07/01/2025

CN X TN – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô – B: Phát huy nội lực của Thánh Thể trong đời sống

Việc phát huy nội lực của BTTT là 1 tiến trình dài để biến đổi con người bệnh tật, yếu đuối thiêng liêng thành người khoẻ mạnh, đầy sinh lực của Thánh Thần

 

Phát huy nội lực của Thánh Thể trong đời sống

Hành Khất Kitô

Lời mở

Chúng ta vừa mới tìm hiểu về gương sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể của các Thánh Tử đạo Việt Nam và về các nguyên nhân khiến tín hữu chúng ta chưa phát huy được nội lực của Bí tích Thánh Thể (BTTT) là không ăn, không tiêu, không hoá. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là: làm sao phát huy được nội lực của BTTT trong đời sống thường ngày nơi người tín hữu Công giáo Việt Nam (THCGVN). Chúng ta cùng suy nghĩ về 2 điểm sau:

– Hiện trạng của THCGVN với BTTT

– Những đề nghị để phát huy nội lực của BTTT

 

1. Hiện trạng của tín hữu Công giáo Việt Nam với BTTT

1.1. Sự thật qua các số liệu về BTTT

Nếu theo dõi báo cáo của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam, về BTTT nơi tín hữu Việt Nam với Toà Thánh Rôma, chúng ta sẽ nhận ra những nét đặc biệt của Giáo hội Việt Nam: đó là số người dự thánh lễ và rước lễ ngày Chủ Nhật rất đông, tỷ lệ lên tới trên 80% dân số Công giáo. Đây là tín hiệu đáng mừng nếu ta so sánh với tỷ lệ khoảng 10% dân số Công giáo của nhiều nước của châu Âu dự lễ ngày Chủ Nhật. Số các xứ đạo chầu Thánh Thể càng ngày càng tăng. Số các em Rước Lễ Lần Đầu năm 2009 là 117.441, năm 2010 là 102.956 em trên tổng số khoảng 6 triệu tín hữu của 90 triệu dân. Trước khi được Rước Lễ Lần Đầu, các em phải học giáo lý về BTTT.

Chúng ta có thể biết thêm thái độ của tín hữu giáo phận Xuân Lộc về BTTT, giáo phận có số tín hữu đông nhất Việt Nam: 887.232 người trên dân số 2.386.774 người qua báo cáo tổng kết năm 2011 của giáo phận: số người rước lễ trong năm là 45%, trong mùa Phục Sinh là 87%, đi dự lễ ngày thường 27% trong số đó có 86% rước lễ. Giáo phận có 237 giáo xứ thì 187 giáo xứ chầu Thánh Thể mỗi tuần, 59 giáo xứ chầu cả ngày, 18 giáo xứ chầu cả ngày lẫn đêm.

Nhà thờ ở Việt Nam hầu như luôn đầy người dự lễ và rước lễ ngày Chủ nhật, nhưng số người dự lễ ngày thường trung bình chỉ khoảng từ 15% đến 25% và hầu như là các người cao tuổi, đa số họ đều lên rước lễ. Các bạn trẻ và trẻ em thường vắng bóng trong thánh lễ ngày thường vì bận đi làm hay đi học. Các giờ chầu Thánh Thể chung cho cả xứ đạo thường có rất đông người tham dự nhưng việc chầu Thánh Thể riêng tư thường chỉ có người cao tuổi tham dự, ít khi thấy các bạn trẻ có mặt.

1.2. Nhận định

Chúng ta có thể thấy rằng ở Việt Nam, số người rước Thánh Thể như của ăn thiêng liêng rất đông nhưng vấn đề đặt ra là tại sao Giáo hội Việt Nam không phát triển như lòng ta mong ước? Tại sao tỷ lệ dân số Công giáo 7% giữ nguyên từ 127 năm nay và có chiều hướng giảm so với thời kỳ của các Thánh Tử Đạo 1645-1885. Nếu so sánh với Giáo hội Hàn Quốc tiến từ 1% dân số vào năm 1949 đến hơn 10% dân số cả nước vào năn 2009, ta mới thấy mình phải tìm ra nguyên nhân của sự thật đau lòng này.

Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là người tín hữu Việt Nam vẫn còn rước lễ như một “bí tích”, nghĩa là chỉ theo hình thức bên ngoài, chứ chưa cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong đời sống thường ngày. Rời thánh lễ là họ quên ngay Chúa Giêsu Thánh Thể và hành động như một người bình thường trong đời sống xã hội. Như thế họ có ăn mà không tiêu hoá được Thánh Thể.

Nhiều tín hữu sau khi rước lễ vẫn tiếp tục ăn thêm nhiều của ăn tinh thần độc hại qua những câu chuyện “ngôi lê đôi mách”, những phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet… Trong số 24 triệu người Việt truy cập internet mỗi ngày, có đến 6 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ, 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến bỏ cả công ăn việc làm, thử hỏi có bao nhiêu người Công giáo trong số đó? Những thứ đồ ăn xấu xa đó khiến Mình Máu Chúa không thể phát huy nội lực trong đời sống tín hữu.

Nhiều tín hữu rước lễ nhưng không có các hoạt động nội thân để làm tiêu tan Thánh Thể thành sức sống, tình yêu, ân sủng, quyền năng như cơm canh rau thịt được các cơ quan như răng miệng, dạ dày, ruột non, ruột già, gan mật, lá lách… biến thành chất đường, chất béo, chất đạm, chất khoáng, vitamin, chất điện giải… Họ nghĩ rằng chỉ cần nhận Thánh Thể vào mình chứ không cần cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lần hạt, tĩnh tâm, đọc sách thiêng liêng… Họ chẳng cần dọn mình trước hay cám ơn sau khi rước lễ. Họ vội vàng ra về và quên ngay vị Chúa cao cả đang sống trong mình.

