24/11/2024

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Bí tích Thánh Thể

Cha ông chúng ta ngày xưa, dù sống trong những hoàn cảnh bị bách hại, tù tội, không thể dự lễ hay rước lễ, nhưng vẫn nối kết với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc rước lễ thiêng liêng và vẫn phát huy được những năng lực kỳ diệu của bí tích này.

 Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Bí tích Thánh Thể

Hành Khất Kitô

Lời mở

Hôm nay, ngày Thánh Thể lần thứ III-2012 của Đan viện Thiên Tâm ở thành phố Kerens, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, chúng ta long trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các bậc tổ tiên anh hùng đã đóng góp nhiều công sức và hy sinh mạng sống để xây dựng tốt đẹp Giáo Hội và dân tộc Việt Nam. Tất cả sự nghiệp đó đều bắt nguồn từ Bí tích Thánh thể (BTTT) vì “BTTT là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo” như Công đồng Vaticanô II đã dạy trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 11 (Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 1324). Vì thế, chúng tôi xin mời anh chị em suy nghĩ đề tài: Làm sao phát huy được nội lực của BTTT trong đời sống chúng ta như các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chúng ta sẽ tìm hiểu 2 điểm sau đây:

– Các Thánh Tử đạo đã phát huy nội lực của BTTT như thế nào?

– Tại sao tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta chưa phát huy được nội lực của bí tích này?

1. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO ĐÃ PHÁT HUY NỘI LỰC CỦA BTTT

1.1. Hoàn cảnh của các TTĐ và tín hữu Công giáo thời trước

Từ thời kỳ khai đạo chính thức bắt đầu vào năm 1615-1665 với các cha thừa sai dòng Tên đến truyền giảng ở 2 miền Nam Bắc cho đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802, dân tộc Việt Nam chúng ta sống hết sức nghèo khổ, lạc hậu do cuộc chiến tranh tương tàn của 2 chúa Trịnh Nguyễn. Thật vậy từ vài ngàn năm trước, nước ta theo chế độ quân chủ chuyên chế, trọng nam khinh nữ, hôn nhân đa thê, không biết gì đến khoa học, lấy chữ Nho hay chữ Hán của người Trung quốc là chữ chính thức. Khi người Công giáo giới thiệu các giá trị mới về dân chủ, vua không phải là Thiên Tử, là con Trời mà có toàn quyền sinh sát trong tay vì mọi người đều là anh em trong đại gia đình thiên Chúa, nam nữ được coi trọng như nhau, hôn nhân chỉ 1 vợ 1 chồng, phổ biến cho nhau chữ Việt thay cho chữ Hán, chữ Nôm, truyền bá khoa học kỹ thuật do các thừa sai Tây phương chỉ dạy để sống mạnh khoẻ, an vui, hạnh phúc thì họ đã bị chính quyền gồm các nhà Nho phản đối kịch liệt. Các cuộc bách hại bắt nguồn từ đó.

Trong khoảng 20 năm dưới triều Vua Gia Long, do ảnh hưởng của Giám mục Bá Đa Lộc đã dạy dỗ Hoàng tử Cảnh, người Công giáo được tự do giữ đạo. Nhưng khi vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, cuộc bách hại đạo diễn ra khốc liệt cho đến năm 1883 khi Vua triều Nguyễn buộc phải ký hoà ước với người Pháp cho phép dân chúng được tự do giữ đạo. Cuộc giết hại người Công giáo do phong trào Văn Thân còn khủng khiếp hơn vì các nhà Nho đổ tội cho người Công giáo theo người Tây Phương làm hại đất nước. Với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, nghĩa là “Diệt cho hết người Tây, giết người theo đạo tà”,  các nhà Nho xúi giục dân chúng đốt phá, cướp bóc các làng Công giáo, giết hại hay bắt người Công giáo làm nô lệ. Ngoài Á Thánh Anrê Phú Yên và 117 vị Thánh Tử Đạo được tuyên phong, người ta ước tính có khoảng 130.000 người đã chết vì danh Đức Giêsu Kitô trong thời kỳ từ năm 1615-1885.

Chỉ từ khi các nhà Nho lãnh đạo các phong trào ái quốc Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Lương Văn Can… kêu gọi hãy nhận ra những giá trị tích cực của Công giáo và hãy sống tốt đẹp như người Công giáo thì cuộc bách hại mới thật sự chấm dứt.

