trung tâm, các kỹ sư trang trí nội thất.
5.3. Từ ngày 04/9 đến 24/9/2012, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn sẽ cùng với Tiến sĩ Nguyễn Thị Loan, Trưởng Bộ phận Tâm lý Trị liệu và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Bộ Môn Tâm lý thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, đến tham quan thực tế các cơ sở điều trị tâm lý thuộc Viện Tâm lý Trị liệu Berlin (Psychotherapeutenkammer Berlin, Kurfurstendamm 184, 10707, Berlin, Germany; Tel. 030887140-0; Fax: 030 88714040) tại Đức và Thuỵ Sĩ để học hỏi kinh nghiệm, cách tổ chức, phương thức điều trị, thu thập các chứng từ sổ sách liên quan đến việc tổ chức điều trị nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Trung tâm Định An.
5.4. Từ 01/10 đến 31/12/2012, Trung tâm sẽ mở Văn phòng tham vấn tâm lý tại số 21 đường 204 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP.HCM để có thể tham vấn trực tiếp cho các đối tượng có nhu cầu và khởi công xây dựng Nhà Tịnh dưỡng Định An tại thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm sẽ mở Chi hội Tham vấn Tâm lý Định An thuộc Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM để quy tụ những tình nguyện viên tham gia công tác giúp đỡ những người khuyết tật về tinh thần. 
6. Tiến trình điều trị
Tiến trình điều trị gồm các bước sau đây:
Bước 1: Thu thập dữ liệu
Các đối tượng có nhu cầu sẽ đến Văn phòng Trung tâm theo hẹn để được hướng dẫn làm các xét nghiệm và trắc nghiệm nhằm thu thập dữ liệu, triệu chứng, tình trạng bất an, bất định của đối tượng và được phân chia theo từng loại tâm bệnh. Công việc này được thực hiện tại văn phòng tham vấn tâm lý tại số 21 đường 204 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP.HCM.
Học viên (HV) sẽ được xét nghiệm sức khoẻ tổng quát trước khi đến trung tâm: xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, siêu âm bụng, Xquang, đo điện não đồ, điện tâm đồ – tuỳ theo tình trạng bất an – để sắp nhóm đối tượng.
HV sẽ thực hiện việc trắc nghiệm tâm lý để phân loại cá tính, để biết nhóm cá tính và các khả năng tinh thần.
HV sẽ được trắc nghiệm về tình trạng tâm linh để biết mức độ tinh thần cần hồi phục.
Bước 2: Điều trị
Tuỳ theo tình trạng của từng đối tượng, họ có thể được điều trị bằng phương thức tham vấn tâm lý tại Văn phòng Tham vấn của Trung tâm ở TP.HCM, hoặc có thể được chữa trị tâm lý theo từng đối tượng hay nhóm tại Nhà Tịnh dưỡng Định An, Đà Lạt.
Bước 3: Hội nhập
Việc điều trị còn được tiếp tục bằng việc theo dõi khả năng hội nhập của các đối tượng trong cộng đồng xã hội, qua Văn phòng Tham vấn của Trung tâm ở TP.HCM.
7. Xây dựng Nhà Tịnh dưỡng Định An
Trung tâm quan tâm nhiều đến việc xây dựng Nhà Tịnh dưỡng Định An như là cơ sở chính của Trung tâm. Nhà Tịnh dưỡng Định An toạ lạc ở thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là vùng đất rất thuận lợi cho việc phục hồi sức khoẻ toàn diện vì các điều kiện sau đây:
– Môi trường: không khí trong lành, không bị ô nhiễm bởi các khu công nghiệp hay nhiều xe cộ qua lại. Khung cảnh tươi đẹp vì cảnh quang chung quanh là màu xanh tự nhiên của rừng và núi. Khí hậu mát mẻ, mùa Đông không quá lạnh như trên Đà Lạt, mùa Hè mát vì ở vùng cao nguyên với độ cao 1.100m.
Phương tiện đi lại: Nhà Tịnh dưỡng nằm sát bên quốc lộ 20, cách Tp. Đà Lạt 14km, có trạm xe buýt ngay trước nhà. Bệnh nhân cần lên Đà Lạt để xét nghiệm y khoa chỉ tốn 30 phút di chuyển. Nhà cách phi trường Liên Khương Đà Lạt 12km, giúp cho các giảng viên và học viên ở xa có thể sử dụng máy bay đi về trong ngày.