Họ thiếu hành động ngoại giới vì nghĩ rằng Thánh Thể chỉ dành cho sự sống của họ chứ không nghĩ đến người khác, đến Thân Thể Nhiệm mầu là Giáo Hội, đến nhân loại và cả vũ trụ qua bánh và rượu tượng trưng. Họ không chuyển hoá tình yêu, quyền năng, ân phúc do BTTT mang lại thành các hoạt động cụ thể như loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm việc bác ái xã hội và  xây dựng sự hợp nhất của Kitô hữu nên dần dần xa rời BTTT vì thấy chẳng ích lợi gì cho mình khi rước Chúa giống như tình trạng chung của tín hữu toàn cầu.

2. Những đề nghị để phát huy nội lực của BTTT

2.1. Nhận thức đầy đủ

Việc phát huy nội lực của BTTT là 1 tiến trình dài để biến đổi con người bệnh tật, yếu đuối thiêng liêng thành người khoẻ mạnh, đầy sinh lực của Thánh Thần giống như vực dậy 1 người suy nhược, kiệt sức thành khoẻ mạnh hay thành vận động viên thể thao. Tiến trình gồm nhiều giai đoạn đi từ nhận thức đầy đủ đến việc thay đổi thái độ hành vi rồi tích cực tập luyện để thành thói quen thay vì ngồi yên trông đợi phép mầu biến đổi từ BTTT.

Tiến trình này luôn khởi đầu với sự nhận thức đầy đủ về “BTTT là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo”, nhận thức mình cần phải ăn, phải tiêu, phải chuyển hoá Thánh Thể như thế nào trong đời sống thường ngày. Muốn tạo nên nhận thức này, mọi thành phần tín hữu phải học hỏi kỹ lưỡng về BTTT, đưa nội dung nhận thức này vào trong các bài giảng lễ, giờ chầu Thánh Thể thay vì ngồi ca hát hay chỉ yên lặng như hiện nay đến nỗi phải mượn cách cầu nguyện của cộng đồng Taizé! Nên biên soạn các sách hướng dẫn các buổi cầu nguyện trước Thánh Thể với nội dung phong phú để nhiều người hiểu biết về lịch sử, việc cử hành Phụng vụ Thánh Thể, hy tế bí tích, bàn tiệc Vượt Qua, những hiệu quả của việc rước lễ… (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1322-1419).

2.2. Thay đổi thái độ, hành vi

Một khi nhận thức đầy đủ, tín hữu Công giáo dần dần sẽ thay đổi thái độ và hành vi của mình để phát huy nội lực của bí tích này. Trong đời sống hiện nay nặng về thực dụng, hưởng thụ, nhiều bậc phụ huynh và bạn trẻ tính toán rằng chính mình và con cái phải làm việc, học hành vất vả, nên thay vì tốn 1 giờ để dự lễ hay chầu Thánh Thể, họ dành để ngủ thêm cho lại sức, nghỉ ngơi giải trí cho tinh thần thư giãn. Họ không biết rằng BTTT vừa là nguồn hồi phục sức lực nhanh chóng nhất, vừa là nơi an nghỉ tốt nhất cho tinh thần thanh thản.

Trong kinh nghiệm đời sống, tôi biết có những người làm việc, học hành  mỗi ngày từ 12-14 giờ mà không mệt mỏi. Họ vừa dạy học, chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, vừa hoạt động bác ái xã hội nhân danh Chúa Giêsu mà vẫn khoẻ mạnh, dồi dào sinh lực. Hỏi ra mới biết họ chỉ có một bí quyết chung: ngoài thánh lễ và rước lễ hằng ngày, mỗi khi đi ngang qua nhà thờ hay nhà nguyện, họ luôn ghé vào hoặc cúi chào và rước lễ thiêng liêng. Từ đó tôi đã thay đổi thái độ của mình đối với BTTT.

2.3. Tập thành thói quen

Cuối cùng muốn cho BTTT phát huy trọn vẹn nội lực, người tín hữu cần biến những hành vi đối với BTTT thành thói quen trong đời sống. Nhiều người chúng ta biết thí nghiệm “phản xạ có điều kiện của nhà bác học Pavlov”: với con chó, đĩa thịt và tiếng chuông. Người ta tập cho con chó có phản xạ tiết ra dịch vị trong dạ dày bằng cách đánh đều tiếng chuông và bớt lần việc đưa ra đĩa thịt. Cuối cùng chỉ cần nghe tiếng chuông là con chó tiết dịch vị. Con chó đã tập thành một thói quen. Người ta ứng dụng định luật tâm lý này cho con người.

Người tín hữu cũng có thể tập những thói quen đối với BTTT: đọc lời nguyện tắt trước mỗi hành động để xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc phúc, tập đi dự lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể đều đặn vài ngày trong tuần, tập dành ngày thứ Năm để làm một việc bác ái… Nhất là đối với những ai tham gia Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, chúng ta có thể tập hoạt động chung với nhau để hình thành thói quen này.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về việc phát huy nội lực của BTTT trong đời sống người THCGVN, chúng ta thấy mình có thể đóng góp rất nhiều cho Giáo Hội và thế giới bằng việc nhận thức tầm quan trọng của BTTT trong đời sống để thay đổi cuộc đời. Chúa Giêsu Thánh Thể rất yêu thương chúng ta, chắc chắn Người rất muốn biến đổi ta nên hiện thân của Người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa hãy thực hiện nơi chúng con chương trình cứu độ của Chúa. Amen.