07/01/2025

Chúa Nhật XIII TN – B: Văn hoá sự sống và sự chết

Sự sống, là một quà tặng của Thiên Chúa, có thể được tiếp đón và bảo vệ thích đáng khỏi rất nhiều cuộc tấn công mà sự sống có nguy cơ gặp phải, cũng như có thể được phát triển phù hợp với những gì làm nên sự tăng trưởng nhân bản đích thực

 

Văn hoá sự sống và sự chết

Hành Khất Kitô

Lời mở

Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật tuần này mời gọi chúng ta bảo vệ và phát huy sự sống Chúa ban vì “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết và chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Vì Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14). Hơn nữa, trong bài Tin Mừng (x. Mc 5,21-43) hôm nay, Đức Giêsu làm phép lạ chữa lành người phụ nữ bị bệnh xuất huyết và cho con gái ông Giairô sống lại. Người muốn chúng ta tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển sự sống cho con người.

Trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu về nền văn hoá sự chết để xây dựng nền văn hoá sự sống cho mọi người.

1. Nền văn hoá sự chết

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Evangelium vitae (Tin mừng Sự sống) năm 1995, số 92, đã nói đến sứ mạng của gia đình trong việc cổ vũ và xây dựng nền văn hoá sự sống để chống lại nền văn hoá sự chết (x. Thư gửi các gia đình Gratissima plane, năm 1994, số 11). Ngài nói: “Gia đình xây dựng trên hôn nhân đúng là thánh điện của sự sống. Sự sống, là một quà tặng của Thiên Chúa, có thể được tiếp đón và bảo vệ thích đáng khỏi rất nhiều cuộc tấn công mà sự sống có nguy cơ gặp phải, cũng như có thể được phát triển phù hợp với những gì làm nên sự tăng trưởng nhân bản đích thực” (x. Thông điệp Centesimus Annus, năm 1991, số 39; x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 231).

Văn hoá sự chết là nền văn hoá trong đó người ta cổ vũ tất cả những gì đi ngược với giá trị sự sống: sự sống tự nhiên và siêu nhiên, thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, sự sống của chính mình, của người khác hay của vạn vật quanh ta. Hình ảnh cô bé 12 tuổi con ông Giairô hấp hối hay người phụ nữ bị bệnh xuất huyết đã 12 năm như gợi ý về tình trạng nguy hiểm của sự sống cho cả người trẻ lẫn người già trong cộng đồng xã hội hiện nay.

Tuần qua, khi đến thăm 1 gia đình, tôi xin sử dụng phòng vệ sinh và thấy ở đó toàn là các tờ báo dành cho người lớn với hình ảnh các cô gái khoả thân. Anh chị chủ gia đình này có 4 con, 2 gái 2 trai, tuổi từ 12 đến 20. Nhiều cha mẹ chẳng để ý gì đến các tờ báo loại đó mà con cái họ giấu ở gầm giường, gầm tủ, những đĩa phim ảnh đồi truỵ, những “trang web đen” con cái mình truy cập mỗi tối, nên chưa biết rằng nhiều đứa con của họ đã mắc bệnh nặng về tinh thần vì những sản phẩm của nền văn hoá sự chết này. Việt Nam hiện nay có 5 triệu người xem phim đồi truỵ mỗi ngày và đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ số lần truy cập phim sex từ năm 2007. Cộng thêm 10 triệu người lớn, trẻ em chơi trò chơi trực tuyến, bỏ cả làm việc, học hành, trong đó có những trò chơi, truyện tranh dạy cha mẹ làm tình với con cái hay với người đồng giới tính.

Chúng ta biết rằng để ghi lại 1 cử động trong 1 giây, kỹ thuật phim ảnh phải thu 24 hình ảnh chuyển động liên tục cùng với màu sắc, âm thanh, ngôn ngữ đi qua mắt ta, rồi đưa vào bộ não và phân tích trong đó. Như vậy, trong 1 giờ xem phim, với 3.600 giây nhân với 24 hình, đã có 86.400 hình ảnh ghi mãi vào trí nhớ, mà không thể nào tẩy rửa hay loại bỏ được, nếu không biết dùng các phương pháp tâm lý hay tâm linh.

Chính những phim ảnh, sách báo đồi truỵ, bạo lực hay ma quái ấy làm cho trí nhớ con người đầy ắp các dữ liệu (data), khó thu nhận thêm những kiến thức khác để dễ dàng học hành, làm việc, nên học hành kém cỏi, làm việc ít hiệu quả là lẽ đương nhiên. Đó là chưa kể chúng có thể dẫn con người đến chỗ thủ dâm hay tìm cách thoả mãn bản năng dục vọng của mình bằng những hành động mua dâm hay bán dâm khác. Hơn nữa, ma quỷ là các thụ tạo tinh thần, “ganh tỵ với con người nên đã đưa cái chết vào thế gian” (Kn 2,24), có thể lợi dụng những dữ liệu ấy làm con người bỏ cầu nguyện, bỏ thánh lễ, làm mất ơn Chúa, gây nguy hại cho sự sống siêu nhiên. Vì thế, Giáo hội Công giáo lên án nền văn hoá sự chết.

Nền văn hoá này làm cho nhiều người chỉ nghĩ đến vật chất để chiếm hữu càng ngày càng nhiều, đến dục vọng để thoả mãn càng ngày càng cao, khiến cho sự sống toàn diện của con người bị nguy hiểm và tổn thương do các tệ nạn nghiện ngập khác như: thuốc lá, rượu bia, ma tuý, cờ bạc. Từ thái độ sống buông thả theo dục vọng con người tiến đến việc sử dụng các phương pháp ngừa thai bất chính, phá thai, giết người, buôn bán hàng giả, hàng độc hại, làm thương tổn đến sự sống thể lý của chính mình và người khác.