Trong thời gian đó, Giáo hội Việt Nam chưa được phép công khai xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học, chưa được công khai cử hành thánh lễ, số linh mục tu sĩ rất ít, giáo dân cùng lắm vài tháng hay cả năm mới được xưng tội, rước lễ 1 lần, thì chúng ta hỏi sức mạnh nào đã giúp các tín hữu, nhất là các vị tử đạo thời đó sống những giá trị Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô?

1.2. Nội lực của BTTT

Chúng ta có thể trả lời rằng tất cả sức mạnh diệu kỳ của các vị anh hùng ấy đều múc từ BTTT vì BTTT là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. “Tất cả các bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh và các hoạt động tông đồ đều gắn với BTTT và quy hướng về bí tích đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta” (CĐ Vat. II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5; GLHTCG, số 1324).

Dù chưa có những tài liệu giáo lý dồi dào về BTTT như chúng ta ngày nay, nhưng các tín hữu thời đó đã xác tín rằng: “BTTT là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội thánh vì trong bí tích này Đức Giêsu Kitô liên kết tất cả các chi thể của Người vào hy tế chúc tụng và tạ ơn, được dâng lên Chúa Cha trên thập giá 1 lần cho mãi mãi. Qua hy tế này, Người tuôn đổ các ân sủng cứu độ trên Thân thể mầu nhiệm của Người là Hội Thánh” (GLHTCG, số 1407). Tổ tiên ta nhớ thuộc lòng những lời Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,51.56).

Có rất nhiều gương sống của các Thánh Tử Đạo Việt Nam về lòng tôn kính BTTT, mà thời gian không cho phép chúng ta kể hết. Sau đây chỉ là vài thí dụ điển hình. Ngày 30-11-1835, trước khi hành hình cha Marchand Du, tại toà Tam Pháp, ngài bị quan án hỏi:

Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm sự gì quái gở lắm phải không?

Không, chẳng có gì quái gở – cha trả lời.

Vậy tại sao có thứ bánh dùng làm bùa mê, thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà chúng mê đạo đến thế!

Rất nhiều linh mục bị bắt ngay sau khi dâng thánh lễ như cha Gioan Đạt. Cha trốn trên rừng nhưng khi thấy tình hình lắng dịu, cha thường lẻn về các giáo xứ để ban các bí tích. Cha bị bắt khi vừa dâng lễ xong tại tư gia. Cha Jean Louis Hương cũng vậy. Còn thánh Mathhew Alonso Liciniana Đậu bị quân lính vây bắt lúc đang dâng lễ ngày 29-11-1743. Các ngài ý thức rất rõ: BTTT là trọng tâm đời sống. Chính việc cử hành thánh lễ của các ngài trở thành những gương mẫu, thành bài giảng sống động về BTTT cho giáo dân. Thánh nữ Đê cũng nhắc nhở con gái là cô Nụ: “Các con phải sáng tối đọc kinh dâng lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng”.

2. TẠI SAO TÍN HỮU CÔNG GIÁO VIỆT NAM CHƯA PHÁT HUY ĐƯỢC NỘI LỰC CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ?

Nếu các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tìm được nguồn sống sung mãn, nguồn sức mạnh vô địch, nguồn ân sủng vô tận nơi BTTT thì tại sao những tín hữu chúng ta ngày nay lại không khai thác được nguồn nội lực đó, dù chúng ta có nhiều điều kiện để hiểu biết BTTT và rước lễ thường xuyên cũng như không bị bách hại?

Câu trả lời đòi hỏi phải nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân cụ thể thuộc về từng người. Nhưng chúng ta có thể phân loại thành 3 nguyên nhân chính sau đây khi so sánh Thánh Thể là lương thực thiêng liêng với đồ ăn, thức uống là lương thực tự nhiên mà hằng ngày ta đưa vào thân thể. 3 nguyên nhân đó là: không ăn, không tiêu, không hoá.

2.1. Trước hết là những người không ăn

Nhiều tín hữu ngày nay rất quan tâm đến việc ăn uống cho thể xác họ được khoẻ mạnh nhưng lại quên linh hồn mình cũng cần lương thực linh thiêng là Mình Máu Thánh Chúa, là Lời Chúa để sống cho đúng là 1 con người toàn diện và phát triển đời sống Kitô hữu. Họ bỏ lễ ngày Chúa Nhật, bỏ rước lễ nên linh hồn họ suy nhược, kiệt sức đến nỗi không còn khả năng chống lại các cơn cám dỗ của ma quỷ và những tham vọng, dục vọng của chính mình.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên có những tín hữu sống trong những hoàn cảnh bị bách hại, tù tội, không thể dự lễ hay rước lễ, nhưng họ vẫn nối kết với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc rước lễ thiêng liêng và vẫn phát huy được những năng lực kỳ diệu của bí tích này.