Diện tích: tương đối đủ rộng (13.000m2) để xây dựng các cơ sở an dưỡng và sinh hoạt: nhà ở, phòng ăn, phòng khám, phòng học, phòng sinh hoạt chung, sân chơi thể thao ngoài trời, vườn cây, phòng thể dục thể thao trong nhà.
Nhân sự: có nhiều nhân sự chuyên môn cộng tác.
Cơ sở: Trung tâm sẽ xây dựng khu nhà trung tâm, các nhà nhỏ và các công trình phụ.
Khu nhà trung tâm có các phòng lớn dành để học tập, sinh hoạt cho các HV: phòng sinh hoạt tâm linh, phòng tham vấn, phòng thể dục-thể thao trong nhà, phòng ăn, bếp, căngtin cho khoảng 60-100 người. Các nhà nhỏ kiểu vila 1 trệt 1 lầu: mỗi nhà có thể ở được 10 người với đầy đủ phòng ăn, phòng sinh hoạt, phòng ngủ, phòng học, phòng vệ sinh, phòng bếp đơn giản. Các nhà phụ: nhà để xe, nhà kho, nhà bếp tập thể. Các công trình phụ: nhà bảo vệ ngay cổng: có chỗ nghỉ và vệ sinh, sân vườn hài hoà có nhiều tượng đá tự nhiên và tượng điêu khắc, hệ thống phát điện, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống bơm nước và lọc nước sinh hoạt, hệ thống bơm nước tưới tiêu cho vườn cây.
Nhà trung tâm                        Văn phòng                               Nhà học viên
8. Đường hướng thực hiện
8.1. Đối tượng thụ hưởng
Các đối tượng, gọi chung là học viên, tham dự các buổi tham vấn cá nhân hay các khoá phục hồi tinh thần. Trung tâm tiếp nhận mọi thành phần học viên tự nguyện đến theo học, không phân biệt tôn giáo, giai cấp xã hội, ý thức hệ chính trị. Học viên là tất cả những ai mất ổn định và bất an như:
– Phụ nữ sau khi sinh con, mất con, phá thai, gia đình tan vỡ…
– Người nghiện trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ.
– Người nghiện rượu bia, thuốc lá, cờ bạc.
– Người bị bất an vì làm ăn thua lỗ, thất bại trong đời sống, kiệt sức vì công việc.
Trung tâm không nhận những người nghiện ma tuý, những người nhiễm HIV, chậm phát triển trí não (bệnh down), tự kỷ (autism) vì đã có các trung tâm điều trị cho những thể loại này.
8.2. Phương pháp điều trị
Những Học viên sau khi được phân loại sẽ được điều trị chung với nhau theo phương pháp năng động tập thể: cùng sống, cùng ăn ở, cùng làm việc, cùng giải trí, chia sẻ chung với nhau, cởi mở tâm tình và giúp nhau vượt qua khó khăn để tìm được sự ổn định và an bình.
Một huấn luyện viên sẽ đồng hành với từng nhóm học viên trong suốt thời gian an dưỡng. Huấn luyện viên này thường là một chuyên viên tâm lý hay một nhà xã hội học được đào tạo kỹ lưỡng.
8.3. Đường hướng phục hồi
Học viên được phục hồi theo hướng phát triển nhân bản toàn diện gồm bốn lĩnh vực và bốn mối tương quan cơ bản của con người.
Trong các chương trình ở Nhà Tịnh dưỡng Định An, HV làm quen với nhau ngay trong ngày đầu tiên để cùng sống với nhau như một gia đình: cùng phân công lo những công việc giúp dọn bàn ăn, vệ sinh phòng ở, phòng học, cùng sinh hoạt tập thể với nhau trong các chương trình đào tạo phục hồi để tạo ý thức cộng đồng xã hội, giúp học viên bỏ được mặc cảm cô đơn, bị bỏ rơi, bị loại trừ.
HV được hồi phục thể xác qua chương trình dinh dưỡng chọn lọc, tuỳ theo mỗi đối tượng; được dạy các phương pháp thở tự nhiên và siêu nhiên để phục hồi sức khoẻ toàn diện.
HV được các chuyên viên xã hội dạy các kỹ năng sống và giá trị sống để tìm lại niềm vui và ý thức được giá trị của đời sống qua các hành động cụ thể tích cực. Các kỹ năng như: lấy quyết định; giao tiếp; tổ chức thống nhất đời sống, sử dụng thời gian và tổ chức công việc; xử lý tình huống; biết cộng tác và hoà nhập; biết định hướng đời sống tích cực; biết tự kiểm điểm đời sống.
