Chúa Nhật XXI TN- B:Sự chọn lựa không dễ dàng
Hôm nay chúng ta được mời gọi để lắng nghe Đức Giêsu, để xác định lại việc chọn lựa của mình: nên bỏ hay nên theo Đức Giêsu như Giosuê đã đặt câu hỏi cho người Do Thái trong bài Đọc I
Sự chọn lựa không dễ dàng
Hành Khất Kitô
Lời mở
Sau phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, Đức Giêsu giới thiệu cho người Do Thái và các môn đệ Người chính là bánh trường sinh. Người mời gọi họ hãy tin và gắn bó với Người để nhận được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Người nói thêm rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6,54). Quả thật, những lời đó đã gây sốc đối với người Do Thái và cả các môn đệ. Vì thế có những người đã bỏ không theo Đức Giêsu nữa.
Hôm nay chúng ta được mời gọi để lắng nghe Người, để xác định lại việc chọn lựa của mình: nên bỏ hay nên theo Đức Giêsu như Giosuê đã đặt câu hỏi cho người Do Thái trong bài Đọc I (Gs 24,1-2.15-17.18).
1. Những lời gây sốc
1.1. Đối với những người Do Thái và nhiều môn đệ
Những lời Đức Giêsu nói “ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời” thật chướng tai và khó nghe. Người Do Thái đâu phải là một dân tộc dã man đến nỗi ăn thịt người! Hơn nữa, đối với người Do Thái, máu của sinh vật tượng trưng cho sự sống chỉ dành cho Thiên Chúa. Thế mà Chúa Giêsu lại mời gọi họ ăn thịt và uống máu Người. Đối với họ, đây là lời rất khó nghe và càng khó tin!
Còn đối với thế giới chúng ta ngày nay, trong tâm thức chỉ tin những điều có thể kiểm chứng bởi khoa học, con người càng khó tin vào lời Chúa Giêsu. Hình như Người không mang đến sự sống tự nhiên, nói chi đến sự sống siêu nhiên, vì hàng tỉ người đang đói khổ, Đức Giêsu đã làm được gì? Đối với sự sống siêu nhiên, nhiều tín hữu đã tin lời Đức Giêsu, họ đến nhà thờ, rước Mình Máu Thánh Chúa hàng tuần, hàng ngày nhưng họ có sống tốt đẹp hơn, phi thường hơn những người khác không tin chăng? Chẳng thấy ai phát huy được sự sống kỳ diệu của Người trong con người hèn yếu tầm thường của họ! Vì vậy, hầu như con người hiện đại không tin vào lời Đức Giêsu, thậm chí nhiều người còn bỏ đạo. Đó là thực trạng của xã hội và Giáo hội Công giáo hiện nay.
1.2. Đối với Simon Phêrô và Nhóm 12
Khi nghe những lời gây sốc của Chúa Giêsu, họ cũng không hiểu gì hơn những môn đệ khác. Họ vẫn nghi ngờ, ngại ngùng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng đó nên Người hỏi: “Còn anh em, anh em có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Simon Phêrô đại diện cho nhóm 12 thưa lại: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Câu trả lời chắc chắn không phải do Phêrô tự nghĩ ra, phải có Chúa Cha ban ơn soi sáng, nâng đỡ đức tin cho Phêrô. Vì thế Đức Giêsu mới nói “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho, vì ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin và kẻ nào sẽ nộp Người” (Ga 6,64-65).
Chúng ta có thể nói rằng mình cũng giống như Simon Phêrô và Nhóm 12 vì Chúa Cha đã ban ơn cho chúng ta được biết và đến với Đức Giêsu. Nhưng khi nghe những lời của Chúa Giêsu mời “ăn thịt và uống máu Người” chúng ta vẫn nghi ngờ, ngần ngại. Dù có rước lễ hằng ngày, chúng ta vẫn thấy đời mình chưa đổi khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa và đi theo Đức Giêsu để tiếp tục công trình cứu độ của Người vì chúng ta đã chọn Người. Sự chọn lựa của chúng ta không phải bắt đầu từ ý muốn của ta, nhưng từ chính ý muốn của Đức Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15,16).
2. Sự chọn lựa không dễ dàng
2.1. Vượt qua dấu hiệu bên ngoài
Lòng tin không phải là một chọn lựa dễ dàng, nó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua dấu hiệu có thể cảm nhận ở bên ngoài để đi vào nội dung thâm sâu bên trong. Đối với người Do Thái, họ được mời gọi vượt qua dấu hiệu là những tấm bánh và những con cá để khám phá ra Chúa Giêsu thật sự là lương thực thần linh và gắn bó với Người như cùng một thân mình, một dòng máu để có thể đón nhận được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Vì thế Đức Giêsu mới nói đến việc “ăn thịt, uống máu”.
