27/12/2024

Chúa Nhật 2 PS – B: Chúa Giêsu là Thiên Chúa

Lời tuyên xưng của thánh Tôma trong bài Tin Mừng (x. Ga 20,19-31) hôm nay: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” chạm đến điểm tột đỉnh của mầu nhiệm Giêsu: Người là Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa

Lời mở
Lời tuyên xưng của thánh Tôma trong bài Tin Mừng (x. Ga 20,19-31) hôm nay: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” chạm đến điểm tột đỉnh của mầu nhiệm Giêsu: Người là Thiên Chúa. Đứng trước đỉnh cao vô tận, vô biên này, con người cảm thấy choáng váng, hụt hẫng vì không biết phải bắt đầu từ đâu và sẽ dẫn tới đâu. Điều quả quyết Đức Giêsu là Thiên Chúa đã gây ra biết bao cuộc tranh luận trong nội bộ Giáo Hội cũng như với người ngoài Kitô giáo, có nhiều lúc người ta đã phải tránh né để khỏi làm thương tổn nhau. Tuy nhiên, đây cũng là một thách đố chính yếu và lớn nhất của đức tin Kitô giáo mà chúng ta cần phải suy tư và xác tín về chân l‎ý này.
Vì thế, chúng ta dành ít phút để tìm hiểu xem niềm tin Đức Giêsu là Thiên Chúa bắt nguồn từ đâu và ta phải thể hiện như thế nào trong cuộc sống.
1. Niềm tin này bắt nguồn từ đâu?
Niềm tin Đức Giêsu là Thiên Chúa bắt nguồn từ cuộc sống lại của Đức Giêsu vì cuộc sống lại này không phải chỉ là cuộc sáng tạo mới mà còn là việc tôn vinh: Thiên Chúa đã tôn vinh Người (x. Cv 3,13), đặt Người làm Chúa và làm Đức Kitô (x. Cv 2,36).
1.1. Đức Giêsu là Chúa. Ngay từ khi Chúa Giêsu sống với các môn đệ, họ đã gọi Người là “Chúa”. “Chúa” ở đây vừa có nghĩa là một người nắm quyền cao nhất trong một miền, một nước như chúng ta thường nói “Vua Lê, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn”, vừa có nghĩa là Đức Chúa, một vị ngang hàng với Thiên Chúa. “Anh em gọi Ta là Thầy, là Chúa, quả là đúng lắm vì Ta thật là như vậy” (Ga 13,13). Các môn đệ cũng đã hiểu Đức Giêsu là Thiên Chúa khi Người nói “Ta với Cha là một” (Ga 10,30). Nhưng họ chưa thể trình bày được rõ ràng niềm tin của mình. Họ tránh gọi Đức Giêsu là Thiên Chúa vì hai lý do sau đây.
Vào thời đó, những năm 30 trong thế kỷ thứ I, từ “Thiên Chúa” – tiếng Hy Lạp là Thêos, tiếng Latinh là Deus – đối với những tín hữu gốc Do Thái, chỉ dành cho một mình Đức Giavê vì Ngài là Thiên Chúa duy nhất (Đnl 5,7). Nếu gọi Đức Giêsu là Thiên Chúa, người ta sợ đồng hoá Đức Giêsu với Chúa Giavê, và như thế là phạm thượng, lộng ngôn. Còn đối với những tín hữu gốc lương dân, từ Thiên Chúa đồng nghĩa với thần linh vì người ta gọi Jupiter, Mars, Diana, Venus, là những thiên chúa, những thần linh. Khi gọi Đức Giêsu là Thiên Chúa theo kiểu đó, người ta sợ lại đồng hoá Người như một ngẫu tượng hay thần linh ngoại giáo. Vì thế, người ta tránh gọi Đức Giêsu là Thiên Chúa mà gọi là Đức Chúa (tiếng Latinh là Dominus) hay Chúa Giêsu.