Điểm mà nhiều khi ta không ngờ: chúng ta không phải chỉ là nạn nhân của nền văn hoá sự chết, nhưng lại là người chủ động truyền bá, phổ biến nó qua việc cho nhau mượn các sản phẩm đồi truỵ, chỉ cho nhau những trang mạng nguy hiểm. Nhất là ta không ngờ 1 lời nói xấu sau lưng người khác có thể làm cho họ bị mất danh dự, mất công ăn, việc làm, khiến họ buồn khổ, tủi nhục, tuyệt vọng, gây nên những bệnh tâm lý và sự sống của con người và gia đình họ bị tổn thương không thể bồi thường.

2. Xây dựng nền văn hoá sự sống

Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: dựa vào các bí tích đã lãnh nhận, “các gia đình Kitô giáo có  một sứ mạng đặc biệt là làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống. Đây là một sự dấn thân có giá trị như 1 lời tiên tri đích thực và can đảm trong xã hội hôm nay” (Sđd, Tóm Lược…, số 231). Vì thế, chúng ta cùng theo Chúa Giêsu để làm cho rất nhiều người được chữa lành, được sống lại như người phụ nữ bị băng huyết hay con gái ông Giairô qua việc loan báo Tin Mừng sự sống.

Nói như thế, nhiều tín hữu cho đó là chuyện viển vông, hoang tưởng. Ai mà có khả năng làm cho kẻ chết sống lại? Thậm chí một số tín hữu Công giáo còn theo học thuyết của nhà thần học Tin Lành R. Bultmann chủ trương phải giải trừ huyền thoại cho Tin Mừng. Họ chối bỏ tất cả các phép lạ và cả việc sống lại của Chúa Giêsu vì cho chúng là những huyền thoại. Họ so sánh  phép lạ chữa con gái ông Giairô được thánh Matthêu (x. Mt 9,18-26) và thánh Marcô kể lại với những chi tiết khác nhau và đưa ra những lập luận để chối bỏ các phép lạ của Chúa Giêsu. Một dịp khác chúng ta sẽ bàn về vấn đề này. Nhưng nếu ai muốn biết thêm, xin mời vào trang web: www.hanhkhatkito.org, trong mục Giải đáp Thắc mắc 8, bàn về khuynh hướng của ông R. Bultmann.

Thật sự trong đời sống tín hữu, khi ta gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô, nhờ những ân sủng của Chúa Thánh Thần, ta có thể chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại như các tông đồ xưa (x. Mc 16,17-20). Xin phép anh chị em cho tôi chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để làm chứng cho Chúa Giêsu: trong hơn 20 năm qua, từ 1990, tôi đã giúp cho hơn 10 ngàn bệnh nhân và nhiều người được chữa lành. Họ để lại những phiếu xét nghiệm, thư tín, cả những bùa chú, vòng vàng như anh chị em thấy đây để chứng tỏ quyền năng của Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tin vào Người vì Người chính là Tin Mừng Sự Sống, là sự sống lại và sự sống của ta (Ga 11,25).

Chúng ta hãy cổ vũ nền văn hoá sự sống bằng những hành động cụ thể và thiết thực trong đời sống hằng ngày. Trong đời sống cá nhân, ta cố gắng “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng” vì sự sống là tất cả những gì có giá trị tích cực được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài chỉ muốn ta sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Có những người cứ nhớ mãi các lời nói xấu, sự việc tiêu cực, kỷ niệm  đau thương trong lòng cả chục năm trời. Do đó, lòng họ nặng trĩu phiền muộn, vì mỗi ngày còn nhớ là trí não ta còn tiêu hao năng lực. Bỏ chúng đi để cho tâm trí nhẹ nhàng, thanh thoát, ta sẽ nhận được nhiều sự soi sáng, học thêm được nhiều điều mới lạ, đời sống chắc chắn sẽ an vui, hạnh phúc hơn nhiều. Ta có thể thanh tẩy chúng khỏi trí nhớ bằng các phương pháp như tha thứ, xin lỗi, cầu nguyện, xưng tội, nhất là đọc mỗi ngày 1,2 câu Lời Chúa trước khi ngủ đêm để lời Chúa ghi sâu vào tiềm thức. Ta hãy tập sống đơn giản, thanh bần, ăn uống làm việc điều độ, giải trí chừng mực, tập thể dục, chơi thể thao… để phát triển sự sống toàn diện. Tất cả đều thuộc về nền văn hoá sự sống.

Trong đời sống cộng đồng chúng ta cố gắng làm mọi việc tốt đẹp cho nhau bằng những hành động bác ái mà thánh Phaolô khuyến khích trong bài đọc II hôm nay: “Anh chị em đã biết lòng quảng đại của Chúa Giêsu, Người vốn giàu có vô song, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta nên giàu có” (2Cr 8,7-9). Chúng ta bảo vệ sự sống cho người khác bằng việc giúp đỡ các bà mẹ đơn thân, thay vì để họ phá thai, có những điều kiện sống an toàn và nuôi con sau khi sinh, nhất là giúp đỡ những trẻ mồ côi, người khuyết tật, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đang sống khốn khổ quanh ta. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 15 triệu người khuyết tật thuộc 6 dạng tật trên tổng số 90 triệu dân.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về nền văn hoá sự sống và sự chết, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu để loan báo Tin Mừng sự sống cho mọi người. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy giúp con can đảm bước theo Chúa! Amen”.