2.2. Tiếp theo là những người ăn mà không tiêu

Nhiều tín hữu rước lễ hằng tuần, có khi hằng ngày, nhưng hình như Thánh Thể giống như một thứ lương thực chưa tiêu tan được trong họ để biến họ thành một với Chúa Giêsu và thông hiệp với Chúa Ba Ngôi.

Ai cũng biết rằng để tiêu hoá được lương thực nhiều bộ phận cơ thể phải làm việc tích cực: răng miệng nhai nuốt, dạ dày co bóp, nhào trộn với dịch vị, ruột non hấp thu các chất đường (carbonat hydrat), protein (chất đạm), lipit (chất mỡ), vitamin, điện giải, ruột già hấp thu nước, chất điện giải rồi thải chất cặn bã ra ngoài. Việc tiêu hoá lương thực thiêng liêng cũng thế. Chúa mời gọi chúng ta cộng tác để làm nên chất liệu Thánh Thể là bánh và rượu, tượng trưng cho mọi hoạt động, khổ đau, hy sinh của con người. Rồi nhờ lời truyền phép, Chúa Giêsu biến tất cả nên Mình Máu Người. Ai không biết dâng những chất liệu ấy, họ không làm nên Thánh Thể cho mình. Hơn nữa, những hoạt động trong đời sống đạo đức như cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lần hạt, đọc sách thiêng liêng… giống như các hoạt động nội thân của cơ thể để tiêu hoá được lương thực thiêng liêng. Thiếu chúng, người tín hữu khó lòng tiêu hoá được Thánh Thể trong mình.

Nhiều tín hữu tuy rước lễ thường xuyên, nhưng họ cũng ăn uống thêm nhiều loại lương thực tinh thần độc hại khác khiến Mình Máu Chúa không phát huy được nội lực. Họ đưa vào tâm trí mình những tư tưởng tiêu cực, những hình ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực qua các phim ảnh, sách báo, truyện trò, giống như người vừa ăn đồ bổ trộn lẫn với đồ thiu thối, vừa uống thuốc bổ pha lẫn thuốc độc, khiến Thánh Thể không thể tiêu tan được.

2.3 Cuối cùng là những người có ăn, có tiêu nhưng không chuyển hoá được Thánh Thể

Đây có lẽ là tình trạng chung của tín hữu Công giáo toàn cầu. Chúng ta biết đồ ăn sau khi được tiêu hoá thành chất đường, chất đạm, chất mỡ… cần phải được chuyển hoá nơi các cơ quan vận động thì mới thật sự ích lợi cho cơ thể. Các cơ bắp cần chất đường để vận động, chạy nhảy, đi đứng; các mô dự trữ cần chất béo; bộ não cần chất đạm để suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo… Nếu không chuyển hoá thành hoạt động thì càng ăn uống nhiều, cơ thể càng dư chất mỡ, chất đường và dẫn đến bệnh tật.

Nhiều tín hữu hầu như chưa chuyển hoá hay chuyển hoá được rất ít tình yêu, quyền năng và sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể trong đời sống thường ngày. Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhắc đến 5 hiệu quả của việc rước lễ. Đó là:

Tăng trưởng sự hiệp thông với Chúa Giêsu từ đó chúng ta có thể chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, loan báo Tin Mừng cứu độ như Người (số 1391-1392).

Ngăn ngừa chúng ta khỏi tội lỗi để tâm hồn chúng ta thật trong sáng đón nhận những kiến thức, mạc khải của Chúa (số 1393).

Xoá bỏ các tội nhẹ để tăng cường tình yêu và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng để phát huy những ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong việc phục vụ Dân Chúa (1394-1395).

Đòi buộc chúng ta dấn thân để phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu trong hoạt động bác ái xã hội (số 1397).

Hoạt động cho sự hợp nhất các Kitô hữu (số 1398). 

Lời kết

Hôm nay, sau khi tìm hiểu về gương sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy quyết tâm trở lại với BTTT như nguồn sinh lực cho mọi hoạt động của mình. Trong những giờ chầu Thánh Thể, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu cho chúng ta tìm ra những nguyên nhân nào đang ngăn trở chúng ta phát huy nội lực của bí tích này.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn thờ và yêu mến Chúa! Amen.