Xin hãy thanh luyện chúng con trong chân lý
Khi đưa mắt nhìn về Thiên Chúa, con người nhận thấy mình bị “ô nhiễm” và đang ở trong một tình trạng không thể nào vươn tới sự thánh thiện. Từ đó, phát sinh câu hỏi làm thế nào con người có thể trở nên trong sạch, có thể giải phóng mình khỏi sự “nhơ bẩn” tách rời họ với Thiên Chúa
Xin hãy thanh luyện chúng con trong chân lý
Bài giảng lễ cho các cựu sinh viên của “RATZINGER SCHÜLERKREIS”
Tại Castel Gandolfo, Nhà nguyện Trung tâm Mariapoli
Chúa Nhật XXII Thương Niên, 30/8/2009
Anh chị em thân mến!
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta gặp một trong những chủ đề cơ bản trong lịch sử tôn giáo của nhân loại: vấn đề thanh sạch của con người trước mặt Thiên Chúa. Khi đưa mắt nhìn về Thiên Chúa, con người nhận thấy mình bị ”ô nhiễm” và đang ở trong một tình trạng không thể nào vươn tới sự thánh thiện. Từ đó, phát sinh câu hỏi làm thế nào con người có thể trở nên trong sạch, có thể giải phóng mình khỏi sự “nhơ bẩn” tách rời họ với Thiên Chúa. Chính từ góc cạnh này đã phát sinh những nghi lễ thanh tẩy trong nhiều tôn giáo khác nhau, những con đường thanh tẩy bên ngoài và bên trong. Trong bài Phúa Âm hôm nay, chúng ta thấy đề cập đến những nghi lễ thanh tẩy này, những nghi lễ được cắm rễ sâu trong truyền thống Cựu Ước, tuy nhiên lại được thi hành một cách rất đơn phương. Do đó, chúng không cho phép con người mở lòng ra với Thiên Chúa và không còn là những con đường thanh luyện và cứu độ nữa, nhưng lại trở thành những yếu tố trong một hệ thống tự trị gồm có những bó buộc mà để có thể thi hành được một cách trọn vẹn thực sự, thì thường phải có những nhà chuyên môn. Những lễ nghi này không còn tác động trên tâm hồn con người nữa. Vì nằm trong hệ thống lễ nghi này, cho nên con người cảm thấy mình bị lệ thuộc vào hệ thống đó, hoặc kiêu ngạo cho rằng mình có thể tự công chính hoá.
Khoa chú giải tự do cho rằng bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy Đức Giêsu đã thay thế việc thờ phượng bằng nền luân lý. Người đã vất sang một bên tất cả những việc làm vô ích. Sự tương giao giữa con người với Thiên Chúa giờ đây chỉ đặt nền tảng trên luân lý. Nếu điều này đúng, thì Kitô giáo tự bản tính chỉ là sự đạo đức, và chúng ta, chúng ta trở nên thanh sạch và tốt lành nhờ hành động luân lý của chúng ta. Nếu chúng ta suy nghĩ một cách sâu xa hơn về quan điểm này, thì ta thấy rõ đây không phải là câu trả lời đầy đủ của Đức Giêsu về vấn đề thanh sạch. Nếu chúng ta muốn nghe và muốn hiểu một cách đầy đủ sứ điệp của Chúa, thì lúc đó, chúng ta cũng phải lắng nghe một cách đầy đủ – chúng ta không thể bằng lòng về một chi tiết nào đó, nhưng phải chú ý đến toàn bộ sứ điệp của Chúa. Nói cách khác, chúng ta phải đọc đầy đủ các Sách Phúc Âm, toàn bộ Tân Ước, và cùng với Tân Ước là Cựu Ước.
Bài đọc một hôm nay, được trích từ Sách Đệ nhị luật, đưa ra cho chúng ta những chi tiết quan trọng cấu tạo nên một câu trả lời, và làm cho chúng tiến thêm một bước về phía trước. Qua bài đọc này, chúng ta thấy có một chi tiết rất đáng ngạc nhiên: Thiên Chúa yêu cầu dân Israel sống tâm tình biết ơn và khiêm nhường hãnh diện vì biết được thánh chỉ của Chúa và như thế có thể sống khôn ngoan. Thật thế, vào thời đại đó, nhân loại, cả trong bối cảnh Hy Lạp lẫn trong bối cảnh Hy Bá, đều đi tìm sự khôn ngoan: nhân loại tìm hiểu cái gì là có giá trị. Khoa học cho chúng ta nhiều điều và những điều ấy có ích cho chúng ta dưới nhiều khía cạnh, nhưng sự khôn ngoan cho ta biết điều thiết yếu – biết mục đích cuộc đời chúng ta và cách chúng ta phải sống để cuộc đời đạt được thành công đúng nghĩa. Bài đọc một được trích từ Sách Đệ nhị luật gợi lên sự kiện đức khôn ngoan, mà xét cho cùng, thì đồng nhất với la Torah – đồng nhất với Lời Chúa là Đấng mạc khải cho chúng ta biềt điều gì là thiết yếu, chúng ta phải sống theo mục đích nào và phải sống như thế nào. Như thế, Luật Chúa không phải là một sự nô lệ, nhưng – như đã được đề cập đến trong đại Thánh vịnh 119 – là nguyên nhân phát sinh một niềm vui lớn lao: chúng ta không dò dẫm tiến đi trong bóng tối tăm, chúng ta không lang thang một cách luống công vô ích khi đi tìm điều gì là chính đáng, chúng ta không phải là những con chiên không người chăn, những con chiên không biết đâu là nẻo chánh đường ngay. Thiên Chúa đã tự mạc khải. Người chỉ đường cho chúng ta đi. Chúng ta biết được thánh ý Chúa, và cùng với Thánh ý Chúa là chân lý có giá trị trong cuộc đời chúng ta. Lời Chúa nói cho chúng ta hai điều về Thiên Chúa: một mặt, Thiên Chúa mạc khải chính mình cho chúng ta và Người chỉ cho chúng ta chính lộ; mặt khác, Người là một vị Thiên Chúa lắng nghe, một vị Thiên Chúa ở gần chúng ta, trả lời cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta. Và như thế, chúng ta cũng đi đến chủ đề về sự thanh sạch: Thánh chỉ của Chúa thanh tẩy chúng ta, sự gần gũi của Người hướng dẫn chúng ta.