1.2. Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đến khoảng năm 90, 95 của thế kỷ I mới có bản văn diễn tả niềm tin của thánh Tôma hôm nay. Khi thánh Tông đồ Gioan viết sách Tin Mừng, niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa đã rất rõ ràng, dù rằng ngay sau khi Chúa Giêsu sống lại, các tín hữu trong đời sống thường ngày cũng như trong phụng vụ đã coi Đức Giêsu ngang hàng với Chúa Giavê: họ tin vào Người, cầu khẩn Người, làm chứng cho Người và dám chết vì Người. Thánh Gioan ngay từ đoạn đầu Tin Mừng đã xác định rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Thánh Gioan kết thúc sách Tin Mừng của mình bằng câu tuyên xưng của thánh Tôma “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28) như xác định sự tiến triển trong việc diễn tả niềm tin Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học và Từ điển Bách khoa Việt Nam từ “Thiên Chúa” hay “Chúa Trời” có ý diễn tả một chủ thể tối cao, Đấng tạo ra vũ trụ vạn vật và làm chủ muôn loài. Theo định nghĩa Công giáo (x. Denzinger, số 3001) : “Ngài là nguồn của mọi hiện hữu. Ngài chi phối tất cả, quyết định tất cả. Người toàn năng, hằng hữu, khôn lường, khôn thấu, có trí tuệ, ý chí và mọi ưu phẩm vô biên, là bản thể tinh thần độc đáo, hoàn toàn đơn thuần, bất di bất dịch,..”. Theo các định nghĩa trên đây, Thiên Chúa của Kitô giáo cũng gần như là Đức Giavê của Do Thái giáo, Đức Brahman của Ấn Độ giáo, Đức Thánh Alah của Hồi Giáo, Ông Trời của Lão giáo, Đấng Cao Đài, Đấng Chí Tôn, Đấng Tối Cao của nhiều tôn giáo khác. Chỉ khác một điều Thiên Chúa trong Kitô giáo lại có 3 ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần có cùng 1 thiên tính duy nhất, và Ngôi Con chính là Ngôi Lời đã làm người để trở thành Đức Giêsu Kitô.
2. Nhưng  Đức Giêsu là Thiên Chúa như thế nào?
Năm thế kỷ đầu tiên người ta tranh luận về câu hòi này và nghĩ rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng dưới Chúa Cha một bậc vì Cha phải lớn hơn Con, Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng là Thiên Chúa nhỏ hơn chứ không trọn vẹn như Chúa Cha. Cuộc tranh cãi dai dẳng và quyết liệt dù rằng trong Tân Ước đã xác định Ngôi Cha và Ngôi Con chỉ là 1 Thiên Chúa duy nhất, có chung 1 sự sống (x. Ga 5,26), 1 vinh quang (x. Ga 17,5.24), chung 1 ngai duy nhất (x. Kh 23,3), chung mọi sự (x. Ga 17,10) và chỉ là một Thiên Chúa (x. Ga 10,30). Đến năm 325, Công đồng Nicea, mới xác định trong kinh Tin Kính: “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,… đồng bản thể với Đức Chúa Cha”, nghĩa là Người là Thiên Chúa bằng với Chúa Cha.
Năm 451, Công đồng Cancêđônia, còn phải xác định thêm Chúa Giêsu có thiên tính và nhân tính, hai bản tính ấy phối hợp với nhau mà “không trộn lẫn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt”. Nhiều tín hữu cho rằng thiên tính của Chúa Giêsu lớn lao, bao trùm hết con người của Người còn nhân tính nhỏ xíu giống như giọt mật tan loãng trong lòng đại dương. Những cuộc tranh cãi nội bộ xảy ra gay gắt đến nỗi nhiều vị giám mục bị đi đày, thậm chí phải chết vì niềm tin của mình. Vì thế, từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 20, Giáo Hội khuyên tín hữu đừng tranh cãi về thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu nữa. Chính vì không dám nói hay không dám viết về Đức Giêsu nên người ta không biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa như thế nào để cảm nghiệm được thiên tính mà Chúa Giêsu ban cho mỗi người. Chỉ đến rất gần đây 2007- 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI mới viết bộ sách Đức Giêsu Nazareth gồm 2 tập giúp ta xác định một cách rõ ràng về Đức Giêsu.
