03/01/2025

Hai gương mặt của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Gương mặt của Saolô bị ngã ngựa được ánh sáng của Đấng Phục Sinh soi chiếu từ trên cao và gương mặt của Thánh Phêrô toát ra một sức sống thể lý mãnh liệt đáng làm cho chúng ta kinh ngạc

 Hai gương mặt của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Cử hành giờ Kinh Chiều nhân dịp mở cửa lại Nhà nguyện Thánh Phaolô tại Dinh Tông Toà Vatican

Nhà nguyện Thánh Phaolô
Thứ Bảy, 4/7/2009

Kính thưa các Đức Hồng y,
Chư huynh đáng kính trong Giám mục đoàn và linh mục đoàn,
Anh chị em thân mến!

Vài ngày sau ngày lễ trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và ngày bế mạc Năm Thánh Phaolô, hôm nay, tôi muốn mở cửa lại Nhà nguyện Thánh Phaolô để mọi người có thể đến kính viếng. Trong những Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô và Thánh Phêrô của Đức Giáo Hoàng, chúng ta đã tham dự những buổi cử hành thật long trọng để tôn kính hai Thánh Tông đồ; và chiều nay, chúng ta lại quây quần chung quanh Dinh của Đức Giáo Hoàng, trong nhà nguyện mà chính Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã chọn và Antonio da Sangallo le Jeune đã thiết kế để làm nơi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và gia đình của người. Những bức tranh và những tác phẩm trang trí làm tăng thêm vẻ đẹp cho nhà nguyện giúp chúng ta cầu nguyện và suy niệm một cách sốt sắng hơn, đặc biệt là hai bức tranh tường của Michel-Ange Buonarroti, là những bức hoạ cuối cùng của nhà danh hoạ sau một cuộc sống trường thọ. Hai bức tranh ấy mô tả biến cố trở lại của Phaolô và cảnh chịu đóng đinh của Phêrô.

Trước tiên, gương mặt của hai Thánh Tông đồ làm cho chúng ta phải chú ý. Vị trí của các ngài trong bức hoạ có thể giúp chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò trọng yếu của hai dung mạo của các ngài trong sứ điệp của khoa ảnh tượng thường được trang trí trong các nhà nguyện. Nhưng, ngoài chỗ đứng của các ngài ra, các ngài còn giúp chúng ta vượt “qua bên kia” hình ảnh: các ngài cật vấn chúng ta và mời gọi chúng ta suy nghĩ. Trước tiên, chúng ta hãy dừng lại để suy nghĩ về con người Thánh Phaolô: tại sao nhà danh hoạ lại mô tả người dưới một gương mặt trông già nua đến thế? Đó là gương mặt của một người cao tuổi, trong khi đó chúng ta biết – và danh hoạ Michel Ange cũng thế – Chúa gọi Saolô trên đường đi Đamát và lúc ấy ông chỉ khoảng 30 tuổi. Danh hoạ Michel Ange làm thế là để dẫn chúng ta vượt ra ngoài tính hiện thực thuần tuý, và giúp chúng ta không chỉ dừng lại ờ bình diện mô tả các biến cố, mà còn đi vào trong một bình diện sâu xa hơn. Gương mặt của Saolô-Phaolô – gương mặt ấy không phải của ai khác ngoài gương mặt của chính nghệ sĩ, từ nay đã già nua, lo âu và đang trên đường đi tìm ánh sáng chân lý – biểu thị cho hữu thể nhân văn, một hữu thể cần đến một thứ ánh sáng vĩ đại hơn nhiều. Đó là ánh sáng ân sủng của Chúa mà con người cần đến để có được một cái nhìn mới, một cái nhìn giúp họ tri giác được thực tế hướng về “niềm trông cậy dành cho anh em trên trời” – như Thánh Tông đồ đã viết trong lời chào đầu Thư gởi tín hữu Côlôxê mà chúng ta vừa mới nghe đọc (1,5).

Gương mặt của Saolô bị ngã ngựa được ánh sáng của Đấng Phục Sinh soi chiếu từ trên cao, và cho dầu gương mặt của ông có vẻ thê lương, nhưng bức tranh vẫn gợi cho ta sự bình an và thanh thản. Bức tranh diễn tả sự chín muồi của một con người được Chúa Kitô soi chiếu từ bên trong, trong khi đó thì chung quanh ông đang diễn ra cả một loạt những biến cố với những gương mặt như thể trong một cơn gió lốc. Ân sủng và sự bình an của Thiên Chúa đã bao phủ lấy Saolô, đã chinh phục và biến đổi ông ngay từ bên trong. Thánh Phaolô sau này sẽ nhắc lại “ân huệ” này, sự “bình an” này cho tất cả các giáo đoàn mà người đã thành lập qua những chuyến hành trình truyền giáo, với sự chín chắn của một con người già trước tuổi, một con người được Chúa giúp cho trưởng thành về mặt thiêng liêng. Như thế, ở đây, qua gương mặt của Thánh Phaolô, ta đã có thể thấy được trọng tâm sứ điệp thiêng liêng của nhà nguyện này: ân sủng kỳ diệu của Đức Kitô biến đổi và canh tân con người nhờ ánh sáng chân lý và tình yêu của Người. Như thế chúng ta đã thấy được nét mới mẻ của biến cố Thánh Phaolô trở lại, của tiếng gọi đón nhận đức tin được thể hiện viên mãn trong mầu nhiệm Thập giá.