Tôi thiết nghĩ chúng ta nên dừng lại trong giây lát để suy nghĩ về niềm vui của dân Israel, vì biết được Thánh ý Chúa, và nhận được ơn khôn ngoan chữa lành chúng ta và chúng ta không thể nào tự mình tìm thấy. Một niềm vui tương tự như thế vì có Chúa ở kề bên và có Lời Người nói với chúng ta có thực sự hiện hữu giữa chúng ta, trong lòng Giáo Hội ngày hôm nay không? Ai muốn chứng minh một niềm vui như thế thì tức tốc sẽ bị kết án là theo chủ nghĩa khải hoàn. Nhưng không phải những khả năng của chúng ta chỉ cho chúng ta thấy ý muốn thực sự của Thiên Chúa. Mà đây là một ân huệ mà chúng ta không xứng đáng lãnh nhận, nhưng đồng thời lại làm cho chúng ta khiêm nhường và vui sướng. Nếu chúng ta suy nghĩ về sự do dự của thế gian khi đứng trước những vấn nạn lớn lao của hiện tại và tương lai, thì lúc đó trong lòng chúng ta lại vọt lên niềm vui vì biết rằng Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy gương mặt của Người, ý muốn của Người và chính bản thân Người một cách nhưng không. Nếu niềm vui này lại xuất hiện trong lòng ta, thì nó cũng sẽ tác động đến tâm hồn của những người không có tín ngưỡng. Không có niềm vui này, chúng ta sẽ không thuyết phục được người khác. Thế nhưng niềm vui này hiện diện nơi đâu, thì nơi đó nó sẽ có được một sức mạnh thừa sai cho dầu nó không hề muốn. Thật thế, niềm vui này sẽ làm cho con người tự hỏi liệu đây thực sự không phải là con đường cho chúng ta đi sao, nếu niềm vui này không thực sự dẫn chúng ta bước theo bàn chân của Chúa.
Tất cả những điều trên đây còn được đào sâu hơn nữa qua trích đoạn của Thư Thánh Giacôbê mà Giáo Hội đề nghị cho chúng ta suy niệm trong ngày hôm nay. Tôi thích Thư Thánh Giacôbê, đặc biệt vì nhờ lá Thư này mà chúng ta có thể có được một ý niệm về việc tôn kính Luật Chúa nơi gia đình của Đức Giêsu. Đây là một gia đình biết tuân giữ lề luật Chúa, theo nghĩa gia đình Đức Giêsu cảm nghiệm niềm vui được sống gần Thiên Chúa mà Sách Đệ nhị luật đã nói tới, niềm vui này được Chúa ban qua Lời Chúa và Giới răn của Người. Gia đình Chúa Giêsu tuân giữ Luật Chúa hoàn toàn khác với lối tuân giữ Lề luật của những người Biệt phái trong Phúc Âm, họ đã biến việc tuân giữ Luật Chúa thành một hệ thống có tính ngoại tại và nô lệ hoá. Đó cũng là một hình thức tuân giữ Luật khác với lối tuân giữ mà Thánh Phaolô, với tư cách là thầy thông luật trong đạo Do Thái, đã học được, đây là việc tuân giữ – như chúng ta đã đọc thấy trong các lá Thư của Thánh Phaolô – của một chuyên gia biết tất cả và thuộc tất cả, hãnh diện về kiến thức và sự công chính của mình, thế nhưng, lại đau khổ vì gánh nặng của những điều quy định, đến độ Lề luật không còn là một hướng dẫn viên vui vẻ đưa ta đến Thiên Chúa nữa, nhưng đúng hơn, là một sự đòi hỏi mà ta khó lòng đáp ứng.