3. Thể hiện niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa trong cuộc sống
Như thế, niềm tin Đức Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta không đơn giản, không tự nhiên mà có, nhưng phải được tìm hiểu thêm mỗi ngày bằng l‎ý trí và phải được cảm nghiệm qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã thổi trên các môn đệ khi Người hiện ra với các ông. Từ đó các môn đệ mới cảm nghiệm được một sự sống kỳ diệu trong con người yếu đuối của mình như thánh Gioan nhắc nhở: “Để anh em nhờ tin mà được sự sống” (Ga 20,31).
Tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, là nguồn sống vĩnh hằng, nguồn chân thiện mỹ vô tận, nguồn hạnh phúc vô biên, nguồn năng lực tuyệt đối, các môn đệ mới cảm nghiệm được tình yêu, quyền năng, sự sống Người chia sẻ cho mình để hình thành nên phép lạ và những điều kỳ diệu trong đời sống của mình cũng như để chứng minh được Đức Giêsu là Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta chưa tin như thế, chưa cảm nghiệm được thiên tính kỳ diệu Người ban cho chúng ta thì làm sao chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu là Thiên Chúa được?
Tôi xin chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm: Ngày thứ Năm (12-4-2012) vừa rồi, một em sinh viên 22 tuổi đến xin tôi giúp đỡ, vì em cảm thấy có những tinh thần khác ở trong em. Chiều hôm đó cũng có hai người bị lao hạch xin tôi làm phép xức dầu. Tôi mời em sinh viên và mọi người vào trong nhà nguyện. Khi tôi xức dầu bệnh nhân, hai người kia bình thường, trong khi em la hét liên tục, tay đấm rất mạnh như muốn đánh tôi, lè lưỡi ra chế nhạo… Tôi cứ cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa, xin Chúa cứu chữa em này”. Khi xức dầu trừ tà, em còn làm mạnh hơn nữa, tay đấm liên tục, miệng la hét rất to, cuối cùng lại có những cử chỉ của một đứa con nít gọi “Ba Ba! Ma Ma!”. Sau khi làm các nghi thức xức dầu xong, em trở lại trạng thái bình thường như mọi người. Em kể với tôi, từ lúc 13 tuổi em đã bị 1 hồn người nhập vào, sau đó một gia đình người Campuchia gồm hai vợ chồng và đứa con nhỏ 2 tuổi cũng đã nhập vào em. Em giải thích cử chỉ đánh đấm là của người chồng, lè lưỡi chế nhạo là của người vợ và những tiếng la cuối cùng là của đứa con nhỏ.
Điều chia sẻ này chỉ muốn gợi ý với anh chị em rằng chúng ta là người bình thường, nhưng khi có tác động và quyền năng của Chúa Giêsu chúng ta được biến đổi thành kỳ diệu, phi thường, giống như các tông đồ và các tín hữu thời sơ khai mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc đầu tiên hôm nay (x. Cv 4,32-35 và Cv 2,43; 5,12-16). Chúng ta trở thành Thiên Chúa như Đức Giêsu vì được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, nguồn chân thiện mỹ vô tận. Tất cả là do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta và qua Đức Giêsu, Con của Người, ban cho chúng ta những điều ấy. Vì thế, ĐTC Gioan Phaolô II mới lập Chúa Nhật này là Chúa Nhật của Lòng Chúa Thương Xót qua những mạc khải của chị Faustina Kowalska vào năm 1931.
Lời kết
Hôm nay chúng ta muốn lặp lại lời tuyên xưng của thánh Tôma để nói với Chúa Giêsu bằng tất cả tình yêu của mình: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” vì cảm nghiệm được lòng thương xót của Cha Trên Trời đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta, ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Con của Ngài, và Chúa Thánh Thần để chúng ta trở thành con cái kỳ diệu của Thiên Chúa.