Người tín hữu chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi vượt qua những dấu hiệu hay ‘bí tích” là việc rước Mình Máu Thánh Chúa để đi vào sự gắn bó mật thiết, vào sự kết hợp nhiệm mầu với Đức Giêsu. Rất nhiều người tưởng lầm cứ lên rước Mình Máu Thánh Chúa là được chia sẻ sự sống thần linh mà không cần phải cố gắng gì cả. Tông đồ Phêrô và những môn đệ khác đã tận mắt thấy những dấu hiệu bánh cá hoá nhiều. Họ còn cảm nghiệm được quyền năng của việc theo Chúa Giêsu khi họ làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, thậm chí cho kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, họ được mời gọi vượt qua các dấu hiệu đó để “yêu Giêsu như vợ yêu chồng”, “để gắn bó với Đầu là Chúa Giêsu như các chi thể”, như thánh Phaolô nhắc nhở trong Bài đọc II (Ep 5,21-32) để cùng chia sẻ sự sống thần linh.
Muốn đạt được sự kết hợp với Đầu như vậy, Phêrô và các môn đệ cũng dần dần hiểu ra rằng họ phải làm việc, phải tích cực hy sinh, phải bỏ mình đi, thậm chí phải chết nhục nhã như Giêsu trên thập giá để rồi mới sống lại, rồi từ cuộc sống lại với Chúa Giêsu, họ mới gắn bó mật thiết, trọn vẹn với Người và phát huy sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Đó là con đường mà mỗi người chúng ta phải theo.
2.2. Phép lạ hoá bánh trong đời tôi
Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm trong đời mình: vào những năm 1976-1979, Việt Nam thiếu gạo trầm trọng đến độ phải nhận sự giúp đỡ lương thực của nước ngoài. Hàng ngàn tấn bo bo được chở tới Việt Nam. Bo bo thường chỉ dùng để nuôi gia súc hay làm bia rượu, bấy giờ dân ta phải ăn độn với gạo. Anh em linh mục chúng tôi cũng đói khổ không kém. Ngoài cái đói thể xác còn có những căng thẳng tinh thần: không biết mình bị bắt lúc nào vì tình hình chính trị bất ổn lúc đất nước vừa mới thống nhất. Tin vào Chúa Giêsu chúng tôi tự hỏi mình sẽ làm gì để cứu dân tộc đang đói khổ?
Các bạn tôi là những linh mục Nguyễn Trí Hướng, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Phước Tường, Nguyễn Văn Khâm ở vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi hỏi tại sao không biến Đồng Tháp Mười thành vựa lúa, dù nhiều thế kỷ qua nơi đây chỉ là những đồng cỏ năn đầy phèn chua. Chúng tôi cùng cầu nguyện xin Chúa Giêsu soi sáng và nghĩ đến các thửa ruộng bậc thang ở miền Bắc, người ta ngăn từng tầng và chỉ cho nước chảy một chiều từ trên xuống. Chúng tôi thấy cần có một kênh tưới dẫn nước vào và có kênh tiêu để thải nước phèn ra. Chúng tôi nhờ đại học bên Bỉ nghiên cứu đất và khám phá ra rằng đất Đồng Tháp Mười ở bên dưới khoảng một mét có một lớp cao lanh màu trắng chặn phèn bên dưới không cho trồi lên. Ta chỉ cần cày sâu khoảng một mét đất bên trên và làm trôi lớp phèn đi là có thể trồng được lúa. Chúng tôi bỏ ra một lượng vàng cho một mẫu đất để thử trồng lúa bằng phương pháp mới. Quả thật, lần đầu tiên cả nước thấy vùng Đồng Tháp Mười trồng được lúa. Năm đầu trồng một vụ, năm tiếp theo trồng 2 vụ. Mô hình trồng lúa này được phổ biến cho người dân trong vùng. Sau 5 năm, từ một nước nghèo đói phải ăn bo bo, chúng ta bắt đầu xuất khẩu gạo! Đó là phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu cho dân tộc này. Chúng tôi đã xây 2 nhà thờ thật lớn tạ ơn Chúa tại vùng Đồng Tháp Mười.
Như thế, tin vào Chúa Giêsu để thấy rằng Người nuôi cả triệu người vì hiện nay chúng ta đang xuất khẩu nhiều triệu tấn gạo mỗi năm. Nhưng đó cũng chỉ là một dấu hiệu, một bí tích đòi hỏi chúng ta phải vượt qua để gắn bó với Chúa Giêsu và tích cực làm việc để chứng tỏ niềm tin trong cuộc sống.
Lời kết
Hôm nay chúng ta được mời gọi để xác tín lại sự chọn lựa của mình đối với Đức Giêsu và dám chấp nhận mọi hậu quả từ sự chọn lựa này. Chúng ta tin tưởng rằng Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là người yêu đầu đời và muôn thuở của ta nên hậu quả này sẽ luôn luôn là những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa dành cho ta, nhờ Con Yêu Dấu của Ngài.