Trong Thư Thánh Giacôbê, chúng ta tìm thấy loại tuân giữ này, một loại tuân giữ không hề quy hướng về chính mình, nhưng vui vẻ hướng về Thiên Chúa đang ở gần kề chúng ta, là Đấng làm cho chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi của Người và chỉ cho chúng ta đường ngay nẻo chính. Như thế, Thư Thánh Giacôbê nói về Luật trọn hảo của tự do, và hiểu Luật Chúa ban cho chúng ta một cách mới mẻ và sâu xa. Đối với Thánh Giacôbê, Luật Chúa không phải là một yêu sách đòi hỏi chúng ta quá mức, một yêu sách đương đầu với chúng ta ngay từ bên ngoài, một yêu sách mà ta không bao giờ có thể đáp ứng được. Thánh Tông đồ suy diễn theo nhãn quan mà chúng ta có thể gặp thấy trong một câu nói của Đức Giêsu qua bài diễn từ chia tay với các Tông đồ: ”Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, nhưng gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết” (Ga 15, 15). Người nào biết được mọi công việc trong gia đình thì người ấy là thành viên của gia đình; người ấy không còn là tôi tớ nữa, nhưng là con người tự do, bởi vì là thành viên trong gia đình. Dân Israel cũng được Thiên Chúa cho biết về tư tưởng của Người như thế trên núi Sinai. Và sau này, Đức Giêsu cũng sẽ mạc khải tư tưởng của Thiên Chúa một cách chung cục và đầy đủ trong bữa Tiệc ly, và cách chung, qua việc làm của Chúa Giêsu, qua đời sống, qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người; trong Người, Thiên Chúa đã nói tất cả cho chúng ta, Người đã mạc khải chính mình một cách trọn vẹn. Chúng ta không còn là tôi tớ nữa, mà là bạn hữu. Và Lề luật không còn là những quy định dành cho những con người không có tự do, nhưng Lề luật là sự tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa – chúng ta được gia nhập vào trong gia đình của Thiên Chúa, một hành động làm cho chúng ta được tự do và “hoàn hảo”. Chính trong ý nghĩa này mà Thánh Giacôbê đã nói trong bài đọc hôm nay rằng Chúa đã sinh ra chúng ta nhờ Lời của Người, rằng Người đã gắn chặt Lời của Người như một sức mạnh sự sống vào trong tâm hồn của chúng ta. Ở đây, ta cũng có thể nói về “tôn giáo tinh tuyền”, hệ tại tình yêu dành cho tha nhân – đặc biệt dành cho các goá phụ và người mồ côi, dành cho những ai cần chúng ta hơn cả – và hệ tại tự do đối với những kiểu cách của trần gian này làm ô nhiễm chúng ta. Lề luật, với tư cách là lời của tình yêu, không hề mâu thuẫn với tự do, nhưng canh tân tự do ngay từ bên trong, nhờ tình bạn của chúng đối với Thiên Chúa. Ta cũng có thể ghi nhận một ý tưởng tương tự trong bài diễn từ của Đức Giêsu về cây nho: ”Các con đã được thanh sạch rồi, nhờ lời Thầy đã nói với các con” (Ga 15,3). Và ta cũng thấy trong lời Kinh linh mục: Các con đã được thánh hiến trong sự thật (x. Ga 17,17-19). Như thế, giờ đây chúng ta tìm thấy được cấu trúc đúng đắn của tiến trình thanh luyện và thanh sạch: điều tốt đẹp không do chúng ta làm ra – nếu thế thì đây là một thứ chủ nghĩa đạo đức không hơn không kém -, nhưng Chân lý đến với chúng ta. Chính Người là Chân lý, Chân lý trong hiện thân. Sự thanh sạch là một biến cố đối thoại. Sự thanh sạch bắt đầu bằng việc Đức Giêsu đi đến gặp gỡ chúng ta – Người là Chân lý và là Tình yêu -, Người nắm lấy bàn tay chúng ta, Người thâm nhập vào trong hữu thể của chúng ta. Trong mức độ chúng ta để cho Người tác động, trong mức độ sự gặp gỡ trở nên tình bạn và tình yêu, thì khởi đi từ sự thanh sạch của Đức Giêsu, chúng ta cũng trở nên những con người thanh sạch, và rồi trở nên những con người biết yêu bằng tình yêu của Chúa, những con người dẫn đưa người khác đến với tình yêu và sự thanh sạch của Chúa.
Thánh Âu Tinh đã tóm tắt toàn bộ tiến trình này trong câu nói tuyệt đẹp như sau: Da quod iubes et iube quod vis – hãy cho những gì bạn ra lệnh và ra lệnh những gì bạn muốn. Giờ đây, chúng ta dâng lên trước tôn nhan Chúa lời cầu xin sau đây: Vâng, lạy Chúa, xin hãy thanh luyện chúng con trong chân lý. Xin hãy trở nên chân lý làm cho chúng con được thanh sạch. Nhờ sống thân tình với Chúa, xin hãy làm cho chúng con trở nên những con người tự do, và như thế, thực sự trở nên những người con của Chúa; xin cho chúng con được ngồi dự tiệc với Chúa, và loan truyền ánh sáng tinh tuyền và lòng nhân từ của Chúa trên trần gian này. Amen.