Từ gương mặt của Thánh Phaolô chúng ta nhìn qua gương mặt của Thánh Phêrô, được mô tả khi người ta kéo thập giá chúc ngược của người lên cao, và ngay lúc người quay lại để nhìn thẳng vào mặt của người đang quan sát mình. Gương mặt của Thánh Phêrô cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên. Tuổi được mô tả đúng với tuổi thật của người, nhưng nét mặt được mô tả lại làm cho chúng ta phải ngạc nhiên và chất vấn chúng ta. Tại sao lại có một nét mặt như thế? Đây không phải là một hình ảnh đau khổ và gương mặt của Thánh Phêrô toát ra một sức sống thể lý mãnh liệt đáng làm cho chúng ta kinh ngạc. Gương mặt, và đặc biệt là vầng trán và cặp mắt dường như diễn tả trạng thái tâm hồn của con người đang đối diện với cái chết và điều ác: dường như là một sự thất thần, một cái nhìn thật sắc, căng thẳng, như thể để tìm một cái gì đó hay một ai đó, vào giây phút cuối cùng của đời mình. Tác giả đã làm nổi bật đôi mắt trên gương mặt của những người đang đứng xung quanh Thánh Phêrô: những cặp mắt lo âu đang nhìn nhau, thậm chí một vài cái nhìn đầy kinh hoàng hay thờ thẩn. Tất cả những điều đó có nghĩa gì? Đó chính là điều mà Đức Giêsu đã tiên báo cho Tông đồ của mình: “Khi con về già… một người khác sẽ thắt đai lưng cho con để dẫn con đi đến những nơi mà con không muốn”; và Chúa đã nói thêm: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,18.19). Và giờ đây, chính vào giây phút này mà cao điểm của câu nói “sequela” – đi theo Chúa – đã được ứng nghiệm: môn sinh không cao trọng hơn Thầy, và vào lúc này, Thánh Phêrô đang trải nghiệm toàn bộ sự đắng cay của Thập giá, những hậu quả tội lỗi ngăn cách ta với Thiên Chúa, toàn bộ sự phi lý của bạo lực và dối gian. Nếu ta đến cầu nguyện trong nhà nguyện này, thì ta không thể nào tránh được câu hỏi mà Thánh giá của Đức Kitô, Thủ Lãnh của Giáo Hội, và Thánh giá của Thánh Phêrô, Đại diện của Chúa trên trần gian này, đặt ra cho chúng ta một cách triệt để.

Chúng ta thấy hai gương mặt này đang đối diện nhau. Ta cũng có thể nghĩ rằng gương mặt của Thánh Phêrô đang hướng về gương mặt của Thánh Phaolô, tuy Thánh Phaolô không thấy được cái nhìn này, nhưng lại mang trong lòng ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh. Như thể Thánh Phêrô, trong giờ phút thử thách tột cùng, đang tìm ánh sáng này, một luồng sáng đã mang lại đức tin thật cho Thánh Phaolô. Như thế, theo nghĩa này thì hai bức hoạ có thể trở nên hai màn cảnh của cùng một tấm thảm kịch duy nhất: thảm kịch của Mầu nhiệm vượt qua: Thánh Giá và Phục Sinh, chết và sống lại, tội lỗi và ân sủng. Thứ tự biên niên giữa những biến cố được trình bày nơi đây có thể bị đảo lộn, nhưng chương trình cứu độ lại được tỏ hiện, chương trình mà chính Đức Kitô đã thể hiện trong bản thân mình khi Người thi hành vuông tròn chương trình của Chúa Cha, như chúng ta vừa hát trong bài Thánh thi của Thư gởi tín hữu Philípphê. Đối với những ai đến cầu nguyện trong nhà nguyện này, và trước tiên, đối với Đức Giáo Hoàng, thì Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã trở nên những bậc thầy đức tin. Cùng với chứng tá của các ngài, các ngài mời gọi chúng ta đi vào chiều sâu, suy niệm trong thinh lặng mầu nhiệm Thánh giá đang đồng hành với Giáo Hội cho đến tận cùng thời gian, và đón nhận ánh sáng đức tin, và nhờ ánh sáng này mà cộng đoàn Tông đồ có thể trải dài hoạt động thừa sai và Phúc Âm hoá mà Đức Kitô Phục Sinh đã uỷ thác cho Giáo Hội cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Ở đây, trong nhà nguyện này, không có những buổi cử hành long trọng có dân chúng tham dự. Ở đây, người Kế vị Thánh Phêrô và các cộng sự viên của người suy niệm trong thinh lặng và thờ lạy Đức Kitô sống động, hiện diện một cách đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể Cực Thánh.

Thánh Thể là Bí tích bao gồm toàn bộ công trình Cứu chuộc: trong Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự biến đổi từ cái chết đến sự sống, từ bạo lực đến tình yêu. Được ẩn giấu dưới hình bánh rượu, với cặp mắt đức tin, chúng ta có thể nhận ra vinh quang đã biểu lộ cho các Tông đồ sau khi Chúa sống lại, vinh quang mà Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan đã chiêm ngưỡng trước trên ngọn núi cao, khi Đức Giêsu biến hình trước mặt các ông: Biến Hình là một biến cố nhiệm mầu đã được Simone Cantarini mô tả lại trong một đại bích hoạ lớn đầy ấn tượng trong ngôi nhà nguyện này. Thật vậy, toàn bộ nhà nguyện – những bức hoạ trên tường của Lorenzo Sabatini và của Federico Zuccari, những tác phẩm trang trí của nhiều nghệ sĩ được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII mời đến đây vào giai đoạn hai – tất cả, chúng ta có thể nói được như thế, đều hợp lưu lại nơi đây, trong cùng một bản thánh thi duy nhất ca ngợi cuộc chiến thắng khải hoàn của sự sống và ân sủng trên cái chết và tội lỗi, trong một khúc giao hưởng để ca ngọi và biểu lộ tình yêu của chúng ta dành cho Đức Kitô cứu chuộc, một khúc giao hưởng thật vô cùng gợi cảm.

Các bạn thân mến, cuối bài suy niệm ngắn gọn này, tôi xin được cám ơn tất cả những ai đã làm việc để cho chúng ta lại có thể tận hưởng được nơi địa điểm linh thánh này mà ngày hôm nay đã hoàn toàn được trùng tu: đó là giáo sư Antonio Paolucci và vị tiền nhiệm của người là ông Francesco Buranelli, với tư cách là giám đốc của các Viện Bảo tàng Vatican, họ luôn quan tâm đến sự trùng tu hết sức quan trọng này; các chuyên gia khác, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của giáo sư Arnold Nesselrath, đã trùng tu những bức hoạ trên tường và những tác phẩm trang trí trong nhà nguyện này, và đặc biệt là trưởng giám sát Maurizio De Luca và vị phụ tá là bà Maria Pustka, cả hai đã điều hành công việc và trùng tu hai bức hoạ trên tường của Michel-Ange, có sự cố vấn của uỷ ban quốc tế gồm những nhà nghiên cứu có tên tuổi. Tôi cũng bày tỏ tỏ lòng biết ơn đến Đức Hồng y Giovanni Lajolo và các cộng sự viên của người trong Văn phòng quản trị đã hết sức để tâm đến công việc này. Và dĩ nhiên tôi cũng xin trân trọng cám ơn các mạnh thường quân Công giáo Hoa Kỳ và các quốc tịch khác rất đáng trân trọng, nghĩa là những Mạnh thường quân bảo trợ nghệ thuật đã quảng đại dấn trong việc bảo tồn và làm tăng giá trị của di sản văn hoá tại Vatican, nhờ họ mà công tác trùng tu đã được hoàn thành, và hôm nay chúng ta có thể thán phục kết quả đó. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của tôi đến tất cả mọi người và từng người một.

Lát nữa đây chúng ta sẽ cùng nhau hát lên bài ca Magnificat. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, là Thầy dạy cầu nguyện và thờ lạy Chúa, cùng với hai Thánh Phêrô và Phaolô, cầu cùng Chúa cho những ai tin tưởng đến đây để tỉnh tâm nhận được dồi dào ơn Chúa. Còn chúng ta, chiều nay, với tâm tình biết ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã thực hiện, nhất là vì cái chết và sự phục sinh của Con Chúa, chúng ta dâng lên Người lời ca ngợi về công trình đã được hoàn tất trong ngày hôm nay. “Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta mà làm gấp ngàn lần lớn lao hơn điều chúng ta có thể cầu xin hay nghĩ tưởng tới, xin tôn vinh Người trong Giáo Hội và trong Đức Kitô đến muôn đời muôn kiếp. Amen” (Ep 3,20-21).