07/01/2025

Lề Luật là dấu chỉ tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa

Lề Luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng hay một hạn chế áp bức, mà là ơn qúy báu nhất, chứng minh cho thấy tình yêu hiền phụ của Người, là ý muốn gần gũi với dân Người, là Đồng Minh của họ và cùng họ viết lên một lịch sử tình yêu. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 2-9-2012.

Lề Luật là dấu chỉ tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa

 

Lề Luật của Thiên Chúa không phải là một gánh nặng hay một hạn chế áp bức, mà là ơn qúy báu nhất, chứng minh cho thấy tình yêu hiền phụ của Người, là ý muốn gần gũi với dân Người, là Đồng Minh của họ và cùng họ viết lên một lịch sử tình yêu.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 2-9-2012. 

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Trong Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nổi bật lên đề tài Lề Luật của Thiên Chúa, điều răn của Người, là một yếu tố nòng cốt của Do Thái giáo cũng như của Kitô giáo, nơi nó tìm thấy sự thành toàn trong tình yêu (x. Rm 13,10).

Đức Thánh Cha định nghĩa Lề Luật: Lề Luật của Thiên Chúa là Lời của Người hướng dẫn con người trên con đường cuộc sống, làm cho nó ra khỏi sự nô lệ của ích kỷ và dẫn đưa nó vào trong “miền đất” của sự tự do và sự sống đích thực. Vì thế, trong Thánh Kinh, Lề Luật không bị coi như một gánh nặng, một sự hạn hẹp đàn áp, nhưng được coi như là ơn qúy báu nhất của Thiên Chúa, như chứng tá tình yêu hiền phụ của Người, của ý muốn sống gần gũi với dân Người, là Đồng Minh của họ và cùng họ viết lên một lịch sử tình yêu. Vì thế, tín hữu đạo đức Do Thái mới cầu nguyện: “Con vui thú với thánh chỉ Ngài, chẳng quên lời Ngài phán… Trên đường mệnh lệnh Chúa xin dẫn con đi, vì nơi chúng là hạnh phúc của con” (Tv 119,16.35). Trong Thánh Kinh Cựu Ước, ông Môsê là người nhân danh Thiên Chúa thông truyền Lề Luật cho dân. Sau lộ trình trong sa mạc, bên thềm Đất Hứa, ông đã kêu lên: “Giờ đây, hỡi Israel, hãy lắng nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy, anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Giavê Thiên Chúa của cha ông anh em ban cho anh em” (Đnl 4,1).

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Và đây là vấn đề: khi dân định cư trong đất hứa và là nơi cất giữ Lề Luật, thì họ bị cám dỗ đặt để an ninh và niềm vui của họ nơi một cái gì khác không phải là Lời Chúa nữa, mà là nơi của cải, quyền bính, nơi các “thần linh” khác, mà thật ra chúng là hư không, vì chúng là các ngẫu tượng. Chắc chắn Lề Luật của Thiên Chúa còn đó, nhưng không phải là điều quan trọng nhất nữa, không phải là luật sống nữa; đúng hơn nó trở thành một lớp áo, một cái vỏ che, trong khi cuộc sống đi theo các con đường khác, các luật lệ khác, các lợi lộc thường là ích kỷ, cá nhân hay phe nhóm. 

Đức Thánh Cha nêu bật các hậu qủa tiêu cực của cung cách sống đạo này: Và như thế, tôn giáo lạc mất ý nghĩa đích thực của nó là sống trong thái độ lắng nghe Thiên Chúa để làm theo ý muốn của Người – là chân lý của sự sống chúng ta – và như thế, sống tốt đẹp trong sự tự do đích thật. Tôn giáo tự giản lược vào việc thi hành các thói quen phụ thuộc làm thoả mãn nhu cầu của con người cảm thấy yên ổn với Thiên Chúa. Đây là một nguy cơ trầm trọng của mọi tôn giáo, Chúa Giêsu đã gặp thấy trong thời Người, và rất tiếc người ta cũng có thể kiểm thực trong Kitô giáo nữa. Vì thế, các lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay chống lại các kinh sĩ, và các Pharisêu cũng phải khiến cho chúng ta suy nghĩ. Chúa Giêsu lấy các lời của ngôn sứ Isaia làm của mình: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7; x. Is 29,13). Và Chúa Giêsu kết luận: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).

Cả Tông đồ Giacôbê, trong thư của ngài, cũng cảnh cáo nguy cơ của một tôn giáo giả. Ngài viết cho các Kitô hữu: “Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Xin Đức Trinh Nữ Maria, mà giờ đây chúng ta hướng tới trong lời cầu nguyện, giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở và chân thành, để Mẹ hướng dẫn các tư tưởng, các lựa chọn và hành động của chúng ta mỗi ngày.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và bàn phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha chào các học sinh bắt đầu năm học mới. Ngài nói: Học hành thật là điều hay đẹp và cần thiết. Các con hãy sẵn lòng làm điều đó. Ước chi các con cũng khám phá ra niềm vui và tình bạn. Thời giờ dành cho thể thao thể dục và các vui chơi giải trí quan trọng, nhưng thời giờ dành cho gia đình và cho Thiên Chúa còn quan trọng hơn nữa. Cha mẹ và các thầy dạy của các con phải thăng tiến sự quân bình ấy. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt chào một nhóm tín hữu Liban và nói rằng ngài cầu nguyện cho chọ cũng như bày tỏ niềm vui của ngài sắp được viêng thăm đất nước Liban xinh đẹp của họ.

Bằng tiếng Đức, ngài cầu chúc mọi người biết để cho Lời Chúa thanh tẩy con tim, có các tư tưởng trong sáng và con tim rộng mở cho sự hiệp thông với Chúa.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, ngài khuyến khích tín hữu chân thành thực thi các giới răn của Chúa để lớn lên trong việc nhận biết và thực hành các nhân đức mỗi ngày.

Chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nói ngày mai trẻ em và người trẻ sẽ bắt đầu năm học với với các giờ giáo lý. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban ánh sáng của Chúa Thánh Thần cho các học sinh nam nữ, cũng như cho tất cả những ai sẽ đồng hành với các em, để đây là thời gian các em lớn lên trong khôn ngoan và ơn thánh trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các tỉnh Aprilia, Verona và Vicenza, cách riêng là các cặp vợ chồng mừng ngân khánh thành hôn. 

Sau cùng, ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.