HV có những giờ lao động tập thể trong nhà như làm hoa giả, con thú bằng hạt cườm, bằng lá, bằng đất sét, bằng vải hay lao động chăm sóc hoa và cây cối trong vườn của trung tâm do các chuyên viên hướng dẫn.
HV có các giờ thư giãn trong trung tâm với sân chơi ngoài trời, phòng thể dục, thể thao trong nhà, bể tắm nước nóng, xem phim. HV có sinh hoạt ngoài trung tâm như đi thăm các thắng cảnh trong vùng.
HV có những giờ sinh hoạt tâm linh: được dạy kỹ thuật giữ yên tĩnh tâm hồn, hoà nhập với thiên nhiên, cầu nguyện với Đấng Tối Cao, hoà giải với Trời và với người, đọc các sách đạo đức để tu thân dưỡng tính.
8.4. Chiến lược đào tạo
Trung tâm theo đuổi chiến lược phục hồi tinh thần dựa vào cộng đồng (Community Based Rehabilitation – CBR).
Do số nạn nhân bị mất ổn định và bất an trong xã hội lên đến cả triệu người, trong khi khả năng thu nhận HV của trung tâm lại rất hạn chế (khoảng 40 HV/khoá/2 tuần) nên trung tâm chọn chiến lược phục hồi dựa vào cộng đồng xã hội để giới thiệu phương pháp điều trị cho mọi người có khả năng tiếp nhận và đào tạo họ trở thành những tác viên xã hội để phục vụ trong các cộng đồng dân cư.
Vì thế, trung tâm sẽ tiếp nhận một số tác viên xã hội đến từ các cộng đồng, các tổ chức, các nhà mở, dòng tu, giáo phận, giáo xứ, thiền viện… để đào tạo những người này cùng đồng hành với các HV trong vài khoá nhằm học hỏi các phương pháp, kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng phục hồi tinh thần từ các chuyên viên của trung tâm. Khi các tác viên xã hội này có đủ khả năng rồi, họ có thể giúp đỡ cộng đồng ở địa phương mình sống, biến nhà ở, giáo xứ, tu viện, thiền viện, công ty thành những nơi giúp phục hồi tinh thần cho người thân, bạn bè và đồng bào mình.
Trung tâm sẽ phổ biến rộng rãi những phương pháp, kỹ năng và kết quả nghiên cứu trong việc phục hồi tinh thần cho con người qua các sách báo, trang web trong cộng đồng xã hội.
9. Các vị bảo trợ linh thiêng
Trung tâm chọn ngày 1-5-2011 là ngày khai sinh của Trung tâm với các cột mốc trong năm như:
Ngày này là Chúa Nhật II Phục Sinh – Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để khẩn cầu lòng Chúa xót thương mọi người trên thế giới, đặc biệt những ai đến làm việc và sống tại Trung tâm Định An này.
Tháng Năm là Tháng Hoa tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, nên công trình này cũng được hiến dâng cho Đức Mẹ để Mẹ chuyển cầu, chữa lành các bệnh nhân, nhất là các phụ nữ mất ổn định và bất an vì mang thai, lạc mất con, chết con và xáo trộn trong gia đình như Mẹ đã từng kinh nghiệm trong đời mình.
Ngày 1-5-2011 là lễ Thánh Giuse Thợ, vì thế công trình được hiến dâng cho Thánh Giuse để Ngài che chở, cầu bầu, nhất là cho những ai bị bất ổn về tinh thần, khủng hoảng về tâm lý do những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và những căng thẳng trong cuộc sống.
Ngày 1-5-2011 cũng là ngày ĐTC Gioan Phaolô II được tôn phong lên bậc chân phước, công trình này cũng được hiến dâng cho ngài, xin ngài che chở, cầu bầu và chữa lành cho tất cả những ai, đặc biệt là những người trẻ mà ngài hết sức quan tâm, đang làm nô lệ cho các trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ và những hình thức lệ thuộc khác.
Vì thế, các toà nhà sẽ được mang danh hiệu của các đấng bảo trợ linh thiêng này. 
10. Ước nguyện phục vụ
Trung tâm Phục hồi Tinh thần Định An được xây dựng để phục vụ mọi đối tượng bị mất ổn định và bất an về mặt tinh thần, đặt biệt là những nạn nhân xã hội, theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và hướng đào tạo nhân bản toàn diện của giáo huấn xã hội Công giáo.
Ban Điều hành Trung tâm mong ước được phục vụ tất cả mọi người trong tình bác ái huynh đệ để làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn