Padre Piô là con người của kinh nguyện và bác ái
Cử chỉ trang trọng trong việc truyền cho biển động phải yên lặng rõ ràng là dấu chỉ quyền thống trị của Đức Kitô trên các quyền hành tiêu cực và làm cho ta nghĩ tới thiên tính của Người: “Như vậy Người là ai – các môn đệ lòng đầy thán phục và sợ hãi tự hỏi như thế -, mà cả gió và biển cũng phải vâng lệnh?”
Padre Piô là con người của kinh nguyện và bác ái
Tông du tại San Giovanni Rotondo
Cử hành Thánh lễ đồng tế
Tại tiền đường nhà thờ Thánh Piô da Pietrelcina
Chúa Nhật XII Thường Niên, 21/6/2009
Anh chị em thân mến!
Giữa chuyến hành hương của tôi tại địa điểm này, địa điểm mà tất cả đều nói về đời sống và sự thánh thiện của Cha Pio da Pietrelcina, tôi vui mừng được cử hành cho anh chị em và cùng với anh chị em Bí tích Thánh Thể, là mầu nhiệm cấu tạo nên trọng tâm toàn bộ cuộc sống của Cha Piô: nguồn gốc ơn gọi, sức mạnh chứng tá và sự hy sinh tận hiến của người. Tôi hết lòng ưu ái chào anh chị em, tất cả anh chị em đã đến đây thật đông đảo, và tất cả những ai liên lạc với chúng ta qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình. Trước tiên tôi xin chào Đức Tổng giám mục Domenico Umberto D’Ambrosio, người mà sau bao nhiêu năm trời trung thành phục vụ cộng đoàn giáo phận này, giờ đây sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm mục vụ tại tổng giáo phận Lecce. Tôi chân thành cám ơn người đã thay mặt anh chị em nói lên những tâm tình tốt đẹp. Tôi xin chào tất cả các Giám mục đồng tế khác. Tôi xin đặc biệt chào các anh em dòng Capucino, cùng với Bề trên Thượng cấp là Sư huynh Mauro Jöhri, phụ tá Tổng quyền, Bề trên miền, Cha bề trên Dòng, Bề trên Nguyện đường và Cộng đoàn huynh đệ Capucino San Giovanni Rotondo. Ngoài ra, cùng với lòng biết ơn, tôi xin chào những ai đã đóng góp để phục vụ Nguyện đường và những công trình phụ; tôi xin chào các cấp Chính quyền dân sự và quân sự; tôi xin chào các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ khác và tất cả các giáo dân. Với lòng yêu mến tôi nghĩ đến những ai đang sống trong Nhà “Sollievo della Sofferenza”, những người neo đơn và tất cả dân cư trong thành phố của anh chị em.
Chúng ta vừa lắng nghe bài Tin Mừng nói về cơn bão đã dịu, bài Tin Mừng mà chúng ta có thể đặt đối chiếu với một bản văn khác ngắn gọn nhưng rất mạnh mẽ trong Sách Gióp, qua bản văn này Thiên Chúa tự mạc khải như Chúa tể của biển cả. Đức Giêsu đe doạ gió và truyền lệnh cho biển yên, Người gọi biển như thể nó được đồng hoá với quyền lực của ma quỷ. Thật thế, dựa theo điều mà bài đọc một và Thánh vịnh 106/107 nói với chúng ta, trong sách Thánh, biển được xem như một yếu tổ đe doạ, hỗn độn, có thể tàn phá, mà chỉ mình Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá, mới có thể thống trị, cai quản và dẹp yên.
Tuy nhiên còn có một sức mạnh khác – một sức mạnh tích cực – sức mạnh sinh động hoá thế giới, có khả năng biến đổi và canh tân các loài thụ tạo: sức mạnh của ”tình yêu Đức Kitô” (2 Cr 5,14), Như Thánh Phaolô đã gọi như thế trong Thư Thứ Hai,, gởi tín hữu thành Côrintô: như vậy, chủ yếu đây không phải là một sức mạnh vũ trụ, mà là thần linh, siêu việt. Sức mạnh này cũng hoạt động trong vũ trụ, nhưng theo bản tính, tình yêu của Đức Kitô là một quyền năng “khác”, và Chúa đã biểu lộ tính khác biệt siêu việt này trong cuộc Vượt qua của Người, trong sự “thánh thiện” của “con đường” mà Người đã chọn để giải phóng chúng ta khỏi ách thống trị của ác tà, giống như biến cố xuất hành ra khỏi Ai Cập, khi Thiên Chúa đưa dân Do Thái xuyên qua dòng nước Biển Đỏ. “Ôi lạy Thiên Chúa – tác giả Thánh vịnh kêu lên – sự thánh thiện là con đường Ngài đi … Đường của Ngài băng qua biển rộng / những nẻo đường Ngài qua những dòng nước thẳm sâu” (Tv 77/76, 14.20). Trong mầu nhiệm Phục sinh, Đức Giêsu đã đi qua vực thẳm của cái chết, bởi vì Thiên Chúa đã muốn canh tân vũ trụ như thế: qua cái chết và sự phục sinh của Con Thiên Chúa ”chết cho chúng ta” để cho tất cả có thể sống “cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5,16) chứ không phải chỉ sống cho mình!
Cử chỉ trang trọng trong việc truyền cho biển động phải yên lặng rõ ràng là dấu chỉ quyền thống trị của Đức Kitô trên các quyền hành tiêu cực và làm cho ta nghĩ tới thiên tính của Người: ”Như vậy Người là ai – các môn đệ lòng đầy thán phục và sợ hãi tự hỏi như thế -, mà cả gió và biển cũng phải vâng lệnh?” (Mc 4,41). Đức tin của các môn đệ chưa được vững mạnh, đức tin ấy đang được hình thành; đó là một sự pha lẫn giữa sợ hãi và tin tưởng; còn trái lại, sự phó thác đầy tin tưởng của Đức Giêsu đối Cha Người thì trọn vẹn và trong sáng. Như thế, do sức mạnh của tình yêu, Người có thể ngủ, Người ngủ trong cơn giông bão, tuyệt đối an toàn trong bàn tay Thiên Chúa. Nhưng giờ sẽ đến, giờ mà Đức Giêsu sẽ cảm thấy sợ hãi và âu lo: khi giờ của Người đến, Người sẽ cảm thấy sức nặng của tội lỗi nhân loại đè nặng trên đôi vai Người, như thể triều dâng ụp xuống trên Người. Lúc đó sẽ là một cơn bão kinh hoàng, không phải là một cơn bão vũ hoàn, mà là một cơn bão thiêng liêng. Đó sẽ là đợt tấn công cuối cùng mạnh mẽ nhất của ác tà chống lại Con Thiên Chúa.
Nhưng vào giây phút đó, Đức Giêsu không hề nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa Cha và sự gần gũi của Thiên Chúa, dầu cho Đức Giêsu phải hoàn toàn trải nghiệm khoảng cách từ hận thù đến tình yêu, từ dối gian đến sự thật, từ tội lỗi đến ân sủng. Người trải nghiệm thảm kịch này trong chính bản thân người một cách vô cùng thê thiết, đặc biệt tại vườn Cây Dầu, trước khi Người bị bắt, và sau đó, trong suốt cuộc khổ nạn, cho đến cái chết trên cây Thập tự. Vào giờ phút đó, một mặt, Đức Giêsu kết hợp khắng khít với Chúa Cha, hoàn toàn phó thác vào Chúa Cha, nhưng mặt khác, vì liên đới với người tội lỗi, Đức Giêsu như bị tách biệt, và cảm thấy bị Chúa Cha ruồng bỏ.
Một số vị Thánh đã sống thật mãnh liệt và có tính cách cá biệt cái cảm nghiệm này của Đức Giêsu. Cha Pio da Pietrelcina là một trong những vị Thánh đó. Là một con người đơn sơ, xuất thân thật tầm thường, người “đã bị Đức Kitô nắm lấy” (Ph 3,12) – như Tông đồ Phaolô đã nói về chính mình – để làm cho người trở nên một dụng cụ ưu tuyển phục vụ cho quyền năng vĩnh cửu của Thập giá Đức Kitô: quyền của tình yêu đối với các linh hồn, quyền của sự tha thứ và giao hoà, quyền của tình phụ tử thiêng liêng, quyền của tình liên đới hữu hiệu đối với những ai đang đau khổ. Năm dấu thánh in trên thân xác Cha thánh Piô đã liên kết người một cách khắng khít với Đấng Chịu Đóng Đinh Đã Sống Lại. Là môn đệ đích thật của Thánh Phanxicô Assise, và cũng như Người nghèo thành Assise, – Poverello d’Assise – Thánh Piô đã đón nhận cái cảm nghiệm của Thánh Tông đồ Phaolô được mô tả trong những lá Thư của người: “Tôi cùng chịu đóng đinh vào Thập giá với Đức Kitô, tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20); hay “Như thế, cái chết tác động trong chúng tôi, còn sự sống trong anh em” (2 Cr 4,12). Điều này không có nghĩa là vong thân, là đánh mất nhân vị: Thiên Chúa không bao giờ triệt tiêu hữu thể nhân văn, nhưng nhờ Thần Khí của Người biến đổi và quy hướng nó phục vụ cho chương trình cứu rỗi của Người. Cha Thánh Piô bảo tồn những ơn ban tự nhiên này, cũng như tính khí của mình, nhưng người đều dâng tất cả lên cho Chúa là Đấng có thể sử dụng chúng một cách tự do để kéo dài công việc của Đức Kitô: đó là loan báo Tin Mừng, tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh nhân trên thể xác cũng như trong tâm hồn.
Cũng như Đức Giêsu, Cha Thánh Piô cũng phải chiến đấu thật sự, một cuộc chiến tận căn không phải chống lại những kẻ thù trần thế, nhưng chống lại thần khí ác tà (x. Ep 6,12). Những “cơn bão” mãnh liệt nhất đe doạ người là những đợt tấn công của ma quỷ, và người đã tự bảo vệ bằng “áo giáp của Thiên Chúa”, với “khiên thuẫn của đức tin” và “gươm của Thần Khí, nghĩa là lời của Thiên Chúa” (Ep 6,11.16.17). Luôn kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng người không bao giờ quên đi chiều sâu của tấm thảm kịch nhân văn, và chính vì thế, người đã tự hiến và dâng lên Chúa những đau khổ người đã gánh chịu, và người đã biết tiêu hao cả bản thân mình để chăm sóc và xoa dịu đau khổ của những bệnh nhân, là dấu chỉ hữu hình của lòng Chúa thương xót, của Nước Chúa đang đến, và Nước ấy cũng đã hiện diện trên trần gian này rồi, của tình yêu và sự sống chiến thắng tội lỗi và cái chết. Hướng dẫn các linh hồn và xoa dịu những đau khổ của con người, đó là điều ta có thể tóm tắt về sứ mệnh của Thánh Pio da Pietrelcina, như người tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: « Đó là một con người của kinh nguyện và đau khổ » (Phát biểu với các Cha tham dự Hội nghị dòng Capucinô, 20-2-1971).
Các bạn thân mến, các đan sĩ dòng Capucinô thân mến, các thành viên thuộc các nhóm cầu nguyện và tất cả anh chị em tín hữu San Giovanni Rotondo thân mến, anh chị em là những người thừa kế của Cha thánh Piô và di sản mà người đã để lại cho anh chị em là sự thánh thiện. Trong một trong bức thư của người, người đã viết như sau: ”Hình như Đức Giêsu chẳng có mối bận tâm nào trong tâm trí ngoài mối bận tâm thánh hoá linh hồn của anh chị em” (Thư ii, tr. 155). Mối bận tâm đầu tiên của Cha thánh Piô, mối lo lắng linh mục và tình phụ tử của Cha, là làm sao cho mọi người trở về với Thiên Chúa, làm sao cho họ có thể trải nghiệm được lòng nhân hậu của Thiên Chúa, và một khi được canh tân về mặt nội tâm, họ có thể tái khám phá vẻ đẹp và niềm vui được làm Kitô hữu, vẻ đẹp và niềm vui sống hiệp thông với Đức Giêsu, thuộc về Giáo Hội của Người và thực thi Tin Mừng. Cha thánh Pio lôi cuốn mọi người trên con đường thánh thiện nhờ chứng ta riêng của Cha, khi chỉ cho mọi người bằng gương sáng “con đường” dẫn đến sự thánh thiện, đó là và bác ái.
Trước tiên là kinh nguyện. Cũng như tất cả những con người vĩ đại của Thiên Chúa, Cha thánh Piô cũng đã trở nên kinh nguyện, cả thân xác lẫn tâm hồn. Những ngày sống của Cha là một tràng hạt sống, một sự chiêm niệm và một sự đồng hoá liên tục với các mầu nhiệm của Đức Kitô trong sự hiệp thông thiêng liêng với Đức Trinh Nữ Maria. Qua đó ta có thể hiểu được những ân huệ siêu nhiên và những đức tính nhân bản cùng đồng hiện hữu một cách đặc biệt trong con người của Cha thánh. Và tất cả đã đạt đến đỉnh điểm trong việc người cử hành Thánh lễ: và qua Thánh lễ, Cha đã kết hiệp một cách trọn vẹn với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Bác ái phát xuất từ kinh nguyện, như thể từ một dòng suối luôn tuôn chảy. Tình yêu mà Cha thánh cưu mang trong lòng và chuyển trao cho người khác thì đầy tình âu yếm, luôn để tâm đến những hoàn cảnh thực sự của mọi người và gia đình của họ. Đặc biệt đối với các bệnh nhân và những người đang đau khổ, Cha thánh Piô khuyến khích họ đặc biệt yêu mến Thánh Tâm Chúa Kitô, và chính từ tình yêu mến Thánh Tâm này mà ý định khởi xướng một chương trình vĩ đại nhằm ”xoa dịu đau khổ” đã bắt nguồn và được hình thành. Ta sẽ không thể nào hiểu được cũng như không thể nào cắt nghĩa được công trình này, nếu ta tách biệt nó ra khỏi nguồn suối cảm hứng, đó là bác ái Tin Mừng được sinh động nhờ kinh nguyện.
Các bạn rất thân mến, hôm nay, Cha thánh Piô lại đề nghị chúng ta quan tâm đến tất cả những điều này. Những nguy cơ về sự hiếu động và tục hoá vẫn luôn còn đó, chính vì thế, chuyến viếng thăm của tôi cũng nhằm mục đích giúp anh chị em trung thành với sứ mệnh thừa hưởng từ người cha rất đáng yêu mến của anh chị em. Nhiều người trong anh chị em, là nam nữ tu sĩ và giáo dân, anh chị em phải bận bịu với trăm công nghìn việc để phục vụ các khách hành hương, hay các bệnh nhân tại bệnh viện, đến nỗi anh chị em có nguy cơ không chú tâm đến điều thật sự cần thiết là lắng nghe Đức Kitô để chu toàn ý Thiên Chúa. Khi anh chị em thấy mình gần như chuốc lấy nguy cơ này, hãy nhìn lên Cha thánh Piô: gương sáng của người, những đau khổ của người; và hãy kêu xin người cầu bàu cùng Chúa ban cho anh chị em ánh sáng và sức mạnh để đeo đuổi sứ mệnh của Cha thánh, một sứ mệnh thấm nhuần tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình ái huynh đệ. Và từ trời cao, ước gì Cha thánh Piô tiếp tục biểu lộ tình phụ tử thiêng liêng, một tình phụ tử làm cho người được nổi bật trong suốt cuộc sống nơi dương gian; ước gì Cha thánh tiếp tục đồng hành với những người bạn đồng hội của Cha, những người con tinh thần của Cha, và tất cả những công việc mà Cha thánh đã khởi sự. Cùng với Thánh Phanxicô, và Đức Trinh Nữ Maria, Đức Trinh Nữ mà Cha thánh đã hết mực yêu mến và làm cho mọi người yêu mến Mẹ trên trần gian này, ước gì Cha thánh để mắt trông coi và luôn bảo vệ anh chị em. Và như thế, ngay cả trong những cơn giông bão có thể nổi lên bất thần, anh chị em vẫn cảm nghiệm được luồng khí của Thánh Thần, một luồng khí mạnh hơn bất cứ cơn gió ngược nào và đẩy con thuyền Giáo Hội và mỗi người trong chúng ta tiến bước. Do đó, chúng ta phải luôn sống thanh thản và vun đắp niềm vui trong tâm hồn chúng ta và cảm tạ Chúa. “Tình yêu của Người vẫn mãi trường tồn” (Thánh vịnh đáp ca). Amen!